Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/04/2024

Chiến tranh Ukraine : trong khi chờ đợi viện trợ, Kiev tự xoay sở để tồn tại

RFI tổng hợp

Khi không có viện trợ của Mỹ, Ukraine có thể trông cậy vào Châu Âu ?

Anh Vũ, RFI 23/04/2024

Khoản viện trợ hơn 60 tỷ đô la của Mỹ cho Ukraine vừa được thông qua sau hơn nửa năm bị chặn ở Quốc hội là một nỗ lực lớn của Washington nhằm giải cứu Kiev giữa lúc khó khăn nhất kể từ đầu cuộc chiến tranh. Phần đông giới quan sát dự báo có thể đây sẽ là khoản viện trợ lớn sau cùng của Mỹ để giúp Ukraine không bị thua trong cuộc chiến tranh và cũng để tránh một thất bại chiến lược của phương Tây trong cuộc đọ sức với Nga. 

uk1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đi kiểm tra thiết bị và vũ khí của quân đội ở vùng Kiev, ngày 13/04/2024 via Reuters - Ukrainian Presidential Press Ser

Việc dự luật viện trợ cho Ukraine chật vật được thông qua ở Hạ Viện trong khi đa số nghị sĩ đảng Cộng Hòa vẫn chống đối (112 nghị sĩ chống, 101 bỏ phiếu thuận), cùng với viễn cảnh bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm nay với sự quay trở lại của Donald Trump đang là là nỗi lo tiềm ẩn cho Kiev, dù tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Khi nguồn viện trợ của Mỹ có thể cạn tương lai cuộc kháng chiến Ukraine sẽ đi về đâu ? Kiev có thể trông cậy vào đồng minh Châu Âu ?

Thực tế, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine nổ ra hồi tháng 02/2022, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã phân chia gánh vác nhiệm vụ hậu thuẫn cho Kiev về trang thiết bị quân sự, cũng nhưng các nguồn tài chính cần thiết để vận hành Nhà nước Ukraine với ngân khoản lên tới hàng trăm tỷ đô la, mà cuộc kháng chiến của Ukraine chống Nga ngày thêm khó khăn.

Mặc dù đã có rất nhiều tuyên bố của các lãnh đạo Châu Âu bày tỏ quyết tâm đi cùng người Ukraine đến chiến thắng cuối cùng, nhưng hành động cụ thể thì lại thiếu. Có thể đơn cử một ví dụ mới nhất liên quan đến việc chia sẻ hệ thống phòng không hiện đại cho Kiev, vào lúc mà tên lửa và drone của Nga oanh kích hàng ngày vào các thành phố và hệ thống hạ tầng cơ sở trọng yếu của Ukraine.

Nhận thức được mối nguy hiểm đang đe dọa Ukraine, các nước Châu Âu đang cố gắng tập hợp để giúp Kiev. Nhưng dường như các nỗ lực không dễ thành hiện thực. Trong cuộc họp Hội Đồng Châu Âu hôm 17 và 18 tháng 4, những người đứng đầu Nhà nước và chính phủ của các nước trong Liên Hiệp tỏ ra thận trọng, chỉ đưa ra hứa hẹn tối thiểu. Chỉ có thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, Mark Rutte, cho biết ông sẵn sàng mua lại thiết bị do một số quốc gia nắm giữ để chuyển chúng sang Ukraine.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh này, Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, cũng khuyến khích các nước thành viên Châu Âu của Liên minh lấy trong kho vũ khí của họ để và chuyển đến Kiev. Ông khẳng định hỗ trợ phòng không của Ukraine là một ưu tiên lúc này.

Cho đến giờ, mới chỉ có Đức đã cung cấp 2 trong số 12 hệ thống Patriot của họ và bảo đảm cấp thêm một hệ thống thứ ba cho Ukraine. Thủ tướng Olaf Scholz khuyến khích các đồng minh Châu Âu làm điều tương tự.

Tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Châu Âu hôm qua (22/04) ở Luxembourg, vấn đề chuyển giao hệ thống phòng không cho Ukraine đã được đặt ra, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở thảo luận. Không một quyết định hay cam kết rõ ràng nào được đưa ra. Theo các nguồn tin ngoại giao, các nước đang có các hệ thống Patriot như vậy, khoảng một chục nước, đều lảng tránh đề nghị hoặc từ chối với lý do phải duy trì khả năng phòng không của chính mình, mặc dù tất cả đầu nhận thức được cần phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Khả năng Châu Âu thay thế Hoa Kỳ hỗ trợ Ukraine đã được chứng minh trong những tháng qua. Một nửa năm gói viện trợ hơn 60 tỷ đô la bị chặn lại ở Quốc hội Mỹ, cũng là thời gian ở trong Châu Âu quyết tâm hậu thuẫn Ukraine có vẻ chùng xuống. Tiến độ cung ứng vũ khí, đạn dược bị chậm lại, không bảo đảm về thời hạn và số lượng như đã hứa.

Trả lời phỏng vấn trên trang tin bienpuplic.com, ông Léo Peria-Peigne, nhà nghiên cứu về vũ khí và công nghiệp quốc phòng, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp Ifri, nhận định : "Châu Âu đã thất bại trong việc thay thế Mỹ để giúp Ukraine. Kết quả là Ukraine giờ đây đang trong tình trạng khó khăn, tình hình mặt trận còn tồi tệ nữa vì thiếu trầm trọng nguồn viện trợ Mỹ mà Châu Âu không thể bù đắp được. Hiện tại, Châu Âu không có khả năng để chuyển giao đủ đạn pháo và đạn phòng không để giúp Ukraine tự vệ, cũng như bẻ gẫy các cuộc tấn công của của Nga".

Không có viện trợ của Hoa Kỳ, Châu Âu sẽ phải lo cho Ukraine, đó gần như là một trách nhiệm mặc định cho Liên Hiệp Châu Âu. Trong trường hợp Hoa Kỳ để lại khoảng trống ở Ukraine, liệu Châu Âu có thể lấp đầy ? Đó vẫn là câu hỏi không có lời giải. 

Anh Vũ

****************************

Chiến tranh Ukraine : Nga bắn sập tháp truyền hình, "biểu tượng" của thành phố Kharkiv

Trọng Thành, RFI, 23/04/2024

Tháp truyền hình cao 240 mét của Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine cách biên giới Nga khoảng 30 km, bị quân đội Nga oanh kích hôm qua, 22/04/2024. Chính quyền địa phương cho biết, một tên lửa Kh-59 đã làm sập tháp.

uk2

Một phần của tháp truyền hình ở Kharkiv, Ukraine, ngày 22/04/2024 đổ sụp sau vụ tấn công bằng tên lửa của Nga. Reuters - Sofiia Gatilova

Theo Reuters, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một phát biểu qua video ngày hôm qua đã tố cáo cuộc tấn công này là "một nỗ lực hù dọa để tất cả dân cư thành phố thấy rõ sự tàn bạo" của Nga. Trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày hôm qua, tổng thống Ukraine nhấn mạnh "đây rõ ràng là ý đồ của Nga nhằm làm cho Kharkiv trở thành một thành phố không thể sống nổi". Cách nay hai năm, trong những tháng đầu chiến tranh, quân đội Ukraine cùng với lực lượng dân quân địa phương đã từng bảo vệ thành công thành phố chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Về cuộc tấn công tháp truyền hình Kharkiv, thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev cho biết thêm :

"Một biểu tượng của thành phố Kharkiv đã bị phá hủy ngày thứ Hai sau một cuộc oanh kích của Nga : tháp truyền hình thành phố trúng một tên lửa, khiến phần trên của tháp sụp xuống. Không có ai là nạn nhân trong cuộc tấn công này. Những hình ảnh về vụ oanh kích gây ấn tượng, thiệt hại là lớn. Cùng lúc đó, nhiều khu dân cư trong vùng cũng bị tấn công. Đây là bằng chứng mới về việc Nga tăng cường oanh kích nhắm vào thành phố Kharkiv, cách biên giới với Nga khoảng 30 km.

Kể từ đầu năm đến nay, các cuộc tấn công nhắm vào Kharkiv gia tăng, đặc biệt với việc các cơ sở hạ tầng năng lượng của thành phố lớn thứ hai Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội. Đến cuối tháng 3, tất cả các nhà máy điện của thành phố đều bị phá hủy, khiến điện thường xuyên bị cắt. Kharkiv là nơi sinh sống của một triệu rưỡi cư dân thành phố, trong đó có hàng nghìn người chạy khỏi các vùng chiến sự.

