Theo hãng tin Reuters, trong nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh phát triển công nghiệp chế tạo bán dẫn, ngày 29/03/2024, chính quyền Joe Biden đã điều chỉnh lại nhiều quy định liên quan đến xuất khẩu sang Trung Quốc các loại vi mạch điện tử có thể được sử dụng trong công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vì lý do an ninh quốc gia .
Một vi mạch của Trung Quốc nhìn dưới kính hiển vi trong Hội chợ triển lãm công nghệ cao quốc tế Bắc Kinh lần thứ 21. Ảnh ngày 17/05/2018. AP - Ng Han Guan
Lo ngại Bắc Kinh phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, từ hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Mỹ đã thông báo một loạt quy định nhằm cắt nguồn cung cấp cho Trung Quốc các loại vi mạch tiên tiến dùng cho trí tuệ nhân tạo, chủ yếu do tập đoàn Nvidia chế tạo.
Những quy định mới trong thông báo hôm qua của Bộ Thương Mại Mỹ, có hiệu lực từ ngày 04/04 tới đây, đã cụ thể hóa và điều chỉnh thêm những quyết định đã triển khai từ năm trước.
Theo các quy định mới, việc cung cấp chip hiện đại hơn dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được mở rộng ra đối với tất cả các loại vi mạch dùng cho máy tính xách tay có trang bị công nghệ AI.
Bộ Thương Mại Mỹ, cơ quan giám sát kiểm tra xuất khẩu, cho biết dự kiến tiếp tục cập nhật các biện pháp mới nhằm hạn chế cung ứng công nghệ cho Trung Quốc để các quyết định có hiệu quả.
Giới quan sát nhận thấy, những tháng gần đây, cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Washington lo ngại mất thế thượng phong về công nghệ cao sẽ tác động xấu tới cuộc cạnh tranh địa chiến lược với Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc đang có những bước tiến nhanh trong lĩnh vực chủ chốt là chế tạo bán dẫn.
Theo một báo cáo do Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute), Trung Quốc đã đứng đầu thế giới trong 37 trên 44 loại công nghệ mũi nhọn, từ công nghệ trong lĩnh vực không gian đến tự động hóa và công nghệ sinh học. Trung Quốc còn đặt mục tiêu đầy tham vọng là đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, sẽ tự chủ hoàn toàn về công nghệ.
Anh Vũ
Chip bán dẫn : Hàn Quốc muốn Mỹ nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư ở Trung Quốc
Minh Anh, RFI, 26/05/2023
Vào lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản hôm nay, 26/05/2023, chuẩn bị thông báo một thỏa thuận hợp tác về công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn, Seoul mong muốn Washington xem xét lại quy định về hạn chế đầu tư ở Trung Quốc để được hưởng các tài trợ đầu tư ở Mỹ theo như luật "Chips Act » ban hành hồi tháng 3/2023.
Nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 07/09/2022 via Reuters – Samsung Electronics
Thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tại Seoul giải thích thêm :
Đầu tư vào Mỹ nhưng không làm mất đi thành quả của những năm tháng làm việc ở Trung Quốc : Đây là một phương trình cân bằng mà Samsung Electronics và SK Hynix, hai tác nhân chủ chốt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn, đang phải tính đến. Hiện tại, hãng Samsung đang xây dựng một nhà máy lớn tại bang Texas có tổng trị giá lên đến hơn 25 tỷ đô la, trong khi đối thủ cạnh tranh cũng có kế hoạch đầu tư 15 tỷ đô la vào thị trường chip điện tử ở Mỹ.
Nhưng để được hưởng các khoản hỗ trợ của Mỹ theo đạo luật "Chips Act", các hãng này bị cấm tăng mức sản xuất linh kiện bán dẫn trên 5% tại một số nước bị đánh giá là "đáng quan ngại". Trung Quốc nằm trong danh sách này. Do vậy, Seoul đã đề nghị đẩy ngưỡng cấm lên 10%, để không gây ra một áp lực "phi lý" lên các doanh nghiệp đầu tư ở Mỹ.
Minh Anh
*************************
Cấm mua chip của Micron, Trung Quốc " dằn mặt " Mỹ và các đồng minh
Minh Anh, RFI, 24/05/2023
Lệnh cấm một số ngành công nghiệp trong nước sử dụng thẻ nhớ điện tử của hãng Mỹ Micron Technology là đòn trả đũa thực chất đầu tiên của Bắc Kinh trước các chính sách của Washington nhắm vào nhiều công ty bán dẫn của Trung Quốc. Nhưng đây cũng là lời cảnh cáo Bắc Kinh gởi đến chính quyền Biden : Kể từ nay Mỹ không thể đơn phương quyết định đóng băng hay hạ nhiệt các mối quan hệ.
