Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/03/2024

Điểm báo Pháp - Putin, tù nhân của điện Kremlin

RFI tiếng Việt

Putin, tù nhân của điện Kremlin

Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống Nga là chủ đề chính được các báo Pháp đề cập ngày 18/03/2024. Les Echos nhận thấy giới an ninh "siloviki" có thể thống trị ít nhất thêm sáu năm nữa, Putin tập trung thêm quyền hành và tiếp tục cuộc chiến. Theo một nhà quan sát, Putin và phe nhóm bị kẹt trong chính cái bẫy của mình : không thể bỏ rơi quyền lực vì sợ mất tất cả.

putin1

Ứng cử viên tổng thống Nga kiêm tổng thống mãn nhiệm Vladimir Putin phát biểu sau khi các phòng phiếu đóng cửa tại Moskva ngày 18/03/2024. Reuters - Maxim Shemetov

"Giờ Ngọ chống Putin" : Vũ khí duy nhất của công dân

Les Echos cho rằng hoạt động "Giờ Ngọ chống Putin", là vũ khí duy nhất của công dân. Vào đúng giữa trưa Chủ nhật, hàng ngàn người tụ tập tại các phòng phiếu để phản kháng cuộc bầu cử tổng thống. Vài phút trước 12 giờ trưa, phóng viên ghi nhận tại phòng phiếu số 1766 đặt trong một trường học, cử tri đến rải rác, đa số là người về hưu. Rồi bỗng dưng trong im lặng, hàng người nối dài, đa dạng hơn và trẻ trung hơn. Đó là một cách để giảm bớt gian lận - một cử tri cho biết - dù chính quyền đã cảnh cáo rằng hoạt động này là bất hợp pháp.

Libération đánh giá những hình ảnh ấn tượng nhất trong ngày bầu cử thứ ba là những hàng dài cả trăm mét hình thành hầu như đồng thời trước các phòng phiếu ở Moskva, Saint-Petersburg, Kazan… theo các nhân chứng. Các đại sứ quán và lãnh sự quán Nga trên khắp thế giới cũng tràn ngập người vào lúc 12 giờ trưa. Hình ảnh những hàng dài vô tận người Nga sống ở nước ngoài thực hiện một trong những lời kêu gọi cuối cùng của Alexei Navalny tràn ngập trên mạng xã hội suốt cả ngày Chủ nhật.

Bộ máy tuyên truyền của Kremlin không thiếu sáng kiến : tung lên mạng xã hội những tin giả nói rằng đối lập dời lại chiến dịch vào 17 giờ, hay từ lúc 12 giờ rưỡi các kênh truyền hình của Kremlin dùng hình ảnh những hàng dài người để nói rằng người dân hăng hái đi bầu. Và không hề chiếu cảnh ở nghĩa trang nơi Alexei Navalny được an táng, giữa vô số đóa hoa, những công dân vô danh đặt vào những lá phiếu tượng trưng ghi tên thủ lãnh đối lập. Những người hưởng ứng chiến dịch biết rằng tuy không thể cấm đi bầu vào đúng 12 giờ trưa, nhưng camera được gắn khắp nơi.

"Đắc cử" với tỉ lệ kỷ lục

Để tăng tỉ lệ tham gia, những ngày gần đây cư dân nhận được thông báo của chính quyền địa phương nhắc nhở nghĩa vụ đi bầu ; cơ quan, xí nghiệp thúc giục người lao động. Thủ trưởng cơ quan phải báo cáo cụ thể những nhân viên nào đã đi bầu cũng như thời điểm, còn số quan sát viên bị giảm tối đa. Golos, tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát bầu cử đã bị cấm hoạt động. Nhà báo Alexei Venediktov ước tính 15-20% số phiếu là bị ép buộc (như giới công nhân viên lệ thuộc Nhà nước), hay gian lận - có những nhóm được chi tiền để bỏ phiếu ở nhiều nơi.