Trong lúc đợt viện trợ quân sự mới của Mỹ cho Ukraine dường như mới sắp sửa bắt đầu, người Ukraine lo ngại Nga sẽ tiến hành các đợt tấn công mới với quy mô lớn trước khi các hệ thống phòng không mới và đạn dược, giúp bảo vệ bầu trời Ukraine, tới được nơi."

Zelensky và Biden thảo luận về dự án cấp tên lửa ATACMS tầm xa

Theo AFP, tổng thống Ukraine cho biết, trong cuộc điện đàm hôm qua với nguyên thủ Mỹ, hai bên "đã bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận an ninh" song phương. Trong những tháng gần đây, Kiev đã ký kết với nhiều thành viên NATO, như Anh, Pháp hay Phần Lan, các "thỏa thuận an ninh song phương", bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine.

Tổng thống Zelensky cũng cho biết Kiev và Washington đã có nhiều bước tiến trong vấn đề cấp tên lửa ATACMS "tầm xa" cho Ukraine. Tên lửa ATACMS, có tầm bắn từ 165 đến 300 km, được giới chuyên gia xem là vũ khí có thể tham gia thay đổi cục diện trên chiến trường. Cho đến nay Ukraine mới nhận được tên lửa ATACMS "tầm trung".

Thượng Viện Hoa Kỳ hôm nay sẽ bỏ phiếu về khoản viện trợ 61 tỉ đô la của Mỹ cho Ukraine, cùng với các gói viện trợ khác cho Đài Loan, Israel…, đã được Hạ Viện bật đèn xanh trước đó hôm 20/04, sau 6 tháng bế tắc. Tổng thống Biden cam kết sẽ "nhanh chóng" phê chuẩn quyết định viện trợ nói trên sau khi Quốc hội lưỡng viện thông qua.

Trọng Thành

***********************

Bom bay đời mới của Nga : Thách thức lớn đối với Ukraine

Thùy Dương, RFI, 23/04/2024

Từ vài tháng trở lại đây, không quân Nga đã tăng cường cải tiến kho vũ khí đời cũ, đặt cược vào một loại vũ khí mới được cải tiến với tên gọi FAB-UMPK, bom bay được trang bị một thiết bị dẫn đường, để có thể tiến hành những vụ oanh kích có sức công phá mạnh hơn và xa hơn vào các thành phố và các chiến tuyến ở Ukraine, gây những thiệt hại nặng nề hơn cho đối phương, đồng thời giảm thiểu nguy cơ máy bay ném bom bị lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ.

uk3

Một trái bom FAB-500 lực lượng Nga thả xuống vùng Zaporijja của Ukraine, ngày 23/03/2023, nhưng không phát nổ. AP - Andriy Andriyenko

Nhưng bom bay không phải là loại vũ khí mới ? 

Đúng là bom bay không phải vũ khí mới của Nga. Thực ra đây là loại vũ khí có từ thời Liên Xô và đã được quân đội Liên Xô sử dụng trong chiến tranh Afghanistan vào những năm 1980. Hiện giờ các kho vũ khí của Nga còn nhiều bom bay được chế tạo từ thời Liên Xô. Các lực lượng Ukraine cũng đã sử dụng bom bay ngay từ đầu chiến tranh. 

Điểm mới đáng nói là quân đội Nga đã hiện đại hóa loại vũ khí này, lắp thêm đôi cánh và một thiết bị dẫn đường vào những trái bom sẵn có để chúng có thể bay xa hơn và nhắm trúng mục tiêu với độ chính xác cao. Hệ thống mới này được gọi là UMPK. 

Nhờ sự cải tiến này, phi công Nga không phải lái máy bay đến vùng trời phía trên mục tiêu và thả bom theo chiều thẳng đứng như thời Đệ Nhị Thế Chiến, mà có thể ném bom khi còn ở cách rất xa mục tiêu. Tầm bay của bom có thể lên tới 50-70km. Nhờ đó, oanh tạc cơ của Nga nằm ngoài tầm bắn chặn của tên lửa địa đối không của Ukraine.

