Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/01/2024

Viện trợ vũ khí cho Ukraine : Pháp có thể đóng góp nhiều hơn ?

RFI tiếng Việt

Ngày 16/01/2024, tổng thống Pháp Emmanuel thông báo giao thêm 40 tên lửa hành trình địa đối không Scalp và 500 quả bom dẫn đường AASM cho Ukraine. Hai ngày sau, ngày 18/01, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sebastien Lecornu chính thức ra mắt "liên minh pháo binh", nhằm tài trợ và cung cấp 78 khẩu đại bác Caesar cho Ukraine trong năm 2024. Liệu Paris có đủ phương tiện để thực hiện các cam kết vào lúc khả năng sản xuất vũ khí của Pháp thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của Ukraine ?

vientro1

Đại bác Caesar của Pháp được binh sĩ Ukraine sử dụng tại mặt trận miền đông Ukraine, ngày 15/06/2022. © ARIS MESSINIS/AFP

Những thông báo này được đưa ra vào lúc một báo cáo của Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp, được công bố ngày 17/01, kêu gọi nước Pháp tăng tốc càng nhanh càng tốt hậu thuẫn quân sự cho Ukraine. Chủ tịch ủy ban Cedric Perrin cùng với ba thượng nghị sĩ khác, sau chuyến thăm Kiev hồi cuối tháng 12/2023, đã lấy làm tiếc là hậu thuẫn của phương Tây dành cho Ukraine đã suy giảm mạnh.

Báo cáo của Thượng Viện Pháp nêu rõ : "Trợ giúp của phương Tây đang hụt hơi và tình hình ở Ukraine ngày càng trở nên phức tạp. Trong giai đoạn tháng 5 đến 12/2023, Nga vẫn chiếm ưu thế. Quân số Nga trên mặt trận dường như đã được tăng thêm 20% và số lượng xe tăng, khẩu đại pháo tăng 60%".

Bốn thượng nghị sĩ Pháp cảnh báo : "Nga rất có thể mở lại chiến dịch trên bộ quy mô lớn trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ. Một cuộc tấn công mới của Nga nhắm vào Kiev là không thể loại trừ trong trung hạn nếu nguồn hậu thuẫn của phương Tây bị thất bại".

Pháp : Nhà hảo tâm xếp thứ 15 ?

Theo số liệu chính thức, tính từ đầu cuộc xung đột, Paris đã giao cho Kiev nhiều trăm đơn vị, đủ loại vũ khí, từ đại bác Caesar, pháo kéo TRF1, hệ thống pháo phản lực đơn nòng (LRU), nhiều loại xe bọc thép, rồi còn có tên lửa hành trình không đối địa Scalp, các loại hệ thống phòng không SAMP/T và Crotal NG, hệ thống radar Ground Master 200, tên lửa Mistral, Milan và Akeron MP, cũng như drone trinh sát, nhiều thiết bị thăm dò phát hiện tấn công mạng hiệu quả…

Dù vậy, Pháp chỉ là nhà hảo tâm xếp thứ 15 về trợ giúp quân sự cho Kiev. Báo cáo mang tên Ukraine Support Tracker do Viện Kiel, một trung tâm nghiên cứu của Đức, công bố gần đây, cho thấy đến cuối tháng 10/2023, nguồn hậu thuẫn của Paris được ước tính ở mức 500 triệu euro, thua xa Mỹ (43, 9 tỷ), Đức (17,1 tỷ), Vương Quốc Anh (6,6 tỷ), Na Uy (3,6 tỷ) và Đan Mạch (3,5 tỷ). Pháp thậm chí còn bị Slovakia, Cộng hòa Séc và Litva qua mặt trong bảng tổng sắp.

Phương pháp thống kê này của Viện Kiel đã bị Pháp phản đối, cho là chỉ tính đến những cam kết đóng góp mà không xét đến thực tế đã giao. Bộ trưởng Quân Lực Pháp, khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh France Inter ngày 18/01, chỉ trích bảng xếp hạng này là không đáng tin cậy, khi "trộn lẫn bắp cải và cà rốt", và "chỉ dựa trên các tuyên bố".

Nhưng Paris cũng chưa bao giờ đưa ra được những con số thay thế khả tín, trang mạng Challenges lưu ý. Một báo cáo do Quốc Hội Pháp công bố hồi tháng 11/2023 đưa ra con số 3,2 tỷ euro viện trợ quân sự dành cho Ukraine, nhưng phương pháp thống kê này cũng có thể gây tranh cãi, nếu không muốn nói là mù mờ.

Bất kể ra sao, nguồn hậu thuẫn này của Pháp rõ ràng là chưa đủ. Báo cáo của các nghị sĩ đánh giá, "việc chuyển qua nền kinh tế chiến tranh, như yêu cầu, đã không diễn ra". Thượng nghị sĩ Cedric Perrin còn cho rằng cụm từ "kinh tế chiến tranh" mà tổng thống Macron sử dụng là không phù hợp. Trên kênh truyền hình Public Senat, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại và Quốc phòng Thượng Viện Pháp giải thích :

"Trong một nền kinh tế chiến tranh giống như trong nền kinh tế mà chúng ta không may đã trải qua sau Đệ Nhị Thế Chiến, ngân sách dành cho quốc phòng chiếm đến 28% của GDP. Tỷ lệ này là 5% trong những năm 1960 và hiện nay gần như chưa tới 2%. Đó là thời kỳ mà người ta trưng dụng vật tư, trưng dụng nhân lực và trưng dụng nhà xưởng.

