Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/02/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine mất cơ hội răn đe nguyên tử

RFI tiếng Việt

Răn đe nguyên tử : Ukraine, nạn nhân của hai cơ hội bị bỏ lỡ

Le Monde ngày 08/02/2024 nhận thấy "Trong kỷ nguyên mới với đối đầu thay cho hợp tác, vấn đề răn đe bằng nguyên tử lại có đầy đủ ý nghĩa". Cuộc xâm lăng Ukraine và khả năng Donald Trump quay lại Nhà Trắng khiến vũ khí nguyên tử lại chiếm vị trí quan trọng trong quốc phòng Châu Âu, và là trung tâm các cuộc tranh luận về chiến lược.

nguyentu1

Lính Nga vận chuyển một hệ thống hỏa tiễn chiến thuật Iskander, có thể mang đầu đạn quy ước lẫn nguyên tử, tại Kubinka, ngoại ô Moskva ngày 17/06/2015. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine chuyển giao kho vũ khí nguyên tử cho Moskva theo thỏa thuận Budapest, và nay là nạn nhân bị Nga xâm lược cũng như dùng hạt nhân đe dọa. Reuters - Sergei Karpukhin

Bài học cay đắng của bi kịch Ukraine

Một câu nói ngắn của tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 30/01 trong chuyến công du Stockholm đã gây phản ứng nơi một số đối thủ chính trị và trong giới Twitter trong suốt hai ngày, vì ông nhắc đến khả năng răn đe bằng nguyên tử. Chiến tranh tổng lực quay lại với Châu Âu đã làm thay đổi tất cả. Tại Đức, cựu ngoại trưởng Vert Joschka Fischer đề nghị Liên Hiệp Châu Âu EU có lực lượng hạt nhân riêng để phòng hờ, trong trường hợp không còn chiếc dù che chở của Mỹ, nhưng thủ tướng Olaf Scholz bác bỏ. Đối với nhà nghiên cứu Bruno Tertrais, vũ khí nguyên tử tiếp tục đóng vai trò giữ ổn định, khiến đối đầu quân sự khó thể xảy ra.

Đó là bài học cay đắng của bi kịch Ukraine. Sau khi Liên Xô sụp đổ, đã hai lần Ukraine mất đi cơ hội được bảo vệ bằng khả năng răn đe nguyên tử. Trước hết vào năm 1994, phương Tây, do lo sợ vì kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô nằm rải rác tại bốn nước cộng hòa (Nga, Ukraine, Belarus, Kazakhstan), đã thuyết phục các nhà lãnh đạo những nước vừa được độc lập nên chuyển giao các đầu đạn nguyên tử cho Moskva.

Đầy nghi ngờ, người Ukraine chần chừ. Tổng thống lúc đó là Leonid Kravchuk công khai bày tỏ mối lo với đồng nhiệm Georgia (Gruzia), Eduard Shevardnadze. Ông này khuyến cáo dứt khoát không để mất kho vũ khí. Nhưng áp lực Mỹ quá lớn và chính quyền non trẻ Ukraine quá yếu : Kiev, Moskva, Luân Đôn và Washington ký bản ghi nhớ Budapest dành cho Ukraine "bảo đảm an ninh" về biên giới và toàn vẹn lãnh thổ, đổi lấy việc từ bỏ lực lượng nguyên tử. Chúng ta đã biết bảo đảm này ra sao vào năm 2014, khi Nga chiếm Crimea.

Một cơ hội khác bị đánh mất trong hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucarest năm 2008, khi thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy làm thất bại ý định của tổng thống Mỹ George W. Bush, mở đường cho Ukraine và Georgia gia nhập NATO. Khi từ chối không cho hai nước này được chiếc dù nguyên tử của NATO bảo vệ, Berlin và Paris đã giúp cho Nga có thể coi Ukraine và Georgia là con mồi.

Dân Slovakia biểu tình hàng tuần chống độc tài

Cũng tại Châu Âu, Le Figaro nói về xu hướng độc tài của thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico. Từ đầu năm đến nay, thủ đô Bratislava sống theo nhịp điệu các cuộc biểu tình, và khoảng 20 thành phố khác của quốc gia 5,5 triệu dân cũng vậy. Một giáo viên tham gia tất cả các cuộc xuống đường của đảng đối lập Slovakia Cấp tiến (PS) nói : "Năm 1989, chúng tôi ngỡ rằng mọi việc đã được giải quyết. Nhưng 35 năm sau mới nhận ra dân chủ là một cuộc tranh đấu thường xuyên, nếu không một ngày nào đó chúng ta sẽ thức dậy trong một chế độ độc tài. Fico là quay lại với quá khứ Đông Âu, PS là tương lai và phương Tây".