Theo như công bố, Vladimir Putin đạt đến 87% số phiếu và số cử tri đi bầu cũng lên đến 75%. Như vậy mỗi lần bầu cử, Putin lại tăng vọt thêm đến 10 điểm (năm 2012 là 64%, năm 2018 là 76%). Les Echos mỉa mai, như vậy đến năm 2030 Putin sẽ gần như đạt 100%. Và theo Hiến pháp mà ông đã cho sửa đổi, lại có thể ra ứng cử và tại vị đến tận năm 2036 - lúc đó ông chủ điện Kremlin 83 tuổi. Những con số khác gây chóng mặt : Tại các vùng đất của Ukraine bị chiếm đóng như Luhansk, Zaporijia, số phiếu bầu cho Vladimir Putin vượt quá 90%.

"Siloviki" tiếp tục thống trị

Les Echos phân tích : "Ở trung tâm chiến thắng của Putin là quyền lực của các siloviki". Xung quanh tổng thống tái đắc cử lần thứ năm, giới này thở phào nhẹ nhõm. Đó là những người của lực lượng an ninh, nhân viên FSB như Vladimir Putin, và cả ủy ban điều tra, cảnh sát, vệ binh quốc gia và các tổ chức khác phụ trách duy trì trật tự. Trong ít nhất sáu năm nữa, họ có thể tiếp tục bảo vệ quyền hành, lợi ích kinh tế và an ninh chính trị của mình.

Một nhà quan sát nhận xét : "Theo một cách nào đó, họ bị kẹt trong chính cái bẫy của mình : không thể bỏ rơi quyền lực vì sợ mất tất cả. Thủ lãnh của họ là Putin cần phải tại vị". Cuộc bầu cử tổng thống kỳ này là một sự biểu dương lực lượng của Vladimir Putin và các siloviki. Đồng thời cũng là sự thú nhận điểm yếu : sau một phần tư thế kỷ nắm quyền, tổng thống đã thất bại trong việc xây dựng được một Nhà nước vững chắc.

Với Vladimir Putin, giới siloviki kiểm soát huyết mạch chính trị, kinh tế và văn hóa của Nga và kỹ nghệ quốc phòng, lãnh vực ưa thích của họ đã trở thành động cơ cho tăng trưởng kinh tế. Để đổi lấy sự trung thành của họ, tổng thống phân phối các chức vụ béo bở, lương cao và nhiều lợi ích khác ; con cái của bạn bè được thăng tiến. Từ khi khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt", Putin và giới chóp bu không có đường lui.

Nỗi sợ bao trùm

Trong những nhiệm kỳ đầu còn có sự đấu đá trong hậu trường giữa phe tự do và siloviki, nhưng trừng phạt của phương Tây đã làm phe tự do yếu đi. Đối với họ, chiến tranh là cú sốc ngang với bom nguyên tử, và họ phải lo thủ thế. Một cựu viên chức so sánh cuộc sống trong nước Nga của Putin như trong một gulag : ai dám chỉ trích chúa ngục ? Dù có đi nữa, Putin sẽ sa thải, cho là bị ảnh hưởng của kẻ thù phương Tây.

Các phe nhóm chiếm lĩnh những lãnh vực riêng, Vladimir Putin đóng vai trọng tài khi có tranh chấp. Chẳng hạn những quyết định quan trọng về kinh tế được dành cho Elvira Nabiullina, người phụ nữ từ mười năm qua vẫn là thống đốc ngân hàng trung ương. Bà Nabiullina không có quyền gì về quân sự, ngược lại Putin không để phe siloviki áp đặt quan điểm về lãi suất hay chính sách chống lạm phát. Còn các thống đốc vùng chỉ là người thi hành mệnh lệnh của trung ương. Trên toàn bộ hệ thống, nỗi sợ bao trùm. Trong trường hợp bất đồng, không thể cầu viện đến một cơ quan trung lập, báo chí độc lập hay tư pháp công minh, mà chỉ có siloviki quyết định.

