Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/06/2024

Điểm tuần báo Pháp - Crimea, chiếc bẫy tử thần cho quân Nga

RFI tiếng Việt

Crimea, chiếc bẫy tử thần cho quân Nga

The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đã đánh bại Nga". Le Nouvel Obs cho rằng "Hy vọng đã trở lại" với Kiev. Gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden bắt đầu có tác động tốt, và nhiều nước phương Tây ít nhiều đã dỡ bỏ giới hạn trong việc dùng vũ khí viện trợ.

crimea1

Ảnh tư liệu từ video đăng trên kênh Telegram của thống đốc Sevastopol, Mikhail Razvozhaev ngày 29/04/2023 cho thấy một bồn nhiên liệu bốc cháy vì Ukraine oanh kích. Kiev đã có hỏa tiễn tầm xa, quân Nga ở Crimea chịu sức ép ngày càng lớn. AP

Cực hữu đe dọa cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu, chiến tranh ở Ukraine và Gaza, kỷ niệm 80 năm Đồng minh đổ bộ Normandie là những vấn đề chính trên các tuần báo kỳ này.

Le Point đăng ảnh tổng thống Nga với dòng tít "Chương trình của ông ta cho Châu Âu : Chiến tranh, can thiệp, gây bất ổn". Trang bìa L'Express mang nền xanh màu cờ Châu Âu với những ngôi sao và những mũi tên chi chít cắm vào, nêu ra "Trung Quốc, Nga, Azerbaijan... Châu Âu bị vây hãm". Cũng dùng lá cờ Châu Âu là nền cho trang nhất, Courrier International chạy tít "Cực hữu xâm chiếm Châu Âu". Ảnh trang nhất Le Nouvel Obs có hình năm thủ lãnh cực hữu ở châu lục, nhấn mạnh đến "Mối đe dọa từ bên trong".

Được cởi trói, hy vọng đã quay lại với Kiev

Liên quan đến Ukraine,     cho rằng "Hy vọng đã trở lại". Nhiều nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ đã cho phép Kiev oanh kích các mục tiêu quân sự trên đất Nga bằng vũ khí do họ cung cấp. Đây có thể là thay đổi mang tính quyết định trong cuộc chiến.

Nhiều chiến lược gia đã chỉ trích họ trói tay người Ukraine, và rốt cuộc mười mấy quốc gia đã dỡ bỏ toàn bộ hay một phần những hạn chế. Hà Lan còn thông báo 24 chiếc F-16 được hứa chuyển giao có thể dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga. Đó là do quân Nga đã chiếm được 180 kilomet vuông của Kharkiv. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), khi đặt ra những giới hạn, Mỹ đã tạo ra một vùng cấm ở đó Nga tha hồ tập hợp đội quân xâm lăng, phóng đi những quả bom lượn và hỏa tiễn để yểm trợ cho đợt tấn công mới.

Các nhà phân tích so sánh với tình hình Crimea. Khi sử dụng hỏa tiễn đạn đạo ATACMS có tầm bắn 300 kilomet, Ukraine có thể tấn công tất cả mục tiêu Nga tại bán đảo bị chiếm đóng năm 2014. Được nhìn nhận là lãnh thổ Ukraine, Crimea không bị Washington hạn chế, và các hoạt động của Kiev hiện nay nhằm chuẩn bị cho việc tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên. Vấn đề quan trọng đến nỗi Vladimir Putin đầu tư phương tiện khổng lồ để giữ bằng được Crimea, được coi là một hàng không mẫu hạm trên đất liền.

Áp lực mới khiến bán đảo này đang là thế mạnh bỗng trở thành điểm yếu, giúp Ukraine một ngày nào đó có thể thương lượng với thế thượng phong. Hạm đội Hắc Hải chưa chi đã phải rút khỏi cảng Sevastopol, thu mình lại ở Novorossiisk. Theo tướng Ben Hodges, nhờ tin tức vệ tinh do NATO cung cấp cũng như người Ukraine nắm rõ địa hình, không có chuyển động nào ở Crimea mà Kiev không hay biết. Tướng Hodges cho rằng khi thời cơ đến, Ukraine có thể phá hủy cầu Kerch, trục quan trọng nối bán đảo với lãnh thổ Nga.

Crimea trở thành chiếc bẫy tử thần cho Moskva

The Economist khẳng định "Tại Crimea, Ukraine đánh bại Nga", và bán đảo đã trở thành một chiếc bẫy tử thần cho lực lượng của Kremlin. Rốt cuộc đã có tin vui từ Ukraine, gói viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden sau sáu tháng bị Quốc hội cản trở, có tác động tốt.

