Crimea, chiếc bẫy tử thần cho quân Nga
The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đã đánh bại Nga". Le Nouvel Obs cho rằng "Hy vọng đã trở lại" với Kiev. Gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden bắt đầu có tác động tốt, và nhiều nước phương Tây ít nhiều đã dỡ bỏ giới hạn trong việc dùng vũ khí viện trợ.
Ảnh tư liệu từ video đăng trên kênh Telegram của thống đốc Sevastopol, Mikhail Razvozhaev ngày 29/04/2023 cho thấy một bồn nhiên liệu bốc cháy vì Ukraine oanh kích. Kiev đã có hỏa tiễn tầm xa, quân Nga ở Crimea chịu sức ép ngày càng lớn. AP
Cực hữu đe dọa cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, chiến tranh ở Ukraine và Gaza, kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ Normandie là những vấn đề chính trên các tuần báo kỳ này.
Le Point đăng ảnh tổng thống Nga với dòng tít "Chương trình của ông ta cho Châu Âu : Chiến tranh, can thiệp, gây bất ổn". Trang bìa L'Express mang nền xanh màu cờ Châu Âu với những ngôi sao và những mũi tên chi chít cắm vào, nêu ra "Trung Quốc, Nga, Azerbaijan... Châu Âu bị vây hãm". Cũng dùng lá cờ Châu Âu là nền cho trang nhất, Courrier International chạy tít "Cực hữu xâm chiếm Châu Âu". Ảnh trang nhất Le Nouvel Obs có hình năm thủ lãnh cực hữu ở châu lục, nhấn mạnh đến "Mối đe dọa từ bên trong".
Được cởi trói, hy vọng đã quay lại với Kiev
Liên quan đến Ukraine, cho rằng "Hy vọng đã trở lại". Nhiều nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ đã cho phép Kiev oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Nga bằng vũ khí do họ cung cấp. Đây có thể là thay đổi mang tính quyết định trong cuộc chiến.
Nhiều chiến lược gia đã chỉ trích họ trói tay người Ukraine, và rốt cuộc mười mấy quốc gia đã dỡ bỏ toàn bộ hay một phần những hạn chế. Hà Lan còn thông báo 24 chiếc F-16 được hứa chuyển giao có thể dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đó là do quân Nga đã chiếm được 180 kilomet vuông của Kharkiv. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), khi đặt ra những giới hạn, Mỹ đã tạo ra một vùng cấm ở đó Nga tha hồ tập hợp đội quân xâm lăng, phóng đi những quả bom lượn và hỏa tiễn để yểm trợ cho đợt tấn công mới.
Các nhà phân tích so sánh với tình hình Crimea. Khi sử dụng hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 kilomet, Ukraine có thể tấn công tất cả mục tiêu Nga tại bán đảo bị chiếm đóng năm 2014. Được nhìn nhận là lãnh thổ Ukraine, Crimea không bị Washington hạn chế, và các hoạt động của Kiev hiện nay nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên. Vấn đề quan trọng đến nỗi Vladimir Putin đầu tư phương tiện khổng lồ để giữ bằng được Crimea, được coi là một hàng không mẫu hạm trên đất liền.
Áp lực mới khiến bán đảo này đang là thế mạnh bỗng trở thành điểm yếu, giúp Ukraine một ngày nào đó có thể thương lượng với thế thượng phong. Hạm đội Hắc Hải chưa chi đã phải rút khỏi cảng Sevastopol, thu mình lại ở Novorossiisk. Theo tướng Ben Hodges, nhờ tin tức vệ tinh do NATO cung cấp cũng như người Ukraine nắm rõ địa hình, không có chuyển động nào ở Crimea mà Kiev không hay biết. Tướng Hodges cho rằng khi thời cơ đến, Ukraine có thể phá hủy cầu Kerch, trục quan trọng nối bán đảo với lãnh thổ Nga.
Crimea trở thành chiếc bẫy tử thần cho Moskva
The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đánh bại Nga", và bán đảo đã trở thành một chiếc bẫy tử thần cho lực lượng của Kremlin. Rốt cuộc đã có tin vui từ Ukraine, gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden sau sáu tháng bị Quốc hội cản trở, có tác động tốt.
