Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/01/2024

Điểm báo Pháp - Crimea và cầu Kerch

RFI tiếng Việt

Crimea và cầu Kerch : Mục tiêu chính trong cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine

Le Figaro ngày 31/01/2024 nhận thấy Ukraine coi Crimea là mục tiêu hàng đầu. Không xuyên thủng được phòng tuyến Nga ở Donbass, Kiev tập trung vào Hắc Hải, với mục tiêu phá hủy cầu Kerch để cắt đứt việc tiếp tế của quân Nga. Bên cạnh đó, giờ đây Ukraine không ngần ngại tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của

crimea1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và phó thủ tướng Marat Khusnullin (trái) thăm cầu Kerch nối Nga với Crimea, đã được sửa chữa sau vụ tấn công bằng xe tải gài bom. Ảnh chụp ngày 05/12/2022. AP - Mikhail Metzel

Nếu Ukraine có hỏa tiễn Taurus, cầu Kerch khó đứng vững

Nicolas II và Stalin đã mơ, nhưng chính Vladimir Putin đã xây dựng được chiếc cầu nối liền bán đảo đã chiếm được năm 2014 với nước Nga vĩ đại. Cầu Kerch 18 kilomet dài nhất Châu Âu, tốn kém 4 tỉ đô la, được 10.000 công nhân làm việc ngày đêm trong suốt ba năm để xây dựng. Do tài phiệt Nga Arkadi Rotenberg tài trợ, chiếc "cầu Putin" có giá trị chiến lược lẫn biểu tượng đối với tổng thống Nga, đã hai lần bị Ukraine tấn công. Nga tăng cường các công trình chống drone biển, nhưng tất cả chiến binh Ukraine đều mơ phá hủy cây cầu này.

Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, khẳng định vấn đề không phải là tấn công chiếc cầu hay không, mà là chừng nào. Le Figaro nhận thấy Kiev chưa đánh sập được "cầu Putin" do vừa thiếu phương tiện vừa bị áp lực chính trị. Các hỏa tiễn phương Tây chuyển giao cho Ukraine đến với mặt trận với dòng ghi chú cấm bắn sang lãnh thổ Nga. Chỉ những hỏa tiễn có tầm bắn 450 - 500 kilomet mới an toàn cho phi cơ làm nhiệm vụ oanh kích chiếc cầu, nhưng Anh và Pháp chỉ cung cấp phiên bản 250 kilomet.

Chuyên gia quân sự Roman Svitan nói một ngày nào đó cầu Kerch cũng sẽ bị đánh sập, nhưng Kiev có những mục tiêu khẩn cấp hơn là các cơ sở quân sự ở Crimea mà Nga dùng để oanh tạc Ukraine. Ông Zelensky hy vọng vào hỏa tiễn tầm xa Taurus của Đức chuyên phá công sự, nhưng Quốc hội Đức từ chối cung cấp. Một nguồn tin Ukraine nhận xét : "Việc cầu Kerch bị đánh sập hẳn sẽ dẫn đến giải phóng Crimea, nhưng quân đội Ukraine hiện chưa có phương tiện đối phó với đòn trả thù của Nga, và các đồng minh phương Tây không hề muốn gởi quân đến giúp".

Tuy luật quốc tế công nhận Crimea thuộc về Ukraine, nhưng một số nước ngần ngại, không muốn vũ khí của mình được dùng để nhắm vào "cầu Putin", không muốn vượt qua lằn ranh đỏ. Cho dù chính Vladimir Putin đã lường trước qua việc cho xây một xa lộ đi qua Mariupol để thay thế phần nào cầu Kerch. Suốt một thời gian dài, Crimea không được phương Tây nêu ra trong các cuộc đàm phán, không có trong thỏa thuận hòa bình Minsk. Những thành công của Ukraine tại Hắc Hải chứng tỏ cuộc chiến không hẳn trong ngõ cụt, nhưng hồi kế tiếp còn tùy thuộc vào Washington và Châu Âu.

Atesh, phong trào kháng chiến làm tai mắt cho Kiev

Một ngọn lửa nhỏ có thể đối đầu với đêm đen hay không ? Phong trào kháng chiến chống Nga Atesh (tiếng Tatar có nghĩa là "lửa") hiện có khoảng 1.800 thành viên hoạt động tại Crimea và những vùng bị chiếm đóng, thậm chí cả trên đất Nga. Một thành viên cho Le Figaro biết họ không thể dùng ứng dụng Signal vì sẽ bị nghi ngờ, chỉ sử dụng một phiên bản đặc biệt của Telegram hay Proton Mail. Người kháng chiến nào bị bắt sẽ lập tức bị tra tấn và lãnh án nhiều năm tù.

Atesh chuyên giám sát các hoạt động của Nga, chuyển những thông tin quan trọng cho quân đội Ukraine : vận chuyển lính và vũ khí, vị trí các kho hàng, trung tâm huấn luyện, sở chỉ huy… Theo thành viên nói trên, Atesh đã góp phần vào việc phá hủy tàu đổ bộ Minsk hôm 13/09/2023, oanh tạc sở chỉ huy Hạm đội Hắc Hải ngày 22/09/2023. Riêng trong vụ này, tin tức có được nhờ mua chuộc những sĩ quan Nga bất mãn vì không được phát lương. Tham vọng của Atesh là thâm nhập sâu vào bộ máy chiến tranh Nga, tranh thủ tâm lý chán ghét chiến tranh, lệnh động viên.

