Thượng đỉnh Liên Âu bàn cách giúp Ukraine tăng cường năng lực chống Nga
Thu Hằng, RFI, 22/03/2024
Trong hai ngày 21 và 22/03/2024, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Bruxelles, Bỉ, để bàn cách hỗ trợ Ukraine tốt hơn trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga, cũng như đối phó với mối đe dọa Nga ngày càng nguy hiểm. Trong khi viện trợ của phương Tây cho Kiev đang sụt giảm, nhiều lãnh đạo Châu Âu lo ngại khả năng Ukraine thất trận và Nga sẽ không dừng ở đó.
Quân đội Ukraine nhận các loại vũ khí mới tại căn cứ gần Zhitomyr, Ukraine, ngày 05/01/2015. AP - Efrem Lukatsky - Ảnh tư liệu
Theo AFP, ngày họp thứ nhất bàn về kế hoạch sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị phong tỏa sau khi Moskva phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine ngày 24/02/2022. Bruxelles không "động" đến khối tài sản hơn 210 tỉ euro của Ngân hàng Trung ương Nga bị giữ tại Châu Âu, nhưng dự định sử dụng khoản tiền lãi hàng năm từ 3-4 tỉ euro.
Theo đặc phái viên RFI tại Bruxelles, 3% khoản tiền này sẽ được sử dụng để thanh toán chi phí hoạt động liên quan, 10% sẽ dành để đề phòng khả năng sau này Nga kiện. Trong trường hợp 27 nước nhất trí, gần 90% còn lại sẽ được dành mua vũ khí cho Ukraine. Chính quyền Kiev sẽ được nhận thành hai đợt, đợt thứ nhất được dự kiến ngay tháng 7 tới.
Chủ đề thứ hai liên quan đến việc Liên Hiệp Châu Âu chưa có ngành công nghiệp quốc phòng, sau hơn 60 năm thành lập. Các nhà lãnh đạo thảo luận về chiến lược mới mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, các nước vẫn bất đồng về cách huy động nguồn tài chính : Pháp và một số nước như Estonia ủng hộ việc Châu Âu đứng ra vay chung, như đã từng làm vào thời đại dịch Covid-19, nhưng nhiều nước khác như Đức phản đối kế hoạch này. Cho nên, theo AFP, các nhà lãnh đạo sẽ chỉ xem xét "mọi phương án» về tài chính để lập báo cáo vào tháng 6.
Tình hình hiện trở nên cấp bách với Liên Hiệp Châu Âu, vì theo cảnh báo của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, khối 27 nước đang "phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất cho an ninh kể từ Thế Chiến II". Trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo, ông Charles Michel nhấn mạnh "đã đến lúc chúng ta phải đưa ra những biện pháp triệt để và cụ thể để sẵn sàng về mặt quốc phòng".
Để tự chủ về năng lượng, tránh phụ thuộc vào khí đốt Nga, các nhà lãnh đạo Liên Âu kêu gọi tái thúc đẩy ngành công nghiệp hạt nhân, cụ thể là xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân và triển khai các lò phản ứng tiên tiến, theo dự thảo bản thông cáo mà Reuters tham khảo được. Cuối cùng, thượng đỉnh cũng sẽ thảo luận một số chủ đề khác, như quyết định mở đàm phán kết nạp Bosnia, hay tình hình tại Gaza.
Thu Hằng
*****************************
Sau 2 năm xâm lược Ukraine, Nga chính thức thừa nhận "đang trong tình trạng chiến tranh"
Thùy Dương, RFI, 22/03/2024
Sau hai năm tổng thống Nga Vladimir Putin điều quân xâm lược Ukraine, hôm nay 22/03/2024 chính quyền Moskva chính thức thừa nhận "đang trong tình trạng chiến tranh" và đổ lỗi cho phương Tây đã biến cuộc xung đột Ukraine, mà Nga xem là "chiến dịch đặc biệt", thành một cuộc chiến tranh.
Một góc nhà máy thủy điện ở Dnipro bị bốc cháy sau loạt tấn công bằng tên lửa của Nga ngày 22/03/2024. AP
Theo AFP, trả lời phỏng vấn kênh truyền thông "Argoumenty I Fakty", sáng hôm nay 22/03 ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên điện Kremlin phát biểu là nước Nga "đang trong tình trạng chiến tranh" : "Ban đầu đó là một chiến dịch quân sự đặc biệt, nhưng sau khi một băng đảng được hình thành, khi phương Tây tham gia tập thể vào đó và sát cánh với Ukraine, thì đối với chúng tôi đó đã trở thành một cuộc chiến tranh". Trong cuộc phỏng vấn này, phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cũng nhắc lại mục tiêu của điện Kremlin là chinh phục hoàn toàn 4 vùng của Ukraine (Kherson, Donetsk, Lougank và Zaporijia).
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga ồ ạt oanh kích Ukraine, đặc biệt nhắm vào mạng lưới điện.