Nga ngày càng hướng tới những trái bom bay cực kỳ lớn ?

Việc cải tiến bom bay đã được áp dụng cho các loại bom nhiều kích cỡ : FAB-250 (250kg), FAB-500 (500kg) hay FAB-1500 (1,5 tấn). Những trái bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT. Tuần báo Pháp L’Express ngày 14/04 trích dẫn Jean-Christophe Noel, cựu sĩ quan không quân, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cho biết, bom FAB-1500 đặc biệt phù hợp để oanh kích các mục tiêu tĩnh quy mô lớn, như một chốt chỉ huy, bunker hay kho vũ khí. 

Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng quốc phòng Nga thông báo sẽ sản xuất hàng loạt bom FAB-3000, có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. 

Trong thời gian qua, Nga thường xuyên sử dụng bom bay để oanh kích Ukraine ?

Tuần báo Pháp Le Point ngày 30/03, cho biết, bom bay FAB - UMPK có sức công phá lớn hơn nhiều so với đạn pháo, thậm chí ngang bằng với sức công phá của tên lửa hành trình, nhưng có chi phí sản xuất thấp hơn. Chính vì thế, trong những tháng qua, Nga có xu hướng gia tăng việc sử dụng bom bay FAB - UMPK. Theo phía Ukraine, kể từ đầu năm 2024, Nga đã thả hơn 3.500 quả bom bay, nhiều gấp 16 lần so với năm ngoái và xu hướng này có thể tiếp tục. Theo France Info ngày 21/03, quân đội Nga khẳng định mỗi ngày thả 60-80 bom bay nhắm đến các mục tiêu của Ukraine. Báo chí Nga loan báo sản lượng bom bay FAB-1500 sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024.

Bom bay FAB - UMPK khó bị đánh chặn ? 

Bộ thiết bị dẫn đường UMPK cho bom FAB không chỉ rẻ mà còn dễ chế tạo, nhưng lại có vai trò rất quan trọng, nhờ đó bom bay được cải tiến của Nga khó bị phát hiện và đánh chặn. Trên L’Express ngày 14/04, cựu phi công quân sự, chuyên gia hàng không Xavier Tytelman nhấn mạnh, bom bay FAB - UMPK "không hoạt động nhờ động cơ đẩy và không tỏa nhiệt" nên phòng không Ukraine phải dùng đến "những hệ thống hạng nặng được trang bị radar" mới phát hiện được mà đây lại là loại thiết bị Ukraine đang thiếu ở mặt trận. 

Do vậy, thách thức đối với lực lượng Ukraine là phải tiêu diệt được những oanh tạc cơ mà không quân Nga dùng để thả bom bay. Đó cũng chính một trong những lý do thúc đẩy tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục kêu gọi phương Tây tăng cường cung cấp hệ thống phòng không tầm xa cho Ukraine. Ông nhấn mạnh : "Tôi sẽ không cho biết chúng tôi có bao nhiêu hệ thống Patriot. Nhưng tôi có thể nói rằng, trong tương lai, để bảo vệ toàn bộ Ukraine, chúng tôi nên có 25 hệ thống Patriot, mỗi hệ thống có từ 6 đến 8 bệ phóng".

Đâu là những khó khăn của Ukraine đối phó với oanh tạc cơ thả bom bay của Nga ?

Báo Le Figaro, thuộc sở hữu của tập đoàn Dassault, hãng chế tạo chiến đấu cơ Rafale của Pháp, ngày 26/03, nhấn mạnh là các lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với một tình thế khó giải quyết và gây nhiều thương vong. Các hệ thống phòng không tầm ngắn của Ukraine, hiện được bố trí rải rác ở mặt trận, không đủ khả năng đánh chặn máy bay Sukhoi của Nga, vốn thường thả bom bay khi ở cách xa mặt trận vài chục km. Để đánh chặn, lực lượng phòng không Ukraine phải di chuyển những lá chắn phòng không giá trị nhất, đặc biệt là các hệ thống mà phương Tây viện trợ, đến gần máy bay của đối phương ở khoảng cách nguy hiểm cho chính họ. 

