Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/03/2024

Điểm tuần báo Pháp - Nước Nga của Putin đe dọa cả thế giới

RFI tiếng Việt

Không còn tầm vóc thời Liên Xô, nước Nga của Putin vẫn đe dọa cả thế giới

Lẽ ra Putin đã phải rời quyền lực từ năm 2008, nhưng người dân không có chọn lựa. Cơ quan độc lập giám sát bầu cử duy nhất là Golos đã bị cho vào danh sách "nhân tố nước ngoài", người đồng sáng lập đang ở tù. The Economist nhấn mạnh "Nước Nga côn đồ đe dọa cả thế giới chứ không chỉ Ukraine". Ngày nay Nga chỉ là một nền kinh tế trung bình, và không có hệ tư tưởng nào để xuất khẩu, nhưng vẫn là mối nguy cho toàn cầu.

nga1

Nhân viên ủy ban bầu cử địa phương đem thùng phiếu đến nhà dân ở làng Novoaleksandrovka, vùng Omsk, Nga trong ngày bầu cử tổng thống 15/03/2024/Reuters - Alexey Malgavko

Putin chiếm trang nhất các tuần báo

Tuần này đúng vào dịp bầu cử "cuội" ở Nga, Putin chiếm trang nhất các tuần báo.  Trên trang bìa Courrier International là hình vẽ tổng thống Nga màu đen trên nền đỏ với dòng tựa "Nước Nga, theo như Putin". The Economist chọn màu đen làm nền trang bìa, với vòm cung nhìn vào quảng trường Đỏ, nói về "Bên trong nước Nga". La Croix cuối tuần chạy tít "Những người tị nạn Putin" - họ chạy trốn chiến tranh. Le Point đăng ảnh hai quân nhân trong tư thế tác chiến, đặt vấn đề "Quốc phòng : Chúng ta có sẵn sàng hay chưa ?"

Cũng liên quan đến quốc phòng L’Express lưu ý "Trí thông minh nhân tạo giúp Pháp tăng sức mạnh", với hình bìa là một chú gà trống ảo đang cất tiếng gáy "cocorico" nhưng được thêm vào một chữ A để thành IA "cocorIAco". Về chính trường Pháp, L’Obs tiết lộ những chuyện làm ăn bí mật của tân bộ trưởng văn hóa nhiều tai tiếng, bà Rachida Dati.

Bầu cử giả hiệu, tổng thống không chính danh

Một tập thể các nhà đấu tranh nhân quyền trên Le Monde cuối tuần kêu gọi không nhìn nhận Vladimir Putin là tổng thống hợp pháp của Nga sau cuộc "bầu cử" ngày 17/03. Nắm quyền từ 24 năm qua, Putin trị vì với những cuộc chiến đẫm máu : Chechnya, Syria, Gruzia, Ukraine… và bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, Putin là tội phạm tồi tệ nhất thế kỷ 21. Vụ sát hại thủ lãnh đối lập Alexei Navalny đã khiến Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết không công nhận tính chính danh của Putin.

Trước hết, tiến trình bầu cử hoàn toàn do Kremlin kiểm soát, không thể coi là một cuộc phổ thông đầu phiếu bình thường. Putin đã cho sửa đổi Hiến pháp để ứng cử đến nhiệm kỳ thứ năm, hàng loạt vụ gian lận xảy ra trong những kỳ bầu cử trước. Ủy ban bầu cử nêu bất kỳ lý do nào để từ chối ứng cử viên. Và nhất là những cuộc bỏ phiếu tại các lãnh thổ của Ukraine bị chiếm đóng là bất hợp pháp, hộ chiếu Nga được phân phát ồ ạt cho dân địa phương, bất chấp luật pháp quốc tế. Như vậy làm thế nào có thể nói về "bầu cử" hay "tổng thống" ?

Le Monde cho biết thêm, chủ tịch Ủy ban bầu cử, bà Ella Pamfilova, trước đây là đối lập, nay trở thành một con người hết sức tận tụy với ông chủ điện Kremlin. Chính bà ta đã tiến hành đủ mọi biện pháp để gian lận một cách tinh vi. Bầu cử kéo dài ba ngày, giúp thao túng lá phiếu và vận chuyển cử tri từ nơi làm việc đến. Bỏ phiếu điện tử, lúc thử nghiệm ở Moskva đã giúp loại ra tất cả các ứng cử viên độc lập. Bên cạnh đó là giảm số quan sát viên, hạn chế camera ở phòng phiếu… Hồi năm 2022, Ella Pamfilova đã bị phương Tây trừng phạt vì tổ chức "trưng cầu dân ý" tại bốn vùng của Ukraine bị quân Nga chiếm đóng. Dù không có danh sách cử tri, kết quả vẫn là 99% "muốn sáp nhập" vào Nga.