Hai tuần qua đợt tấn công của Nga vào Kharkiv đã bị mất đà, và Ukraine "đang biến Crimea thành nơi quân Nga không thể trú ngụ". Đây là phần thưởng lớn cho Kiev. Lâu nay các cơ sở hậu cần, căn cứ không quân và hải quân Nga ở Sevastopol vẫn được dùng để khống chế miền nam Ukraine, phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc, liên tục đưa quân và vũ khí tấn công. Tất cả nay đang bị Kiev đe dọa.
Một cuộc đổ bộ theo kiểu D-Day của Đồng minh thời trước để giải phóng Crimea hiện khó thể nghĩ đến. Nhưng theo Sir Lawrence Freedman, chiến lược gia Anh, điều quan trọng là Crimea nay trở thành nhược điểm của Nga vì có quá nhiều thứ phải bảo vệ. Nico Lange, cựu cố vấn bộ quốc phòng Đức cũng cho rằng chiến lược của Kiev vừa quân sự vừa chính trị, và đang bóp nghẹt hậu cần Nga.
Quân Nga "không còn chỗ nào để trốn" trên bán đảo
Ukraine đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và Scalp do Anh, Pháp chi viện ; cũng như các drone biển tự chế một cách thông minh để đánh vào chiến hạm Nga. Đặc biệt là các tàu đổ bộ Ropucha được dùng để chở quân hầu hết đã bị phá hủy. Các drone và hỏa tiễn Ukraine đã loại ra khỏi vòng chiến phân nửa Hạm đội Hắc Hải. Số còn lại lùi về cảng Novorossiysk cách đó 300 kilomet hôm 17/05 cũng bị drone hải chiến tấn công, tiêu hủy một ga xe lửa, một nhà máy điện và một căn cứ hải quân bị thiệt hại.
Nhưng nay Ukraine còn phối hợp các drone tân tiến để đánh vào phòng không Nga. Những vụ tấn công vào các căn cứ không quân Djankoi rồi Belbek ở Crimea đã làm thiệt hại nhiều trực thăng, hệ thống S-400, trung tâm kiểm soát, radar và bốn phi cơ. Mười hỏa tiễn mỗi quả chứa 300 quả bom nhỏ bị phá hủy gây ra những vụ hỏa hoạn khổng lồ. The Economist cho rằng số hỏa tiễn ATACMS mà Kiev sở hữu nhiều hơn là 100 giàn đã nhận, S-400 trị giá 200 triệu đô la vốn được khoe khoang tỏ ra kém hiệu quả.
Ông Lange khẳng định Kiev sử dụng drone để dụ Nga bộc lộ vị trí radar, rồi chuyển lập tức cho ê-kíp ATACMS, chỉ 6 phút sau là bị diệt. Theo tướng Hodges, quân Nga "không có chỗ nào để trốn", mỗi mét vuông ở Crimea đều trong tầm ngắm của Ukraine. Trắc nghiệm đầu tiên cho thành công của Ukraine tại Crimea có thể được thấy vào mùa hè này, khi người Nga có thói quen theo đường cầu Kerch sang nghỉ mát. Ben Barry, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định nếu du khách không sang nữa, sẽ là dấu hiệu xấu cho Putin. Crimea lệ thuộc rất nhiều vào kỹ nghệ du lịch, nhưng năm ngoái số đặt phòng đã giảm mất phân nửa. "Crimea từ một địa điểm sang trọng đã biến thành nơi rút rỉa nguồn lực Nga".
Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Pháp : Bước ngoặt chất lượng cho Ukraine
L'Express phân tích về tác động của việc Paris cung cấp chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Kiev. Mười tháng sau khi Hà Lan và Đan Mạch quyết định tặng F-16 cho Ukraine, đến lượt Pháp bước qua một ngưỡng mới. Đối với quân đội Ukraine, đây là một bước nhảy vọt về chất lượng. Tướng Jérôme Pellistrandi giải thích, Mirage 2000-5 lợi hại hơn nhiều so với những chiếc Mig 29n đang được Ukraine sử dụng.
