Theo hãng tin Reuters, trong nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh phát triển công nghiệp chế tạo bán dẫn, ngày 29/03/2024, chính quyền Joe Biden đã điều chỉnh lại nhiều quy định liên quan đến xuất khẩu sang Trung Quốc các loại vi mạch điện tử có thể được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vì lý do an ninh quốc gia .
Một vi mạch của Trung Quốc nhìn dưới kính hiển vi trong Hội chợ triển lãm công nghệ cao quốc tế Bắc Kinh lần thứ 21. Ảnh ngày 17/05/2018. AP - Ng Han Guan
Lo ngại Bắc Kinh phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, từ hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã thông báo một loạt quy định nhằm cắt nguồn cung cấp cho Trung Quốc các loại vi mạch tiên tiến dùng cho trí tuệ nhân tạo, chủ yếu do tập đoàn Nvidia chế tạo.
Những quy định mới trong thông báo hôm qua của Bộ Thương Mại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 04/04 tới đây, đã cụ thể hóa và điều chỉnh thêm những quyết định đã triển khai từ năm trước.
Theo các quy định mới, việc cung cấp chip hiện đại hơn dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được mở rộng ra đối với tất cả các loại vi mạch dùng cho máy tính xách tay có trang bị công nghệ AI.
Bộ Thương Mại Mỹ, cơ quan giám sát kiểm tra xuất khẩu, cho biết dự kiến tiếp tục cập nhật các biện pháp mới nhằm hạn chế cung ứng công nghệ cho Trung Quốc để các quyết định có hiệu quả.
Giới quan sát nhận thấy, những tháng gần đây, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Washington lo ngại mất thế thượng phong về công nghệ cao sẽ tác động xấu tới cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh trong lĩnh vực chủ chốt là chế tạo bán dẫn.
Theo một báo cáo do Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), Trung Quốc đã đứng đầu thế giới trong 37 trên 44 loại công nghệ mũi nhọn, từ công nghệ trong lĩnh vực không gian đến tự động hóa và công nghệ sinh học. Trung Quốc còn đặt mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, sẽ tự chủ hoàn toàn về công nghệ.
Anh Vũ