Nước Nga ngày càng giống Bắc Triều Tiên

L’Express giải thích "Làm thế nào Putin đưa nước Nga vào con đường của Bắc Triều Tiên". Bài viết mở đầu bằng việc miêu tả khung cảnh một cuộc triển lãm khổng lồ về "Nước Nga vĩnh cửu" được Vladimir Putin khai mạc tháng 12/2023 tại Moskva, với những hoạt động giải trí đa dạng. Người ta hầu như quên hẳn cuộc chiến khủng khiếp ở Ukraine. Cả một khu được dành cho bộ quốc phòng, nhưng chủ yếu để thu hút trẻ em : trò chơi video, tập nhảy dù giả định, tập làm quân y… Hơn bao giờ hết, Vladimir Putin tìm cách kích thích lòng ái quốc và quân sự hóa người dân từ lúc còn nhỏ tuổi, và truy bức những "công dân xấu" dám phản đối "chiến dịch quân sự đặc biệt".

Cách đó vài trăm mét, tại tòa án khu Ostankino, cô Anna Bajoutova, 30 tuổi đã bị xét xử vì một tội "hình sự". Cô là nạn nhân một vụ tố cáo, vì đã đăng trên mạng Twitch những hình ảnh vụ thảm sát thường dân Bucha. Một phóng viên của tờ báo độc lập Sota bị khoảng 20 ngày tù chỉ là kêu lên sau phán quyết của tòa là "Đáng xấu hổ !". Thời kỳ Putin được so sánh với Stalin : số ủng hộ Putin thì nghi ngờ "đội quân thứ năm", nhưng có một nước Nga khác coi đây là sự lùi về thời kỳ thanh trừng đen tối.

Một doanh nhân cho biết không dám đến tưởng niệm Alexei Navalny. "Chẳng còn luật lệ gì nữa, họ có thể bắt mình bỏ tù vì lời nói, chận xe mình lại trong đó đã giấu sẵn ma túy… Nạn tố cáo đầy dẫy khắp nơi". Cuối tháng 2, Bắc Triều Tiên vốn đã cung ứng đạn pháo cho Moskva, khoe trên báo chí Nga một khu trượt tuyết mới toanh chỉ dành cho du khách Nga. Nhiều cư dân mạng cho rằng nước Nga ngày càng giống với chế độ Bình Nhưỡng.

Cỗ máy nghiền nát đối lập

L’Obs cho biết chưa đầy hai tuần sau cái chết của Alexei Navalny, có thêm một cái tên quan trọng trong danh sách các nhà đấu tranh bị nhốt vào tù vốn đã rất dài. Ông Oleg Orlov, 70 tuổi, đồng chủ tịch tổ chức bảo vệ nhân quyền Memorial (giải Nobel Hòa bình 2022) bị kết án hai năm rưỡi tù giam vì "thường xuyên nói xấu quân đội". Trước Orlov là bản án hai năm tù cho Alexei Moskalev, người cha đơn thân ở Tula của một nữ sinh đã vẽ những bức hình chống chiến tranh trong giờ học môn hội họa. Cựu dân biểu Lev Ponomarev, đồng sáng lập Memorial đang sống lưu vong tại Paris nói : "Nhà tù Nga đầy các tù nhân chính trị. Số lượng trong sáu năm qua còn cao hơn những năm Brejnev thời Liên Xô".

Theo tổ chức phi chính phủ Perviy Otdel chuyên hỗ trợ những người bị khởi tố tội "phản quốc", mỗi tháng có khoảng 20 hồ sơ với tội danh này được mở ra, bằng toàn bộ năm 2022. Từ khi khởi động cuộc xâm lăng Ukraine ngày 24/02/2022, tự do ngôn luận không còn hiện hữu nơi đất nước của Pushkin và Tolstoi. Ilya Yashin, Lilya Chanycheva, Vladimir Kara-Murza… những nhà đấu tranh nổi tiếng đều đã ở phía sau chấn song nhà tù, thường là bị biệt giam. Cùng với họ là hàng ngàn người vô danh bị kết án chỉ vì tham gia một cuộc biểu tình, một lời nói mơ hồ phản đối chiến tranh, hay chỉ vì tặng vài đồng rúp cho một tổ chức phi chính phủ Ukraine.