Ảnh chụp cờ Trung Quốc và cờ Mỹ trên nền các chip bán dẫn. Reuters – Florence Lo
Đòn trả đũa này của Trung Quốc trước hết là nhằm đáp lại các lệnh cấm của Mỹ ban hành vào tháng 10/2022 nhằm kiểm soát xuất khẩu linh kiện bán dẫn, với một mục tiêu rất rõ ràng là ngăn chặn đà tiến của Trung Quốc, khi gây khó khăn cho khả năng mua và sản xuất của nhiều hãng ở nước này. Tranh chấp Trung - Mỹ đã gây ra những gián đoạn trong chuỗi cung ứng mặt hàng nhạy cảm và chiến lược.
Hai mối lợi cho Trung Quốc
Hành động trả đũa này của Bắc Kinh diễn ra sau hai sự kiện quan trọng : Các nước khối G7 tại thượng đỉnh Hiroshima tuyên bố giảm rủi ro và đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghệ mũi nhọn này và thông báo của Micron đầu tư 3,6 tỷ đô la vào Nhật Bản. Đối với nhà nghiên cứu về Địa chính trị và Quan hệ Quốc tế, bà Megha Shrivastava, thuộc Manipal Academy of Higher Education, Ấn Độ, đây còn là một lời cảnh cáo từ Bắc Kinh, nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường nội địa mà Mỹ và các nước đồng minh không dễ bỏ qua.
Trong bài " Giải mã cuộc leo thang chiến tranh chip điện tử của Trung Quốc " đăng trên trang mạng The Diplomat (23/05/2023), nhà nghiên cứu người Ấn này cho rằng lệnh cấm trên của Bắc Kinh thể hiện quyết tâm tăng cường tự chủ nguồn cung linh kiện bán dẫn, được đưa ra từ năm 2020 qua Văn kiện số 8, nhằm cắt giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là vào Mỹ và các nước đồng minh, sau việc Mỹ ban hành lệnh cấm đối với Hoa Vi và ZTE năm 2019. Đến tháng 3/2023, Bắc Kinh đã phê chuẩn kế hoạch bơm 1,9 tỷ đô la cho hãng Yangtze Memory Technologies Corp., một trong những con chim đầu đàn trong ngành công nghệ bán dẫn tại Trung Quốc.
ột trong những mục tiêu trong chiến lược quan trọng này của Bắc Kinh, nhằm bù đắp cho tác động của cuộc chiến chip bán dẫn từ Washington, là làm gia tăng mức độ phụ thuộc của nước ngoài vào thị trường chip bán dẫn của Trung Quốc. Hiện tại, thị phần của Trung Quốc trên thế giới đối với các loại chip DRAM và NAND lần lượt ở mức 21% và 15%.
Như vậy, quy định hạn chế sử dụng thẻ nhớ của hãng Micron sẽ có lợi cho Bắc Kinh, vì hai lý do. Thứ nhất là nhằm răn đe các nhà cung cấp và sản xuất không nên có hành động chống lại lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là tạo điều kiện mở rộng không gian cho các hãng lớn mới trỗi dậy trong nước, khi gạt dần các đối thủ nước ngoài ra khỏi thị trường nội địa trong phân khúc thẻ nhớ.
Những rủi ro cho Micron và lời cảnh cáo cho Washington
Trung Quốc là một thị trường lớn thứ ba đối với Micron, vốn dĩ đi đầu trong lĩnh vực thẻ nhớ loại DRAM và NAND. Khi gạt Micron, Bắc Kinh có thể sẽ dễ dàng thay thế bằng các đối thủ khác của hãng Mỹ như Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, những mục tiêu " dễ bảo " hơn của Trung Quốc.
Tuy tác động có thể là còn hạn chế, do khách hàng của Micron chủ yếu là những nhà sản xuất hàng tiêu dùng, lệnh cấm đối với các nhà khai thác các cơ sở hạ tầng quan trọng có thể gây ra những hiệu ứng liên đới. Trước những rủi ro chính trị và việc thiếu niềm tin vào sản phẩm của Micron, có nguy cơ là những khách hàng tiềm tàng sẽ phải đa dạng hóa nguồn cung và chuyển sang các nhà cung cấp nội địa, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh thu của Micron.