Ukraine không còn ngại tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Nga

Cũng về Ukraine, trên trang Ý kiến của Le Monde, hai giáo sư Damien Ernst và Corentin de Salle nhận định "Dầu lửa là cốt lõi của cuộc chiến". Kiev lâu nay tránh nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, nhưng dường như đã thay đổi chiến lược. Cuộc xâm lăng Ukraine đã làm đảo lộn lãnh vực năng lượng, phương Tây dần dà giảm hẳn sự lệ thuộc vào khí đốt Nga. Châu Âu hầu như không còn nhập nữa : từ 1.500 Terawatt Giờ (TWh) một năm, nay chỉ còn chưa đầy 250 TWh. Khí đốt Nga hầu hết được thay thế bằng khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ, dầu lửa Nga nay phải bán sang Ấn Độ, Trung Quốc.

Tuy về quân sự vẫn còn bất định, nhưng đã có kẻ được người mất vì cuộc chiến. Châu Âu thiệt thòi vì phải chi ra gấp đôi so với trước chiến tranh, Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng đứng đầu thế giới trong năm 2023, trên Qatar và Úc. Trong giai đoạn đầu, Nga thủ lợi vì giá tăng, nhưng từ 2024 giá năng lượng giảm xuống, Moskva chỉ tìm được những thị trường nhỏ bé để thay thế Châu Âu.

Cho tới nay, Ukraine ít nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Nga, tuy có các drone tác chiến rất hiệu quả. Kiev đã từng đánh vào cảng Novorossiysk của Nga trên Hắc Hải, nơi có cảng dầu Sheskharis giúp Moskva xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Sự kềm chế này, theo các tác giả, là do sợ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải trả giá cao cho năng lượng, ảnh hưởng đến tổng thống Mỹ trong thời kỳ bầu cử. Cách đây hai năm, những vụ tấn công như vậy sẽ làm tăng mạnh giá dầu. Nhưng nay kỹ nghệ dầu lửa đang có số dự trữ khổng lồ, bên cạnh đó nhiều nước đang gia tăng sản xuất. Một số quốc gia dầu lửa coi đây là dịp để tống khứ đối thủ cạnh tranh Nga.

Có lẽ vì vậy mà ngày 20/01 Ukraine đã cho drone đánh vào cảng dầu Ust-Luga. Một sự trùng hợp nữa là Hoa Kỳ đang mua dầu dự trữ chiến lược, Trung Quốc tăng 60% quota dầu nhập khẩu để lọc. Phải chăng các cường quốc chuẩn bị cho việc không còn dầu lửa Nga ? Chính sách đối ngoại của Moskva lệ thuộc nặng nề vào thu nhập từ dầu lửa. Thượng nghị sĩ John McCain từng mỉa mai "Nga là một trạm xăng tự coi mình là một quốc gia". Và khi giá dầu lao dốc, tương lai của Nga trở nên u ám. Nhưng việc Kiev có lợi dụng được cơ hội này hay không còn tùy thuộc vào thái độ của phương Tây trước cuộc khủng hoảng sắp trầm trọng thêm tại Nga.

Nghi vấn nhân viên UNRWA đồng lõa với Hamas

Liên quan đến Trung Đông, Le Figaro phân tích "Làm thế nào mà nhân viên Liên Hiệp Quốc lại có thể tham gia vào vụ khủng bố ngày 07/10/2023 ở Israel ?". Trận bão ập xuống Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (United Nations Relief and Works Agency-UNRWA) ngày càng dữ dội : đã có 12 nước ngưng tài trợ. Ngân sách hàng năm 1 tỉ đô la của tổ chức này có đến 95% là của phương Tây, chủ yếu là Châu Âu. Pháp thì muốn "chờ kết quả điều tra".

Tuy nhiên, mối nghi ngờ về tính trung lập của UNRWA đối với Hamas không có gì mới. Tổ chức độc lập UN Watch có trụ sở tại Genève thường xuyên tố cáo thái độ của những giáo viên của UNRWA : trên các mạng xã hội, họ hoan hô diệt chủng, cổ vũ hành quyết các con tin và gọi những tên khủng bố Hamas là "người hùng". Những chiếc thùng của cơ quan Liên Hiệp Quốc chứa đầy vũ khí cũng đã được tìm thấy tại một số nhà riêng ở bắc Gaza.

Các cáo buộc đã được đưa ra từ trước vụ thảm sát ngày 07/10. Năm 2022, UN Watch đã cảnh báo rằng 120 giáo viên UNRWA ở Gaza, Lebanon, Syria, Jordan vẫn ca ngợi các vụ khủng bố và Hitler. Từ nhiều năm qua, Hamas bị nghi ngờ là tham ô một phần viện trợ nhân đạo mà UNRWA nhận được và tích trữ vũ khí tại các trường học. Có đến 11 báo cáo đáng ngại của UN Watch trong mười năm qua về quan hệ nhập nhằng giữa UNRWA và Hamas. Hầu hết nhân viên của UNRWA là người Palestine, và 1/4 có liên hệ với phe khủng bố này.

