Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/02/2024

Điểm báo Pháp - Hắc Hải, Hồng Hải, Đông Hải

RFI tiếng Việt

Hắc Hải, Hồng Hải, Đông Hải : Phương Tây chuẩn bị cho chiến tranh trên biển

Le Figaro ngày 05/02/2024 có bài điều tra "Hải quân phương Tây chuẩn bị cho khả năng chiến tranh mở rộng ra trên biển". Cũng như trên không gian và mạng ảo, biển cả cũng là nơi tranh chấp khi các cường quốc xét lại muốn dùng vũ lực để thủ lợi. Một thế giới ngày càng bất ổn đang là nỗi âu lo của các nền dân chủ. 

bien1

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Dwight D. Eisenhower và các chiến hạm khác đi qua eo biển Hormuz vào Vịnh Ba Tư ngày 26/11/2023, trong bối cảnh chiến tranh giữa Israel và Hamas. AP - Information Technician Second Class Ruskin Naval

Tình trạng thảm hại của Hải quân Nga

Chiếc Đô đốc Kuznetsov được cho là sẽ lại ra biển trong năm nay. Hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga bắt đầu hoạt động trong thập niên 90, sẽ ra khỏi xưởng đóng tàu Murmansk. Nhưng trong tình trạng như thế nào ? Việc sửa chữa kéo dài suốt sáu năm, sau khi làm nhiệm vụ ở Syria. Chiếc tàu này trông thê thảm đến nỗi khi đi qua ngoài khơi Anh quốc, dưới sự quan sát của Hải quân Anh, bộ trưởng quốc phòng Anh mô tả một "con tàu đáng xấu hổ". Moskva bực tức trả đũa "Các chiến hạm của chúng tôi không cần được hộ tống". Mùa thu này, tàu ngầm Krasnodar cũng tái xuất, nhưng các nước Châu Âu nhận xét là Hải quân Nga đã kiệt quệ. Trên Hắc Hải, Nga bị Ukraine đánh bại dù không có Hải quân, nhờ hỏa tiễn và drone.

Tuy nhiên theo hạm trưởng Pháp Thibault Lavernhe, Hắc Hải mang tính đặc thù, không thể khái quát hóa cho mọi đại dương. "Các trận đánh thành công của Ukraine đều nhắm vào các tàu neo ở bến". Nếu chiến tranh nổ ra giữa các cường quốc, khả năng cao là sẽ ở ngoài khơi. Khi ra khỏi lãnh hải 12 hải lý, không còn chủ quyền quốc gia, không còn biên giới nên dễ xảy ra va chạm kể cả về pháp lý. Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh làm ngơ trước công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vơ vét tài nguyên, hà hiếp láng giềng. Về số lượng, hải quân Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ nhưng thiếu kinh nghiệm, nên đang luyện tập với các đối tác như Nga.

Kỷ nguyên thứ năm của hải chiến

Tất cả các nước nay đều tái vũ trang Hải quân. Thị trường tàu ngầm được dự báo sẽ tăng 50% trong thập niên tới, và hiện vẫn là mối đe dọa cho các hàng không mẫu hạm. Hải quân phương Tây không theo kịp thời đại, lâu nay chú trọng về sức bền thay vì vũ khí, riêng Pháp lâu nay vẫn làm nhiệm vụ chính trị là chính : bảo vệ chủ quyền, chống buôn lậu, sơ tán…T rên thực tế ở Hồng Hải, phiến quân Houthi chỉ cần dùng hỏa tiễn từ đất liền cũng có thể làm rối loạn lưu thông hàng hải. Mới đây lần đầu tiên chiến hạm Languedoc của Pháp đã dùng hỏa tiễn Aster để bắn chặn một drone của Houthi đang lao vào, gây tranh cãi vì chi phí lớn chỉ để hạ một drone giá 20.000 euro. Tuy nhiên tư lệnh Hải quân Pháp, đô đốc Vaujour biện minh : "Một chiến hạm trị giá 800.000 euro, một hàng không mẫu hạm 1 tỉ euro".

