Israel lần đầu tấn công cơ sở ngoại giao, Iran lâm vào thế bí
Trung Đông chiếm nhiều giấy mực của báo chí hôm nay, 03/04/2024. Le Monde chạy tít "Gaza, Iran : Chiến lược của Israel gây lo ngại", Le Figaro nói về "Luật của kẻ mạnh nhất". Bệnh viện Al-Shifa ở Gaza đổ nát hoàn toàn sau khi Israel rút đi và vụ 7 nhà hoạt động nhân đạo thiệt mạng gây xúc động mạnh, nhưng sự kiện được tất cả các báo chú ý là việc ba tướng lãnh của Iran tử thương ở Syria trong một vụ tấn công được cho là của Israel.
Ảnh của tướng Qassem Soleimani tại tòa nhà lãnh sự quán Iran ở Damas (Syria) sau vụ oanh kích được cho là của Israel ngày 01/04/2024. Reuters - Firas Makdesi
Ba tướng Vệ binh Cách mạng chết trong vụ oanh kích : Đòn đau cho Iran
Tel Aviv vẫn thường oanh kích các đoàn xe chở vũ khí của Iran, nhưng chưa bao giờ nhắm vào một cơ sở ngoại giao của Tehran. Cuộc tập kích này có thể thay đổi tính chất của sự đối đầu, cuộc chiến trong bóng tối trở thành trực diện.
Hôm thứ Hai vào lúc 17 giờ 45 Paris, sáu hỏa tiễn do các phi cơ tiêm kích F-35 bắn ra đã phá hủy toàn bộ lãnh sự quán Iran ở Damascus tại khu Mazzé. Mohammad Reza Zahedi, viên tướng 65 tuổi giàu kinh nghiệm, nhân vật số hai của lực lượng Vệ binh Cách mạng phụ trách Syria và Lebanon, đã tử thương trong vụ này. Đây là thiệt hại lớn nhất cho Iran kể từ sau vụ sát hại tướng Qasem Soleimani tháng Giêng 2020 tại Bagdadh.
Tổng cộng 13 người chết, trong đó có hai tướng lãnh khác của al-Qods cùng với bốn sĩ quan của lực lượng này chuyên phối hợp các hoạt động của các đồng minh Iran trong "trục kháng chiến" với Israel và Mỹ. Họ dự một cuộc họp bí mật giữa các chỉ huy Iran và Thánh chiến Hồi giáo - một tổ chức nhỏ của Palestine dưới trướng Tehran, cùng với Hamas đối đầu với Israel ở Gaza.
Vụ này còn là thất bại của tình báo Iran, khi Israel xuyên thủng được màn bí mật của những cuộc gặp gỡ loại này, có lẽ nhờ xâm nhập được đến cấp cao nhất của Vệ binh Cách mạng. Iran từng đắc chí khi tình báo Israel bị bất ngờ trong vụ khủng bố ngày 07/10, và Mossad đã trả thù. Còn sắp tới thì sao ? Trong đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, Hội đồng An ninh Tối cao Iran đã họp khẩn, nhưng không tiết lộ gì thêm. Cùng lúc đó một "thông điệp quan trọng" đã được chuyển cho Hoa Kỳ thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ, vốn đại diện cho quyền lợi Mỹ ở Iran. Giáo sĩ Ali Khamenei hứa hẹn trừng phạt "chế độ si-ô-nít".
Thế lưỡng nan của Tehran
Nhưng Le Monde, Le Figaro và Les Echos đều cùng cho rằng Iran đang đứng trước thế lưỡng nan. Tehran muốn tránh một cuộc chiến tranh tổng lực với Israel, nhưng lại không thể không tỏ ra cứng rắn trước sự leo thang này. Chuyên gia Ali Vaez của International Crisis Group nhận định, không làm gì cả hoặc đáp trả nhẹ nhàng sẽ bị coi là bất lực, mời gọi Israel tiếp tục. Nhưng nếu trả đũa mạnh tay thì có nguy cơ dẫn đến những hành động dữ dội hơn từ Israel. Phe cứng rắn của chế độ kêu gọi trả thù, coi vụ tập kích trên là "tuyên chiến", đòi tấn công một cơ sở ngoại giao của Israel.
Nhà nghiên cứu Hamidreza Azizi ở Đức cho rằng Nhà nước Do Thái đã thay đổi quy luật cuộc chơi, nhắm vào những "con cá lớn" trong Vệ binh Cách mạng. Với cuộc oanh kích lần thứ năm chỉ trong vòng 8 ngày tại Syria, Israel cho thấy mọi vụ tấn công của các tay sai Iran tại Trung Đông từ nay sẽ bị trả đũa trực tiếp vào Iran. Ông Azizi ghi nhận vụ tập kích vừa qua diễn ra chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi dân quân Iraq thân Iran cho drone đánh vào cảng Eilat ở miền nam Israel.