Liên Hiệp Quốc đang lạc đường ?

Người đứng đầu, ông Philippe Lazzarini gọi đó là những "con chiên lạc". Nhưng Simone Rodan-Benzaquen, giám đốc Châu Âu của American Jewish Committee (AJC) khẳng định không phải là vài trường hợp cá biệt, mà là vấn đề mang tính cơ cấu và lý tưởng. Theo một nhà ngoại giao Pháp, UNRWA rao giảng rằng một ngày nào đó Palestine sẽ mở rộng "từ sông đến biển" và Nhà nước Do Thái sẽ diệt vong. Thay vì phục vụ cho "giải pháp hai Nhà nước" mà phương Tây cổ vũ, cơ quan này lại đổ dầu vào lửa.

Rodan-Benzaquen cho rằng, sự hiện diện của UNRWA "còn hơn cả một sự bất thường", khi phương Tây lại tài trợ cho một định chế nuôi dưỡng hận thù và kích thích xung đột. Vấn đề còn vượt ra khỏi cơ quan này, mà cả Liên Hiệp Quốc cũng bị chỉ trích bởi Israel và một số đồng minh phương Tây vốn đã tài trợ đến 75%. Theo ông, tổng thư ký Antonio Guterres đòi ngưng chiến ở Gaza dù có lợi cho phe khủng bố, bắt tay Sergey Lavrov, đại diện cho một chế độ tội phạm chiến tranh...

Chiến tranh kéo dài, quân đội Israel thiếu vũ khí

Cũng về cuộc chiến tranh ở Gaza, Les Echos cho biết quân đội Israel đang thiếu vũ khí, do những vụ oanh tạc dữ dội và chiến tranh kéo dài. Từ đầu cuộc chiến, quân đội Israel đã đánh vào ít nhất 30.000 mục tiêu, thả 29.000 quả bom. Hoa Kỳ đã tổ chức cầu không vận và hải vận để cung cấp 25.000 tấn vũ khí với 280 phi cơ và 40 tàu biển, tuy nhiên vẫn không đủ. Giữa tháng Giêng, thủ tướng Benjamin Netanyahou nhấn mạnh "Chúng tôi cần Hoa Kỳ về ba thứ : vũ khí, vũ khí, vũ khí". Ba tập đoàn quốc phòng lớn của Israel cũng được huy động cho Gaza, phải hoãn lại 1,5 tỉ đô la hợp đồng xuất khẩu. Những mặt trận mới có thể mở ra cũng là nguy cơ, vì kho vũ khí không phải là vô tận.

Người Anh thất vọng, bốn năm sau Brexit

Đúng bốn năm trước, ngày 31/01/2020 được gọi là "B-Day" (B tức Brexit), một "hừng đông mới" rạng lên trên vương quốc – theo từ ngữ của Boris Johnson – tương lai ngoài Liên Hiệp Châu Âu (EU) tỏ ra đầy hứa hẹn. Bốn năm trôi qua, bức tranh u ám hơn nhiều, và theo thăm dò thì dân Anh hối tiếc về chọn lựa lịch sử này. Le Figaro và Les Echos cho biết chỉ có 22% người dân Anh cho rằng nhìn chung việc ra khỏi EU có tác động tích cực, tỉ lệ này chỉ còn 12% nếu nói riêng về kinh tế. Chỉ 1/10 nghĩ rằng tình trạng tài chánh được cải thiện, 63% nhận định Brexit nuôi dưỡng lạm phát, làm vật giá tăng cao. Một số lãnh vực được cho là có lợi khi ra khỏi EU, như nhập cư, y tế nhưng thực tế lại vô cùng bất lợi : di dân tăng lên, hệ thống chăm sóc sức khỏe luôn là nỗi lo hàng đầu.

Buổi ra mắt của tân thủ tướng Pháp trước Hạ Viện

Bài diễn văn về chính sách chung của chính phủ được tân thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal đọc trước Hạ Viện hôm qua thu hút sự chú ý của tất cả nhật báo lớn hôm nay. Le Figaro chạy tít "Gabriel Attal, sau cái bóng của Emmanuel Macron" : Khi bênh vực thành quả của tổng thống năm 2017, Attal hoàn toàn đi theo đường hướng của nguyên thủ quốc gia Pháp. Libération cho rằng Attal rõ ràng thiên hữu. La Croix đưa tựa trang nhất "Phương pháp Attal" : Về việc làm, nhà ở, thuế khóa, thủ tướng kêu gọi "đáp ứng những quan ngại" của tầng lớp trung lưu. Les Echos nhấn mạnh trên trang đầu "Cởi trói cho nước Pháp" : Attal hứa hẹn một cú sốc đơn giản hóa thủ tục cho các lãnh vực nhà ở, dịch vụ công, doanh nghiệp vừa và nhỏ ; trong khi đó nông dân tiếp tục gây sức ép.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 183 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)