Thuyền trưởng Lavernhe nói về "kỷ nguyên thứ năm của hải chiến" : sau hỏa tiễn, nay là thời của "drone hóa" và tự động hóa vũ khí. Nhiều cuộc cách mạng đang diễn ra sẽ đảo lộn chiến tranh trên biển, trong đó có vệ tinh. Tháng 12/2023 Trung Quốc đã phóng vệ tinh địa tĩnh Yaogan 41 giúp giám sát liên tục Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Drone trên không, trên mặt đất và dưới biển giúp nắm rõ hơn không gian biển xung quanh chiến hạm. Pháp và Anh hợp tác trong chương trình Slam F, Hải quân Mỹ thử nghiệm "đặc nhiệm 59". Trên Hắc Hải, Ukraine dùng drone Mamai vận tốc 110 km/h, chiến hạm Nga Ivanovets có lẽ là nạn nhân của loại drone này. Việc vận dụng trí thông minh nhân tạo mang tính quyết định, và Trung Quốc đang đầu tư ồ ạt.

Hắc Hải : Thổ Nhĩ Kỳ làm mưa làm gió nhờ độc quyền eo biển Bosphore

Riêng tại Hắc Hải, trang địa chính trị của Le Monde nói về quan hệ láng giềng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trên vùng biển đầy xáo động. Nhờ một thỏa thuận quốc tế từ thế kỷ trước, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ mới quyết định cho ai ra vào eo biển Bosphore. Hắc Hải vẫn là vùng biển yên tĩnh cho tới khi Nga xâm lăng Ukraine, và nay trở thành "trọng tâm mới của cuộc chiến" - theo cảnh báo của tổng thống Volodymyr Zelensky. Cơ sở hạ tầng cảng biển Ukraine thường xuyên bị Nga tấn công và ngược lại drone, hỏa tiễn Ukraine quấy nhiễu hạm đội của Moskva.

Từ đầu cuộc chiến, Thổ Nhĩ Kỳ cấm các tàu quân sự đi qua eo biển, như vậy chỉ Nga bị ảnh hưởng vì Ukraine không có hải quân. Ngày 28/02/2022, nhờ Erdogan cấm cửa các tàu Nga từ Địa Trung Hải đi qua để sang Hắc Hải, nên Odessa không bị quân Nga đổ bộ và chịu chung số phận với Mariupol. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng không cho hai tàu phá mìn mà Anh gởi sang giúp Kiev được vào. Đã qua rồi thời kỳ ông Erdogan phải gởi thư xin lỗi Kremlin sau vụ bắn hạ một phi cơ Nga tại Syria. Hồi đó Nga còn mạnh, nay đang yếu thế trước một loạt thắng lợi của Ukraine : khoảng 30/85 chiến hạm Nga đã bị Kiev đánh chìm hoặc làm hư hại.

Thổ Nhĩ Kỳ lợi dụng để bắt chẹt Moskva trong nhiều hồ sơ nhưng tổng thống Nga vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì cần đến hàng hóa từ đất Thổ trung chuyển sang trong lúc bị cấm vận. Vladimir Putin sắp sang thăm Ankara, có thể vào ngày 12/02, để chứng tỏ không bị ngăn trở bởi lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Sau Trung Quốc, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ chìa tay cho Putin. Ông chủ Kremlin muốn gì trong chuyến đi này ? Có lẽ là vấn đề Ukraine. Rossiiskaia Gazeta dẫn lời Yuri Uchakov, cố vấn ngoại giao Kremlin, Nga tuy "sẵn sàng" nhưng "không có ai để thương lượng".

Thần tốc đánh vào đầu não : Cách tốt nhất để Trung Quốc chiếm Đài Loan

Tại Châu Á, Le Figaro đặt câu hỏi "Liệu Trung Quốc có xâm lăng Đài Loan hay không ?"… Chỉ trong vài phút, đội đặc nhiệm đã nhảy dù xuống cảng gần thủ đô Đài Bắc, những tràng súng máy đánh thức cư dân. Vụ đột kích chớp nhoáng thực hiện được nhờ những tay nằm vùng thuộc "đội quân thứ năm" xâm nhập trước đó. Ngoài khơi, những chiếc phà lớn xuất hiện, chở theo những tàu tấn công và lực lượng đặc biệt chuẩn bị đổ bộ. Mục tiêu là Dinh Tổng thống cách đó khoảng 15 kilomet. Đồng thời, internet dân sự bỗng ngưng hoạt động, 23 triệu dân không biết gì về tình hình, do cáp dưới biển đã bị cắt.