Hiện chúng ta chưa rơi vào trong tình trạng đó. Một nền kinh tế chiến tranh nghĩa là phải có phương tiện để sản xuất nhanh hơn, sản xuất nhiều hơn. Nước Pháp hiện không trong tình trạng chiến tranh. Do vậy, theo tôi, khi nói chúng ta đang trong nền kinh tế chiến tranh, thì tuyên bố này chỉ mang tính chất truyền thông !"

Nòng pháo Caesar : Điểm hạn chế của Pháp ?

Liệu Pháp có khả năng tăng thêm mức viện trợ quân sự cho Kiev như thông báo ? Cũng trên đài France Inter, bộ trưởng Quân Lực Sebastien Lecornu nêu rõ chi tiết cách thức chi viện 78 khẩu đại bác Caesar cho Ukraine trong khuôn khổ "liên minh pháo binh" : Sáu khẩu đầu tiên do Ukraine chi trả sẽ được giao trong những tuần sắp tới, 12 khẩu tiếp theo là do Pháp tài trợ với tổng trị giá là 50 triệu euro và 60 chiếc còn lại sẽ do các nước khác đóng góp. Vậy những nước nào sẽ gánh vác phần còn lại đó ? Đây vẫn là một câu hỏi lớn.

Giới quan sát cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng thực hiện cam kết của Paris. Lãnh đạo bộ quốc phòng Pháp khẳng định, hãng Nexter có thể sản xuất 72 khẩu đại bác đó trong năm nay cho Ukraine. Theo phóng sự của kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, lãnh đạo Nexter cho biết hiện tại hãng này có thể cung cấp 6 khẩu đại bác mỗi tháng. Con số này sẽ tăng lên thành 8 trong năm 2024.

Mức tăng đó có được là nhờ vào những khoản đầu tư được dự trù trước khi có xung đột. Ông Stephane Ferandon, phụ trách bộ phận sản xuất nòng pháo của hãng ở vùng Bourges, cho biết, trong tương lai, những cỗ máy mới của Nexter còn có thể sản xuất các loại nòng đại bác dài 12 mét, calip 62 thay vì nòng 155 ly, dài 9 mét, calip 52 như hiện nay.

Tuy nhiên, trên làn sóng Sud Radio, Jean-Baptiste Noé tổng biên tập trang mạng Conflit, chuyên về địa chính trị, lưu ý thêm một chi tiết :

"Rắc rối của đại bác Caesar là ở nòng pháo. Loại đại bác này phải được sử dụng tương đối ít, nhưng trong cuộc chiến tranh này, chúng được sử dụng quá mức, điều đó có nghĩa là nòng pháo bị hao mòn rất nhanh. Vì vậy, chúng phải được thay thường xuyên, tốn nhiều tiền hơn, kim loại sử dụng để sản xuất cũng hiếm. Thế nên, rủi ro ở đây là dù có đại bác Caesar, nhưng nếu bị sử dụng quá nhiều, chúng sẽ trở nên không sử dụng được."

Pháo 155 ly : Cung không đáp ứng đủ cầu

Bên cạnh việc cung cấp đại bác, Pháp cũng thông báo chi viện đạn 155 ly cho Ukraine. Trang mạng Challenges ngày 18/01/2024 nhắc lại một báo cáo khác của Thượng Viện công bố hồi tháng 11/2023 do hai thượng nghị sĩ Hugues Saury và Hélène Conway-Mouret đồng ký tên, từng nhận định trong năm 2024, việc cung cấp đạn pháo 155 ly do Pháp sản xuất phải đạt mức 20 ngàn quả.

Nhưng sản lượng này chỉ đủ để Ukraine tiêu thụ trong vòng từ 3-4 ngày chiến sự. Trong báo cáo mới nhất của bốn thượng nghị sĩ Pháp, mỗi ngày Ukraine sử dụng từ 5-8 ngàn quả đạn pháo, phía Nga là từ 10-15 ngàn. Ngay cả khi Pháp có tăng sản lượng từ 2.000 quả đạn pháo lên thành 3.000 mỗi ngày như thông báo của bộ trưởng Quân Lực Pháp, thì con số này chỉ tương ứng với hai ngày chiến sự bên phía Nga.

Giải thích với kênh truyền hình France 24, Anthony Cesbron, phó giám đốc nhà máy Forges de Tarbes, xưởng vũ khí duy nhất nằm ở tây nam nước Pháp có thể sản xuất loại pháo đại bác 155 ly, cho biết hãng có kế hoạch tăng gấp ba sản lượng, đi từ 55 ngàn quả pháo trong năm 2024 lên thành 160 ngàn từ đây đến năm 2026. Nhưng điều này đòi hỏi phải gia tăng nhân sự.

