Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/05/2024

Điểm báo Pháp - Putin dốc toàn lực cho chiến tranh ở Ukraine

RFI tiếng Việt

Tấn công Kharkiv, thay đổi nội các : Putin dốc toàn lực cho chiến tranh ở Ukraine

Le Figaro ngày 14/05/2024 nói về "Tầm quan trọng của trận đánh Kharkiv", cho rằng chiến lược của Vladimir Putin là chiếm được tối đa lãnh thổ. Khi bổ nhiệm nhà kinh tế Belousov làm bộ trưởng quốc phòng, Putin muốn đưa toàn thể bộ máy sản xuất vào phục vụ cho nền kinh tế chiến tranh. Les Echos nhận định "Chính phủ mới của Nga là biểu tượng cho việc quân sự hóa mạnh mẽ hơn nền kinh tế".

tancong1

Rốc-kết của Nga từ Belgorod bắn vào Ukraine, nhìn từ Kharkiv, ngày 18/04/2024. AP - Evgeniy Maloletka

Putin chuyển sang tấn công và đe dọa Kharkiv, cách chức bộ trưởng quốc phòng, Liên hoan điện ảnh Cannes khai mạc trong bối cảnh căng thẳng, Choose France thành công với đầu tư kỷ lục, đó là những đề tài đáng chú ý hôm nay. Các báo đều có những bài phóng sự của đặc phái viên tại chỗ ở Kharkiv và ngôi làng biên giới Vovthansk, cho thấy sự ác liệt của trận đánh tại đây, và tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine.

Putin muốn chiếm đất tối đa để sau này thương lượng với Trump ?

Le Figaro nói về "Tầm quan trọng của trận đánh Kharkiv", cho thấy chiến lược của Vladimir Putin là chiếm được tối đa đất, trong đó một số sẽ được dùng để thương lượng. Câu hỏi đặt ra là ban tham mưu Nga muốn gì, chiếm hẳn Kharkiv rồi sau đó phải đối phó với chuỗi dài đẫm máu chiến tranh du kích đô thị, hay nhằm đánh lạc hướng để Ukraine buông lỏng các mặt trận khác như Donbass ? Moskva vẫn mong giành được toàn bộ tỉnh Donetsk ở miền đông. Trước mắt, Vladimir Putin không muốn thương lượng ngưng bắn trước tháng Giêng 2025 vì hy vọng Donald Trump quay lại Nhà Trắng. Nếu đàm phán với "ông bạn" Trump, Putin muốn đặt lên bàn cá cược tối đa jeton, chiếm được càng nhiều đất của Ukraine càng tốt để đặt điều kiện.

Liệu Trump có dễ hòa giải với Nga hơn Biden ? Không có gì là chắc chắn. Về đối ngoại, Trump thường bất nhất. Với Iran, trước hết ông ta từ chối oanh kích trả đũa sau khi một drone giám sát của Mỹ bị bắn rơi trên vịnh Ormuz, nhưng sau đó Trump ra lệnh tiêu diệt tướng Pasdarans Qasem Soleimani tại Iraq vì Iran xúi giục dân quân Shia tấn công vào lợi ích Mỹ ở vùng Lưỡng Hà. Thông điệp "Đừng giỡn mặt với Mỹ !" đã được Tehran lĩnh hội trăm phần trăm.

Nếu đắc cử, mục tiêu đầu tiên của Donald Trump chắc chắn sẽ là tạo dựng một tầm vóc đi vào lịch sử. Thế nhưng nếu nhượng bộ Nga quá đáng sẽ đi ngược lại "Make America great again". Tất cả những gì có vẻ là thất bại trước Nga đều bị loại trừ. Dân Mỹ ít bị thất bại trong lịch sử, và Trump thì ghét các "losers" (người thua cuộc). Trước Putin, một người có "cái tôi" to lớn như Trump hẳn không muốn xuất hiện như một loser. Người Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào Ukraine độc lập, không thể để cho Kiev trở nên lệ thuộc vào Moskva. Thế nên đa số dân biểu Cộng hòa mới đứng về phía Dân chủ để thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraine. Được giới quân sự thông báo khả năng bại trận của Kiev, chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson quyết định hành động.

Giá trị động viên tinh thần của gói viện trợ Mỹ

Dù có trễ, số viện trợ này đến đúng lúc để nâng cao tinh thần người Ukraine vốn đang đặc biệt cần đến. Hồi tháng 8/1918, quân Đức thua trên mặt trận Pháp, trong đó có yếu tố tinh thần suy sụp vì quân Mỹ bắt đầu tham chiến. Người Mỹ đang chuyển giao cho Ukraine các hỏa tiễn địa-không NASAMS có tầm bắn 160 kilomet, gây nguy hiểm cho các oanh tạc cơ Nga khi bay vào không phận Ukraine để thả những quả bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp.