Đây là phiên bản cải tiến của Mirage 2000 dành cho không chiến, mục tiêu chính là chiến đấu cơ và hỏa tiễn địch. Hiện có 30 chiếc vẫn đang được quân đội Pháp sử dụng, trong đó bốn chiếc đã triển khai sang Litva để làm nhiệm vụ cảnh sát trên không, và đã ngăn chặn ít nhất 5 phi cơ Nga vào cuối tháng 2. Để không bị giảm quá nhiều năng lực, Paris cố gắng thuyết phục các nước khác như Hy Lạp, Ấn Độ, Brazil tham gia. Chuyên gia hàng không Xavier Tytelman cho biết để có hiệu quả cần phải đưa sang ít nhất 12 chiếc, và lý tưởng nhất là 30 đến 40 chiếc Mirage 2000-5 ; cộng với khoảng 85 chiếc F-16 do các nước Châu Âu khác viện trợ.
Vào lúc Moskva gia tăng không kích Ukraine, Mirage 2000-5 sẽ là hỗ trợ quý giá để bảo vệ bầu trời. Trong số vũ khí mang theo có hỏa tiễn không đối không Mica có tầm bắn 60 đến 80 kilomet. Tướng Pellistrandi cho biết, Mirage 2000-5 không được chế tạo để thả bom mà để tiêu diệt phi cơ địch. Như vậy các chiến đấu cơ này sẽ ngăn phi cơ Nga xâm nhập không phận Ukraine và chận các hỏa tiễn bắn đi từ lãnh thổ Nga, làm giảm mối đe dọa trên bầu trời các thành phố Ukraine.
Các chế độ độc tài tấn công Châu Âu từ mọi phía
Đã bị ảnh hưởng từ chiến tranh Ukraine, Châu Âu dân chủ còn bị các chế độ độc tài Nga, Trung Quốc, Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan… lũng đoạn trong một cuộc chiến không tuyên bố. L’Express dành hẳn hồ sơ gồm 7 trang cho vấn đề này. Bà Nathalie Loiseau, chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng của Nghị Viện Châu Âu nói rằng từ lâu vẫn ghi chép đầy đủ những vụ can thiệp từ tung tin giả đến phá hoại, nhưng nay danh sách này quá dài, không thể đếm xuể.
Có thể tạm kể : Bốn ngàn vụ báo động bom giả gây sợ hãi trong các trường học ở Litva. Một vụ hỏa hoạn bí ẩn thiêu rụi một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Ba Lan. Một tàu chở container khiến một ống dẫn dầu nối Estonia với Phần Lan không còn hoạt động được. Tại Strasbourg, một dân biểu Châu Âu của Latvia giữ liên lạc với FSB, trong khi ở Paris, ba kẻ ngay giữa ban ngày đặt năm chiếc hòm dưới chân tháp Eiffel với băng-rôn "Lính Pháp ở Ukraine"…
Còn thời điểm nào thích hợp hơn là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Từ ngày 6 đến 9/6, 360 triệu cử tri sẽ chọn lựa 720 dân biểu Châu Âu. Từ Vilnius tới Paris, các cơ quan tình báo đều căng thẳng, lo ngại những vụ phá rối lớn. Người ta còn nhớ cuộc bầu cử Slovakia cuối 2023. Ngay trước khi các phòng phiếu mở cửa, trên mạng xã hội xuất hiện một video giả trong đó ứng cử viên cánh trung Michal Simecka "tiết lộ" đã dùng thủ thuật để thắng cử. Lúc đó báo chí không còn được đăng tin về bầu cử nên không thể đính chính, hậu quả là hôm sau Robert Fico, nhân vật thân Nga đắc cử.
"Lá chắn dân chủ" cho châu lục ?
Từ khi Nga xâm lăng Ukraine, các vụ can thiệp ngày càng quy mô và tinh tế hơn. Việc đóng cửa các cơ quan tuyên truyền RT (Russia Today) và Sputnik của Moskva, cùng với việc trục xuất hàng trăm điệp viên Nga không mang lại kết quả mong muốn. Kremlin càng chế ra nhiều cách thức lũng đoạn. Trên Telegram, tình báo Nga nhắm vào các nhóm thảo luận để gieo rắc hoài nghi, chi tiền cho các trò phá hoại, trả bằng tiền ảo từ 20 đến 50.000 euro. Cơ quan chức năng các nước rất khó can thiệp vì thường là những người không tiền án tiền sự. Ở tầm Châu Âu, khó thể phối hợp 27 cơ quan tình báo khác nhau, trong đó không ít lỗ hổng.