"Một trong những khó khăn của chúng tôi là tuyển dụng được những người có trình độ. Chúng tôi không tìm được người và hầu hết các vị trí ở hãng chúng tôi, quá trình đào tạo kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Điều này có nghĩa là chúng tôi buộc phải có kế hoạch trước."

Xung đột ở Ukraine đã làm lộ rõ những điểm yếu của phương Tây về sản xuất vũ khí đạn dược. Chiến tranh lạnh kết thúc, bức tường Berlin sụp đổ, cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Pháp giảm mạnh nhịp độ hoạt động. Giờ mục tiêu đặt ra là nâng cao trở lại nguồn dự trữ và khuyến khích các ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn.

Nhưng mong mỏi này không thể thực hiện trong một sớm một chiều, theo như giải thích của Renaud Bellais, đồng giám đốc Đài Quan sát Quốc phòng ORION với kênh truyền hình France 24 :

"Chúng ta gần với sản xuất thủ công hơn là đại trà. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ở họ có cảm giác rằng tất cả mọi thứ đều có thể là tức thì. Người ta có thể được cung cấp hàng hóa một cách cực kỳ nhanh chóng. Thế giới kỹ thuật số là một thế giới của tốc độ, nhưng họ cũng chợt nhận ra rằng trong thế giới cụ thể, việc chế tạo một cỗ máy đòi hỏi nhiều thời gian. Bất kỳ hoạt động công nghiệp nào đều phải được chuẩn bị, ngay cả khi chúng ta tăng mức sản xuất xe ô tô trong lĩnh vực dân dụng hay nơi khác thì cũng phải lên kế hoạch cho nhiều năm."

Điểm yếu nhưng cũng là thế mạnh của Pháp

Trước nhu cầu lớn từ phía Ukraine, trước sự cấp thiết tái lập lại kho dự trữ của quân đội Pháp và trước những hạn chế của ngành công nghiệp quốc phòng hiện nay, báo cáo của các thượng nghị sĩ đề nghị Pháp "tăng tốc sản xuất vũ khí tại Ukraine cùng với doanh nghiệp Pháp", như trường hợp nòng đại bác Caesar chẳng hạn.

Nhu cầu của Ukraine là rất rõ ràng : Từ đại bác Caesar, cùng với đạn pháo và các loại nòng pháo thay thế, pháo 155 ly, tên lửa hành trình Scalp, vốn đã chứng tỏ tính hiệu quả khi phá hủy tầu ngầm, tầu chiến và tầu đổ bộ của Nga tại bán đảo Crimée, cho đến các loại bom dẫn đường AASM Hammer, hệ thống phòng không SAMP/T và Crotale và tên lửa tầm ngắn Mistral…

Tuy nhiên, các báo cáo viên lại không đề cập đến tiêm kích Mirage 2000 của Pháp. Loại chiến đấu cơ, phiên bản Mirage 2000D (dành để yểm trợ tấn công trên bộ), do hãng Dassault sản xuất, đã được lãnh đạo không quân Ukraine Mykola Oleshchuk ngày 14/01 nhắc đến trên mạng Telegram. "Nếu có thể, năng lực oanh tạc cơ Su-24M cũng nên được tăng cường bằng Mirage 2000D và máy bay tấn công Su-25 bằng chiếc A-10 Thunderbolt II (Thần sấm II của Mỹ)."

Cuộc đua sản xuất vũ khí đã được khởi động. Mục tiêu là làm sao đáp ứng cùng lúc nhu cầu to lớn của Ukraine và nhu cầu thiết yếu cho quân đội Pháp. Nếu chiến tranh Ukraine đã phơi bày những hạn chế công nghiệp quốc phòng phương Tây nói chung và Pháp nói riêng, thì điều an ủi là, cuộc xung đột này khẳng định rõ tầm nhìn đúng đắn của Pháp từ nhiều thập niên qua : Quyết tâm duy trì thế mạnh công nghiệp bất chấp chiến tranh lạnh kết thúc.

Điều này giải thích vì sao Pháp vẫn có thể đáp ứng mức cầu tăng, dù là hạn chế, theo như nhận xét của Renaud Bellais với France 24 : "Tại Pháp, chúng ta vẫn có khái niệm về tự chủ chiến lược. Quả thật, chúng ta cố gắng có toàn bộ mọi lĩnh vực. Vì vậy, chúng ta đã chọn giữ lại hầu hết các năng lực bởi vì chúng ta muốn có thể tự mình phát triển chúng, sản xuất chúng tại Pháp và đôi khi với các đối tác. Và vì vậy, chúng ta đã chọn giảm toàn bộ các hoạt động sản xuất xuống mức tối thiểu thay vì hy sinh các ngành sản xuất này."

(Theo Challenges, France 24, Sud Radio, France Inter)

Minh Anh tóm lược

Nguồn : RFI, 25/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Challenges, France 24, Sud Radio, France Inter, RFI,
Read 243 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)