Israel chấp nhận không đánh vào Rafah mà thay bằng ám sát ?
Về phía Mỹ nhanh chóng cho hay không hề phối hợp trong vụ này. Phải chăng Benyamin Netanyahou tìm cách phá nỗ lực làm giảm căng thẳng của chính quyền Biden? Trong hậu trường, Hoa Kỳ tìm cách xoa dịu ; tại Tehran, nhiều quan chức kêu gọi không rơi vào chiếc bẫy leo thang của Israel.
Trước mắt, theo Le Figaro, những vụ tấn công của phiến quân Houthi và các phe dân quân Shia khác ở Yemen và Iraq có thể gia tăng. Đối với nhà báo Christophe Ayad được La Croix trích dẫn, Iran có thể trả đũa bằng khủng bố, hay tấn công các tàu phương Tây đi qua eo biển Ormuz và về lâu về dài là trận chiến tình báo của các bên. Đây là vụ tấn công có tính toán của Israel, tuy nguy hiểm, nhưng Tel-Aviv biết rằng có thể được sức mạnh quân sự Mỹ trong khu vực bảo vệ.
Libération thì chú ý đến thông tin Washington và Tel Aviv đang đàm phán về một lượng lớn chiến đấu cơ F-16 sẽ giao cho Israel, bên cạnh đó là những nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia nhân dịp cố vấn an ninh Jake Sullivan thăm Riyadh tuần này. Bấy nhiêu là củ cà rốt từ Washington để Tel Aviv từ bỏ kế hoạch tấn công vào Rafah, nơi hàng triệu người Palestine đang tị nạn gần biên giới Ai Cập. Nhật báo thiên tả dẫn lời nhà phân tích Mounir Rabih cho rằng có thể Israel đã chấp nhận không tấn công trên bộ vào Rafah, thay vào đó là những vụ ám sát vào các mục tiêu cụ thể và các chiến dịch quân sự và an ninh không liên tục.
Ukraine thiếu phương tiện xây dựng chiến lũy kiên cố
Trên chiến trường Ukraine, La Croix cho biết "Quân đội Ukraine đào hầm dọc theo tiền tuyến". Từ đầu năm, Kiev xây các chiến lũy dọc biên giới để chuẩn bị đối phó với những đợt tấn công sắp tới của quân Nga, một công trường khổng lồ trong khi quân đội Kiev thiếu thốn mọi phương tiện.
Đặc phái viên của tờ báo tại Sumy mô tả những chiến hào mới lập còn vương mùi gỗ thông, những lớp bê-tông cốt thép, cửa sắt chống đạn dưới những lớp đất dày, mà một quân nhân cho rằng có thể chống chọi được trước những quả bom 500 ký của Nga. Năm ngoái vẫn yên tĩnh, Sumy từ ba tuần qua bị Nga oanh kích ồ ạt, có thể là hậu quả của những vụ các đơn vị người Nga thân Ukraine xâm nhập vào vùng Kursk và Belgorod trong tháng 3.
Không có một bộ quân phục nào trong số những người đang đào đắp, vì đó là công nhân một công ty xây dựng. Kiev đã quyết định trễ tràng sau khi mất Avdiivka vào tháng 2 vì thiếu đạn pháo. Riêng tại Sumy, có biên giới với Nga dài đến 500 kilomet, đang có mười mấy chiến lũy được xây lên. Tuyết tan và mưa dầm khiến đất đen phì nhiêu của Ukraine biến thành một thứ keo, những công sự vừa đào xong lại có nguy cơ sụp đổ. Không có máy đào, họ huy động thêm hai xe máy cày của nông dân trong vùng.
Trong khi Moskva có công binh hẳn hoi, Kiev rất thiếu nhân sự, nên các chiến sĩ phải vừa chiến đấu vừa tự đào công sự, dưới mưa đạn pháo của Nga, tình hình này không chỉ ở Sumy mà dọc dài theo chiến tuyến từ Donbass cho đến miền nam. Nguồn tiền mà các đơn vị quân đội Ukraine huy động được nay không chỉ dành cho việc mua drone, kính hồng ngoại, xe chở quân, mà còn để mua máy đào và các máy công cụ. Đã làm hết sức mình, quân đội Ukraine nay phải trú ẩn trong các hầm hào để chờ đợi những cuộc tấn công mới của quân Nga trên chiến tuyến dài 1.500 kilomet.