Không chỉ phá rối chính trị xã hội, Nga, Trung Quốc… còn nhắm vào sức mạnh kinh tế của châu lục. Từ ăn cắp sở hữu trí tuệ cho đến kiểm soát những lãnh vực chiến lược, các chế độ độc tài này muốn chia rẽ, làm giảm năng lực sáng tạo để ngăn cản trở Châu Âu thành nhân tố kinh tế chính. Khác với các nước vùng Baltic đã có "fighting spirit" (tinh thần chiến đấu) tập thể, ý thức nơi EU còn quá kém. Tại Pháp, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu Jean-Noël Barrot vừa được bổ nhiệm đã kêu gọi thành lập "lá chắn dân chủ" cho châu lục. Muộn còn hơn không.
1001 cách phá rối của Putin
Le Point nhận định, làm yếu đi các quốc gia dân chủ, hơn bao giờ hết đang là ưu tiên của tổng thống Nga, và mọi phương cách đều được vận dụng. Trong vụ năm chiếc quan tài trước tháp Eiffel, ba người được trả vài trăm euro để làm việc này bị câu lưu, kẻ đứng sau được cho là một nhân vật thân cận với Kremlin. Giữa tháng 5, 35 vết bàn tay đỏ được sơn lên bức tường tưởng niệm vụ diệt chủng người Do Thái… Mỗi lần như vậy, các nhà điều tra nhanh chóng tìm ra những chiếc vòi bạch tuộc mang danh các quỹ, hiệp hội, doanh nhân Nga…
Pháp không phải là nước duy nhất bị nhắm đến. Các hoạt động ít tốn kém nhưng gây tiếng vang kiểu đó, được lặp lại khắp nơi tại châu lục : hỏa hoạn tại một nhà kho ngoại ô Luân Đôn, tại Đức một doanh nhân gốc Nga trả tiền cho những ai đi dán các sticker chế nhạo chính phủ. Ở Ba Lan, các áp-phích đả kích nông dân Ukraine xuất hiện đầy trên những nẻo đường các thành phố lớn… Hồi tháng 2, Le Point phát hiện các hoạt động của tổ chức Portal Kombat : tạo ra hàng mấy trăm trang web đăng tin giả bằng tiếng Pháp, Anh, Đức. Trước đó một start-up Nga là RRN tạo ra mấy chục trang web nhái theo những tờ báo chính thống Le Parisien, Le Point, Le Figaro với tin tức thất thiệt có lợi cho Nga.
Có vẻ Kremlin chi tiền như nước : chừng như mạng xã hội và internet vẫn chưa đủ, Nga lập ra những "cơ quan truyền thông" như Voice of Europe, và các bản sao RT tại nhiều nước Châu Âu. Moskva còn lũng đoạn trực tiếp chính trường. Cách đây vài ngày, cảnh sát Bỉ lục soát văn phòng nhiều dân biểu Châu Âu đã nhận những số tiền lớn để phổ biến các quan điểm của Vladimir Putin. Tại Cộng hòa Czech, phát hiện những món tiền mặt quan trọng nơi các ứng cử viên Châu Âu thân Nga…
Cơn ác mộng cực hữu ở Nghị Viện Châu Âu
Trong bối cảnh đó, mối lo các phe cực hữu chiếm ghế ở Nghị Viện Châu Âu càng gây thêm lo ngại. Le Nouvel Obs gọi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu là "một cuộc bỏ phiếu lịch sử". Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy từ Roma, Warzsawa cho tới Paris đang nở rộ, được bình thường hóa và bắt rễ lâu dài, là mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đánh giá đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ 40 năm qua.
Lần đầu tiên, Nghị Viện Châu Âu sẽ đón nhận các đại biểu những đảng cực hữu từ Pháp, Áo, Bỉ, Cộng Hòa Czech, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia… Theo các thăm dò, họ sẽ chiếm 1/4 số ghế trong Nghị Viện, một cơn ác mộng cho các đảng ủng hộ Châu Âu – Dân chủ Thiên chúa giáo, tự do, dân chủ xã hội, sinh thái hiện đang chiếm đa số ghế.