Cú đột phá này của Nga là một sự cảnh báo cho Kiev. Yaroslavski, người chỉ huy đơn vị từng đánh bại quân Nga trên sông Donets hồi tháng 9/2022 trước khi quay lại mặt trận đã viết trên Facebook, phê phán rằng những lãnh thổ tái chiếm đã không được bảo vệ bằng công sự và mìn, đồng thời nghi ngờ có nạn tham nhũng.

Hai bài học khác có thể rút ra, trước hết là Kiev động viên thanh niên quá trễ. Không thể bảo vệ chiến tuyến dài đến 1.200 kilomet mà không có đội quân đông đảo. Nước Pháp hồi năm 1918 đã huy động thanh niên từ 20 tuổi gia nhập quân đội, còn Ukraine chỉ mới hạ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25. Thiếu quân, Quốc hội vừa cho phép tuyển cả tù nhân, như Nga đã làm từ 2022.

Bài học thứ hai, đánh giá thấp đối thủ luôn nguy hiểm. Một số tướng phương Tây về hưu - chứ không phải tướng lãnh Ukraine - trên truyền hình, sau khi quân Nga phải rút khỏi Kherson tháng 11/2022 từng dự báo quân đội sẽ sụp đổ, nhưng trong lịch sử sau khi thua Ba Lan (thế kỷ 17), Thụy Điển (thế kỷ 18), Pháp (thế kỷ 19), Đức và Ý (thế kỷ 20), Nga vẫn gượng dậy được. Nga vẫn còn nhiều nguồn lực về người và phương tiện.

Nga đang dốc toàn lực vào chiến trường Ukraine

Trong bài xã luận "Nga dồn toàn lực cho chiến trường", Le Figaro cho rằng khi bổ nhiệm nhà kinh tế Belousov làm bộ trưởng quốc phòng, Putin muốn đưa toàn thể bộ máy sản xuất vào phục vụ cho nền kinh tế chiến tranh. Chưa đầy một tuần sau khi chính thức khởi đầu nhiệm kỳ thứ năm, Vladimir Putin thay đổi nội các và tung quân sang Kharkiv, thành phố lớn thứ nhì của Ukraine. Điều này cho thấy ưu tiên cấp thiết của ông ta là đối đầu với Kiev và phương Tây.

Dimitri Peskov, phát ngôn viên Kremlin khi loan báo việc bổ nhiệm Andrey Belousov đã nhấn mạnh "trên chiến trường, người chiến thắng là người cởi mở nhất trước sáng tạo". Không chỉ là phê phán lớp già như Sergei Shoigu, mà còn là sự tưởng thưởng cho người đã giúp Nga vượt qua trừng phạt của phương Tây. Sau khi tái thúc đẩy kỹ nghệ quốc phòng, nay Belousov huy động toàn lực nền kinh tế, thanh lọc các định chế quân sự tham nhũng.

Ngân sách dành cho quân đội chiếm đến 6% GDP, tương đương với thời chiến tranh lạnh. Trong khi đó Ukraine đang gặp khó khăn. Cuộc tấn công vào Kharkiv chừng như chưa thể làm sụp đổ thành phố trên một triệu dân này, nhưng dễ dàng xuyên qua hàng phòng ngự trong một loạt ngôi làng, tiến gần đến trục chiến lược của Kiev. Pháo của Nga từ đó có thể dội ồ ạt vào Kharkiv theo truyền thống Hồng quân.

Với số lượng đạn dược chỉ bằng 1/10 và binh sĩ kiệt sức vì không được nghỉ ngơi, bộ tham mưu Ukraine chỉ có những chọn lựa tồi tệ : tăng cường bảo vệ mặt trận và để hở sườn những nơi khác, hoặc để chốt chặn này bị tổn thương, mở ra hướng tiến về Kiev. Phương Tây đứng trước thách thức : Nếu Moskva "không thể và không được chiến thắng" như lời tổng thống Emmanuel Macron, "chiến lược can đảm" gởi quân sang Ukraine có lẽ sẽ phải cụ thể hóa.

"Hãy giúp bảo vệ bầu trời Ukraine !"

