Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/05/2024

Điểm báo Pháp - Châu Âu chưa nhận rõ bộ mặt Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Châu Âu chưa nhận rõ bộ mặt Trung Quốc, mối nguy lớn nhất cho tự do dân chủ

Nhân việc ông Tập Cận Bình thăm Pháp, trên Libération ngày 08/05/2024, nhà Trung Quốc học Marie Holzman cho rằng chính giới Châu Âu đã đánh giá thấp tính chất trầm trọng của mối đe dọa từ Bắc Kinh. Trung Quốc, với bộ mặt giả nhân giả nghĩa, hiện là nhân tố chính trong việc phá vỡ các giá trị tự do dân chủ. Trên chiến trường Gaza và Ukraine đều không có hy vọng ngưng bắn.

tapcanbinh1

Một nhà đấu tranh vì Tây Tạng tự do mang biểu ngữ trước Khải Hoàn Môn Paris với dòng chữ "Nhà độc tài Tập Cận Bình, thời của ngươi đã hết". Ảnh chụp ngày 04/05/2024 AP - Michel Euler

Israel tiến vào Rafah, hy vọng hưu chiến xa dần

Tại Trung Đông, Le Figaro  Le Monde nhận thấy "Hy vọng ngưng bắn xa dần với cuộc tấn công của Israel vào Rafah". Quân đội Israel đang kiểm soát các đồn biên giới và một phần con đường chia cách Gaza với Ai Cập. Nhà nước Do Thái đang đứng trước hai lựa chọn : giải cứu các con tin, hay chinh phục toàn bộ dải đất Palestine.

Đó thực sự là một ván bài tẩy giữa Israel và Hamas. Một trò đấu trí căng thẳng, với hai lá bài chính : trả tự do cho 130 người Israel đang nằm trong tay phe Hồi giáo, và nắm trọn Dải Gaza. Đúng bảy tháng sau vụ thảm sát ngày 07/10, căng thẳng lại tăng lên một nấc mới. Hamas dùng con tin để buộc Israel từ bỏ ý định kiểm soát toàn bộ Gaza, một khả năng trong tầm tay của quân đội Nhà nước Do Thái. Những hình ảnh do quân đội Israel công bố sáng hôm qua cho thấy rõ điều này : Những chiếc xe tăng trấn ở cửa khẩu Rafah, những lá cờ Israel phấp phới thay cho cờ Palestine. Trong một video khác, các thiết giáp di chuyển dọc theo "hành lang Philadelphia".

Cho đến tối thứ Hai, hai khu vực chiến lược trên vẫn do Hamas nắm. Chiếm hai nơi này, Israel đã cắt đứt kết nối cuối cùng của Hamas với thế giới. Các trận đánh tiếp diễn xung quanh Rafah, nơi gần 1,2 triệu người chạy loạn đang tạm trú. Nhưng quân đội Israel cho biết đó chỉ là chiến dịch chống khủng bố nhất thời, giới hạn ở khu Dahanyeh và cửa khẩu Rafah, nơi phát hiện ra ba địa đạo, 20 "kẻ khủng bố" bị tiêu diệt và một xe hơi gài chất nổ bị phá hủy. Đồng thời đàm phán được nối lại ở Cairo. Chiều thứ Hai, khi có tin sắp đạt được thỏa thuận, người dân Gaza hết sức phấn khởi – những tiếng còi xe, những phát súng được bắn lên trời để chào mừng, nhưng họ nhanh chóng thất vọng.

Thủ tướng Benjamin Netanyahou bị cáo buộc đã phá hoại thỏa thuận ngưng bắn, nhưng bộ trưởng cánh trung Benny Gantz đã tỏ ra đoàn kết với ông. Vị tướng vốn nằm trong số những người tích cực ủng hộ ngưng bắn nhất trong nội các chiến tranh khẳng định chiến dịch Rafah là một phần không thể tách rời nhằm giải thoát con tin và thay đổi tình hình an ninh. Đối với những người Palestine muốn thoát khỏi Gaza, cánh cửa duy nhất chừng như đã đóng lại. Giá một giấy phép để ra khỏi dải đất này, trả cho các môi giới liên quan đến một số doanh nhân và cơ quan an ninh Ai Cập, từ 5.000 đô la một người đã vọt lên 10.000 đô la.