Đây là một bước ngoặt lịch sử, đối với định chế luôn có mục tiêu vượt qua những sự đối địch và dân tộc quá trớn đã làm mấy chục triệu người chết trong các cuộc chiến tranh thế kỷ 20. Cực hữu sẽ phá rối các dự án quan trọng của EU – hỗ trợ Ukraine, chuyển đổi sinh thái, bảo vệ nhân quyền, xây dựng quốc phòng chung Châu Âu… bằng cách bỏ phiếu chống. Nền dân chủ, tài sản chung sẽ bị lợi dụng. Vì sao cực hữu phát triển ? Theo Le Nouvel Obs, các phe này luôn khai thác nạn bài ngoại, và xu hướng chống nhập cư càng khiến dân Châu Âu lo sợ khi số sinh đẻ Châu Phi đang rất cao.
Thời kỳ hậu chiến cởi mở đang khép lại, vào năm 1944 sau khi Đồng minh đổ bộ xuống Normandie và kéo dài đến 1989 với sự sụp đổ của bức tường Berlin. Rất nhiều thành tựu đã đạt được : 72% người Châu Âu cho rằng đất nước mình hưởng lợi qua việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tự do, giá trị lớn từ 80 năm qua đang bị các chính phủ ở Budapest hay mới đây là Bratislava phá hoại. Bức màn sắt đã thô bạo rơi xuống Ukraine, nơi cả một dân tộc đang chiến đấu với hy vọng tham gia Châu Âu dân chủ.
Thụy My
Crimea và cầu Kerch : Mục tiêu chính trong cuộc chiến tiêu hao ở Ukraine
Le Figaro ngày 31/01/2024 nhận thấy Ukraine coi Crimea là mục tiêu hàng đầu. Không xuyên thủng được phòng tuyến Nga ở Donbass, Kiev tập trung vào Hắc Hải, với mục tiêu phá hủy cầu Kerch để cắt đứt việc tiếp tế của quân Nga. Bên cạnh đó, giờ đây Ukraine không ngần ngại tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của
Tổng thống Nga Vladimir Putin và phó thủ tướng Marat Khusnullin (trái) thăm cầu Kerch nối Nga với Crimea, đã được sửa chữa sau vụ tấn công bằng xe tải gài bom. Ảnh chụp ngày 05/12/2022. AP - Mikhail Metzel
Nếu Ukraine có hỏa tiễn Taurus, cầu Kerch khó đứng vững
Nicolas II và Stalin đã mơ, nhưng chính Vladimir Putin đã xây dựng được chiếc cầu nối liền bán đảo đã chiếm được năm 2014 với nước Nga vĩ đại. Cầu Kerch 18 kilomet dài nhất Châu Âu, tốn kém 4 tỉ đô la, được 10.000 công nhân làm việc ngày đêm trong suốt ba năm để xây dựng. Do tài phiệt Nga Arkadi Rotenberg tài trợ, chiếc "cầu Putin" có giá trị chiến lược lẫn biểu tượng đối với tổng thống Nga, đã hai lần bị Ukraine tấn công. Nga tăng cường các công trình chống drone biển, nhưng tất cả chiến binh Ukraine đều mơ phá hủy cây cầu này.
Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo quân đội Ukraine, khẳng định vấn đề không phải là tấn công chiếc cầu hay không, mà là chừng nào. Le Figaro nhận thấy Kiev chưa đánh sập được "cầu Putin" do vừa thiếu phương tiện vừa bị áp lực chính trị. Các hỏa tiễn phương Tây chuyển giao cho Ukraine đến với mặt trận với dòng ghi chú cấm bắn sang lãnh thổ Nga. Chỉ những hỏa tiễn có tầm bắn 450 - 500 kilomet mới an toàn cho phi cơ làm nhiệm vụ oanh kích chiếc cầu, nhưng Anh và Pháp chỉ cung cấp phiên bản 250 kilomet.
Chuyên gia quân sự Roman Svitan nói một ngày nào đó cầu Kerch cũng sẽ bị đánh sập, nhưng Kiev có những mục tiêu khẩn cấp hơn là các cơ sở quân sự ở Crimea mà Nga dùng để oanh tạc Ukraine. Ông Zelensky hy vọng vào hỏa tiễn tầm xa Taurus của Đức chuyên phá công sự, nhưng Quốc hội Đức từ chối cung cấp. Một nguồn tin Ukraine nhận xét : "Việc cầu Kerch bị đánh sập hẳn sẽ dẫn đến giải phóng Crimea, nhưng quân đội Ukraine hiện chưa có phương tiện đối phó với đòn trả thù của Nga, và các đồng minh phương Tây không hề muốn gởi quân đến giúp".