Nếu như đòn trả đũa vẫn tập trung vào phân khúc thị trường thẻ nhớ, đòn phản ứng nhanh này của Bắc Kinh không chỉ giới hạn trong khuôn khổ cuộc chiến Mỹ - Trung, mà còn có nguy cơ lan rộng sang nhiều nhà sản xuất thẻ nhớ khác. Nếu như phản ứng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục định hình quá trình hình thành chuỗi cung ứng tương lai, thì hành động này của Trung Quốc trong trước mắt là " một cú đấm đau điếng " đối với thế thống trị của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ. Sự việc cũng báo hiệu rằng Hoa Kỳ giờ không thể đơn phương hành xử trong các mối quan hệ với Trung Quốc !
Minh Anh
Bắc Kinh yêu cầu Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan xác nhận sự tồn tại một thỏa thuận giữa ba nước bị cáo buộc nhằm hạn chế xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc.
Chíp bán dẫn. Ảnh ngày 28/04/2021chụp tại nhà máy Brooklyn Navy Yard, ngoại ô New York, Hoa Kỳ. AP - John Minchillo
Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc hôm nay, 05/04/2023, được AFP trích dẫn, trong phiên họp thường kỳ tuần này tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại diện của Bắc Kinh đã yêu cầu ba nước Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hà Lan, "thông báo cho WTO về thỏa thuận (hạn chế) cũng như các biện pháp tiếp theo, đồng thời đề nghị WTO tăng cường giám sát những biện pháp này".
Những năm gần đây, nhằm tìm cách gạt các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng công nghệ chip bán dẫn, Washington, một mặt ban hành các quy định mới siết chặt kiểm soát xuất khẩu (tháng 10/2022), và mặt khác kêu gọi các đồng minh khác áp dụng tương tự.
Tháng 03/2023, Hà Lan – quốc gia sản xuất các thiết bị chế tạo chip bán dẫn hàng đầu thế giới – đã theo chân Mỹ khi đưa ra một thông báo tương tự. Và gần đây nhất là Nhật Bản, ngày 31/03, cũng thông báo kiểm soát xuất khẩu linh kiện thiết yếu này khi viện dẫn lý do "an ninh quốc gia", "ngăn ngừa chuyển hướng công nghệ sang mục đích quân sự", theo như giải thích của bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura.
Trung Quốc, trong nhiều năm qua, muốn có sự tự chủ trong lĩnh vực tiên tiến này, mạnh mẽ chỉ trích Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ, đã "chính trị hóa, công cụ hóa và vũ khí hóa các vấn đề thương mại và công nghệ".
Đáp trả các biện pháp hạn chế, Trung Quốc hôm 31/3 thông báo mở điều tra nhắm vào tập đoàn Micron Technology của Mỹ, chuyên sản xuất thẻ nhớ hàng đầu với lý do "an ninh quốc gia".
Minh Anh
Trung Quốc kiện Mỹ ra trước WTO về lệnh cấm bán chíp bán dẫn
Chi Phương, RFI, 13/12/2022
Bắc Kinh ngày 12/12/2022 thông báo đã đệ đơn lên Tổ Chức thương mại Thế Giới (WTO) để kiện Mỹ về hành động "theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch" khi ban lệnh cấm bán chíp bán dẫn cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới ở Genève. Reuters – Denis Balibouse
Trong một thông cáo được AFP trích dẫn, Bộ thương mại Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đã vi phạm quy tắc thương mại quốc tế và thực hiện các biện pháp "bảo hộ". Thủ tục tố tụng ở WTO được Bắc Kinh khởi động là để "bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc". Bắc Kinh cáo buộc hành động của Washington đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vào tháng 10, Bộ thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra các lệnh trừng phạt khiến Trung Quốc khó có thể nhập khẩu và sản xuất các loại linh kiện bán dẫn tiên tiến – được sử dụng trong các thiết bị điện tử và quân sự. Lệnh cấm xuất khẩu hàng bán dẫn cho Trung Quốc nhằm cản trở khả năng Bắc Kinh sử dụng công nghệ cao của Hoa Kỳ để sản xuất các thiết bị quân sự, như đầu đạn hạt nhân và sản xuất vũ khí siêu thanh.