Khó có việc ngưng bắn ở Ukraine nhân Thế vận hội Paris 

Về Ukraine, trong chuyến thăm Paris, tổng thống Pháp và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng kêu gọi ngưng bắn nhân Thế Vận Hội Paris Mùa Hè. Le Monde lưu ý, lời kêu gọi được đưa ra vài giờ sau khi Bộ Quốc phòng Nga loan báo sắp tổ chức tập trận "chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử phi chiến lược". Hoa Kỳ cho rằng đó là thái độ "vô trách nhiệm", còn ông Marcron và ông Tập chỉ nói sơ qua. Nếu được thực hiện, nguyên tắc "hưu chiến thế vận" vốn đã có ghi trong nghị quyết Liên Hiệp Quốc, giúp ngưng các trận đánh trong thời gian Thế Vận Hội (26/07 đến 11/08) thậm chí kéo dài sang cả Thế vận dành cho người khuyết tật (28/08 đến 08/09). Tuy nhiên, Moskva đã bác bỏ, và có thể lợi dụng mùa xuân để dấn lên, trong khi Kiev nghi ngờ ngưng bắn sẽ giúp quân địch coi như thủ đắc những vùng đất đã chiếm được.

Tập Cận Bình nhấn mạnh "xung đột chỉ có thể giải quyết bằng thương lượng" - một cách để thúc giục các đồng minh của Kiev nên chừng mực hơn trong việc hỗ trợ quân sự. Ngược lại, Emmanuel Macron không loại trừ khả năng gởi quân sang chi viện cho Ukraine. Tổng thống Pháp hoan nghênh việc lần đầu tiên ông Tập cam kết không giao vũ khí cho Moskva và kiểm soát chặt hơn việc xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng sang Nga. Tuy nhiên, Trung Quốc có vẻ không mặn mà với hội nghị do Thụy Sĩ tổ chức trong hai ngày 15 và 16/06 để nghiên cứu "kế hoạch hòa bình" của tổng thống Volodymyr Zelensky, mà Nga đã từ chối tham dự. 

Dân chúng Hoa lục bị huyễn hoặc, đồng lõa với bành trướng  

Đối lập, giới nghiên cứu và xã hội dân sự có những nhận xét khác nhau, không ít người tỏ ra cảnh giác trước nhà độc tài Trung Quốc. Trên Libération, nhà Trung Quốc học Marie Holzman cho rằng chính giới Châu Âu đã đánh giá thấp tính chất trầm trọng của mối đe dọa từ Bắc Kinh. Bà cho biết nhiều đồng nghiệp cho rằng Trung Quốc, vốn thường kín kẽ, hiện là nhân tố chính trong việc phá vỡ các giá trị tự do dân chủ. Mối nguy không chỉ đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc hay cá nhân Tập Cận Bình.

Một trong những điều tai ác nhất của độc tài Trung Quốc là phần lớn dân chúng bị tuyên truyền về "sự lăng nhục" trong quá khứ, được ru ngủ với "giấc mộng Trung Hoa", ủng hộ luận điệu về một trật tự thế giới mới do Trung Quốc lãnh đạo. Cho dù có nhiều vụ nổi dậy chống đối, nhưng đó đều là những xung đột mang tính địa phương và nhanh chóng bị đàn áp bằng vũ lực. Ngược lại, việc sáp nhập vĩnh viễn Hồng Kông, thay vì tôn trọng nguyên tắc "nhất quốc, lưỡng chế" lẽ ra có giá trị đến 2049, ít được quan tâm. Một kiểu đồng lõa với độc tài, trong xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Tương tự, việc xâm lược Đài Loan thậm chí còn gây phấn khởi cho dân Hoa lục. Liên minh chặt chẽ giữa hai chế độ toàn trị có thể ngự trị trên trường quốc tế trong một phần lớn thế kỷ 21. Trung Quốc nguy hiểm ở chỗ giám sát thường trực 1,4 tỉ người.

