Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/02/2024

Điểm báo Pháp - Tổng thống Pháp lại đi trước thời cuộc

RFI tiếng Việt

Đưa quân sang Ukraine : Tổng thống Pháp lại nói đúng nhưng quá sớm

Tuyên bố của tổng thống Pháp về việc không loại trừ khả năng đưa quân sang Ukraine tiếp tục gây tranh cãi. Le Figaro ngày 29/02/2024 đặt câu hỏi, phải chăng một lần nữa ông Macron lại "đi trước thời đại", như lần nói về "NATO chết não" hồi năm 2019 ? Emmanuel Macron đã nhận xét đúng về cơ bản, vấn đề là thời điểm và từ ngữ.

macron1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau cuộc họp báo tại điện Élysée ngày 16/02/2024 nhân dịp ký kết thỏa thuận an ninh song phương. AP - Thibault Camus

Tổng thống Macron không hề đổi ý

Le Monde nhận thấy tổng thống Emmanuel Macron vẫn giữ nguyên ý kiến về việc gởi quân sang Ukraine, trong khi đa số đồng minh phương Tây phản đối. Điện Élysée cho biết vấn đề này đã được gợi ra trước khi hội nghị khai mạc, thông qua điện đàm với tổng thống Mỹ, thủ tướng Đức và với tổng thống Ukraine trong chuyến thăm Paris.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến việc tái lập một sự "mơ hồ chiến lược" để chứng tỏ với Putin là phương Tây sẵn sàng hành động nhiều hơn là viện trợ vài chục tỉ euro. Tuy không có việc gởi bộ binh sang chiến đấu bên cạnh các chiến binh Ukraine, nhưng có thể phụ trách một số hoạt động trên thực địa như gỡ mình, huấn luyện hay giám sát biên giới.

Những tiếng nói ủng hộ hiếm hoi đến từ các nước Baltic, đang ở tuyến đầu trước Nga. Tại Litva, một cố vấn của tổng thống Gitanas Nauseda thổ lộ chính quyền có ý định gởi quân sang Ukraine để đào tạo binh sĩ, bộ trưởng quốc phòng Litva là Arvydas Anusauskas cũng nêu ra khả năng lực lượng NATO sang Ukraine để huấn luyện. Cựu tổng tư lệnh quân đội Estonia, Riho Terras, cho rằng chủ đề này cần được đề cập đến.

Hỗ trợ tại chỗ sẽ thiết thực hơn

Tờ báo cho rằng có sự tương phản rõ rệt giữa sự thận trọng của ông Olaf Scholz và tinh thần chấp nhận rủi ro của Emmanuel Macron. Tuy nhiên một số chính khách Đức ủng hộ quan điểm của ông Macron, kể cả trong đa số cầm quyền. Bà Marie-Agnes Strack-Zimmermann, chủ tịch ủy ban quốc phòng của Quốc hội Đức ví tổng thống Pháp là người muốn tiến lên phía trước còn ông Scholz muốn thắng lại. Người đứng đầu danh sách đảng Dân chủ Tự do trong bầu cử Châu Âu cho biết "choáng váng" khi ông Scholz nhất định không giao hỏa tiễn Taurus cho Kiev trong khi tình hình đang bi kịch.

Le Monde nhận thấy hầu hết các chuyên gia quân sự Pháp đều ủng hộ quan điểm của Emmanuel Macron. Ngoài các tranh luận về chiến lược và ngoại giao, còn là vấn đề thực tiễn. Cho đến nay, đa số việc huấn luyện, sửa chữa thiết bị...đ ều diễn ra bên ngoài biên giới Ukraine, chủ yếu ở Ba Lan. Nhưng áp lực cuộc chiến khiến các đồng minh của Kiev nay muốn thực hiện trực tiếp trên đất Ukraine, nhất là y tế và rà phá bom mìn. Pháp cũng muốn lập một trung tâm bảo trì đại bác Caesar tại chỗ.

Tuyên bố "NATO chết não" từng gây sóng gió

Le Figaro đặt câu hỏi, phải chăng một lần nữa tổng thống Pháp lại "đi trước thời đại", như lần nói về "NATO chết não" hồi năm 2019 ? Emmanuel Macron đã nhận xét đúng về cơ bản, vấn đề là thời điểm và từ ngữ.

Ông Macron đã sai vì nói đúng nhưng quá sớm ? Đây không phải là lần đầu tiên mà những tuyên bố không đúng lúc đã làm tổn hại đến những ý tưởng tốt đẹp. Tháng 11/2019, khi trả lời tuần báo Anh The Economist, tổng thống Pháp nêu ra việc "NATO chết não". Về bản chất thì Macron đúng, vì lúc đó Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang bị khủng hoảng, Hoa Kỳ xoay trục sang phía Châu Á, Donald Trump không còn quan tâm đến Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO nhưng lại đi mua hệ thống phòng không của Nga và tấn công đồng minh Kurdistan trong liên minh chống thánh chiến ở Syria.

