Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/03/2024

Ukraine và Nga – Thánh chiến IS-K

Thu Hằng - Anh Vũ

Ukraine buộc Nga hứng chịu "1.000 vết cứa"

Thu Hằng, RFI, 27/03/2024

Ukraine chủ trương mở rộng "chiến tranh du kích" để đẩy xung đột sang lãnh thổ Nga. Bị sa lầy trên chiến trường, chênh lệch tương quan lực lượng, Kiev chuyển hướng sang chiến lược "1.000 vết cứa", tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Hiệu quả có thể không làm thay đổi được cục diện nhưng "làm tiêu hao và làm xáo trộn khả năng giúp Nga trụ được lâu dài", theo nhận định một sĩ quan Pháp.

nga1

Ảnh do Thống đốc vùng Belgorod của Nga Vyacheslav Gladkov đăng trên Telegram ngày 22/03/2024 : Trẻ em được đưa đi sơ tán từ các khu định cư ở gần biên giới Ukraine đến Penza, vùng Belgorod, Nga. AP

Được triển khai từ đầu năm 2024, một trong những hành động nổi bật nhất của chiến lược "1.000 vết cứa" là các vụ xâm nhập, tấn công trên lãnh thổ Nga từ ngày 12/03 do nhiều chiến binh Nga thân Ukraine tiến hành. Cờ Ukraine được cắm trên nhiều tòa nhà hành chính, giống như Nga làm tại các vùng chiếm đóng ở miền đông và nam Ukraine. Tuy nhiên, đối với tổng thống Putin, đây là một sự sỉ nhục không thể chấp nhận được và chính quyền trung ương không thể tiếp tục khăng khăng là bảo vệ được người dân.

Vẫn theo nguồn tin quân sự Pháp, được nhật báo Le Monde trích dẫn ngày 23/03, dù không mang lại hiệu quả quân sự trực tiếp nhưng những vụ thâm nhập "cắm thêm những cú dao" trong chiến lược "nghìn vết cứa". Ukraine chưa chắc đã có ý định xâm chiếm Nga. Các vụ tấn công gây hệ quả tâm lý nhiều hơn là quân sự. Một mặt, Kiev muốn cho người dân Nga ở vùng biên giới thấy rằng chiến tranh cũng xảy ra với họ, làm xáo trộn hoạt động cung ứng hậu cần cho mặt trận. Mặt khác, do phải phải điều quân đến bảo vệ những khu vực này nên Nga giảm bớt lực lượng ở mặt trận Donbass, nhờ đó quân đội Ukraine bớt được sức ép. Ông Stéphane Audrand, cố vấn về rủi ro quốc tế, cho rằng "những vụ thâm nhập vào lãnh thổ Nga còn có mục đích duy trì tinh thần cho các quân và dân" Ukraine.

Nhát cắt tiếp theo là tấn công vào các nhà máy lọc dầu Nga. Khoảng 15 nhà máy lọc dầu ở 9 vùng của Nga đã bị tấn công, phá hủy khoảng 11% khả năng lọc dầu, nhiều nhà máy nằm cách Ukraine đến 800 km. Thành công này cho thấy lợi thế về drone của Ukraine, hiện đã tự sản xuất đại trà, với giá thành hợp lý. Francisco-Serra-Martins, tổng giám đốc của nhà sản xuất drone Ukraine Terminal Autonomy, giải thích với Bloomberg ngày 20/03, rằng "Nga là một trạm xăng có vũ trang và chúng tôi có ý định phá hủy nó". Chiến lược của Ukraine không chỉ làm rối loạn hoạt động cung ứng nhiên liệu cho chiến trường mà còn nhằm giảm nguồn thu xuất khẩu của điện Kremlin.

Ngoài tấn công tin học, Ukraine cũng chứng tỏ lợi thế về drone khi "đánh du kích" Hạm đội Hắc Hải. Lực lượng hùng mạnh của Nga hiện diện tại Hắc Hải từ năm 1783 "đã bị tê liệt" trên thực tế, theo nhận định ngày 24/03 của bộ trưởng Quốc Phòng Anh. Khác với Nga phải nhập khẩu drone Shahed của Iran, chính quyền Kiev đã để cho doanh nghiệp tư nhân sản xuất và tăng ngân sách để ký hợp đồng.

Giới phân tích cho rằng Ukraine không còn giải pháp nào khác ngoài tiến hành chiến tranh du kích trong bối cảnh tương quan lực lượng bất cân xứng, nhà viện trợ lớn nhất là Mỹ vẫn bị bế tắc nội bộ. "Chiến lược gián tiếp" này buộc Nga phải phân tán lực lượng, nguồn lực để đối phó với thách thức trên mọi mặt trận và khiến cuộc tấn công của Nga tốn kém hơn.

