Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/03/2024

Điểm báo Pháp – Thay đổi mô hình "Nhà nước phúc lợi"

RFI tiếng Việt

Thâm hụt ngân sách : Pháp muốn thay đổi mô hình "Nhà nước phúc lợi"

Về thời sự nước Pháp, thâm hụt ngân sách lên đến 5,5% GDP vào năm 2023 bao trùm khắp các mặt báo số ra hôm nay. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất "Những vấn đề về thiếu tầm nhìn xa của bộ Tài Chính Pháp". 

phucloi1

Chủ tịch thẩm kế viện Pháp, Pierre Moscovici báo động về tình trạng thâm hụt ngân sách. Ảnh ngày 12/03/2024. AFP – Dimitar Dilkoff

Các phe đối lập tả hữu đều tin rằng chính phủ đã trì hoãn, thông báo chậm trễ cho Quốc hội về mức thâm hụt này, và liên tiếp đưa ra tin tức về doanh thu thuế thấp hơn dự kiến. Theo Le Monde, để giải quyết tình trạng này, việc tăng thuế hay là đánh thêm thuế vào giới siêu giàu đang là chủ đề tranh luận. Một số ý kiến khác thì nói tới việc xem xét lại các ưu đãi về thuế đối với bảo hiểm nhân thọ (assurance-vie), làm thất thu khoảng 1 tỷ đô la trong ngân sách mỗi năm. 

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã khẳng định sẽ "không động chạm đến thuế của giới trung lưu", cũng như của "những người tạo công ăn việc làm cho người Pháp". Thay vào đó, hôm thứ Tư, ông Attal đã thông báo biện pháp mới : thắt chặt các điều kiện được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Biện pháp này đã khiến giới công đoàn bất bình, lên án chính phủ muốn "tiết kiệm trên lưng của những người khốn khổ". 

Xã luận của La Croix đề cập đến bộ trưởng Tài Chính Pháp Bruno Le Maire, từng khẳng định bằng "bất cứ giá nào" để thực hiện các chính sách hỗ trợ trong đại dịch Covid-19 hay cuộc khủng hoảng năng lượng, khiến nợ công tăng vọt. Và nay, ông Le Maire kêu gọi thay đổi mô hình xã hội Pháp từ "Nhà nước phúc lợi" sang "Nhà nước bảo hộ", cho rằng Nhà nước đã hỗ trợ quá nhiều nên giờ cần phải giảm bớt đi. 

Mặc dù tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã nhiều lần nhắc lại không tăng thuế, nhưng ngày càng có nhiều người nghi ngờ điều này. Xã luận Le Figaro lập luận rằng đó sẽ là một chiến lược tồi vì vài tỷ tiền thuế thu được không đáp ứng được các khoản thâm hụt quá lớn, lên đến 150 tỷ vào năm 2023. Tăng thuế sẽ chỉ khiến đầu tư giảm đi, làm mất sức hấp dẫn kinh tế vốn đã đánh thuế 58% tổng tài sản được tạo ra, cao hơn cả Đức. Le Figaro kết luận bằng việc đưa ra hai phương án khả thi để hạn chế thâm hụt ngân sách và giảm nợ công : tạo ra nhiều của cải hơn và nhất là chi tiêu ít đi và hiệu quả hơn. 

Báo chí Pháp cũng quan tâm đến vụ một hiệu trưởng trường trung học ở Paris xin về hưu sớm vì bị đe dọa đến tính mạng trên mạng xã hội khi yêu cầu một học sinh bỏ khăn trùm đầu theo đạo Hồi. Nhật báo công giáo La Croix cho rằng sự việc đã làm sáng tỏ những khó khăn trong việc yêu cầu mọi người tuân thủ nguyên tắc "thế tục", không tôn giáo ở trường học. Những căng thẳng liên quan đến trang phục của học sinh lại được khơi dậy, sau 20 năm Pháp cấm đeo khăn trùm đầu Hồi giáo ở các trường trung học hay trường công, và sau 7 tháng khi lệnh cấm mặc đến trường bộ đồ trùm kín người – abaya - được ban hành. Xã luận của Le Monde nhận định đây là một việc rất đáng quan ngại khi hiệu trưởng của một trường lại quyết định nghỉ việc vì lý do an ninh. 

Thiếu quân, Ukraine tuyển "cưỡng bức" binh lính 

Về cuộc chiến ở sườn đông Châu Âu, những ngày gần đây, Le Figaro cho biết Nga đã tăng cường các chiến dịch tấn công vào Ukraine. Đêm thứ Tư, sáng thứ Năm, quân đội Ukraine đã phát hiện 28 drone Shahed loại 136/131 tấn công vào miền nam và miền đông nước này, chưa kể các cuộc oanh kích trên khắp các mặt trận. Phóng sự của Le Figaro tại một căn cứ không quân ngoại ô Kiev cho thấy quân đội Ukraine huy động nguồn lực, tăng cường bảo vệ thủ đô Kiev, nhất là vào ban đêm. 