Hai tuần qua đợt tấn công của Nga vào Kharkiv đã bị mất đà, và Ukraine "đang biến Crimea thành nơi quân Nga không thể trú ngụ". Đây là phần thưởng lớn cho Kiev. Lâu nay các cơ sở hậu cần, căn cứ không quân và hải quân Nga ở Sevastopol vẫn được dùng để khống chế miền nam Ukraine, phong tỏa việc xuất khẩu ngũ cốc, liên tục đưa quân và vũ khí tấn công. Tất cả nay đang bị Kiev đe dọa.

Một cuộc đổ bộ theo kiểu D-Day của Đồng minh thời trước để giải phóng Crimea hiện khó thể nghĩ đến. Nhưng theo Sir Lawrence Freedman, chiến lược gia Anh, điều quan trọng là Crimea nay trở thành nhược điểm của Nga vì có quá nhiều thứ phải bảo vệ. Nico Lange, cựu cố vấn bộ quốc phòng Đức cũng cho rằng chiến lược của Kiev vừa quân sự vừa chính trị, và đang bóp nghẹt hậu cần Nga.

Quân Nga "không còn chỗ nào để trốn" trên bán đảo

Ukraine đã chứng tỏ sự hiệu nghiệm của hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và Scalp do Anh, Pháp chi viện ; cũng như các drone biển tự chế một cách thông minh để đánh vào chiến hạm Nga. Đặc biệt là các tàu đổ bộ Ropucha được dùng để chở quân hầu hết đã bị phá hủy. Các drone và hỏa tiễn Ukraine đã loại ra khỏi vòng chiến phân nửa Hạm đội Hắc Hải. Số còn lại lùi về cảng Novorossiysk cách đó 300 kilomet hôm 17/05 cũng bị drone hải chiến tấn công, tiêu hủy một ga xe lửa, một nhà máy điện và một căn cứ hải quân bị thiệt hại.

Nhưng nay Ukraine còn phối hợp các drone tân tiến để đánh vào phòng không Nga. Những vụ tấn công vào các căn cứ không quân Djankoi rồi Belbek ở Crimea đã làm thiệt hại nhiều trực thăng, hệ thống S-400, trung tâm kiểm soát, radar và bốn phi cơ. Mười hỏa tiễn mỗi quả chứa 300 quả bom nhỏ bị phá hủy gây ra những vụ hỏa hoạn khổng lồ. The Economist cho rằng số hỏa tiễn ATACMS mà Kiev sở hữu nhiều hơn là 100 giàn đã nhận, S-400 trị giá 200 triệu đô la vốn được khoe khoang tỏ ra kém hiệu quả.

Ông Lange khẳng định Kiev sử dụng drone để dụ Nga bộc lộ vị trí radar, rồi chuyển lập tức cho ê-kíp ATACMS, chỉ 6 phút sau là bị diệt. Theo tướng Hodges, quân Nga "không có chỗ nào để trốn", mỗi mét vuông ở Crimea đều trong tầm ngắm của Ukraine. Trắc nghiệm đầu tiên cho thành công của Ukraine tại Crimea có thể được thấy vào mùa hè này, khi người Nga có thói quen theo đường cầu Kerch sang nghỉ mát. Ben Barry, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định nếu du khách không sang nữa, sẽ là dấu hiệu xấu cho Putin. Crimea lệ thuộc rất nhiều vào kỹ nghệ du lịch, nhưng năm ngoái số đặt phòng đã giảm mất phân nửa. "Crimea từ một địa điểm sang trọng đã biến thành nơi rút rỉa nguồn lực Nga".

Chiến đấu cơ Mirage 2000-5 của Pháp : Bước ngoặt chất lượng cho Ukraine

L'Express phân tích về tác động của việc Paris cung cấp chiến đấu cơ Mirage 2000-5 cho Kiev. Mười tháng sau khi Hà Lan và Đan Mạch quyết định tặng F-16 cho Ukraine, đến lượt Pháp bước qua một ngưỡng mới.  Đối với quân đội Ukraine, đây là một bước nhảy vọt về chất lượng. Tướng Jérôme Pellistrandi giải thích, Mirage 2000-5 lợi hại hơn nhiều so với những chiếc Mig 29n đang được Ukraine sử dụng.

Đây là phiên bản cải tiến của Mirage 2000 dành cho không chiến, mục tiêu chính là chiến đấu cơ và hỏa tiễn địch. Hiện có 30 chiếc vẫn đang được quân đội Pháp sử dụng, trong đó bốn chiếc đã triển khai sang Litva để làm nhiệm vụ cảnh sát trên không, và đã ngăn chặn ít nhất 5 phi cơ Nga vào cuối tháng 2. Để không bị giảm quá nhiều năng lực, Paris cố gắng thuyết phục các nước khác như Hy Lạp, Ấn Độ, Brazil tham gia. Chuyên gia hàng không Xavier Tytelman cho biết để có hiệu quả cần phải đưa sang ít nhất 12 chiếc, và lý tưởng nhất là 30 đến 40 chiếc Mirage 2000-5 ; cộng với khoảng 85 chiếc F-16 do các nước Châu Âu khác viện trợ.