Tony Hu, một cựu chuyên viên Lầu Năm Góc ở Đài Bắc nhận định, số phận của đảo quốc được quyết định chỉ trong vòng nửa ngày. "Nếu Trung Quốc kiểm soát được quyền lực trong năm hoặc sáu tiếng đồng hồ, sẽ là hồi kết. Tổng thống Đài Loan không kịp kêu cứu". Lá cờ đỏ sẽ tung bay trên tòa tháp 101, hình ảnh được truyền hình toàn thế giới đưa lại, hoàn tất giấc mộng "giải phóng" của Mao cách đây một thế kỷ. Chiến dịch "trảm tướng" trên đây không phải là cảnh mở màn James Bond tập mới, mà các chuyên gia cho rằng đó là cách duy nhất để Trung Quốc chiếm được Đài Loan.

Các quân nhân đảo quốc ráo riết tập dượt để đối phó với kịch bản này. Tháng 7/2023, lục quân Đài Loan đã tập trận quy mô trước cảng Đài Bắc, đào chiến hào 150 mét dưới một chiếc cầu trên đường cao tốc để đặt những khẩu pháo. Chính quyền điều thêm 5.000 quân cảnh bảo vệ Dinh Tổng thống và các tòa nhà chính phủ. Chuyên gia Tzu Yun Su của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng (INDSR) khẳng định : "Chúng tôi ở vị trí phòng vệ vững chắc hơn Ukraine, vốn có thể xâm lăng bằng xe đạp !". Eo biển đôi khi rộng đến 400 kilomet với những dòng hải lưu mạnh, bão tố mùa đông, sẽ trở thành "kill zone", cuộc xâm lăng phải tầm cỡ như D-Day khi đồng minh đổ bộ.

Iraq, Syria, Yemen : Mỹ oanh tạc các bạn hữu của Iran

Les Echos, Le Monde và Le Figaro đều quan tâm đến việc "Washington oanh tạc các bạn bè của Iran từ hôm thứ Sáu". Sau vụ tấn công bằng drone ở Jordan làm ba quân nhân Mỹ thiệt mạng, tổng thống Biden đã ra lệnh oanh kích 85 mục tiêu ở Iraq và Syria rồi đến cuối tuần, Mỹ và Anh oanh tạc các địa điểm Houthi ở Yemen.

Ở Iraq và Syria, Lầu Năm Góc không chỉ nhắm vào các phe dân quân tay sai của Iran, mà cả Vệ binh Cách mạng. Trong số các mục tiêu có "các trung tâm điều hành, trung tâm tình báo, rốc-kết, hỏa tiễn, các kho drone, trang bị hậu cần, đạn dược". Theo chính quyền Iraq, những vụ oanh kích này làm ít nhất "16 người chết, trong đó có các thường dân". Tổng thống Joe Biden tuyên bố "Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông và chẳng ở nơi nào khác trên thế giới. Nhưng những ai muốn tấn công Hoa Kỳ cần biết : nếu làm hại một người Mỹ thì chúng tôi sẽ giáng trả". 

Washington cáo buộc Iran đứng sau những hoạt động đẫm máu này thông qua tổ chức Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, dù Tehran chối cãi. Những phe dân quân do Iran tài trợ từ nhiều tháng qua vẫn quấy nhiễu lực lượng Mỹ ở Trung Đông và các tàu buôn hay tàu quân sự đi qua Hồng Hải. Tổng thống Mỹ đang tranh cử phải tỏ ra cứng rắn vì đối lập phê phán ông mềm yếu trước một Nhà nước ủng hộ khủng bố, nhưng Joe Biden vẫn không muốn đánh vào lãnh thổ Iran để tránh một cuộc chiến khu vực.

