Bầu cử tổng thống Nga : Ba ứng cử viên "bù nhìn" để thể hiện "đa nguyên đa đảng"
Cuộc bầu cử tổng thống Nga và các ứng cử viên "phụ họa" tranh cử cùng Putin. Các chiến dịch gây quỹ cộng đồng để giúp người Palestine thoát khỏi Gaza. Chính phủ Luân Đôn đề xuất trả tiền để những người xin tị nạn tự nguyện rời khỏi Anh đến Rwanda. Hai tập đoàn Nissan và Honda của Nhật thông báo hợp tác để đối đầu Trung Quốc trong thị trường xe điện. Trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Ngoài Vladimir Putin, ba ứng cử viên đã được phép tranh cử tổng thống Nga là Leonid Slutsky (phải), Nikolai Kharitonov (giữa) và Vladislav Davankov. © AFP © AFP / Studio graphique de France 24
Trong cuộc bầu cử tổng thống Nga cuối tuần này, từ ngày 15- 17/03, tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ "đấu" với 3 ứng cử viên khác là Leonid Slutski của đảng Dân chủ Tự do Nga, Vladislav Davankov, đảng Nhân dân Mới và Nikolai Kharitonov, đảng Cộng sản. Trong cuộc bầu cử mà ông Putin nắm chắc phần thắng, ba nhân vật này trên thực tế chỉ là bù nhìn, là những người múa phụ họa, tạo ra vẻ ngoài "đa nguyên đa đảng" cho cuộc bỏ phiếu.
The AFP, ngay khi tuyên bố "tranh cử", Leonid Sloutski, 56 tuổi, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Nga đã nhận định «một chiến thắng lớn» sẽ thuộc về Vladimir Putin. Về phần mình, Nikolai Kharitonov, được coi là một chính trị gia kỳ cựu, từng tranh cử năm 2004, nêu ra các chính sách trong chương trình tranh cử như quốc hữu hóa sản xuất và ủng hộ việc tăng tỷ lệ sinh. Đây lại là hai định hướng chính của đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất. Nhân vật cuối cùng là Vladislav Davankov, 39 tuổi, ứng cử viên trẻ nhất, muốn thúc đẩy sự tự do cho các doanh nghiệp. Ông cũng giữ vị trí phó chủ tịch Quốc Hội, và ủng hộ hầu hết các chính sách của Vladimir Putin.
Trên thực tế, phe đối lập thực sự đã bị đè bẹp sau nhiều năm đàn áp. Trước cuộc bầu cử, những tiếng nói bất đồng với cuộc chiến ở Ukraine đã bị bịt miệng bằng các khoản tiền phạt hoặc bị bắt giữ. Hai nhà đối lập muốn đối đầu với Putin là Dountsova và Boris Nadejdine đã bị Ủy ban bầu cử từ chối cho tranh cử tổng thống.
Tuy nhiên, theo France 24, không thể không loại trừ khả năng những thành phần chống chiến tranh Ukraine được huy động để phản đối Putin. Bà Yulia Navalnaïa, vợ của nhà đối lập quá cố Alexei Navalny, bỏ mạng trong một nhà tù ở Bắc Cực, đã kêu gọi dân Nga bày tỏ sự phản đối với Vladimir Putin tại hòm phiếu. Nhiều cuộc biểu tình chống Putin của các nhà hoạt động Nga lưu vong dự trù diễn ra vào cuối tuần này tại Paris, Berlin hay Luân Đôn.
Nga đàn áp đối lập ở nước ngoài ?
Litva, nơi có khoảng 15 000 người Nga sinh sống, cũng là một trong những điểm đến xin tị nạn của nhiều nhà đối lập Nga từ nhiều năm qua. Leonid Volkov là một trong số họ. Ông cũng từng là cánh tay phải của Alexeï Navalny. Vào đầu tuần này Volkov đã bị thương do bị hành hung dã man tại nhà riêng ở Vilnius, thủ đô Litva. Vụ này dấy lên lo ngại về sự an toàn của những nhà đối lập Nga sinh sống tại nước ngoài.
Từ Vilnius, thông tín viên Marielle Vitureau cho biết thêm thông tin : "Có rất đông người Nga ở Litva nhưng họ không phải là một cộng đồng đoàn kết. Tuy nhiên, vẫn có thể cảm nhận được mối lo ngại của họ ở một số nhóm khác nhau. Trong số những người từng thân cận với Navalny, có mặt ở Litva từ vài năm qua, một số cho rằng hành động gây hấn vừa qua là để hù dọa những ai phản đối Vladimir Putin.