Putin, tù nhân của Kremlin

Theo Le Figaro, "Tái đắc cử ngay trong chiến tranh, Putin chuẩn bị gia tăng tập trung quyền hành". Nhà chính trị học Mikhail Vinogradov nhận thấy đa số các quan chức đã nắm quyền từ rất lâu, như các bộ trưởng quốc phòng, nội vụ, ngoại giao, giám đốc FSB, chánh văn phòng tổng thống… Cũng sẽ có những thay đổi nhưng không đáng kể, các "thái tử" - con cái bạn bè tổng thống được ưu tiên. Trò chơi quyền lực là chuyện của giới ăn trên ngồi trước : một số thăm dò cho thấy chỉ có 1% dân Nga coi bầu cử tổng thống là sự kiện quan trọng trong tuần.

Trị vì lâu hơn Stalin và chuẩn bị vượt qua Catherine Đại đế, Putin mạnh mẽ hay dễ tổn thương hơn bao giờ hết ? Cái chết của 300.000 thanh niên Nga trên mặt trận Ukraine, và nền kinh tế chiến tranh đã không gây ra hỗn loạn. Khoảng 10.000 phiên tòa trong nhiệm kỳ vừa qua - nhiều hơn cả thời Khrushchev hay Brejnev - buộc người dân phải nói theo chủ trương của Nhà nước. Và Nhà nước là Putin !

Xã luận của Le Figaro nhận định Putin là "Tù nhân của Kremlin". Phía sau những bức tường cao của cung điện Vladimir Vladimirovich Putin vẫn ngự trị trên nước Nga mênh mông, với vinh quang quá khứ và đau buồn hiện tại. Uy quyền làm cô lập, và quyền uy toàn trị cầm tù. Với hệ thống độc tài đã thiết lập và cuộc chiến tranh đã khởi động, nhân vật bất khả xâm phạm ở Kremlin không có cách nào khác là dấn tới.

Những mặt trận sắp tới

Le Figaro điểm qua "Moldova, Châu Phi, Syria... những mặt trận khác của Vladimir Putin". Tổng thống Nga đã lao vào những cuộc xung đột khác, có thể gây ra những cuộc chiến tranh mới. Trong đó Moldova là quốc gia "đầu tiên trong danh sách". Nằm trong biên giới NATO giữa Romania và Ukraine đang chiến tranh, dưới cái nhìn của Moskva, nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này là vùng ảnh hưởng của Nga. Tại vùng Transnistria ly khai năm 1992 hiện có 1.500 quân Nga đang đóng với nhiều kho đạn dược lớn. Lợi dụng nạn tham nhũng, các tài phiệt thân Nga và thiểu số người Nga, Moskva tìm đủ cách gây bất ổn.

Với các nước vùng Baltic, cảnh sát Nga ra lệnh truy nã nữ thủ tướng Kaja Kallas của Estonia để gây sức ép. Cả ba nước Estonia, Latvia và Litva đều có những cộng đồng nói tiếng Nga mà Kremlin tuyên bố sẵn sàng bảo vệ. Tình báo Estonia gần đây lo ngại vì quân Nga tăng cường gần biên giới. Tại Armenia, khi Azerbaijan tấn công 3.000 lính Nga đóng tại đây không hành động gì khiến nước này bị chiếm mất Thượng Karabakh. Ở Gruzia, từ khi bị Moskva chiếm mất vùng Abkhazia và Nam Ossetia năm 2008, 4.000 quân Nga vẫn đóng tại đây.

Châu Phi trở thành sân chơi của lính đánh thuê Nga. Ban đầu Moskva còn núp sau tổ chức Wagner của Yevgeny Prigozhin, thao túng Libya, Mozambique, Trung Phi, Mali… Nay lực lượng này được đổi tên thành Africa Corps. Còn Syria trở thành ngõ vào Cận Đông cho Moskva, nhờ cảng Tartus, hải quân Nga có nơi tiếp liệu hậu cần, với 4.000 quân trú đóng. Bắc Cực là biên giới mới : từ 2021 Hạm đội Phương Bắc đã trở thành một quân khu riêng. Moskva cho mở lại hàng trăm căn cứ quân sự từ thời Liên Xô cũ và xây thêm phi trưởng, cảng nước sâu, thử nghiệm vũ khí mới. NATO cũng đang quan sát các hoạt động Trung Quốc, lo ngại Bắc Cực những năm tới sẽ là nơi xung đột.