Vào lúc Moskva gia tăng không kích Ukraine, Mirage 2000-5 sẽ là hỗ trợ quý giá để bảo vệ bầu trời. Trong số vũ khí mang theo có hỏa tiễn không đối không Mica có tầm bắn 60 đến 80 kilomet. Tướng Pellistrandi cho biết, Mirage 2000-5 không được chế tạo để thả bom mà để tiêu diệt phi cơ địch. Như vậy các chiến đấu cơ này sẽ ngăn phi cơ Nga xâm nhập không phận Ukraine và chận các hỏa tiễn bắn đi từ lãnh thổ Nga, làm giảm mối đe dọa trên bầu trời các thành phố Ukraine.

Các chế độ độc tài tấn công Châu Âu từ mọi phía

Đã bị ảnh hưởng từ chiến tranh Ukraine, Châu Âu dân chủ còn bị các chế độ độc tài Nga, Trung Quốc, Iran, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan… lũng đoạn trong một cuộc chiến không tuyên bố. L’Express dành hẳn hồ sơ gồm 7 trang cho vấn đề này. Bà Nathalie Loiseau, chủ tịch ủy ban an ninh quốc phòng của Nghị Viện Châu Âu nói rằng từ lâu vẫn ghi chép đầy đủ những vụ can thiệp từ tung tin giả đến phá hoại, nhưng nay danh sách này quá dài, không thể đếm xuể.

Có thể tạm kể : Bốn ngàn vụ báo động bom giả gây sợ hãi trong các trường học ở Litva. Một vụ hỏa hoạn bí ẩn thiêu rụi một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Ba Lan. Một tàu chở container khiến một ống dẫn dầu nối Estonia với Phần Lan không còn hoạt động được. Tại Strasbourg, một dân biểu Châu Âu của Latvia giữ liên lạc với FSB, trong khi ở Paris, ba kẻ ngay giữa ban ngày đặt năm chiếc hòm dưới chân tháp Eiffel với băng-rôn "Lính Pháp ở Ukraine"…

Còn thời điểm nào thích hợp hơn là cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Từ ngày 6 đến 9/6, 360 triệu cử tri sẽ chọn lựa 720 dân biểu Châu Âu. Từ Vilnius tới Paris, các cơ quan tình báo đều căng thẳng, lo ngại những vụ phá rối lớn. Người ta còn nhớ cuộc bầu cử Slovakia cuối 2023. Ngay trước khi các phòng phiếu mở cửa, trên mạng xã hội xuất hiện một video giả trong đó ứng cử viên cánh trung Michal Simecka "tiết lộ" đã dùng thủ thuật để thắng cử. Lúc đó báo chí không còn được đăng tin về bầu cử nên không thể đính chính, hậu quả là hôm sau Robert Fico, nhân vật thân Nga đắc cử.

"Lá chắn dân chủ" cho châu lục ?

Từ khi Nga xâm lăng Ukraine, các vụ can thiệp ngày càng quy mô và tinh tế hơn. Việc đóng cửa các cơ quan tuyên truyền RT (Russia Today) và Sputnik của Moskva, cùng với việc trục xuất hàng trăm điệp viên Nga không mang lại kết quả mong muốn. Kremlin càng chế ra nhiều cách thức lũng đoạn. Trên Telegram, tình báo Nga nhắm vào các nhóm thảo luận để gieo rắc hoài nghi, chi tiền cho các trò phá hoại, trả bằng tiền ảo từ 20 đến 50.000 euro. Cơ quan chức năng các nước rất khó can thiệp vì thường là những người không tiền án tiền sự. Ở tầm Châu Âu, khó thể phối hợp 27 cơ quan tình báo khác nhau, trong đó không ít lỗ hổng.

Không chỉ phá rối chính trị xã hội, Nga, Trung Quốc… còn nhắm vào sức mạnh kinh tế của châu lục. Từ ăn cắp sở hữu trí tuệ cho đến kiểm soát những lãnh vực chiến lược, các chế độ độc tài này muốn chia rẽ, làm giảm năng lực sáng tạo để ngăn cản trở Châu Âu thành nhân tố kinh tế chính. Khác với các nước vùng Baltic đã có "fighting spirit" (tinh thần chiến đấu) tập thể, ý thức nơi EU còn quá kém. Tại Pháp, bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu Jean-Noël Barrot vừa được bổ nhiệm đã kêu gọi thành lập "lá chắn dân chủ" cho châu lục. Muộn còn hơn không.