Theo Financial Times, đệ đơn khiếu nại là bước đầu tiên trong quá trình hòa giải của WTO. Vụ tranh chấp thường được cơ quan phúc thẩm của tổ chức này xử lý. Tuy nhiên, cơ quan này đã bị đình chỉ hoạt động, do bất đồng giữa các quốc gia thành biên. Chuyên gia về quan hệ thương mại Mỹ-Trung, ông Bin Kostrzewa trả lời Financial Times rằng khiếu nại của Trung Quốc khó có thể tạo ra bất cứ hiệu lực pháp lý nào, trừ khi cơ quan này hoạt động trở lại.
Hãng tin Reuters cho biết hôm nay, Trung Quốc dự trù triển khai một chương trình hỗ trợ lĩnh vực bán dẫn, trị giá khoảng 136 tỷ euro, để chống lại các hạn chế mà Hoa Kỳ đưa ra. Dưới hình thức trợ cấp và tín dụng thuế, chương trình này có thể được thực thi vào quý đầu của năm 2023, nhằm hỗ trợ sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn ở Trung Quốc.
Chi Phương
**********************
Oanh tạc cơ H-6 Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan với số lượng kỷ lục
Thùy Dương, RFI, 13/12/2022
Chính phủ Đài Loan hôm 13/12/2022 cho biết 18 oanh tạc cơ Trung Quốc có khả năng mang đầu đạn hạt nhân loại H-6 đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, một con số cao chưa từng có. Thông báo của Bộ quốc phòng Đài Loan được đưa ra chỉ một hôm sau khi các quan chức cấp cao Mỹ - Trung kết thúc cuộc thảo luận 2 ngày tìm cách cải thiện quan hệ song phương, trong đó có hồ sơ nhậy cảm "Đài Loan".
Oanh tạc cơ H-6 của Trung Quốc. © Wikimedia Commons / Li Pang
Sáng hôm nay 13/12/2022, Bộ quốc phòng Đài Loan thông báo, trong vòng 24 giờ, Trung Quốc đã điều tổng cộng 21 phi cơ bay vào vùng tây nam của khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan, trong đó có 18 oanh tạc cơ H-6 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Oanh tạc cơ H-6 là loại máy bay ném bom chính của Trung Quốc có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.
AFP lưu ý rất hiếm khi Trung Quốc điều trên 5 oanh tạc cơ H-6 xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài Loan chỉ trong một ngày. Trong tháng 11/2022, số chuyến máy bay H-6 xâm nhập vùng ADIZ của Đài Loan là 21, con số này trong tháng 12 được ghi nhận đến nay là 23. Như vậy là các vụ máy bay Trung Quôc xâm nhập khu vực ADIZ của Đài Loan ngày càng nhiều trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan ngày càng gia tăng.
Hồi tuần trước, Trung Quốc áp các lệnh cấm nhập khẩu mới nhắm vào các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, rượu và nhiều hải sản của Đài Loan. Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) tố Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế và thể hiện "sự phân biệt đối xử" với hòn đảo.
Thùy Dương
Bên cạnh các đề tài thời sự đang được quan tâm nhiều ở Pháp, như khủng bố, xử lý đại dịch, chuẩn bị gỡ phong tỏa… các báo Pháp ra hôm nay dường như có chung một một chủ đề là tiếng kêu cứu từ Ấn Độ đang chìm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2. Riêng nhật báo Le Monde tiếp tục dành nhiều chú ý đến Trung Quốc. Hồ sơ lớn của tờ báo có tựa đề : Điện tử : điểm yếu Trung Quốc.
Le Monde dành hai trang báo lớn để đề cập đến lĩnh vực sản xuất các vật liệu bán dẫn đang trở thành một thách thức địa chính trị lớn trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa kỳ và Trung Quốc. Bị Washington bủa vây trừng phạt tứ phía, Bắc Kinh đang tìm mọi cách để bảo đảm tự chủ về công nghệ. Theo Le Monde, giờ đây thay thế các chip điện tử nước ngoài bằng công nghệ Trung Quốc không còn là một mục tiêu hướng tới nữa mà là vấn đề sống còn đối với ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc trước các trừng phạt của Washington.
Trong những năm qua Trung Quốc đã xây dựng lĩnh vực công nghệ điện tử thành một đế chế khổng lồ cạnh tranh với cả thế giới. Nhưng giờ đây, đế chế này được ví như "tòa nhà chọc trời xây trên trên cát" kể từ khi Washington đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào danh sách đen để kiểm soát sản xuất từ các loại vi mạch điện tử cho đến trí thông minh nhân tạo. Giờ đây, chính quyền Biden dường như không định giảm áp lực này.