Từ nhiều thập niên, đối thoại giữa Châu Âu và Trung Quốc đều thân ái, lịch sự. Các viên chức có trách nhiệm tin rằng Bắc Kinh rồi sẽ chấp nhận nhà nước pháp quyền, trong khi hàng ngày Trung Quốc vẫn vi phạm luật lệ của chính mình. Người ta lặp đi lặp lại là Trung Quốc cần được khen ngợi vì thành tích xóa đói giảm nghèo, nhưng quên rằng thống kê chính thức của Bắc Kinh cũng giả tạo chẳng khác Liên Xô cũ.

Hơn 1 tỉ người Trung Quốc không có tự do ngôn luận và quyền bầu cử

Và đối với nhiều người, cũng như nhiều nhà báo phương Tây, vấn đề chính nơi Trung Quốc chỉ giới hạn ở tình hình người Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, tuy nhiên cũng đừng quên 98,5% dân số còn lại ! Tất cả đều không có tự do ngôn luận, nghiệp đoàn độc lập, quyền bầu cử, bị tống vào tù mỗi khi bị nghi là "đe dọa an ninh Nhà nước". Danh sách các nạn nhân của chế độ dài vô tận, từ những người dân bình thường đến các nhà trí thức quốc tế biết tên.

Cũng trên Libération, tác giả kêu gọi hãy nghĩ đến số phận của Ilham Tohti ở Tân Cương (giải Sakharov 2019) bị án chung thân, 200 người Tây Tạng tự thiêu, các luật sư bảo vệ nhân quyền như Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) 14 năm tù… Tất cả những ai dám chống lại đàn áp đều biến mất. Đến cuối 2023, có ít nhất 121 nhà báo trong ngục tù Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng số các nhà báo bị cầm tù trên thế giới.

Hai chế độ toàn trị lớn nhất hành tinh kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ đi theo hai hướng khác nhau. Nga bắt đầu cải cách chính trị, dù tham nhũng và ăn cắp của công lan tràn, còn Trung Quốc chọn phát triển kinh tế. Giờ đây cả hai quay lại với các phương pháp tưởng chừng đã là quá khứ : Nhà nước kiểm soát hầu như tất cả, lợi dụng các huyền thoại dân tộc dẫn đến cách xử sự phát-xít.

Nga xâm lăng Nhà nước dân chủ non trẻ Ukraine, Trung Quốc đè bẹp những ý hướng nhà nước pháp quyền. Muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá, Vladimir Putin và Tập Cận Bình đều hung hãn. Nhưng Bắc Kinh thâm độc hơn khi âm thầm dấn tới, ngoài mặt thì trung lập nhưng bên trong bắt tay chặt chẽ với Nga, mưu toan kiểm soát Biển Đông. Đã đến lúc các chính khách phương Tây ý thức đầy đủ mối nguy này.

Bernard Pivot, người đưa văn chương đến với công chúng

Trên lãnh vực văn hóa, tất cả các báo đều có bài viết tưởng niệm Bernard Pivot, người dẫn chương trình thảo luận văn chương "Apostrophes" rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả truyền hình Pháp.

Là một người tự học, nhà báo uyên bác đã phỏng vấn rất nhiều tên tuổi trên văn đàn thuộc đủ mọi khuynh hướng, từ Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn, Claude Lévi-Strauss đến Albert Cohen, Georges Simenon. Ông đưa văn chương đến gần người dân bằng cung cách rất hấp dẫn, tác phẩm của những nhà văn được chương trình của Bernard Pivot đề cập sau đó đều bán rất chạy. Bên cạnh đó còn có thể kể đến chương trình "Des chiffres et des lettres" (Những con số và từ ngữ), mang lại những kiến thức mang tính giáo dục rất cao trên truyền hình công, góp phần nâng cao dân trí.