Hồ sơ lớn trong mục quốc tế của Le Monde cũng nói về cuộc chiến ở Ukraine, dưới chế độ thiết quân luật từ hơn 2 năm qua. Phóng sự tại Odessa chỉ ra nỗi lo lắng của những thanh niên Ukraine khi bị bắt buộc phải nhập ngũ. Ví dụ như trường hợp của Oleg, bị bệnh nặng, hiện đang điều trị và không đủ khả năng chiến đấu. Mặc dù có đủ giấy tờ chứng nhận tình trạng sức khỏe yếu nhưng Oleg đã bị cưỡng bức đưa đến nơi tuyển quân, và cho là đủ điều kiện vì "vẫn còn hai tay, hai chân". 

Nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm nới lỏng các điều kiện cho phép nhập ngũ, hoặc giảm tuổi đi nghĩa vụ từ 27 xuống còn 25 tuổi, tuy nhiên tổng thống Ukraine vẫn do dự và chưa đưa ra quyết định cụ thể. Trong khi đó, Le Monde chỉ ra rằng quân đội Ukraine ngày càng thiếu nhân lực nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển thêm lính mới thể thay thế những người đã kiệt sức từ hai năm chiến tranh, bị thương hoặc tử trận. Chính vì vậy mà quân đội phải tự tìm cách gia tăng quân số. Những tháng vừa qua, các trung tâm tuyển quân đã tăng cường tuần tra tại nhiều địa điểm công cộng của thành phố, kiểm tra giấy tờ "bắt người" "tình nguyện" gia nhập quân đội. Không chỉ tại Odessa mà vụ việc tương tự cũng xảy ra ở nhiều thành phố khác. 

Những hành động cưỡng bức, bắt lính, được cho là bất hợp pháp của các trung tâm này, loan tải trên các mạng xã hội, khiến nhiều người phẫn nộ. Một văn phòng luật ở Odessa xác nhận là các vụ tuyển quân bất hợp pháp của quân đội Ukraine đã gia tăng từ 6 tháng qua, nhiều người bị cưỡng chế đưa đi và không kịp yêu cầu luật sư can thiệp. Do vậy văn phòng này đã lập ra một ứng dụng nhằm kết nối nhanh chóng giữa người dân và chuyên viên tư vấn pháp luật. 

Tự do báo chí của Ukraine bị thụt lùi vì chiến tranh 

Trong cùng hồ sơ về Ukraine, Le Figaro có bài "Tại Ukraine, những nhà báo phải chịu áp lực trước bí mật quân sự". Tờ báo cánh hữu phỏng vấn Iori Nikolov một nhà báo chuyên điều tra về các vụ biển thủ công quỹ của chính quyền. Ông Nikolov đã nhận được một bản hợp đồng trị giá 320 triệu euro chỉ ra rằng quân đội Ukraine đã khai khống tiền khi mua sắm thiết bị. Ban đầu, Nikolov phân vân liệu có nên công khai nội dung này hay không vì có thể tổn hại đến danh tiếng của quân đội Ukraine và các viện trợ từ phương Tây. Tuy nhiên, sau khi báo cáo vụ việc với chính quyền, nhà báo người Ukraine không nhận được bất cứ phản hồi nào và quyết định đăng tải nội dung. 

Cuộc điều tra của nhà báo Ukraine đã gây náo động chính trường, khiến nhiều quan chức cấp cao cũng như bộ trưởng Quốc Phòng Ukraine từ chức, dù không trực tiếp liên can. Theo Le Figaro, Ukraine đã dần cải thiện tự do báo chí từ những năm qua, đứng ở vị trí 78 trong gần 200 nước theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, với các cuộc điều tra về hối lộ, nhận hoa hồng của các quan chức… Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh nổ ra với Nga, Le Figaro chỉ ra rằng các tờ báo hay phóng viên Ukraine ngày càng bị giám sát, gây áp lực, thậm chí là bị công kích cá nhân để làm mất uy tín, "khiến tự do báo chí bị thụt lùi". 

Các kênh truyền hình cũng thiếu tính đa dạng về thông tin và đôi khi trở thành phát ngôn của chính quyền Kiev. Các nhà báo cũng khó có thể tiếp cận với quân đội vì lý do "bí mật quân sự". Có những nhà báo đã bị cáo buộc gây tổn thất cho quân đội vì đưa tin chi tiết về các lữ đoàn khiến Nga có thể biết được mục tiêu nhắm bắn. Cho đến nay, khoảng 250 cơ quan truyền thông của Ukraine đã bị đóng cửa vì Nga chiếm đóng, vì các nhà báo bị huy động trên mặt trận hoặc vì lý do tài chính.