Các vị mạch điện tử nhỏ xíu chứa hàng tỷ chi tiết bán dẫn giờ không thể thiếu trong các thiết bị điện tử hiện đại. Nhu cầu các chi tiết này ngày càng bùng nổ, trong khi Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn các thiết bị điện tử nhưng chỉ sản xuất được 15,9% số lượng vi mạch mà họ cần tiêu thụ. Kết quả là Trung Quốc phải nhập khẩu các chất bán dẫn. Năm 2020 Trung Quốc nhập hơn 350 tỷ đô la các chất bán dẫn, cao hơn cả dầu lửa.
Để không bị lệ thuộc vào nhập khẩu bán dẫn, ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử ngày càng lớn, Trung Quốc không còn cách nào khác là chuyển sang thúc đẩy đầu tư để phát triển lĩnh vực bán dẫn. Nước này đã đổ hàng trăm tỷ đô la vào lĩnh vực sản xuất bán dẫn nhưng những nỗ lực tài chính không đủ để bảo đảm thành công vì điều cơ bản là thiếu chất xám, nói cách khác là nhân tài. Không phải cứ có tiền là mua được tất cả.
Le Figaro chạy tựa : "Ấn Độ đang bị cuốn trôi dưới làn sóng virus corona thứ 2". Còn Libération nhận thấy : "Ấn Độ sắp ngạt thở". Trong khi đó La Croix ghi nhận qua bài phóng sự : "Những tiếng kêu SOS lạnh người của các bệnh viện New Delhi đang cạn kiệt ô-xy".
Minh họa cho những bài báo là những tấm hình các bãi thiêu người lộ thiên ở Ấn Độ, hay ảnh các nhân viên đang hối hả đẩy các xe chở bình ô-xy vào bệnh viện. Tất cả cho thấy Ấn Độ, đất nước 1,4 tỷ dân này đang bị vỡ trận hoàn toàn, không kiểm soát được dịch Covid-19 từ vài ngày qua.
Thông tín viên của Le Figaro tại Ấn Độ ghi nhận "Hệ thống bệnh viện yếu kém đã không thể chống chịu được với làn sóng dịch virus corona thứ 2". Điểm chung mà các báo đều nhắc đến là tình trạng thiếu ô-xy trầm trọng ở các bệnh viện, một nguyên nhân dẫn đến tử vong của các bệnh nhân Covid.
Với số lượng ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong vòng tháng qua thì tình trạng quá tải là không thể tránh khỏi. Theo nhật báo Libération, nguyên nhân làn sóng dịch thứ 2 bùng phát không kiểm soát được ở Ấn Độ có nhiều : dân chúng lơ là các biện pháp vệ sinh phòng dịch, chính quyền cho phép nhiều cuộc tập họp lớn chuẩn bị cho 4 cuộc bầu cử cấp vùng lớn, và đặc biệt là việc để hàng triệu tín đồ Hindu hành hương đến tắm trên sông Hằng trong lễ hội Kumbh Mela. Thêm vào đó là xuất hiện các biến thể mới của virus corona.
Mặc dù đang trong tình trạng dịch bệnh lây lan dữ dội như vậy, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi vẫn không chịu phong tỏa toàn quốc. Trước sự bất lực của chính quyền, Le Figaro cho biết, người dân phải tự lo. Các bình ô-xy trở thành mặt hàng hiếm trong thủ đô. Các bệnh viện không còn sức chứa bệnh nhân. Người nhiễm Covid buộc phải nằm nhà tự chăm sóc hoặc bị chết. Người nhà bệnh nhân phải chạy khắp nơi tự tìm kiếm thuốc men, và ô-xy ngoài chợ đen về để cứu người thân.
Vẫn liên quan đến vấn đề quản lý đại dịch Covid-19, ở Brazil, quốc gia rộng lớn bị tác động nặng nề bởi trận đại dịch. Les Echos có bài "Covid : Tổng thống Brazil Bolsonaro trên ghế bị cáo". Theo Les Echos, hôm 27/04, Ủy ban Điều tra của Quốc hội của nước này bắt đầu cuộc điều tra nhằm xác định những người chịu trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng dịch ở Brazil làm gần 400 nghìn người chết.
Trong tầm ngắm của Ủy ban Điều tra Quốc hội, mục tiêu chính là tổng thống Jair Bolsonaro. Một bác sĩ Brazil được tờ báo trích dẫn nói : "Không phải đi tìm đâu xa. Chúng ta đã có mọi dữ liệu, hình ảnh… tổng thống đã gây ra các cuộc tụ tập đông người, không đeo khẩu trang, tỏ thái độ chống vac-xin…".
