Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/03/2024

TikTok có thực sự nguy hiểm với phương Tây ?

BBC tiếng Việt

Một dự luật đang được Quốc hội Mỹ thông qua, từ đó có thể dẫn tới việc TikTok bị cấm trên toàn nước Mỹ. Trung Quốc phản kích, gọi hành động của Mỹ là không công bằng.

tiktok1

TikTok và Douyin có chung định dạng và mã kỹ thuật cơ bản.

Đây là động thái mới nhất trong cuộc tranh cãi hàng năm trời liên quan đến tính an toàn của ứng dụng do một công ty Trung Quốc sở hữu.

Quan chức, chính trị gia và nhân viên an ninh tại nhiều nước phương Tây bị cấm cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cơ quan.

Vậy ba nỗi lo lớn nhất về an ninh mạng đối với TikTok là gì và công ty này phản hồi như thế nào ?

1. TikTok thu thập một lượng dữ liệu ‘quá lớn’

TikTok cho rằng việc thu thập dữ liệu của ứng dụng này "phù hợp với thông lệ của ngành".

Giới chỉ trích liên tục cáo buộc TikTok thu thập lượng dữ liệu khổng lồ. Một báo cáo về an ninh mạng đến từ các nhà nghiên cứu của công ty mạng Internet 2.0 tại Úc thường được đem ra làm bằng chứng. Báo cáo này được xuất bản vào tháng 7/2022.

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu mã nguồn của ứng dụng và khẳng định nó thực hiện "thu thập lượng dữ liệu quá lớn". Các nhà phân tích nói rằng TikTok lấy cả những thông tin chi tiết như định vị, thiết bị cụ thể nào đang được sử dụng và những ứng dụng nào có trên thiết bị đó.

Tuy nhiên, một thử nghiệm tương tự do phòng thí nghiệm Citizen Lab tiến hành đã kết luận rằng "so với các nền tảng truyền thông xã hội phổ biến khác, TikTok cũng thu thập các loại dữ liệu tương tự để theo dõi hành vi của người dùng".

Một báo cáo từ Viện Công nghệ Georgia năm 2023 cũng cho rằng "trên thực tế, hầu hết các ứng dụng mạng xã hội và di động đều làm những điều như vậy".

2. TikTok có thể được chính phủ Trung Quốc sử dụng để theo dõi người dùng

TikTok khẳng định công ty này hoàn toàn độc lập và không cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc ngay cả khi được yêu cầu.

Mặc dù các chuyên gia về quyền riêng tư có thể khó chịu, hầu hết chúng ta đều chấp nhận rằng việc chuyển giao dữ liệu cá nhân là điều chúng ta đồng ý khi sử dụng mạng xã hội.

Để đổi lấy việc sử dụng mạng xã hội miễn phí, chúng ta cho phép các công ty lấy thông tin của mình để bán quảng cáo trên các nền tảng này hoặc bán dữ liệu của chúng ta cho các công ty khác.

Mấu chốt đối với giới chỉ trích nằm ở việc TikTok thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, khiến nó trở thành một trường hợp cá biệt là mạng xã hội lớn không thuộc Mỹ. Facebook, Instagram, Snapchat và YouTube cũng thu thập lượng dữ liệu tương tự nhưng những công ty này đều thành lập ở Mỹ.

Trong nhiều năm, các nhà lập pháp Mỹ, cũng như tại hầu hết mọi nơi trên thế giới, đều cho rằng dữ liệu được các nền tảng này thu thập sẽ không được sử dụng vào mục đích bất chính để có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Sắc lệnh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2020 cáo buộc việc thu thập dữ liệu của TikTok có khả năng cho phép Trung Quốc "theo dõi vị trí của nhân viên liên bang, xây dựng các hồ sơ cá nhân để tống tiền và tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế".

Cho đến nay, rủi ro này chỉ nằm trên mặt lý thuyết, nhưng nỗi sợ hãi đã gia tăng khi một điều luật mơ hồ của Trung Quốc được thông qua vào năm 2017.

Điều 7 Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc quy định rằng tất cả các tổ chức và công dân Trung Quốc nên "ủng hộ, hỗ trợ và hợp tác" với các hoạt động tình báo của nước này.

Những người nghi ngờ cho rằng câu này không chỉ được dùng để ám chỉ TikTok mà còn các công ty Trung Quốc khác.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Georgia cho rằng câu này đã bị đưa ra khỏi ngữ cảnh, và lưu ý rằng luật trên cũng bao gồm những điều khoản cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi của người dùng và các công ty tư nhân.

Từ năm 2020, các giám đốc điều hành của TikTok đã nhiều lần cố gắng trấn an mọi người rằng nhân viên Trung Quốc không thể truy cập dữ liệu của người dùng không phải người Trung Quốc.