Theo một người biểu tình khác, mặc dù đã là thành viên của EU từ hai chục năm qua, Slovakia vẫn chưa bắt rễ với phương Tây, nhất là khi người đứng đầu lại muốn hướng về chủ nghĩa xã hội, thân cận với Moskva hơn là Kiev. "Kế hoạch của Fico cũng tương tự như Viktor Orban ở Hungary : đàn áp tư pháp và truyền thông". Một số người thân tín của Fico đang trong tầm ngắm của tư pháp, như cựu bộ trưởng nội vụ Robert Kalinak, cựu giám đốc cảnh sát Tibor Gaspar. Công tố viên Daniel Lipsic từ nhiều năm qua phải sống dưới sự bảo vệ của an ninh.

Ngoài việc hủy bỏ tòa án đặc biệt, các biện pháp sắp được thông qua giảm hẳn các hình phạt và thời hạn hồi tố, "giống như một cuộc ân xá toàn bộ" - theo Daniel Lipsic. Fico cũng chuẩn bị giảm ngân sách của truyền thanh và truyền hình công, tách làm hai để buộc giám đốc phải ra đi - một thách thức cho dân chủ.

Theo nhiều cuộc điều tra, xã hội Slovakia rất dễ bị tác động bởi việc bóp méo thông tin, chẳng hạn chỉ trích Mỹ thay vì Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine. Hôm 20/01, thủ tướng Slovakia khiến Kiev sững sờ khi khẳng định "Ukraine không phải là một quốc gia độc lập có chủ quyền mà dưới sự kiểm soát và ảnh hưởng của Hoa Kỳ". Hàng mấy chục ngàn công dân vẫn biểu tình hàng tuần sắp bước vào một cuộc chiến đấu mới : ứng cử viên thân Fico, Peter Pellegrini, đang dẫn đầu trong cuộc tranh cử tổng thống.

Thành phố biên giới Nga "rất gần mà rất xa" Phần Lan

Cũng tại Châu Âu, phóng sự của Le Figaro tả lại thành phố Nga Vyborg, rất gần mà nay trở nên rất xa Phần Lan. Helsinki tố cáo Moskva cố tình tạo ra khủng hoảng di dân, và có thể kéo dài việc đóng cửa biên giới. Thành phố Vyborg chỉ cách biên giới Phần Lan khoảng 30 kilomet. Biên giới đã bị đóng lại từ giữa tháng 11 năm ngoái, sau khi hàng trăm người Cận Đông ồ ạt kéo sang theo ngả này.

Tuyến biên giới dài 1.340 kilomet với 8 cửa khẩu trên lý thuyết chỉ đóng tới ngày 11/02, nhưng thủ tướng Petteri Orpo mới đây cho biết trước mắt sẽ không mở lại vì lý do an ninh, nhất là vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan sẽ diễn ra vào Chủ nhật này. Phần Lan bắt đầu xây dựng hàng rào chạy dọc theo 200 kilomet biên giới, hiện chỉ mới xong được 3 kilomet.

Từ sau vụ di dân, nhịp sống ở Vyborg trở nên chậm lại, cảng biển nơi xuất khẩu phân bón như đang ngủ yên, cư dân của thành phố 74.000 dân cảm thấy bị sốc. Vyborg bị Peter đại đế chinh phục năm 1710, trở thành của Phần Lan năm 1918 rồi quay lại với Liên Xô sau Đệ nhị Thế chiến, vẫn liên hệ chặt chẽ với bên kia biên giới. Họ thường sang mua quần áo thương hiệu Phần Lan, phô mai, cacao, bia... nay phải hướng về Nga. Về phía người Phần Lan sang mua xăng, sử dụng các dịch vụ giá rẻ. Tại Vyborg, phân nửa dân số nói tiếng Phần Lan, đã có những đám cưới giữa công dân đôi bên, nhưng nay cả việc sang dự đám tang cũng khó khăn.

Macron : Khủng bố 07/10 là vụ thảm sát Do Thái lớn nhất thế kỷ

Le Monde quan tâm đến kế hoạch khí hậu của Liên Hiệp Châu Âu - tránh đưa ra những mục tiêu cụ thể trong lãnh vực nông nghiệp và rút lại những quy định về thuốc trừ sâu. Le Figaro chạy tít "Ngoại thương, điểm đen của kinh tế Pháp" : bớt thâm hụt thương mại nhờ giá năng lượng giảm, nhưng lãnh vực nông sản, dược phẩm lại yếu đi. Về ngân sách, chính phủ muốn tiết kiệm 10 tỉ euro trong năm nay, theo Les Echos. La Croix nói về "Cuộc sống bấp bênh của những người tị nạn tại Armenia".

"Ngày 7 tháng 10 : Vụ thảm sát người Do Thái lớn nhất thế kỷ" - tuyên bố của tổng thống Emmanuel Macron nhân lễ tưởng niệm 42 nạn nhân Pháp trong vụ tấn công của Hamas được Libération dùng làm tựa chính. Nhật báo thiên tả nhấn mạnh "Pháp là Nhà nước duy nhất tổ chức một buổi lễ trang trọng như thế", trong bối cảnh cộng đồng người Do Thái lo ngại trước sự bùng nổ các hành vi bài Do Thái tại nước Pháp.