1001 cách phá rối của Putin

Le Point nhận định, làm yếu đi các quốc gia dân chủ, hơn bao giờ hết đang là ưu tiên của tổng thống Nga, và mọi phương cách đều được vận dụng. Trong vụ năm chiếc quan tài trước tháp Eiffel, ba người được trả vài trăm euro để làm việc này bị câu lưu, kẻ đứng sau được cho là một nhân vật thân cận với Kremlin. Giữa tháng 5, 35 vết bàn tay đỏ được sơn lên bức tường tưởng niệm vụ diệt chủng người Do Thái… Mỗi lần như vậy, các nhà điều tra nhanh chóng tìm ra những chiếc vòi bạch tuộc mang danh các quỹ, hiệp hội, doanh nhân Nga…

Pháp không phải là nước duy nhất bị nhắm đến. Các hoạt động ít tốn kém nhưng gây tiếng vang kiểu đó, được lặp lại khắp nơi tại châu lục : hỏa hoạn tại một nhà kho ngoại ô Luân Đôn, tại Đức một doanh nhân gốc Nga trả tiền cho những ai đi dán các sticker chế nhạo chính phủ. Ở Ba Lan, các áp-phích đả kích nông dân Ukraine xuất hiện đầy trên những nẻo đường các thành phố lớn… Hồi tháng 2, Le Point phát hiện các hoạt động của tổ chức Portal Kombat : tạo ra hàng mấy trăm trang web đăng tin giả bằng tiếng Pháp, Anh, Đức. Trước đó một start-up Nga là RRN tạo ra mấy chục trang web nhái theo những tờ báo chính thống Le Parisien, Le Point, Le Figaro với tin tức thất thiệt có lợi cho Nga.

Có vẻ Kremlin chi tiền như nước : chừng như mạng xã hội và internet vẫn chưa đủ, Nga lập ra những "cơ quan truyền thông" như Voice of Europe, và các bản sao RT tại nhiều nước Châu Âu. Moskva còn lũng đoạn trực tiếp chính trường. Cách đây vài ngày, cảnh sát Bỉ lục soát văn phòng nhiều dân biểu Châu Âu đã nhận những số tiền lớn để phổ biến các quan điểm của Vladimir Putin. Tại Cộng hòa Czech, phát hiện những món tiền mặt quan trọng nơi các ứng cử viên Châu Âu thân Nga…

Cơn ác mộng cực hữu ở Nghị Viện Châu Âu

Trong bối cảnh đó, mối lo các phe cực hữu chiếm ghế ở Nghị Viện Châu Âu càng gây thêm lo ngại. Le Nouvel Obs gọi cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu là "một cuộc bỏ phiếu lịch sử". Các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy từ Roma, Warzsawa cho tới Paris đang nở rộ, được bình thường hóa và bắt rễ lâu dài, là mối nguy hiểm cho nền dân chủ. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đánh giá đây là cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ 40 năm qua.

Lần đầu tiên, Nghị Viện Châu Âu sẽ đón nhận các đại biểu những đảng cực hữu từ Pháp, Áo, Bỉ, Cộng Hòa Czech, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan, Slovakia… Theo các thăm dò, họ sẽ chiếm 1/4 số ghế trong Nghị Viện, một cơn ác mộng cho các đảng ủng hộ Châu Âu – Dân chủ Thiên chúa giáo, tự do, dân chủ xã hội, sinh thái hiện đang chiếm đa số ghế.

Đây là một bước ngoặt lịch sử, đối với định chế luôn có mục tiêu vượt qua những sự đối địch và dân tộc quá trớn đã làm mấy chục triệu người chết trong các cuộc chiến tranh thế kỷ 20. Cực hữu sẽ phá rối các dự án quan trọng của EU – hỗ trợ Ukraine, chuyển đổi sinh thái, bảo vệ nhân quyền, xây dựng quốc phòng chung Châu Âu… bằng cách bỏ phiếu chống. Nền dân chủ, tài sản chung sẽ bị lợi dụng. Vì sao cực hữu phát triển ? Theo Le Nouvel Obs, các phe này luôn khai thác nạn bài ngoại, và xu hướng chống nhập cư càng khiến dân Châu Âu lo sợ khi số sinh đẻ Châu Phi đang rất cao.

Thời kỳ hậu chiến cởi mở đang khép lại, vào năm 1944 sau khi Đồng minh đổ bộ xuống Normandie và kéo dài đến 1989 với sự sụp đổ của bức tường Berlin. Rất nhiều thành tựu đã đạt được : 72% người Châu Âu cho rằng đất nước mình hưởng lợi qua việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tự do, giá trị lớn từ 80 năm qua đang bị các chính phủ ở Budapest hay mới đây là Bratislava phá hoại. Bức màn sắt đã thô bạo rơi xuống Ukraine, nơi cả một dân tộc đang chiến đấu với hy vọng tham gia Châu Âu dân chủ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 219 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)