Dư luận Brazil cho rằng đã có thể tránh được rất nhiều trường hợp tử vong nếu chính phủ thông tin đúng cho dân chúng thay vì khuyến cáo dùng các phương thuốc thần. Kết quả điều tra nhằm xác định người chịu trách nhiệm trong xử lý đại dịch và có thể làm cơ sở pháp lý nhằm phế truất tổng thống. Tương lai chính trị của tổng thống Jair Bolsonarro đang bị đe dọa.
Chuyển sang mục thể thao, Le Monde cũng dành toàn bộ trang báo để nói về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc với hai bài viết : "Ngoại giao sân vận động của Trung Quốc ở Châu Phi" và bài "Bắc Kinh muốn có trọng lượng lớn trong địa chính trị thể thao".
Le Monde cho thấy, Bắc Kinh đã xây dựng các sân vận động cho nhiều nước Châu Phi để đổi lại có được những hợp đồng khai thác mỏ quặng và sự ủng hộ của các nước Châu Phi tại Liên Hiệp Quốc.
Thí dụ điển hình là sân vận động Olympic, có sức chứa 60 nghìn chỗ ngồi ở ngoại ô thủ đô Abidjian, của Côte d’Ivoire do Trung Quốc xây tặng được khánh thành hồi đầu tháng 10 năm 2020. Giá thành công trình lớn này là 130 triệu euro do 1.500 công nhân người Trung Quốc đảm nhiệm xây dựng trong 4 năm. Ngoài ra Trung Quốc cũng đã tặng không 2 sân vận động khác cho nước này với giá thành 200 triệu đô la.
Theo Le Monde : "Trong khuôn khổ "ngoại giao sân vận động" Trung Quốc đã xây tặng và nâng cấp gần một trăm sân vận động trong những năm qua ở châu lục này, mục tiêu là củng cố quan hệ song phương, tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh có được các hợp đồng lớn, được ưu tiên tiếp cận khai khoáng và cũng để có được tiếng nói ủng hộ của các "anh em" Châu Phi ở Liên Hiệp Quốc cũng như ở các định chế quốc tế khác".
Theo tờ báo cũng giống như việc xây dựng đường sá, đập thủy điện, tòa nhà công sở hay hải cảng, các công trình hạ tầng cơ sở chiến lược mà Trung Quốc đã và đang làm ở khắp Châu Phi như các sân vận động thì có cái lợi là không tốn kém, dễ làm và mang tính biểu tượng cao, được dân chúng biết đến nhiều hơn…
Trong bài viết Bắc Kinh muốn có trọng lượng lớn trong địa chính trị thể thao, tờ báo cho thấy Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng cho tới tận thượng tầng các liên đoàn bộ môn thể thao Olympic của quốc tế.
Tờ báo cho biết có một đấu trường thể thao mà Bắc Kinh đang tham gia tích cực, không phải trên sân bóng đá hay bóng rổ mà ở trong các phòng khách êm ái ở Lausanne, Zurich hay Bâle, Thụy Sĩ, những nơi đóng trụ sở của đa số các liên đoàn thể thao Oylympic quốc tế. Trung Quốc đang hoạt động hậu trường rất tích cực tại các định chế thể thao quốc tế này để tìm kiếm vị trí trong ban lãnh đạo của các liên đoàn quốc tế.
Hiện tại trong số bốn chục liên đoàn các bộ môn Olympic thì chỉ có duy nhất bộ môn thuyền buồm do người Trung Quốc làm chủ tịch. So với số người Châu Âu nắm 26 liên đoàn thì quả là ít. Nhưng Trung Quốc đang tìm cách để đưa người vào vị trí lãnh đạo các tổ chức thế này để lợi ích và tiếng nói của mình được lắng nghe.
Các chuyên gia được tờ báo trích dẫn nhận thấy, cho đến những năm 1950, dưới mắt người Trung Quốc, thể thao không mang giá trị chính trị, chỉ là để giải trí và huấn luyện quân sự. Nhưng cùng với chiến tranh lạnh, đất nước này đã ý thức được "Thế Vận Hội không chỉ là thể thao".
Trong hoạt động thể thao, ban đầu Trung Quốc tham gia góp vui, rồi họ tham gia để giành thành tích, tiếp đến họ tìm cách được tổ chức các sự kiện thể thao lớn và cuối cùng Trung Quốc giành các ghế lãnh đạo trong các liên đoàn quốc tế.
Anh Vũ