Không dừng ở đây, tại Yemen, tiêm kích Mỹ và Anh oanh tạc vào các kho giấu vũ khí của Houthi chôn dưới hầm sâu, hỏa tiễn, phòng không, radar. Sáu nước hỗ trợ về hậu cần và tình báo gồm Úc, Bahrein, Đan Mạch, Canada, Hà Lan, New Zealand. Sáng sớm hôm qua, Mỹ lại đánh vào Houthi, tiêu diệt một hỏa tiễn hành trình "đang chuẩn bị lao vào các tàu trên Hồng Hải".

"Diệt chủng": Vũ khí ngôn từ

Về quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế, không coi các hành động của Israel tại Gaza là diệt chủng nhưng buộc Jerusalem phải xem xét lại, Les Echos coi cáo buộc này là "vũ khí ngôn từ". Các thẩm phán của tòa, kể cả một thẩm phán người Nam Phi, trước sự theo dõi của công luận thế giới, đã nhất trí đưa ra phán quyết. Theo đó, không công nhận "diệt chủng", cũng không yêu cầu Israel ngưng bắn lập tức, nhưng đòi hỏi phải cảnh giác về mọi "kích động diệt chủng" ở Dải Gaza. Đây là một quyết định công bằng, tránh bị phe này hay phe khác coi là chiến thắng, nhưng khá mơ hồ. Tòa dựa vào định nghĩa của Liên Hiệp Quốc : "Để coi là diệt chủng, phải chứng minh ý đồ tiêu diệt một nhóm sắc tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo".

Làm thế nào một đất nước là nạn nhân của nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong thế kỷ 20, chưa đầy 80 năm sau khi thành lập lại trở thành bị cáo ? Trong khi cả trăm con tin vẫn bị giam giữ, và những hình ảnh của vụ thảm sát ngày 07/10/2023 vẫn bao trùm ! Tuy nhiên Israel cũng phải rút ra những bài học chính trị và địa chính trị đầu tiên về sự kiện vừa diễn ra ở La Haye. Một quốc gia có chưa đầy 10 triệu dân, thậm chí còn chưa bằng sai số cho phép trong thống kê dân số Trung Quốc (15 triệu người) không thể nhận lấy rủi ro tự cô lập. Thế mạnh duy nhất của Israel là tính chất dân chủ so với khu vực. Thời gian đã trôi qua khá lâu, không còn có thể trông cậy vào sự hối hận mà nay chỉ đánh giá qua những hành động và tuyên bố. Cáo buộc của Nam Phi có phần dựa vào những lời nói vô trách nhiệm của phe cực hữu Israel.

Vấn đề bao quát hơn là việc sử dụng chữ nghĩa, đặc biệt là chữ "diệt chủng". Simone Veil, nạn nhân của trại tập trung Đức quốc xã cũng đã cảnh báo xu hướng lạm dụng từ ngữ này. Ngay cả thảm họa Srebrenica (trên 8.000 người đàn ông và vị thành niên Bosnia bị sát hại vào tháng 7/1995) cũng vậy. Từ 1940 đến nay, chỉ có hai trận diệt chủng là Shoah với người Do Thái và người Hutu đối với người Tutsi ở vùng Đại Hồ Châu Phi năm 1994 (làm gần 1 triệu người chết). Thảm kịch đang diễn ra ở Gaza dù bi thảm nhưng không phải là diệt chủng. Người ta không thể mãi hừng hực sống trong không khí trả thù.

Dân số, sinh thái, cực hữu, Big Tech : Tựa chính báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đề cập đến những vấn đề khác nhau. Le Monde chú ý đến việc chính phủ Attal sắp công bố danh sách các bộ trưởng và quốc vụ khanh bổ sung. La Croix chạy tựa "Khủng hoảng nông nghiệp, sinh thái phải tạm hoãn ?", Le Figaro nói về "Dân số : Những đòn bẩy để cố gắng chận lại đà sa sút". Libération coi việc "Nước Đức chống lại cực hữu" là sự kiện "lịch sử"tờ báo dùng tiếng Đức "Historisch" trên trang nhất. Les Echos nhận thấy "Các đại gia ngành công nghệ tăng cường thống trị thị trường chứng khoán thế giới".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 150 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)