Alexei Gorinov, ủy viên hội đồng Moskva lãnh 7 năm tù vì gọi "chiến dịch quân sự đặc biệt" là "chiến tranh" ; nhà báo Maria Ponomarenko 6 năm tù vì viết trên Telegram về vụ thả bom xuống nhà hát Mariupol ngày 16/03/2022 làm 600 thường dân thiệt mạng. Nhà đối lập Alyosha Deminn bị hành hạ trong tù, bị đổ những xô nước tiểu vào xà lim, sau một tháng biệt giam từ 50 ký cô chỉ còn 39 ký. Cũng như thời Stalin, việc tống đối lập vào nhà thương điên đã quay trở lại : chẳng hạn cô Viktoria Petrova, 29 tuổi là nạn nhân.

Nguyên tử, niềm tự hào duy nhất còn lại của Nga

Tại sao một tổng thống như Vladimir Putin lại trị vì được lâu như vậy ? Trả lời nhà báo Petra Prochazkova, chuyên về Liên Xô cũ của nhật báo Denik N ở Praha, nhà xã hội học Alexei Levinson, cho rằng "người Nga cần Putin để bảo đảm sự vĩ đại của đất nước mình". Bài phỏng vấn được Courrier International dịch lại.

Nhà nghiên cứu về "hiện tượng Putin" giải thích theo khía cạnh đơn thuần học thuật. Hầu hết người Nga đều muốn giữ nguyên trạng. Họ tin rằng tất cả thay đổi đều tiêu cực, ý tưởng đó có từ thời cha mẹ, ông bà họ. Gần đây nhất là lúc chế độ cộng sản sụp đổ trong thập niên 90, rồi đến viễn cảnh dân chủ cũng tan tành. Thế hệ trước truyền lại khát vọng nước Nga lại trở thành đại cường. Tuy vị trí nước Nga thời Putin chẳng lấy gì làm vẻ vang, nhưng việc làm thiên hạ phải sợ đã là "oai". Sự tự hào là quốc gia đầu tiên đưa người lên vũ trụ, là Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên, có những nhạc sĩ, vận động viên… tài ba nhất nuôi dưỡng tinh thần ái quốc.

Giờ đây nghiên cứu khoa học chẳng có gì, phi thuyền không gian bị rơi tan tành trên Mặt Trăng. Chỉ còn lại sự tự hào duy nhất là vũ khí nguyên tử, giúp Nga được ngang hàng với Mỹ, và làn sóng phấn khởi từ khi chiếm được Crimea. Trong một thăm dò vào tháng 10/2023, với câu hỏi "Nếu Putin nói sẽ chấm dứt chiến tranh với Ukraine trong tuần tới, bạn có đồng ý không ?", có đến 70% người được hỏi ủng hộ. Nhưng nếu phải trả lại các lãnh thổ đã chiếm của Ukraine, tỉ lệ này chỉ còn 34%. Họ sẽ không tha thứ cho Putin nếu bại trận.

"Vai trò của dân chúng là vâng dạ và vỗ tay"

The Economist nhận định, nếu Nga là một quốc gia dân chủ, thì ông Putin đã phải rời quyền lực từ năm 2008. Nhưng ở nơi mà chiến tranh được gọi là hòa bình, sự dốt nát là sức mạnh và tự do là nô lệ, không có chọn lựa trong cuộc bầu cử này. Cơ quan độc lập giám sát bầu cử duy nhất là Golos đã bị cho vào danh sách "nhân tố nước ngoài", người đồng sáng lập đang ở tù.

Greg Yudin, nhà nghiên cứu người Nga của Princeton University cho rằng sự kiện này nhằm tạo tính hợp pháp cho nhà độc tài già nua, "vai trò của dân chúng chỉ là vâng dạ và vỗ tay hoan nghênh". Một người đã hiểu được bản chất của nghi lễ tung hô này là Alexei Navalny. Biết rằng quyền lực ở Nga không thể thay đổi qua lá phiếu, nhưng ông coi đây là cách để thể hiện sự bất đồng chính kiến.

Năm 2011, Navalny kêu gọi bầu cho bất kỳ đảng nào ngoài đảng Nước Nga Thống nhất của Putin, khiến Kremlin buộc lòng phải gian lận một cách trắng trợn, dẫn đến những cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nước Nga hậu xô-viết. Dù bị giam tại một nhà tù tận Bắc Cực, hai tuần trước khi qua đời Alexei Navalny kêu gọi hàng triệu người chờ đến tận trưa ngày 17/03, ngày bỏ phiếu cuối cùng, để bầu cho bất kỳ ai ngoài Putin, hay chỉ đơn giản tập hợp nói chuyện với nhau.