Theo giải thích hồi cuối tháng 03/2024 của một nguồn tin quân sự của Pháp với báo Le Figaro, "các hệ thống chiến lược này hiện giờ đang nằm trong tầm ngắm của lá chắn ISTAR (Intelligence, Surveillance, Target Acquisition & Reconnaissance - Tình báo, Giám sát, Thu thập Mục tiêu và Trinh sát) của Nga, với các bệ phóng tên lửa đa nòng Tornado-S, tương đương tên lửa Himars của Mỹ, có tầm bắn xa và chính xác". 

Còn theo trang tình báo nguồn mở Oryx, được Le Figaro trích dẫn, kể từ khi Nga chiếm được Avdiivka, Ukraine đã mất hai bệ phóng tên lửa Patriot của Mỹ và một bệ phóng tên lửa NASAMS của Na Uy. Đây là những thiết bị phòng không đặc biệt đắt đỏ và số lượng mà Kiev có được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng nếu Ukraine giữ kỹ phía sau để bảo toàn các hệ thống phòng không này thì oanh tạc cơ của Nga sẽ có thể thoải mái hoạt động và thả bom bay. 

Ukraine sẽ phải sớm đối phó diện rộng với siêu bom bay FAB-3000 ?

Điều may mắn là hiện nay việc Nga đưa loại siêu bom bay FAB-3000 ra chiến trường Ukraine mới chỉ mang tính giả thuyết. Hiện giờ chưa có gì cho thấy bộ thiết bị dẫn đường UPMK có thể tương thích với những trái bom to nặng, cồng kềnh như FAB-3000. 

Một vấn đề khác, theo nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình tại Praha, Cộng hòa Czech, là Nga phải có được loại máy bay đủ khả năng chở những tái bom nặng đến 3 tấn và nhất là có đường kính rất lớn. Máy bay tiêm kích - oanh tạc cơ được các lực lượng Nga sử dụng nhiều nhất là Sukhoi Su-34, có thể sẽ khó phù hợp để chở siêu bom FAB-3000. Chuyên gia Benjamin Gravisse nhận định với Le Figaro là ý tưởng này "có vẻ mù mờ nhưng cũng không nên loại trừ khả năng này". Tuy vậy, chuyên gia này ví von "Sukhoi Su-34 chở bom FAB-3000 cũng chẳng khác nào một chiếc xe Lada lại kéo một chiếc xe máy kéo". Benjamin Gravisse là tác giả blog Red Samovar chuyên về quân đội Nga, và cũng là người đóng góp vào tạp chí Phòng thủ và An ninh Quốc tế - Défense & Sécurité Internationale (DSI)

Nga có thể sẽ dùng đến oanh tạc cơ Tupolev Tu-22M3. Nhưng Moskva được cho là chỉ có khoảng 60 chiếc Tu-22M3 trong kho và loại máy bay này hiện giờ không còn được sản xuất. Vẫn theo chuyên gia Benjamin Gravisse, "với chiến lược của Không quân Ukraine, việc Nga đưa oanh tạc cơ Tupolev vào vùng chiến sẽ gặp nhiều nguy cơ, rủi ro lớn. Đó là chưa kể đến việc trong tương lai Mỹ sẽ giao oanh tạc cơ F-16 cho Kiev". Theo báo Pháp Le Point ngày 30/03, mỗi chiếc oanh tạc cơ Su-34 của Nga có thể chở theo 3 trái bom FAB- 1500, nhưng như vậy sẽ khiến chúng dễ bị các oanh tạc cơ của Mỹ đánh chặn. F-16 nhẹ và dễ điều khiển hơn so với Su-34. 

Và cuối cùng, nhà nghiên cứu Matej Rafael Risko của Trung Tâm Nghiên Cứu Hòa Bình phân tích là có rất ít khả năng Nga triển khai ồ ạt siêu bom bay FAB-3000, bởi "FAB-3000 không phải loại vũ khí rất hiệu quả". Liên Xô đã từng dùng loại này trên chiến trường Afghanistan (giai đoạn 1979 - 1989), gây thương vong trong vòng bán kính 39 mét và khiến nạn nhân trong vòng bán kính 158 mét mét bị thương (do mảnh vỡ, chấn thương khí áp…) và tạm thời mất khả năng chiến đấu. Nhưng khả năng phá hủy như vậy cũng không khác mấy so với các loại bom bay nhỏ hơn là FAB-500 và FAB-1500. 