Một số người xin giấu tên, bày tỏ ngạc nhiên khi thấy vụ việc vừa rồi lại có thể xảy ra ở Litva. Những người khác, như nhà báo Mikhail Maglov, thân cận với Boris Nemtsov, thì cho rằng chính quyền Nga hy vọng họ phải sợ hãi sau cái chết của Navalny. Tuy nhiên, nhiều người lại không nhượng bộ, nên cuộc tấn công đó có thể được dự đoán trước.
Trong cuộc họp báo, cảnh sát Litva tỏ ý lảng tránh và mọi người hiểu là một số thủ tục sẽ được xem xét lại. Leoni Volkov sẽ được bảo hộ trong một thời gian. Hiện nay, chỉ có một số người được đặt trong chế độ bảo hộ của Litva, như trường hợp của Svetlana Tikhanovskaïa, lãnh đạo phe đối lập Belarus, đã đến Vilnius vào tháng 08/2020. Tuy nhiên, nhiều nhà đối lập tin rằng đây chỉ là khởi đầu, Vladimir Putin theo dõi những người chống đối ông ngay cả ở nước ngoài. Trường hợp gần đây nhất mà mọi người đều nêu ra là cái chết của một phi công Nga muốn đào tẩu sang Ukraine. Thi thể của ông được tìm thấy ở Tây Ban Nha".
Anh Quốc : Cho tiền để người xin tị nạn tự nguyện rời đi
Vẫn về thời sự ở Châu Âu, chính phủ Anh Quốc đã lên kế hoạch gửi người di cư đến Rwanda từ nhiều tháng qua, nhưng bất thành do sự phản đối của ngành tư pháp. Nay Luân Đôn muốn trả tiền cho những người xin tị nạn để họ đồng ý đi nơi khác. Từ thủ đô Anh Quốc, thông tín viên Emeline Vin tường trình :
"Nhận 3500 euro và rời khỏi Anh đến định cư ở Rwanda, đó là đề xuất của chính phủ Anh đối với những người xin tị nạn mà Anh muốn trục xuất, thay vì gửi trả họ về nước. Ở Rwanda, những người di cư có quyền làm việc. Hơn nữa, dự án này nằm trong thỏa thuận hợp tác chuyển hệ thống tiếp đón người tị nạn đến Rwanda, vốn đã bị tư pháp Anh ngăn chặn cách đây hai năm. Trên đài phát thanh Times Radio, bộ trưởng Bưu Điện (Post Office) Kevin Hollirake biện minh : ‘Chúng tôi đã trao khoản tiền này cho những người bị từ chối cấp quyền tị nạn, để giúp họ tái định cư, trở lại đất nước của họ. 3500 euro là một khoản lớn, nhưng sẽ đắt hơn nếu muốn để họ ở lại Anh một cách bất hợp pháp.
Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng bất cứ ai đến tận đây để được nhận 3500 euro rồi đến Rwanda.’
Qua thỏa thuận này, chính phủ có thể có được giữ được lời hứa với các cử tri bảo thủ về hình ảnh một chiếc máy bay chở toàn người di cư đến Rwanda. Công Đảng đối lập cáo buộc chính phủ muốn giữ thể diện. Người phát ngôn của đảng này nhận định : 'Chính phủ cuối cùng cũng thừa nhận rằng chương trình Rwanda không có cơ hội thành công, nên họ đành phải trả tiền cho những người muốn đến đó'.Chính phủ hiện vẫn chưa nói rõ khi nào thì chương trình ‘tái định cư tự nguyện’ sẽ bắt đầu".
Kêu gọi trợ giúp cộng đồng để rời khỏi Gaza
Về thời sự Trung Đông, cuộc chiến ở Gaza vẫn là chủ đề được quốc tế quan tâm trong tuần vừa qua. Các cuộc đàm phán về hưu chiến cho đến nay vẫn bế tắc. Quân đội Israel liên tục tấn công dải đất là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người Palestine. Hôm thứ Sáu, Hamas tố cáo quân đội Israel tấn công vào những người Gaza đang chờ hàng cứu trợ, khiến 20 người thiệt mạng, hơn 150 người bị thương. Quân đội của Nhà nước Do Thái đã bác bỏ điều này. Gần 6 tháng chiến tranh, Liên Hiệp Quốc lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo thêm trầm trọng và nạn đói lan rộng tại dải đất hiện đang bị Israel bao vây.