Khi Navalny bị sát hại trước cuộc bầu cử, tang lễ của ông đã trở thành một hành động thách thức : cả trăm ngàn người can đảm đến dự, mộ ông ngập dưới một núi hoa. Theo dữ liệu vận chuyển công của Moskva, ngày lễ tang 01/03 có thêm 27.000 hành khách so với bình thường đến trạm metro gần nghĩa trang, và rất nhiều người đi bộ đến hoặc dùng xe. Những "đài hoa tưởng niệm" và bàn thờ tự phát đã mọc lên tại hơn 230 thành phố nước Nga. Tang lễ truyền thống đã trở thành phản kháng chính trị, phủ bóng đen lên lên những lời tung hô Putin.

Không còn tầm cỡ thời Liên Xô, Kremlin vẫn đe dọa cả thế giới

Tuần báo Anh nhấn mạnh "Nước Nga côn đồ đe dọa cả thế giới chứ không chỉ Ukraine". Thời chiến tranh lạnh, Liên Xô là nguy cơ cả về quân sự lẫn ý thức hệ cho các nước dân chủ, và phương Tây đã thành công trong việc ngăn chặn. Ngày nay Nga chỉ là một nền kinh tế trung bình, và không có hệ tư tưởng nào để xuất khẩu, nhưng vẫn là mối nguy cho toàn thế giới.

Nguy cơ trước mắt là Ukraine thất bại, tiếp đến Moldova, các nước Baltic bị tấn công. Nhưng tham vọng của Vladimir Putin không dừng lại ở đây. Nga muốn thử nghiệm việc đưa đầu đạn nguyên tử lên không gian. Các drone và chiến binh mạng giúp Moskva triển khai lực lượng vượt ra ngoài biên giới. Kỹ nghệ bóp mép thông tin gieo rắc những điều dối trá, gây nhập nhằng. Sự phối hợp hiểm ác này đã gây bất ổn tại Sahel, hỗ trợ cho các nhà độc tài ở Syria và Trung Phi và sẽ còn tác động lên một số cuộc bầu cử trên thế giới năm nay.

Phương Tây phải làm gì ? Mỹ và Châu Âu trông cậy vào hai chiến lược : bảo vệ Ukraine và trừng phạt. Nhưng quyết tâm của phương Tây chưa mạnh mẽ, trừng phạt kém hiệu quả vì 80% thế giới - tính theo dân số và 40% - tính theo GDP, không áp dụng. Nếu trừng phạt thứ cấp, về lâu về dài có thể dẫn đến việc một số nước từ bỏ hệ thống tài chánh do Mỹ lãnh đạo. Mục tiêu có thể khiêm tốn hơn là duy trì trừng phạt nhắm vào một số cá nhân liên quan đến Kremlin, và bảo đảm rằng Nga không thể đụng đến các công nghệ cao.

Một vũ khí khác là các giá trị tự do phổ quát, đã từng làm sụp đổ chế độ xô-viết khi bộc lộ tính phi nhân của chế độ toàn trị. Ngoại giao phương Tây cần chống lại tin giả của Nga tại các nước phương Nam, đồng thời tố cáo vi phạm nhân quyền, hỗ trợ các nhà ly khai, đón nhận những người Nga chạy khỏi đất nước.

Pháp : Công nghệ cao nhưng vũ khí thông dụng lại quá ít

Tại Pháp Le Point nhận thấy, hai năm sau cuộc xâm lăng Ukraine, tổng thống Emmanuel Macron đặt mình vào vai thủ lãnh chiến tranh ở Châu Âu. Tuần báo có bài điều tra về sức mạnh quân sự và năng lực kỹ nghệ quốc phòng Pháp.

Việc hiện đại hóa thông qua thế hệ tàu ngầm thứ ba và nâng cấp hỏa tiễn M51.3, ASMP-A là đáng hoan nghênh. Nhưng kèm theo đó là việc duy trì mô hình quân đội quy ước và đội ngũ viễn chinh, khó phù hợp với việc bảo vệ Châu Âu. Các loại thiết giáp Griffon, Jaguar và Serval bị giảm 30%, số xe tăng Leclerc cải tiến từ 200 còn 160 (trong khi Nga mất đến 2.000 xe tăng ở Ukraine), số chiến đấu cơ Rafale từ 185 còn 137, chiến hạm cũng ít. Quân đội Pháp không thể có lực lượng drone hùng hậu trước năm 2030, mà đây là loại vũ khí quan trọng trong thời gian gần đây.