Gaza : Nước nào vẫn bán vũ khí cho Israel ?

Tình hình tại Gaza vẫn là chủ đề được nhiều báo quan tâm. Với các cuộc oanh kích thường nhật của quân đội Israel ở Gaza, Le Monde đề cập đến những nỗi bất an, ký ức đau đớn của những người Palestine bị cưỡng bức rời khỏi Gaza vào năm 1948, đến Liban sinh sống. Le Figaro thì lại chạy tựa "Số phận treo lơ lửng của những bệnh nhân ung thư người Gaza". Trước cuộc tấn công của Hamas ngày 07/10/2023, một số bệnh nhân đã được chuyển đến Jerusalem điều trị. Cho đến nay, một số đã kết thúc quá trình chữa trị nhưng lo ngại bị gửi trả về Gaza, hiện đang bị tàn phá do các cuộc tấn công của Israel, nhằm tiêu diệt tận gốc Hamas. 

La Croix đặt câu hỏi : "Nước nào vẫn bán vũ khí cho Israel ?" Trong khi nhiều nước như Canada và Ý đã quyết định ngừng xuất khẩu vũ khí cho Nhà nước Hồi giáo sau các cuộc tấn công đẫm máu ở Gaza. Theo nhật báo công giáo, cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính (68%), theo sau là Đức với các chiến đấu cơ F-35, đạn pháo hoặc các loại bom hoặc các xe thiết giáp hoặc thiết bị phòng vệ. 

Ông trùm Ai Cập độc quyền đường dây đưa người rời khỏi Gaza

Về phần mình, Libération nêu ra cái giá "cắt cổ", tương đương với 5000 euro/lượt, mà những người Palestine phải trả để có thể rời khỏi dải đất đang phải hứng chịu các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của quân đội Israel. Nhật báo cánh tả cũng "vẽ" lại chân dung của doanh nhân Al-Argani, thân cận với tổng thống Ai Cập, độc quyền kinh doanh "vận chuyển" tại cửa khẩu Rafah, dù là người hay hàng hóa, qua công ty du lịch Hala. Được mệnh danh là "ông vua của bán đảo Sinai" – vùng đất nối Châu Phi với Tây Á, Al-Argani đã nổi danh là ông trùm buôn bán hàng hóa, vũ khí, ma túy hay di dân qua đường hầm nối Gaza với Ai Cập từ năm 2008, cho đến khi tuyến đường này bị triệt phá. 

Sau đó, Al-Argani dần thân với Cairo khi lập giao ước với chính quyền của tổng thống Abdel Fattah al-Sissi : huy động cộng đồng người Bedouin, chống khủng bố ở Sinai, đổi lại sẽ được tự do trồng và kinh doanh cần sa. Ông trùm xứ Sinai cũng nhanh chóng trở thành đối tác kinh doanh chính của quân đội Ai Cập, tiến vào Gaza qua các hoạt động xây dựng, được Israel chấp thuận. Tập đoàn Organi do ông lãnh đạo, cũng thống lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế của Ai Cập, ví dụ như công ty Global Auto do ông điều hành là nhà phân phối chính thức của BMW và Mini cooper tại Ai Cập. Al-Argani cũng tính đến khả năng thâu tóm thị trường tái xây dựng Gaza. 

Cực hữu "cai trị" ở Ý như thế nào ? 

Về thời sự Châu Âu, Libération dành hồ sơ lớn nói về sự lãnh đạo của phe cực hữu ở Ý mà người cầm quyền là thủ tướng Georgia Meloni từ 18 tháng qua, với các gây áp lực đối với cộng đồng LGBT, đàn áp những người xin tị nạn, bịt miệng các kênh truyền thông, làm "khô cạn" các thể chế văn hóa bằng các giá trị cực hữu. Xã luận nhật báo cánh tả lập luận rằng "nếu muốn tính độ sâu của vực thẳm mà nước Pháp rơi xuống nếu cực hữu nắm quyền", thì Ý là một ví dụ điển hình cho thấy một trong những viễn cảnh đó. Meloni được mô tả là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo nước Ý, khéo léo, tính toán và tàn nhẫn ở Châu Âu.

Bà "viết lại lịch sử để lừa dối tương lai", trấn an bằng các chính sách đối ngoại phù hợp với quan điểm của Liên Hiệp Châu Âu, để gây bất ổn trong nước tốt hơn. Chiến thuật của Meloni là "ở lại trong Châu Âu", để tiêu diệt bên trong dễ hơn.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương
Read 142 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)