Libération miêu tả, ở những lối vào khoảng sân danh dự của Invalides, khách mời chọn lọc được kiểm tra nghiêm ngặt, thân nhân các nạn nhân từ xa đến bằng phi cơ do chính phủ thuê riêng. Tổng thống Pháp với vẻ đau buồn đọc tên từng người một, dàn quân nhạc trỗi quốc ca và nhạc chiêu hồn của Chopin, Vệ binh Cộng hòa mang chân dung những công dân Pháp mà cuộc đời đã kết thúc dưới tay những kẻ cuồng sát.  

Pháp, quốc gia đầu tiên tưởng niệm các nạn nhân của Hamas

Trong bài xã luận mang tựa đề "Trước nỗi đau, hãy gầy dựng lại hy vọng", Libération nhận định đây là động thái quan trọng để nhắc nhở các nguyên tắc của nền cộng hòa mà Emmanuel Macron là người đại diện. Tại buổi lễ đầy xúc động ở sân điện Invalides trưa hôm qua, tổng thống Pháp đã thành công trong nhiệm vụ khó khăn : bày tỏ mạnh mẽ tình tương thân tương ái của đất nước đối với các nạn nhân Pháp, đồng thời tiếp tục giữ thăng bằng trong chính sách Trung Đông. Macron ghi điểm khi Pháp là nước đầu tiên tổ chức tưởng niệm cấp quốc gia sự kiện bi thảm này.

Ông nhấn mạnh không thể nhường bước trước nạn bài Do Thái, đồng thời nhắc lại số phận các nạn nhân vụ thảm sát "không phải là duy nhất, trong cuộc xâu xé ở Trung Đông", và "mọi sinh mạng đều quý giá". Sát hại không phân biệt công nhân nông nghiệp Thái Lan, các nhà hoạt động người Do Thái vì hòa bình, cư dân kibbutz, du khách Đức tham dự lễ hội âm nhạc… Hamas chủ yếu muốn tiêu diệt mọi sự sống chung hòa bình ở khu vực trong nhiều thập niên tới.

Hưu chiến ở Gaza và thả con tin : Hamas yêu sách quá đáng

Về khả năng hưu chiến ở Gaza, Libération cho biết "Hamas đặt điều kiện, đàm phán vẫn tiếp tục", Les Echos nói về "Những trở ngại khó vượt qua trong việc thả con tin". Tổ chức Hồi giáo đề nghị một kế hoạch ba giai đoạn kéo dài sáu tuần, các con tin được thả để đối lấy việc Israel rút quân toàn bộ - một điều kiện mà Israel không thể chấp nhận.

Hamas mất đến mười ngày mới đưa điều kiện, còn thủ tướng Benjamin Netanyahou cũng không vội vã trả lời, có lẽ để không bị chỉ trích là dập tắt mọi hy vọng. Gia đình các con tin đòi hỏi phải đạt  thỏa thuận lập tức bằng bất cứ giá nào, vì lo cho sinh mạng của những người bị bắt. Theo thông tin mới nhất, chỉ có 80/136 con tin còn sống. Ông Netanyahou cũng chịu áp lực "thân hữu" của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, từ hôm qua bắt đầu chuyến thăm Israel lần thứ sáu kể từ đầu cuộc chiến.

Thủ tướng Israel lâu nay không ngừng nhắc lại mục đích tiêu diệt Hamas, nếu chỉ nhượng bộ một phần cũng sẽ bị cho là bất nhất. Về phía phe Hồi giáo chỉ có một ý nghĩ trong đầu: tiếp tục kiểm soát Dải Gaza. Hamas đề nghị trước hết ngưng bắn 45 ngày, trong thời gian đó 45 con tin phụ nữ, trẻ em, người già sẽ được thả ; quân đội Israel rút khỏi một số khu vực và thả 1.500 tù nhân Palestine, trong đó có một số bị án chung thân vì khủng bố. Giai đoạn thứ hai, thả các con tin quân nhân và Israel rút toàn bộ khỏi Gaza. Cuối cùng, xác con tin đã chết được trao trả, bắt đầu thảo luận về tái thiết Dải Gaza.

Theo Les Echos, Hamas đặt mục tiêu quá cao. Qatar, nhà tài trợ cho phe này, đã đề nghị không nên đòi hỏi ngưng toàn bộ chiến dịch quân sự của Israel và rút khỏi Gaza, nếu không Israel có thể tiến vào Rafah, thành phố miền nam gần biên giới Ai Cập. Dư luận Israel cũng chia rẽ : 51% cho rằng việc thả con tin phải được ưu tiên hơn tiêu diệt Hamas, 60% phản đối phóng thích hàng ngàn tù nhân Palestine và ngưng chiến đấu. Khó thể tìm được thỏa hiệp trong những điều kiện như vậy. Ông Benjamin Netanyahu tuyên bố thuận theo đòi hỏi của phong trào Hồi giáo "chỉ dẫn đến một vụ thảm sát mới".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 190 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)