Trước những đe dọa đến tính mạng, nhiều người Gaza cố tìm cách sang Ai Cập lánh nạn. Ban đầu Cairo kiểm soát chặt cửa khẩu với Gaza, chỉ chấp nhận những người song tịch, nhưng nay đã nới lỏng quy định, chỉ cần nộp đủ tiền. Thế nhưng chi phí khá đắt đỏ và không phải ai cũng có điều kiện chi trả, do vậy mà nhiều chiến dịch gây quỹ cộng đồng đã được mở ra. Trên trang GoFundMe, dưới sự giúp đỡ của một người bạn, Saed Mgharee đã kêu gọi mọi người đóng góp, hỗ trợ gia đình mình rời khỏi Gaza. Trả lời RFI Pháp Ngữ, Sahed cho biết : "Chúng tôi muốn rời khỏi Gaza một cách hợp pháp, và chúng tôi phải trả mỗi người 5000 euro. Chi phí cho cả gia đình tôi lên đến 30 000 euro để qua được cửa khẩu Rafah, Ai Cập".
Mỗi ngày, khoảng 200 dự án được mở ra trên trang mạng gây quỹ cộng đồng, nhằm hỗ trợ những nạn nhân người Palestine hay Israel trong cuộc xung đột này. Đối với những người hiện đang ở Gaza, họ không thể tự mình mở chiến dịch gây quỹ mà phải thông qua những người quen sống ở các nước mà trang GoFundMe hoạt động. Tuy nhiên điều này cũng khá là may rủi vì có những trường hợp lừa đảo. Cô Mai Rajab, trên mạn xã hội X, kể về việc nhờ người thứ ba mở chiến dịch gây quỹ để giúp cô và gia đình rời khỏi Gaza. Tuy nhiên người này đã biến mất sau khi nhận được 50 000 euro ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.
Nhật Bản : Hai đối thủ xe hơi Nissan và Honda hợp tác để cạnh tranh với xe điện Trung Quốc
Nhìn sang Châu Á, tại Nhật Bản, trước sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc trên thị trường xe điện, Nissan và Honda, hai tập đoàn xe hơi hàng đầu của Nhật trong tuần này đã quyết định hợp tác nghiên cứu, phát triển các linh kiện chủ chốt trong xe điện, các loại công nghệ, hoặc thậm chí là mua hàng chung. Theo Les Echos, trong một cuộc họp báo hôm 15/03, lãnh đạo tập đoàn Honda Toshihiro Mibe cho biết : "Các kỹ sư của chúng tôi sẽ bắt đầu gặp gỡ và làm việc với nhau để xác định lĩnh vực nào mà hai doanh nghiệp sẽ có lợi khi hợp tác với nhau để giảm chi phí và đẩy nhanh thời gian phát triển sản phẩm". Lãnh đạo của Nissan Makoto Uchiba thì nhận định "chúng tôi sẽ không thể chiến thắng cuộc đua trong lĩnh vực xe điện (trước đối thủ Trung Quốc), nếu vẫn giữ cách tiếp cận truyền thống". Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles cho biết thêm :
"Nissan và Honda đang rất lo lắng trước BYD - doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc về xe điện, hiện đang thách thức các nhà sản xuất trên chính thị trường của họ. Ban đầu, Nissan và Honda sẽ thực hiện nghiên cứu khả thi để phát triển một nền tảng chung về việc sử dụng các phần phềm trên xe điện.
Hai tập đoàn này muốn củng cố sức mạnh trong lĩnh vực xe điện, thị trường mà các thương hiệu Trung Quốc đã nhanh chóng qua mặt toàn bộ ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản. Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng của Nissan và Honda đã sụt giảm vào năm ngoái.
Nissan vẫn luôn hợp tác trong lĩnh vực xe điện với Renault tại Châu Âu. Tuy nhiên, việc cân bằng lại hợp tác với hãng xe của Pháp sẽ cho phép tập đoàn này đàm phán một hợp tác chiến lược với Honda để có thể đối đầu tốt hơn trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc. Chính sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc đã buộc Nissan và Honda, vốn là hai đối thủ lịch sử, phải làm việc cùng nhau".
Chi Phương