Chiến lược "1.000 lát cắt" có thể không mang lại hiệu quả ấn tượng nhưng về lâu dài có thể đóng vai trò quyết định. Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại Viện Carnegie, nhận định trên mạng X ngày 20/03, "nếu Ukraine có thể trụ được trong năm 2024, chưa chắc lợi thế hiện nay của Nga trong cuộc chiến sẽ gia tăng mà có thể suy giảm theo thời gian".

Tuy nhiên, để giữ được lợi thế này, Kiev phải được rảnh tay hành động. Theo nhật báo Anh Financial Times, dường như Mỹ đã cảnh báo Ukraine ngừng tấn công các công trình hạ tầng năng lượng trên lãnh thổ Nga, một mặt do lo giá xăng dầu tăng, mặt khác do sợ rằng Nga trả đũa vào những đường ống dẫn dầu khí quan trọng đối với phương Tây, ví dụ đường Caspian Pipeline Consortium dẫn dầu từ Kazakhstan đi qua Nga. Thay vì bình luận cụ thể, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby chỉ nói "Chúng tôi không khuyến khích, cũng không cho phép Ukraine tấn công trên lãnh thổ Nga". 

Thu Hằng

**************************

Tadjikistan, vườn ươm thánh chiến Hồi giáo ở Trung Á

Anh Vũ, RFI, 27/03/2024

Một chính quyền độc tài, tình trạng nghèo đói kinh niên, biên giới hở, nhiều vùng nhạy cảm cho tư tưởng Hồi giáo cực đoan... Là nơi xuất thân của các nghi phạm trong vụ tấn công rạp ca nhạc Crocus City Hall, gần Moskva, được tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm, Tadjikistan gần một thập kỷ qua là một trong những nơi ươm mầm thánh chiến chính ở Trung Á.

nga2

Biên phòng Tadjikistan tuần tra biên giới với Afghanistan, ngày 26/07/2023. © Burt Herman, AP

Từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại rạp hát ở ngoại ô Moskva khiến hơn 140 người thiệt mạng, ông Vladimir Putin vẫn tránh bình luận về trách nhiệm của nhóm Nhà nước Hồi giáo, nhưng hôm 25/03 lần đầu tổng thống Nga đã xác định thủ phạm của vụ tấn công Moskva là phần tử "Hồi giáo cực đoan". Trong khi đó Kiev phủ nhận mọi can dự vào vụ khủng bố, báo chí chính thức Nga đã tiết lộ những tay súng tấn công Crocus City Hall là người gốc Tadjikistan, một nước cộng hòa Trung Á trong Liên Xô cũ, có hơn chục triệu dân trong đó đa số là người Hồi giáo.

Hôm Chủ nhật, tổng thống Tadjikistan Emomali Rakhmon, trong một cuộc nói chuyện điện thoại với đồng nhiệm Nga đã khẳng định rằng những kẻ "khủng bố không có quốc tịch, tổ quốc cũng như không theo tôn giáo nào". Về phần mình, Kremlin chỉ thông báo sự hợp tác "chặt chẽ" giữa hai nước trong lĩnh vực chống khủng bố sẽ được "tăng cường".

Nhiều chỉ huy cao cấp Daesh đếb từ Trung Á

David Gaüzère, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp và lãnh đạo Trung tâm Quan sát các Xã hội Trung Á, cho biết ông không mấy bất ngờ thấy những thành phần thánh chiến người Tadjikistan trên tuyến đầu của một cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn như vậy.

"Phải thừa nhận là Tadjikistan từ hơn một thập kỷ qua đang đối mặt với tình trạng cực đoan hóa trong một bộ phân dân, ở trong và ngoài đất nước. Thậm chí người ta thấy nhiều người Tadjikistan là những chiến binh tinh nhuệ của Daesh. Một số trong họ còn là những cận vệ của Abou Bakr al-Baghdadi, người tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo - Daesh".

Giống như nhiều nước cộng hòa Liên Xô cũ ở Trung Á, Tadjikistan "là một nơi nuôi dưỡng thánh chiến", Wassim Nasr, nhà báo của France 24 chuyên gia về các phong trào thánh chiến nhấn mạnh. Ông giải thích thêm : "về mặt lịch sử vùng này bị tác động rất nhiều bởi các chiến dịch tuyển mộ của các nhóm thánh chiến, ngay cả trước khi Nhà nước Hồi giáo thành lập và chiếm cứ tại Syria và Irak. Vào thời điểm đó, người ta nhận thấy có một làn sóng nhiều gia đình hàng chục người từ các nước Trung Á này kéo sang lãnh thổ do Daesh kiểm soát từ năm 2013".

Năm 2017, trung tâm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế International Crisis Group (ICG) ước tính có khoảng từ 2000 đến 4000 kiều dân Tadjikistan, Kirghizstan, Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan đã gia nhập hàng ngũ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria. Họ tham gia đội ngũ chiến binh và cả một số lãnh đạo hàng đầu.