Tuy Macron chỉ nói lên một thực tế và cổ vũ cho tự chủ chiến lược Châu Âu, nhưng các đồng minh của Pháp đã nhao nhao phản đối. Nhất là Đức vì không được báo trước, và Đông Âu vốn coi chiếc dù bảo vệ của NATO là sống còn trước mối đe dọa từ Nga. Vài chữ của Emmanuel Macron đã phản tác dụng đối với ảnh hưởng Pháp ở Châu Âu, ít nhất là trong một thời gian.

Về căn bản, Macron vẫn đúng

Vụ "gởi bộ binh" sang Ukraine lần này cũng tương tự ? Theo Le Figaro, về căn bản Emmanuel Macron vẫn đúng. Khi khẳng định không loại trừ việc đưa quân nhân Châu Âu sang giúp Ukraine, ông ghi nhận chiến trường đang sa lầy, nhìn nhận rằng hòa hoãn với Nga chỉ vô ích, và nên tái lập năng lực răn đe đối với Vladimir Putin - người chỉ biết có vũ lực. Macron đưa ra một thông điệp tích cực cho người Ukraine đang gặp khó khăn, cổ vũ Châu Âu thức tỉnh và cảnh báo người Pháp rằng những năm sắp tới có thể vất vả. Ông cũng khẳng định với các đối tác Đông Âu sự thay đổi về chính sách, lâu nay vẫn bị cho là quá thiên về phía Kremlin.

Emmanuel Macron nhìn nhận cuộc chiến tranh ở Ukraine đã trở thành của Châu Âu, thất bại của Ukraine sẽ là thất bại của châu lục. Chính là để tránh điều tệ hại nhất này, mà Macron đề nghị đẩy nhanh chi viện vũ khí cho Ukraine, trong khi Đức vẫn chưa chịu cấp hỏa tiễn Taurus, Quốc hội Mỹ chặn viện trợ. Cuối cùng, ông đặt ra câu hỏi chính : Liệu Châu Âu có tự bảo đảm được quốc phòng nếu Donald Trump tái đắc cử ? Trong khi một số nước vẫn tránh nhìn vào thực tế, tổng thống Pháp đã gián tiếp đề cập đến khả năng Joe Biden thất bại.

Thời điểm và từ ngữ không phù hợp

Khi dỡ bỏ một cấm kỵ, những tuyên bố của Emmanuel Macron xứng đáng được tranh luận. Nhưng cũng như lần trước, lại bị phản đối. Theo Élysée, vấn đề đã được đề cập với thủ tướng Đức và tổng thống Mỹ, nhưng lẽ ra nên có được sự đồng thuận trước đó. Về chữ nghĩa, "bộ binh" gợi ra sự tham gia chiến đấu trong khi thực ra không phải như vậy. Đa số chuyên gia cho rằng tốt nhất nên dùng chữ "hiện diện quân sự". Về thời điểm cũng vậy, tuyên bố trên đã làm mờ nhòa thành công của hội nghị hỗ trợ Ukraine.

Le Figaro cho rằng hàng loạt phản ứng tiêu cực đã gây tổn hại cho tình đoàn kết Châu Âu, và cho thấy sự nhập nhằng của một số nước Trung Âu và Đông Âu - chỉ trích Pháp không hỗ trợ đúng mức cho Ukraine nhưng lại phản đối gởi quân. Phe cực tả và cực hữu Pháp khai thác để tranh thủ cuộc bầu cử Châu Âu trong ba tháng tới, Pháp và Đức lại càng cách xa hơn.

Đề nghị của tổng thống Pháp lẽ ra là dấu hiệu kiên quyết trước Vladimir Putin, nhưng làn sóng phản đối có thể khiến Kremlin coi đây là sự yếu đuối. Tuy nhiên phía sau những lời bình nóng vội, tại Đức việc ông Olaf Scholz từ chối chi viện hỏa tiễn Taurus ngày càng bị chỉ trích, còn tại Châu Âu nhiều người hoan nghênh sự táo bạo của tổng thống Pháp, coi đây là việc khẳng định ý tưởng Nga sẽ bại trận.

Gaza : Số người thiệt mạng đã lên đến 30.000

Về Trung Đông, Libération chạy tựa lớn trên trang nhất "Gaza, 30.000 người chết". Tại vùng đất bị oanh kích liên tục và đang bị nạn đói đe dọa, con số nạn nhân đã lên đến mức báo động, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Đành rằng trong số đó có những tay súng của Hamas đã sát hại dã man người dân vô tội Israel, nhưng liệu có đủ để biện minh cho việc thả bom xuống thường dân không biết chạy đi đâu vì bị Israel và Ai Cập chận đường thoát ?

Vụ thảm sát khủng khiếp của Hamas hôm 07/10/2023 tại Israel cần được liên tục nhắc nhở và lên án. Cần phải làm mọi cách để giải thoát các con tin Israel đang bị bọn khủng bố giam giữ, nhưng cách đối xử với người Palestine ở Gaza, là không thể chấp nhận được. Tuy vậy những tháng gần đây phương Tây và các nước Ả Rập tỏ ra bất lực trong việc ngăn chận Israel thả bom. Thế nên những phong trào phản kháng đã xuất hiện tại nhiều nơi, nhất là ở Hoa Kỳ, gây thiệt thòi cho ông Joe Biden trong mùa tranh cử.