Nhưng trong năm 2022, ByteDance thừa nhận rằng một số nhân viên tại Bắc Kinh đã truy cập dữ liệu của ít nhất hai nhà báo ở Mỹ và Anh để theo dõi địa điểm của họ và xem họ có gặp nhân viên TikTok bị nghi ngờ rò rỉ thông tin cho giới truyền thông hay không.

Người phát ngôn của TikTok cho biết những nhân viên truy cập dữ liệu này đã bị sa thải.

Công ty khẳng định dữ liệu người dùng chưa bao giờ được lưu trữ ở Trung Quốc và họ đang xây dựng các trung tâm dữ liệu ở Texas để lưu thông người dùng Mỹ và cũng như xây dựng các cơ sở ở Châu Âu để lưu trữ dữ liệu công dân Châu lục này.

Tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), công ty này đã tiến xa hơn rất nhiều so với bất kỳ mạng xã hội nào khác và thuê một công ty an ninh mạng độc lập để giám sát các hoạt động sử dụng dữ liệu của TikTok trên các trang mạng ở Châu Âu. TikTok cho biết dữ liệu người dùng Châu Âu của họ được đảm bảo trong môi trường bảo vệ được thiết kế đặc biệt và chỉ có thể được truy cập bởi những nhân viên chịu sự giám sát, xác minh khắt khe.

3. TikTok có thể được dùng làm ‘công cụ tẩy não’

TikTok lập luận rằng nguyên tắc cộng đồng của mình "nghiêm cấm thông tin sai lệch có thể gây hại cho cộng đồng hoặc xã hội, bao gồm việc tham gia vào hành vi phối hợp tạo thông tin sai lệch".

Vào tháng 11/2022, Christopher Wray, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), nói với các nhà lập pháp Mỹ : "Chính phủ Trung Quốc có thể… kiểm soát thuật toán đề xuất, vốn được dùng trong các hoạt động gây ảnh hưởng". Cáo buộc này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Những mối lo ngại như thế tăng lên với thực tế rằng ứng dụng song sinh của TikTok là Douyin - chỉ có mặt tại Trung Quốc - bị kiểm duyệt gắt gao và có thông tin cho rằng nó được thiết kế để lan truyền mạnh mẽ những nội dung giáo dục và bổ ích đến người dùng trẻ tuổi.

Tất cả các mạng xã hội đều bị kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Trung Quốc, với đội quân cảnh sát mạng sẽ xóa sạch những nội dung chỉ trích chính phủ hoặc kích động bất ổn chính trị.

Vào lúc TikTok bắt đầu trở nên thịnh hành, đã có các vụ việc gây chú ý liên quan đến kiểm duyệt trên ứng dụng này : một người dùng ở Mỹ đã bị đình chỉ tài khoản vì thảo luận về cách Bắc Kinh đối xử với người Hồi giáo ở Tân Cương. Sau phản ứng dữ dội của công chúng, TikTok đã xin lỗi và khôi phục tài khoản.

Kể từ đó, có rất ít trường hợp bị kiểm duyệt, ngoại trừ các quyết định can thiệp gây tranh cãi mà tất cả các nền tảng đều phải đối mặt.

Các nhà nghiên cứu tại Citizen Lab đối chiếu TikTok và Douyin. Họ kết luận rằng TikTok không áp dụng việc kiểm duyệt chính trị tương tự như ứng dụng chị em của mình.

Các nhà phân tích của Viện Công nghệ Georgia cũng tìm kiếm những chủ đề như độc lập của Đài Loan hay những câu đùa về Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đưa ra kết luận rằng : "Những video như vậy có thể dễ dàng tìm kiếm trên TikTok. Nhiều trong số đó được phổ biến và chia sẻ rộng rãi".

Rủi ro trên lý thuyết

Bức tranh tổng thể về mối đe dọa của TikTok là nỗi lo và rủi ro trên lý thuyết.

Các bên chỉ trích cho rằng TikTok là một "con ngựa thành Troy" vì dù nó trông vô hại nhưng có thể trở thành một vũ khí hạng nặng khi có xung đột.

Ứng dụng này đã bị cấm ở Ấn Độ. Quốc gia này đã hành động chống lại TikTok và các nền tảng Trung Quốc khác vào năm 2020.

Nhưng lệnh cấm của Mỹ đối với TikTok có thể có tác động rất lớn đến nền tảng này, vì các đồng minh của Mỹ thường sẽ tiếp bước với các quyết định như thế.

Điều đó đã được thể hiện rõ ràng khi Mỹ dẫn dắt thành công lời kêu gọi ngăn chặn gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei triển khai cơ sở hạ tầng 5G – cũng với những rủi ro về lý thuyết.

Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng những rủi ro này giống như "đường một chiều". Trung Quốc không phải lo lắng về các ứng dụng của Mỹ. Công dân Trung Quốc đã không thể sử dụng các ứng dụng đó từ nhiều năm qua, do bị nhà nước chặn.

Joe Tidy

Nguồn : BBC, 20/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Joe Tidy
Read 175 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)