Tuy luật quốc tế công nhận Crimea thuộc về Ukraine, nhưng một số nước ngần ngại, không muốn vũ khí của mình được dùng để nhắm vào "cầu Putin", không muốn vượt qua lằn ranh đỏ. Cho dù chính Vladimir Putin đã lường trước qua việc cho xây một xa lộ đi qua Mariupol để thay thế phần nào cầu Kerch. Suốt một thời gian dài, Crimea không được phương Tây nêu ra trong các cuộc đàm phán, không có trong thỏa thuận hòa bình Minsk. Những thành công của Ukraine tại Hắc Hải chứng tỏ cuộc chiến không hẳn trong ngõ cụt, nhưng hồi kế tiếp còn tùy thuộc vào Washington và Châu Âu.
Atesh, phong trào kháng chiến làm tai mắt cho Kiev
Một ngọn lửa nhỏ có thể đối đầu với đêm đen hay không ? Phong trào kháng chiến chống Nga Atesh (tiếng Tatar có nghĩa là "lửa") hiện có khoảng 1.800 thành viên hoạt động tại Crimea và những vùng bị chiếm đóng, thậm chí cả trên đất Nga. Một thành viên cho Le Figaro biết họ không thể dùng ứng dụng Signal vì sẽ bị nghi ngờ, chỉ sử dụng một phiên bản đặc biệt của Telegram hay Proton Mail. Người kháng chiến nào bị bắt sẽ lập tức bị tra tấn và lãnh án nhiều năm tù.
Atesh chuyên giám sát các hoạt động của Nga, chuyển những thông tin quan trọng cho quân đội Ukraine : vận chuyển lính và vũ khí, vị trí các kho hàng, trung tâm huấn luyện, sở chỉ huy… Theo thành viên nói trên, Atesh đã góp phần vào việc phá hủy tàu đổ bộ Minsk hôm 13/09/2023, oanh tạc sở chỉ huy Hạm đội Hắc Hải ngày 22/09/2023. Riêng trong vụ này, tin tức có được nhờ mua chuộc những sĩ quan Nga bất mãn vì không được phát lương. Tham vọng của Atesh là thâm nhập sâu vào bộ máy chiến tranh Nga, tranh thủ tâm lý chán ghét chiến tranh, lệnh động viên.
Ukraine không còn ngại tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng Nga
Cũng về Ukraine, trên trang Ý kiến của Le Monde, hai giáo sư Damien Ernst và Corentin de Salle nhận định "Dầu lửa là cốt lõi của cuộc chiến". Kiev lâu nay tránh nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga, nhưng dường như đã thay đổi chiến lược. Cuộc xâm lăng Ukraine đã làm đảo lộn lãnh vực năng lượng, phương Tây dần dà giảm hẳn sự lệ thuộc vào khí đốt Nga. Châu Âu hầu như không còn nhập nữa : từ 1.500 Terawatt Giờ (TWh) một năm, nay chỉ còn chưa đầy 250 TWh. Khí đốt Nga hầu hết được thay thế bằng khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ, dầu lửa Nga nay phải bán sang Ấn Độ, Trung Quốc.
Tuy về quân sự vẫn còn bất định, nhưng đã có kẻ được người mất vì cuộc chiến. Châu Âu thiệt thòi vì phải chi ra gấp đôi so với trước chiến tranh, Hoa Kỳ trở thành nước xuất khẩu khí hóa lỏng đứng đầu thế giới trong năm 2023, trên Qatar và Úc. Trong giai đoạn đầu, Nga thủ lợi vì giá tăng, nhưng từ 2024 giá năng lượng giảm xuống, Moskva chỉ tìm được những thị trường nhỏ bé để thay thế Châu Âu.