Drone Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu Nga

Trong khi đó Libération cho rằng những vụ tấn công liên tục của drone Ukraine vào các nhà máy lọc dầu Nga trong những ngày gần đây là "những nhát roi quất vào quân đội của Putin".

Sáng hôm Chủ nhật 17/03, chính quyền Krasnodar cho biết drone đã gây hỏa hoạn tại một nhà máy lọc dầu ở Slaviansk-na-Kubani, tây nam nước Nga làm một người chết. Thứ Bảy, một vụ tấn công khác làm bốc cháy nhà máy lọc dầu Samara, nằm cách biên giới Ukraine 1.000 kilomet, cho thấy những cuộc không tập này có thể đánh sâu vào đất Nga. Thứ Tư tuần trước, một nhà máy khác ở Riazan nằm cách Moskva 200 kilomet bị drone tấn công và hôm trước đó là ở Nijni-Novgorod, rồi Orel.

Trước đó vào đầu năm, drone bắt đầu đánh vào khu phức hợp dầu khí ở Ust-Luga trên biển Baltic, nhà máy lọc dầu Tuapse trên Hăc Hải, rồi Volgograd. Những cú đánh này ngăn trở việc tiếp liệu xăng dầu cho quân Nga, giảm nguồn thu dầu khí vốn rất quan trọng để chi cho cuộc xâm lăng Ukraine. Nhà nghiên cứu Sergey Vakulenko của Fondation Carnegie nhận định những vụ tấn công này đặt ra vấn đề cốt tử về năng lực của kỹ nghệ năng lượng Nga trước áp lực chiến tranh.

Kiev có thể đe dọa đến phân nửa sản lượng của Nga

Nhắm vào các nhà máy lọc dầu, nơi chế biến dầu thô thành nhiều sản phẩm, là một cách để đánh vào nhiều lãnh vực trên thị trường thế giới. Xăng, dầu diesel, dầu lửa rất cần thiết cho kỹ nghệ sản xuất, vận tải và nông nghiệp. Bên cạnh đó còn là cách gây bất ổn từ bên trong : xăng dầu vốn ưu tiên cho xe tăng, chiến đấu cơ, nếu tấn công dồn dập thường dân sẽ bị thiếu nhiên liệu nhất là vùng quê cần diesel cho nông cơ. Moskva đã cấm xuất khẩu dầu trong sáu tháng kể từ 01/03. Loạt oanh kích mới đây đã làm giá xăng dầu tăng vọt trên thị trường Nga.

Theo tính toán của Sergey Vakulenko trên Libération, nếu những drone nhỏ bé đã đánh được tới tận Ust-Luga, thì "18 nhà máy lọc dầu Nga với tổng công suất 3,5 triệu thùng dầu một ngày (phân nửa năng lực Nga) là các mục tiêu tiềm tàng". Những nhà máy này đặc biệt kiên cố, chịu đựng được oanh tạc và trang bị cứu hỏa. Lúc bình thường việc sửa chữa toàn bộ chỉ mất vài tháng, nhưng vào thời chiến và bị cấm vận thì khác. Không chỉ các ống dẫn dầu, mà máy nén, van, bộ phận kiểm soát và các thiết bị khác khó thay thể được vì bị phương Tây trừng phạt.

Chiến thuật của Kiev cũng giống như mùa đông 2022, khi Moskva liên tục đánh vào mạng lưới điện Ukraine, nhưng hồi đó Kiev nhanh chóng phục hồi và tìm kiếm được thiết bị. Ukraine có thể nhắm vào các cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược hơn, như khu vực xuất khẩu sản phẩm hóa dầu ở cảng Primorsk trên biển Baltic, hay Novorossiisk ở Hắc Hải. Chuyên gia Mark Williams khi trả lời Bloomberg cho rằng Kiev có thể làm cú đúp, vừa làm giảm thu nhập của Kremlin, vừa gây áp lực lên các đồng minh phương Tây nhờ tác động đáng kể lên giá thế giới.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 119 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)