Đợt oanh kích lớn nhất của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine
Chính quyền Ukraine cho biết là các lực lượng của Nga, trong đêm qua rạng sáng nay 22/03/2024, đã ồ ạt phóng 90 tên lửa các loại và 60 drone Shahed mang chất nổ nhắm vào nhiều nơi trên khắp đất nước Ukraine, gây một số thiệt hại nhân mạng. Đây cũng là đợt oanh kích quy mô lớn nhất của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Trên mạng Telegram, cơ quan quốc gia quản lý mạng lưới điện Ukrenergo xem đây là "đợt oanh kích mạnh chưa từng có nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng" của Ukraine, với "sự phối hợp của nhiều loại vũ khí". Chủ tịch - tổng giám đốc Ukrenergo, Volodymyr Kudrytskyi, nhấn mạnh là nhiều nhà máy nhiệt điện và thủy điện bị nhắm tới. Trong đêm qua, một trong hai đường dây cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân Zaporijia (nhà máy điện nguyên tử lớn nhất Châu Âu) đã bị cúp, hệ thống điện của thành phố Kharkiv bị hư hại.
Còn theo Reuters, đập thủy điện lớn nhất Ukraine cũng bị Nga oanh kích, nhưng may mắn không có nguy cơ sập.
Trên mạng xã hội, tổng thống Ukraine Zelensky "chia buồn với gia đình các nạn nhân đã thiệt mạng" trong đợt oanh kích mà Nga tiến hành đêm qua 21 rạng sáng hôm nay 22/03, nhưng ông không cho biết số thương vong vụ thể.
Trong khi đó, theo báo Le Monde, bộ Nội Vụ Ukraine sáng nay thông báo có nhiều vùng như "Zaporijia, Khmelnytsky, Odessa, Dnipro, Poltava, Mykolaïv, Vinnytsia, Lviv et Ivano-Frankivsk đã bị nhắm tới", khiến ít nhất 2 người chết và tối thiểu 8 người bị thương tại Khmelnytsky, miền tây Ukraine, 6 người bị thương và ở Zaporijia, 3 người hiện chưa được tìm thấy, nhiều tòa nhà dân cư bị hư hại.
Vùng Belgorod của Nga tiếp tục bị oanh kích
Về phía Nga, theo AFP, thống đốc vùng biên Belgorod cho biết sáng nay khu vực này lại hứng chịu nhiều vụ tấn công khiến 1 phụ nữ thiệt mạng và một số người bị thương, 3 tòa nhà của cơ quan y tế và nhiều ngôi nhà bị hư hại. Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Nga thông báo bắn chặn được 8 quả đạn pháo trên vùng trời Belgorod. Những quả đạn pháo này được phóng đi từ lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, lực lượng an ninh FSB của Nga hôm qua 21/03 thông báo bắt giữ tại thành phố Mariupol của Ukraine 2 người bị cáo buộc ủng hộ Kiev, biện minh cho các hành động của lực lượng Ukraine mà Moskva xem là "hành vi khủng bố" của "tổ chức tân phát xít Ukraine", tội danh có thể bị kết án 7 năm tù giam.
Thùy Dương
***********************
Quân Đội Pháp : Hỗ trợ quân sự phương Tây cho Ukraine "không dừng ở cấp vũ khí"
Trọng Thành, RFI, 22/03/2024
Tướng Pháp khẳng định, các hỗ trợ phương Tây cho Ukraine chống xâm lược Nga có thể vượt ra ngoài việc cung cấp vũ khí. Theo AFP, tổng tham mưu trưởng Quân Đội Pháp, tướng Thierry Burkhard, đã phát biểu như trên hôm 21/03/2024, bên lề cuộc họp báo ngắn tại Paris với đồng nhiệm Thụy Điển, tướng Micael Byden.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Thierry Burkhard (trái) và đồng nhiệm Thụy Điển Micael Byden, trong cuộc họp báo tại Nice, Pháp, ngày 21/03/2024. AP - Michel Euler
Tổng tham mưu trưởng Quân Đội Pháp tuyên bố, tổng thống Nga Vladimir Putin "đã xây dựng chiến lược hành động dựa trên quan điểm cho rằng người phương Tây sẽ không đặt chân lên đất Ukraine, mà chỉ dừng ở chỗ cung cấp vũ khí", cần phải cho Putin thấy rằng đây là một quan điểm "hoàn toàn sai lầm". Tướng Burkhard nhấn mạnh "các nước Châu Âu cần chấp nhận các rủi ro để bảo vệ an ninh của châu lục trong thập niên tới", và "không thể xem cuộc chiến tại Ukraine là một vấn đề thứ yếu".
Tướng Burkhard nói rõ : tuyên bố của tổng thống Macron "không loại trừ" việc phương Tây đưa quân đến Ukraine là nhằm để lãnh đạo Nga hiểu rằng các đồng minh của Kiev "ý thức rõ về những gì đang diễn ra tại Ukraine". Theo tổng tham mưu trưởng Quân Đội Pháp, hiện tại Kiev không yêu cầu các nước phương Tây hỗ trợ về người, nhưng khối NATO, mà Thụy Điển vừa trở thành thành viên, cần sẵn sàng cho mọi kịch bản.
Quan điểm của Pháp được tổng tham mưu trưởng Thụy Điển Micael Byden chia sẻ : "Thụy Điển sẵn sàng đảm nhận các trách nhiệm của mình, trong lĩnh vực răn đe cũng như phòng thủ". Theo Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Pháp, hợp tác Pháp và Thụy Điển sẽ được mở rộng sang nhiều lĩnh vực như tác chiến tại vùng Bắc Cực, hay phòng thủ dân sự, mà Thụy Điển vốn thường được nêu ra như một mẫu mực. Kể từ năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraine, Thụy Điển đã tái lập chiến lược "quốc phòng toàn dân".
Trọng Thành