Cho tới nay, Ukraine ít nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Nga, tuy có các drone tác chiến rất hiệu quả. Kiev đã từng đánh vào cảng Novorossiysk của Nga trên Hắc Hải, nơi có cảng dầu Sheskharis giúp Moskva xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Sự kềm chế này, theo các tác giả, là do sợ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, phải trả giá cao cho năng lượng, ảnh hưởng đến tổng thống Mỹ trong thời kỳ bầu cử. Cách đây hai năm, những vụ tấn công như vậy sẽ làm tăng mạnh giá dầu. Nhưng nay kỹ nghệ dầu lửa đang có số dự trữ khổng lồ, bên cạnh đó nhiều nước đang gia tăng sản xuất. Một số quốc gia dầu lửa coi đây là dịp để tống khứ đối thủ cạnh tranh Nga.
Có lẽ vì vậy mà ngày 20/01 Ukraine đã cho drone đánh vào cảng dầu Ust-Luga. Một sự trùng hợp nữa là Hoa Kỳ đang mua dầu dự trữ chiến lược, Trung Quốc tăng 60% quota dầu nhập khẩu để lọc. Phải chăng các cường quốc chuẩn bị cho việc không còn dầu lửa Nga ? Chính sách đối ngoại của Moskva lệ thuộc nặng nề vào thu nhập từ dầu lửa. Thượng nghị sĩ John McCain từng mỉa mai "Nga là một trạm xăng tự coi mình là một quốc gia". Và khi giá dầu lao dốc, tương lai của Nga trở nên u ám. Nhưng việc Kiev có lợi dụng được cơ hội này hay không còn tùy thuộc vào thái độ của phương Tây trước cuộc khủng hoảng sắp trầm trọng thêm tại Nga.
Nghi vấn nhân viên UNRWA đồng lõa với Hamas
Liên quan đến Trung Đông, Le Figaro phân tích "Làm thế nào mà nhân viên Liên Hiệp Quốc lại có thể tham gia vào vụ khủng bố ngày 07/10/2023 ở Israel ?". Trận bão ập xuống Cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (United Nations Relief and Works Agency-UNRWA) ngày càng dữ dội : đã có 12 nước ngưng tài trợ. Ngân sách hàng năm 1 tỉ đô la của tổ chức này có đến 95% là của phương Tây, chủ yếu là Châu Âu. Pháp thì muốn "chờ kết quả điều tra".
Tuy nhiên, mối nghi ngờ về tính trung lập của UNRWA đối với Hamas không có gì mới. Tổ chức độc lập UN Watch có trụ sở tại Genève thường xuyên tố cáo thái độ của những giáo viên của UNRWA : trên các mạng xã hội, họ hoan hô diệt chủng, cổ vũ hành quyết các con tin và gọi những tên khủng bố Hamas là "người hùng". Những chiếc thùng của cơ quan Liên Hiệp Quốc chứa đầy vũ khí cũng đã được tìm thấy tại một số nhà riêng ở bắc Gaza.
Các cáo buộc đã được đưa ra từ trước vụ thảm sát ngày 07/10. Năm 2022, UN Watch đã cảnh báo rằng 120 giáo viên UNRWA ở Gaza, Lebanon, Syria, Jordan vẫn ca ngợi các vụ khủng bố và Hitler. Từ nhiều năm qua, Hamas bị nghi ngờ là tham ô một phần viện trợ nhân đạo mà UNRWA nhận được và tích trữ vũ khí tại các trường học. Có đến 11 báo cáo đáng ngại của UN Watch trong mười năm qua về quan hệ nhập nhằng giữa UNRWA và Hamas. Hầu hết nhân viên của UNRWA là người Palestine, và 1/4 có liên hệ với phe khủng bố này.
Liên Hiệp Quốc đang lạc đường ?
Người đứng đầu, ông Philippe Lazzarini gọi đó là những "con chiên lạc". Nhưng Simone Rodan-Benzaquen, giám đốc Châu Âu của American Jewish Committee (AJC) khẳng định không phải là vài trường hợp cá biệt, mà là vấn đề mang tính cơ cấu và lý tưởng. Theo một nhà ngoại giao Pháp, UNRWA rao giảng rằng một ngày nào đó Palestine sẽ mở rộng "từ sông đến biển" và Nhà nước Do Thái sẽ diệt vong. Thay vì phục vụ cho "giải pháp hai Nhà nước" mà phương Tây cổ vũ, cơ quan này lại đổ dầu vào lửa.