Chính vì thế, trong giai đoạn này, việc Nga thả bom bay nặng 3 tấn còn xa mới là mối nguy thảm khốc nhất đối với Ukraine. Kiev chủ yếu lo ngại về chiều hướng Nga huy động ngày càng nhiều bom FAB-500 và FAB-1500 tấn công Ukraine. 

Thùy Dương

***************************

Liên Âu khẳng định tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhưng không cam kết cụ thể

Anh Vũ, RFI, 23/04/2024

Sau khi Quốc hội Mỹ thông qua ngân khoản viện trợ hơn 60 tỷ đô la cho Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu đã bảo bảo đảm tiếp tục hỗ trợ Kiev, nhưng không đưa ra cam kết cụ thể nào, nhất là về việc cung cấp vũ khí phòng không.

uk5

Một binh sĩ Lữ đoàn Lực lượng Đặc biệt số 12 Azov, thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn đạn pháo về phía quân Nga, tại Donetsk, ngày 05/04/2024. Reuters - Sofiia Gatilova

Theo AFP, hôm qua, 22/04/2024, các lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã họp tại Luxembourg, trong bối cảnh Hạ Viện Mỹ, sau nhiều tháng tranh cãi, hôm thứ Bảy 20/04 đã thông qua khoản viện trợ 60,8 tỷ đô la cho Ukraine.

Liên Hiệp Châu Âu đã có rất nhiều tuyên bố khẳng định hậu thuẫn Kiev nhưng không một quyết định cụ thể nào được đưa ra sau cuộc họp tại Luxembourg.

Tình hình Ukraine đang hết sức khẩn cấp, tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã lưu ý từ cuối tuần trước rằng cần phải cung cấp ngay hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố và hạ tầng cơ sở của Ukraine trước các cuộc không kích của Nga.

Tham dự cuộc họp qua video, ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba nhấn mạnh với các bộ trưởng của Liên Âu, "giờ là lúc để hành động chứ không phải thảo luận".

Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, ông Joseph Borrell, chỉ cho biết chung chung rằng nhiều nước thành viên đã bày tỏ "sẵn sàng" cung cấp viện trợ dưới dạng đạn dược hoặc hệ thống phòng không. 

Ukraine đang gặp rất nhiều khó khăn để chống đỡ các cuộc tấn công của Nga, trên bộ cũng như trên không. Từ nhiều tháng nay, Kiev kêu gọi các nước đồng minh khẩn cấp gửi vũ khí đạn dược, đặc biệt là các hệ thống phòng không hiện đại.

Bộ trưởng quốc phòng Hà Lan, Kajsa Ollongren, tuyên bố, "cái mà chúng ta cần là hành động nhưng đôi khi cũng cần phải thảo luận trước khi hành động. Đó là điều chúng tôi đang làm hiện nay".

Trong số các nước Liên Âu có hệ thống tên lửa phòng không Patriot mà Ukraine đang rất cần, có Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Rumani, theo thống kê từ các nguồn tin ngoại giao Châu Âu. Loại tên lửa đất đối không rất đắt tiền này có thể chống lại một cách hiệu quả các tên lửa siêu thanh mà Nga sử dụng tấn công Ukraine.

Tại cuộc họp hôm thứ Hai 22/04, Tây Ban Nha, qua lời ngoại trưởng José Manuel Albares, vẫn lảng tránh quyết định cụ thể, chỉ bảo đảm rằng Madrid "luôn luôn làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình" để giúp Ukraine.

Về phần mình, ngoại trưởng Ba Lan đánh giá có lẽ tốt hơn là nên xin "các nước Tây Âu" hơn là những nước gần với "chiến tuyến".

Đến giờ mới chỉ duy nhất có Đức đã thông báo chuyển bổ sung một hệ thống Patriot cho Kiev.

Theo Reuters, thủ tướng Anh, Rishi Sunak, trong chuyến thăm Ba Lan hôm nay dự kiến thông báo viện trợ bổ sung cho Ukraine 500 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 600 triệu đô la Mỹ).

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Trọng Thành, Thùy Dương
Read 276 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)