Israel bí mật mở tuyến đường mới tránh Hồng Hải

Hàng được Israel nhập từ Trung Quốc hay Ấn Độ giờ đây được đưa sang cảng Dubai hay Bahrein để tránh bị hỏa tiễn hay rốc-kết của phiến quân Houthi trên Hồng Hải hay kênh Suez. Những vụ tấn công này đã khiến nhiều công ty hàng hải quốc tế phải đi vòng sang Châu Phi qua mũi Hảo Vọng, làm cho thời gian vận chuyển lâu gấp đôi và giá cước, giá bảo hiểm đều tăng. Israel, mà ngoại thương lệ thuộc 90% vào đường biển, bèn lập ra một mạng lưới trên bộ. Những xe cam-nhông chở hàng đi xuyên qua Saudi Arabia đến biên giới giữa Jordan và Israel, sang qua xe tải khác chuyển hàng đến Haifa ở miền bắc Israel. Các tài liệu vận chuyển đều ghi "quá cảnh", tránh ghi điểm đến là Israel.

Sự thận trọng này là do Saudi Arabia không có quan hệ ngoại giao với Nhà nước Do Thái và không nhìn nhận có liên hệ thương mại. Jordanie cũng không muốn công khai việc vận chuyển đường bộ này : đa số dân ở vương quốc có gốc gác Palestine. Ngược lại, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và Bahrein đã bình thường hóa quan hệ với Israel theo thỏa thuận Abraham thì không ngại gì. Chuyển hàng bằng đường bộ rút ngắn thời gian vận chuyển từ 20 đến 25 ngày so với các tàu đi vòng sang Châu Phi. Một công ty Israel khác còn ký hợp đồng với một đơn vị Ai Cập để đưa hàng sang nước này và Châu Âu từ cảng Dubai, và bộ giao thông Israel đang thương lượng với Abu Dhabi những container từ Ấn Độ được quá cảnh.

Thanh trừng ở Trung Quốc : Hai bộ trưởng "mất tích" đã "từ chức"

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde chú ý đến việc hai bộ trưởng mất tích từ nhiều tháng qua nay được thông báo "từ chức", trước khi cuộc họp Quốc hội thường niên bắt đầu. Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang), biến mất không dấu vết từ tháng 6/2023 được cho là đã "từ chức" đại biểu quốc hội. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), không thấy xuất hiện từ tháng 8/2023 thì bị xóa tên khỏi Quân ủy Trung ương vào cuối tháng 2. Bà Yun Sun thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson Center giải thích, đó là để có chỗ cho người mới trong kỳ họp Quốc hội. Sự kịên hai quan chức cao cấp bị thanh trừng "duy trì không khí lo sợ, và chứng tỏ quyền lực của Tập Cận Bình là tuyệt đối". 

Nhà Trung Quốc học François Godement của Viện Montaigne nhận thấy điều đáng nói là người ta chẳng biết gì về nguyên nhân trừng phạt. "Khả năng duy trì bí mật hoàn toàn của chế độ là hoàn hảo. Đảng chỉ đạo tất cả và tự chỉnh đốn bằng cơ quan thanh tra vốn không cần phải báo cáo. Đó là cách cai trị tạo ra sợ hãi, độc đoán". Đã có nhiều tin đồn đãi về Tần Cương, nhất là việc ngoại tình với một cựu nhà báo khi ông Tần là đại sứ Trung Quốc tại Washington. Cô này đã nêu tên Tần Cương trong nhiều bài đăng trên mạng xã hội X, và một đứa con sinh tại Hoa Kỳ có thể từ mối quan hệ này. Tin khác cho rằng Tần Cương đã phản bội để theo Mỹ, thậm chí đã chết. Khi nói rằng Tần Cương từ chức, Bắc Kinh chừng như đã cải chính giả thiết này. Nhà nghiên cứu Bill Bishop nhận xét, "được cho phép từ chức có nghĩa là không bị trừng phạt quá nặng". 

Trường hợp Lý Thượng Phúc có vẻ là một vụ tham nhũng, trong khuôn khổ một mẻ lưới lớn ở quân đội. Cuối 2023, chín sĩ quan bị trục xuất khỏi Quốc hội trong đó có bốn tướng thuộc Quân chủng Hỏa tiễn. Tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha trong quân đội Trung Quốc, như phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu (Xu Caihou) khi bị bắt năm 2013 đã phát hiện một tấn tiền mặt, cẩm thạch, vàng và nhiều vật quý khác tại tư gia ông ta. Theo chuyên gia Godement, "mô hình của Tập Cận Bình vẫn theo kiểu Stalin, thanh trừng thường xuyên kể cả người thân cận". Quyền lực độc đoán này cô lập người lãnh đạo, loại bỏ mọi khả năng tự do hơn cho Trung Quốc vì nếu mở cửa sẽ bộc lộ nhiều điều, và tình trạng này còn kéo dài.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 209 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)