Rodan-Benzaquen cho rằng, sự hiện diện của UNRWA "còn hơn cả một sự bất thường", khi phương Tây lại tài trợ cho một định chế nuôi dưỡng hận thù và kích thích xung đột. Vấn đề còn vượt ra khỏi cơ quan này, mà cả Liên Hiệp Quốc cũng bị chỉ trích bởi Israel và một số đồng minh phương Tây vốn đã tài trợ đến 75%. Theo ông, tổng thư ký Antonio Guterres đòi ngưng chiến ở Gaza dù có lợi cho phe khủng bố, bắt tay Sergey Lavrov, đại diện cho một chế độ tội phạm chiến tranh...
Chiến tranh kéo dài, quân đội Israel thiếu vũ khí
Cũng về cuộc chiến tranh ở Gaza, Les Echos cho biết quân đội Israel đang thiếu vũ khí, do những vụ oanh tạc dữ dội và chiến tranh kéo dài. Từ đầu cuộc chiến, quân đội Israel đã đánh vào ít nhất 30.000 mục tiêu, thả 29.000 quả bom. Hoa Kỳ đã tổ chức cầu không vận và hải vận để cung cấp 25.000 tấn vũ khí với 280 phi cơ và 40 tàu biển, tuy nhiên vẫn không đủ. Giữa tháng Giêng, thủ tướng Benjamin Netanyahou nhấn mạnh "Chúng tôi cần Hoa Kỳ về ba thứ : vũ khí, vũ khí, vũ khí". Ba tập đoàn quốc phòng lớn của Israel cũng được huy động cho Gaza, phải hoãn lại 1,5 tỉ đô la hợp đồng xuất khẩu. Những mặt trận mới có thể mở ra cũng là nguy cơ, vì kho vũ khí không phải là vô tận.
Người Anh thất vọng, bốn năm sau Brexit
Đúng bốn năm trước, ngày 31/01/2020 được gọi là "B-Day" (B tức Brexit), một "hừng đông mới" rạng lên trên vương quốc – theo từ ngữ của Boris Johnson – tương lai ngoài Liên Hiệp Châu Âu (EU) tỏ ra đầy hứa hẹn. Bốn năm trôi qua, bức tranh u ám hơn nhiều, và theo thăm dò thì dân Anh hối tiếc về chọn lựa lịch sử này. Le Figaro và Les Echos cho biết chỉ có 22% người dân Anh cho rằng nhìn chung việc ra khỏi EU có tác động tích cực, tỉ lệ này chỉ còn 12% nếu nói riêng về kinh tế. Chỉ 1/10 nghĩ rằng tình trạng tài chánh được cải thiện, 63% nhận định Brexit nuôi dưỡng lạm phát, làm vật giá tăng cao. Một số lãnh vực được cho là có lợi khi ra khỏi EU, như nhập cư, y tế nhưng thực tế lại vô cùng bất lợi : di dân tăng lên, hệ thống chăm sóc sức khỏe luôn là nỗi lo hàng đầu.
Buổi ra mắt của tân thủ tướng Pháp trước Hạ Viện
Bài diễn văn về chính sách chung của chính phủ được tân thủ tướng trẻ tuổi Gabriel Attal đọc trước Hạ Viện hôm qua thu hút sự chú ý của tất cả nhật báo lớn hôm nay. Le Figaro chạy tít "Gabriel Attal, sau cái bóng của Emmanuel Macron" : Khi bênh vực thành quả của tổng thống năm 2017, Attal hoàn toàn đi theo đường hướng của nguyên thủ quốc gia Pháp. Libération cho rằng Attal rõ ràng thiên hữu. La Croix đưa tựa trang nhất "Phương pháp Attal" : Về việc làm, nhà ở, thuế khóa, thủ tướng kêu gọi "đáp ứng những quan ngại" của tầng lớp trung lưu. Les Echos nhấn mạnh trên trang đầu "Cởi trói cho nước Pháp" : Attal hứa hẹn một cú sốc đơn giản hóa thủ tục cho các lãnh vực nhà ở, dịch vụ công, doanh nghiệp vừa và nhỏ ; trong khi đó nông dân tiếp tục gây sức ép.
Thụy My