Kỹ nghệ Pháp chuyên về công nghệ cao và các thiết bị hữu dụng cho những xung đột trong các thập niên tới, từ siêu tốc cho đến lượng tử, nhưng lại không thể sản xuất các vũ khí cần thiết cho chiến tranh hiện nay : pháo, xe tăng, drone. Hơn nữa, do đơn đặt hàng của nhà nước thất thường và giá cả không hấp dẫn, các công ty ưu tiên cho xuất khẩu, hiện chiếm hơn 1/3 doanh số. Đạn pháo 155 ly chỉ sản xuất được 2.500 quả một tháng, trong khi quân đội Ukraine bắn đi 5.000 quả một ngày, còn Nga 15.000 quả !

Dưới sự quản lý của Cục Vũ khí (Bộ Quốc phòng Pháp) và Ủy Ban Châu Âu, quốc phòng còn bị siết bằng vô số quy định không phù hợp với thời chiến. Chẳng hạn các vụ thử nghiệm drone tự sát bị cấm, nên đành phải thực hiện ở ngoài khơi xa hay tận Châu Phi. Việc nhập khẩu các thiết bị từ Hoa Kỳ do nhu cầu khẩn cấp bị từ chối vì không công nhận các tiêu chuẩn Mỹ, chiến tranh mạng chịu sự chi phối của các tiêu chí dành cho dân sự.

2024, một năm khó khăn 

Về thế mạnh của quân đội Pháp, có thể kể đại bác Caesar cứ 10 giây có thể bắn vào một mục tiêu cách xa 40 kilomet với sai số chỉ vài chục mét. Sở hữu một hàng không mẫu hạm nguyên tử và tàu chở trực thăng đổ bộ lớp Mistral, Pháp là nước duy nhất trong EU mà Hải quân có thể can thiệp tầm xa. Các tàu ngầm tấn công nguyên tử bảo đảm sự hiện diện quân sự đồng thời thu thập thông tin tình báo. Tiêm kích Rafale đa năng rất được ưa chuộng. Với thế hệ mới vận tải cơ chiến thuật A400 M và chiến lược A330 Phénix, Pháp có thể triển khai nhiều ngàn quân cùng trang thiết bị trong vài ngày đến những vùng xa xôi trên trái đất.

Nhờ vệ tinh và cảm biến công nghệ cao bố trí trên phi cơ và chiến hạm, Paris thường xuyên nắm được tình hình quốc tế. Số 290 đầu đạn nguyên tử bảo đảm kẻ thù sẽ thiệt hại khủng khiếp nếu leo thang. Về hỏa tiễn, quân đội Pháp có đủ tất cả các loại công nghệ cao, mới nhất là Meteor, hỏa tiễn không đối không có thể hạ được phi cơ địch lúc còn cách 100 kilomet. Tuy nhiên số lượng chỉ đủ dùng trong vài tuần nếu xảy ra chiến tranh cường độ cao. Điểm yếu là những thập niên qua, quân đội bị cắt giảm ngân sách nên một số chỉ là hàng mẫu như trực thăng vận chuyển, còn drone tác chiến không có. Số khác như trực thăng Gazelle, Puma đã lỗi thời, đạn dược có ít, các xe tăng Leclerc không đủ đạn pháo để tập dượt thường xuyên. Một khía cạnh yếu kém nữa là phòng không.

Về nhân lực, có thể áp dụng lại chế độ quân dịch một năm theo kiểu Thụy Điển, lập những đơn vị trang bị nhẹ gồm 50.000 quân có thể triển khai trên toàn lãnh thổ, những người giỏi nhất và nhiệt tình nhất được đề nghị ký hợp đồng với quân đội. Nhà nước có những đơn đặt hàng lâu dài để các nhà máy có thể đầu tư. Pháp có thể phối hợp với Anh để tái vũ trang, tái lập đối thoại với Đức, tổ chức kiểm soát Địa Trung Hải với Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, hay biển Baltic với Thụy Điển, Phần Lan, ba nước Baltic. Kế đến là cho sản xuất trở lại trong nước những sản phẩm chiến lược như đạn dược, vũ khí hạng nhẹ.

Trước một nước Nga dùng vũ khí nguyên tử để ngăn cản hỗ trợ Ukraine và đe dọa cả châu lục, Le Point cho rằng cần khẩn cấp củng cố khả năng răn đe nguyên tử, và có ủy viên chuyên trách quốc phòng cho Châu Âu. Trong bài "Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn ?" (nhắc lại câu nói của Stalin khi được yêu cầu tôn trọng tự do tín ngưỡng : "Giáo hoàng có bao nhiêu sư đoàn ?"), L’Obs dẫn lời chuyên gia François Heisbourg cảnh báo từ hai tháng qua, không có một viên đạn pháo Mỹ nào được đưa đến Ukraine. "Năm 2024 là một năm rất khó khăn cho Ukraine và phức tạp cho Châu Âu".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 248 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)