Nhà báo Nassim Nasr cho biết : "Nhiều chỉ huy của Daesh xuất thân từ Trung Á đã thăng tiến thành công nhờ có năng lực quân sự được tích lũy từ thời Liên Xô. Một số khác được đào tạo chống khủng bố từ chính người Mỹ, thí dụ như cựu đại tá Gulmurod Khalimov, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Tadjikistan đã gia nhập IS năm 2015 và trong một video nhân vật này còn kêu gọi đồng bào theo ông".

Đóng tại Afghanistan gần biên giới Pakistan, nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), "từ năm 2015 đã lập ra một điểm cố định trong vùng để thu hút chiến binh thánh chiến cho Daesh".

Do các lãnh đạo của Taliban Afghanistan, những người tuyên thệ trung thành với Abu Bakr al-Baghdadi, lập ra nhánh Daesh này đã công khai coi Nga là mục tiêu tấn công. Nhóm này đã bị tình báo Mỹ nghi là thủ phạm tấn công Moskva hôm 22/03. Ngay từ hôm 07/03, đại sứ quán Mỹ tại Nga đã cảnh báo các công dân của mình rằng họ "đang theo dõi rất kỹ các thông tin, theo đó những thành phần cực đoan có kế hoạch chuẩn bị tấn công vào các tụ điểm lớn ở Moskva, trong đó có cả các buổi hòa nhạc".

Sau vụ khủng bố 22/03, Washington cho biết đã thông báo trực tiếp cho Moskva những thông tin trên, theo nhật báo New York Times. Hôm thứ Hai (25/03), tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tình báo Pháp cũng đánh giá nhóm này "đã lên kế hoạch và thực thi vụ khủng bố này". Chính phủ Pháp đã hành động, trong cuộc họp tối Chủ nhật tổng thống Pháp còn cho biết nhánh Daesh này nhiều tháng gần đây đã có những âm mưu tấn công nước Pháp. Đó chính là lý do chính phủ Pháp quyết định nâng mức báo động khủng bố lên cao nhất.

Chế độ Tadjikistan bị đe dọa

Theo ông David Gaüzère, vụ khủng bố Moskva cho thấy Daesh đã hồi sinh và có khả năng tấn công vào nơi nào chúng muốn nhờ các chi nhánh khác nhau như IS-K. Ông nhận định : "Ngay cả Tadjikistan cũng không nằm ngoài đe dọa thánh chiến".

Ông nhắc lại là vào năm 2018, nhiều vận động viên đua xe đạp đã bị tấn công và sát hại gần Danghara, nằm ở phía đông nam thủ đô Douchanbé. Năm 2019, một cuộc nổi dậy trong nhà tù Vakhdat, cách thủ đô hơn chục km do con trai của Gulmurod Khalimov tiến hành. Tại Syria Gulmurod Khamimov được coi như là thủ lĩnh chiến tranh của Daesh.

Chuyên gia về Hồi giáo ở Trung Á này còn nhận định, cuộc xâm lược Ukraine của Nga là một yếu tố khơi dậy trở lại hoạt động và mối đe dọa thánh chiến trong vùng.

"Từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga kiểm soát biên giới giữa Tadjikistan-Afghanistan bằng cách triển khai một sư đoàn bộ binh cơ giới 201 với gần 7000 quân nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố Afghanistan xâm nhập vào Tadjikistan. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã rút các đơn vị quân này đưa sang Ukraine khiến biên giới trở nên rỗng và do đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhóm thánh chiến xâm nhập và hoạt động trên đất Tadjikistan hoặc trong các quốc gia nói tiếng Nga và cả Nga".

Tình hình hiện tại gây lo lắng cho chế độ chuyên quyền của tổng thống Emomali Rakhmon, cầm quyền từ 2012. Các chuyên gia đã coi nước này là một mắt xích yếu trong vùng trước mối đe dọa thánh chiến.

"Mục tiêu cuối cùng của Daesh là thành lập vương quốc Hồi giáo toàn cầu, trong khi chờ đợi tại chỗ, lực lượng thánh chiến Tadjikistan tìm cách lật đổ chính quyền hiện nay để thành lập một quốc gia Hồi giáo, David Gaüzère nhận định. Thế nhưng cơ sở hậu thuẫn cho Emomali Rakhmon hiện tại bị thu nhỏ đến mức mà nay trong phe của mình tổng thống cũng bị chống đối".

Chuyên gia David Gaüzère kết luận : "Chế độ độc tài kiệt lực này vẫn tồn tại chỉ nhờ vào sự cai trị tàn ác và bởi vì nó được Nga hậu thuẫn, chắc chắn ngày nào đó nếu Puin rời khỏi quyền lực, theo cách tự nhiên, chế độ này sẽ sụp đổ chỉ vài tuần sau đó và rất có thể đất nước này sẽ rơi vào tay Hồi giáo cực đoan".

(Theo france24.com)

Anh Vũ

Nguồn : RFI, 27/03/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Anh Vũ
Read 251 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)