Bài học can đảm từ Salman Rushdie, nhà văn bị Hồi giáo truy sát

Cũng về văn chương, bài xã luận của Le Figaro ca ngợi "Bài học can đảm" từ nhà văn Salman Rushdie. Không chỉ là cây bút tầm cỡ thế giới, ông còn là biểu tượng cho tự do ngôn luận và sự khoan dung. Năm 1989, khi xuất bản tiểu thuyết "Những vần thơ của ác quỹ" và bị giáo chủ Khomeyni ra lệnh "fatwa" truy sát trên toàn thế giới, phương Tây đã ngây thơ khi ngỡ rằng sẽ bảo vệ được nhà văn. Nhưng Hồi giáo không chấp nhận bị phê phán, châm biếm Mahomet, muốn mọi người phải sống theo kinh Coran. Sau đó những kẻ khủng bố bắt đầu tấn công vào các nhà báo, cảnh sát, giáo viên, những người dân đến xem lễ hội Quốc khánh Pháp 14/07...

Những năm tháng đã trôi qua, văn hóa Thiên Chúa Giáo Châu Âu muốn tương đối hóa sự kiện, dung thứ, thậm chí quên lãng, nhưng con rắn độc cuồng tín vẫn hiện diện. Nọc độc của nó lan đến cả một thanh niên Mỹ gốc Lebanon chưa ra đời lúc lệnh fatwa được ban ra, nhưng sau một thời gian sinh sống ở đất nước đang trong tay Hezbollah, đã đâm Salman Rushdie nhiều nhát dao tại New York năm 2022. Bị truy lùng, bị tấn công, mất một mắt và một bàn tay, nhà văn vẫn vững vàng. Ông vẫn viết văn và vừa xuất bản cuốn "Con dao", vẫn tố cáo làn sóng bạo lực mà không run sợ, vẫn du hành. Tấm gương của ông buộc người ta phải nhìn thẳng vào một thế giới đang lâm nguy, thay vì tránh né.

Cơn lốc Taylor Swift tràn vào Pháp

Về âm nhạc, Le Figaro trên phụ trang kinh tế nói về "Cơn lốc Taylor Swift đổ bộ vào nước Pháp". Nữ ca sĩ "tỉ đô" từ ngày mai bắt đầu đợt lưu diễn ở Paris và Lyon, một sự kiện ngoại cỡ khiến nhiều ngành kinh doanh có thể ăn theo. Mười ba năm sau buổi trình diễn ở rạp Zénith, Paris, cô ca sĩ đã chinh phục được khán giả Pháp. Hai rạp Paris La Défense Aréna và Groupama Stadium chỉ trong vài giờ đã bán hết vé, album mới nhất của cô bán được 46.000 bản trong một tuần.

Khách sạn, nhà hàng, tiệm buôn… ở Pháp chuẩn bị đón tiếp đội ngũ người hâm mộ đông đảo của Taylor Swift – không chỉ là thanh thiếu niên, mà nhiều khi là cả gia đình cùng đi xem với trang phục kim tuyến, nón cao bồi của các "Swifties". Nữ ca sĩ có gia tài 1,1 tỉ đô la theo ước tính của Forbes, chỉ bằng âm nhạc của mình, đi đến đâu cuốn theo một làn sóng tiêu thụ đến đó. Ngay sau buổi trình diễn của cô, Paris La Défense Aréna phải nhanh chóng tháo dỡ để trao chìa khóa lại cho Ủy ban Thế Vận Hội Paris : sân khấu hi-tech nhường chỗ cho hai hồ bơi Olympic – một thách thức khác của các nhà tổ chức.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)