NATO 75 tuổi, dịp kỷ niệm ý nghĩa
Tại Bruxelles, Le Figaro nhận thấy NATO kỷ niệm 75 năm thành lập trong không khí bất định, với khả năng Donald Trump quay lại Nhà Trắng, sẽ ảnh hưởng đến sự hỗ trợ lâu dài cho Ukraine. Các đồng minh quyết định gây dấu ấn mạnh mẽ hơn bình thường (nếu Nga không xâm lược Ukraine). Ngoại trưởng các nước đã có mặt tại Bruxelles, ngày mai sẽ mừng 75 năm ký kết Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Nhân dịp này, văn bản gốc từ hôm qua đã rời Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đi qua Đại Tây Dương để được trưng bày tại trụ sở NATO ở Bruxelles cho đến thứ Sáu rồi mới quay lại Washington. Đây là lần đầu tiên bản hiệp ước gốc ra khỏi nước Mỹ.
Cuộc họp cũng là dịp mừng những đợt mở rộng sang Đông Âu : 25 năm ngày Ba Lan, Cộng hòa Czech và Hungary gia nhập NATO, 20 năm đối với các nước Baltic, Slovakia, Romania, Slovenia, Bulgari, và 15 năm với Croatia, Albania. Cách đây 75 năm, NATO chỉ có 12 thành viên và nay lên đến 32, trong đó có Thụy Điển lần đầu tham dự với tư cách quốc gia thành viên thay vì khách mời.
Tuy nhiên, người kế nhiệm tổng thư ký Jens Stoltenberg vẫn chưa chọn được. Mỹ, Đức, Anh, Pháp chính thức ủng hộ thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, nhưng Hungary phản đối, Thổ Nhĩ Kỳ ra điều kiện và lại bất ngờ có tổng thống Romania Klaus Iohannis ứng cử dù không có mấy cơ may thành công. Một bóng mây mờ khác là giả thuyết Donald Trump tái đắc cử. Theo Bloomberg, NATO dự kiến lập một kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine lên đến 100 tỉ đô la trong 5 năm, để tránh cho Kiev khỏi phải đối phó với những thay đổi chính trị.
Bắc Triều Tiên xích lại gần Nga, Trung Quốc lo âu
Nhìn sang Châu Á, Le Figaro lo ngại trước việc "Kim Jong-un đe dọa quân sự hóa không gian với sự hỗ trợ của Putin". Bắc Triều Tiên dự định phóng "nhiều vệ tinh do thám" trong năm nay, sau khi đưa lên quỹ đạo vệ tinh Malluyong 1 cuối năm ngoái, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc.
Bóng dáng của Vladimir Putin phía sau khiến cho không chỉ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, mà Trung Quốc cũng lo lắng theo dõi. Ngày 29/03, Nga đã phủ quyết việc thay mới các chuyên gia phụ trách việc áp dụng các biện pháp trừng phạt. Đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc Hwang Joon-kook giận dữ nói như vậy chẳng khác nào "phá hủy một camera giám sát để không bị bắt quả tang đang ăn trộm".
Bắc Triều Tiên cung cấp 10.000 container khí tài cho Moskva, và có thể đã giao đến 3 triệu quả đạn pháo, để đổi lấy công nghệ của Moskva. Những quả đạn này thường có chất lượng tệ hại, nhưng với số lượng nhiều cũng tạo tác động. Giám đốc cơ quan phản gián Nga Sergei Narichkin đã thăm Bình Nhưỡng từ 25 đến 27/03, và sắp tới có thể là Vladimir Putin, "người bạn tốt nhất của nhân dân Triều Tiên".
Tờ báo nhận thấy trong khi đó "Bắc Kinh hậm hực theo dõi sự xích lại gần nhau giữa Moskva và Bình Nhưỡng". Liệu Putin có thăm Trung Quốc trước khi đến Bắc Triều Tiên hay không ? Theo nhà Trung Quốc học Lee Dong-gyu ở Seoul, "Vladimir Putin sẽ phải đến Bắc Kinh trước, vì đang hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Nếu ông ta đến Bình Nhưỡng trước, có nghĩa là có vấn đề trầm trọng trong quan hệ Nga-Trung". Giữ im lặng, nhưng Bắc Kinh rất lo trước ảnh hưởng của Nga tại Bắc Triều Tiên - "vùng đệm" thiết yếu cho an ninh Trung Quốc trước 28.000 GI đóng ở phía nam vĩ tuyến 38 - Bắc Kinh sợ sẽ phải trả giá nếu xảy ra khủng hoảng ở bán đảo.
Thụy My