Trên trang Ý kiến của Le Monde có bài viết của một nhóm các nhà trí thức và giới quân nhân kêu gọi "Hãy giúp bảo vệ bầu trời Ukraine", đồng thời thay đổi một số quan điểm về quân sự. Từ đầu năm đến nay, trên 4.000 drone tầm xa và bằng ấy hỏa tiễn đạn đạo, hỏa tiễn hành trình đã đánh vào khu dân cư, bệnh viện, trường học… và cơ sở hạ tầng năng lượng, kinh tế của Ukraine. Các vụ tấn công này không nhắm vào vị trí quân sự, mà nhằm khủng bố người dân, làm kinh tế Ukraine sụp đổ dẫn đến đầu hàng. Chỉ riêng về điện, trên 60% năng lực sản xuất điện đã bị phá hủy kể từ đầu cuộc xâm lăng.

Mọi người đều ấn tượng với thất bại gần đây của Iran khi không kích Israel. Tuy lãnh thổ Ukraine rộng lớn hơn nhiều, nhưng không phải là không bảo vệ được, mà trước hết cần quyết tâm của các chính phủ. Nếu các nước Châu Âu phối hợp với nhau, có thể chi viện khẩn cấp các giàn hỏa tiễn địa không như Patriot (Mỹ), SAMP/T-Mamba (Pháp-Ý), radar giám sát tầm xa 250 kilomet… Nếu tham vọng hơn, một liên minh có thể tập hợp phương tiện để phát hiện hỏa tiễn Nga lúc đang bay và tiêu diệt bằng hỏa tiễn không đối không, từ tiêm kích hay các giàn phòng không.

Bộ trưởng quốc phòng bị cách chức : Không bất ngờ

Về việc bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu bị cách chức, các báo có những bình luận khác nhau. Đối với Le Figaro, đây không phải là điều ngạc nhiên ngay với bản thân ông Shoigu, dù là bộ trưởng từ 12 năm qua. Là một chính khách đơn thuần, bỗng dưng từ ngày 24/02/2022 phải lãnh đạo một bộ máy có nhiệm vụ xâm chiếm quốc gia láng giềng, Shoigu ngay từ đầu cuộc xâm lăng đã bị giới quân sự chỉ trích. Không thể đạt được một chiến thắng chớp nhoáng như Moskva mong muốn, dù không phải là người trực tiếp chỉ huy, ông càng bị phe dân tộc chủ nghĩa cực đoan đả kích. Tuy vậy quan chức luôn có mặt bên Vladimir Putin trong những chuyến săn bắn, nghỉ mát trong rừng taiga vẫn là bộ trưởng quốc phòng suốt hai năm qua.

Ngay cả thời điểm bão tố do cuộc nổi dậy của Yevgeny Prigozhin tháng 6/2023, và quân đội Nga lao đao trên chiến trường, Shoigu vẫn tại vị. Ông chủ điện Kremlin rốt cuộc đã cách chức bộ trưởng 68 tuổi vào lúc 22 giờ tối Chủ nhật. Vốn trọng hình thức, Putin đợi đến khi chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm vào thứ Ba để thay đổi nội các. Theo chuyên gia Alexandre Baunov, thật ra Putin vẫn chưa quên vụ thủ lãnh Wagner nổi loạn, và việc để cho những tướng lãnh hàng đầu như Sergei Surovikin xích lại gần với Yevgeny Prigozhin. Người phó của Shoigu, thứ trưởng Timur Ivanov phụ trách các công trình xây dựng thì đã bị bắt hôm 23/04 vì tham nhũng, một cú sốc cho quân đội.

Nội các mới của Nga nhằm quân sự hóa nền kinh tế

Les Echos thì nhận thấy Sergei Shoigu được giao một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng, là chủ tịch Hội đồng An ninh, đồng thời làm phó cho Putin trong ủy ban phụ trách kỹ nghệ quốc phòng. Tờ báo cho rằng "Chính phủ mới của Nga là biểu tượng cho việc quân sự hóa mạnh mẽ hơn nền kinh tế".

Vladimir Putin vẫn giữ Sergei Lavrov làm ngoại trưởng, chức vụ mà ông này phụ trách từ 20 năm qua. Hai cột trụ của khối kinh tế cũng vậy : Anton Siluanov nắm bộ tài chánh và Maxim Reshetnikov bộ kinh tế. Mikhail Michustin, cựu giám đốc cơ quan thuế vẫn là thủ tướng và đặc biệt nhà kinh tế Andrei Belousov lên làm bộ trưởng quốc phòng thay Shoigu.

Vốn là cựu bộ trưởng phát triển kinh tế rồi cố vấn cho điện Kremlin, rồi phó thủ tướng, theo với thời gian, Belousov đã chiếm một vị trí đáng kể trong vòng thân cận của tổng thống. Chiếc ghế của ông nay dành cho Denis Manturov, cựu bộ trưởng kỹ nghệ và thương mại, đã tổ chức được việc tái thúc đẩy sản xuất để đối phó với cấm vận của phương Tây. Belousov được sự bảo trợ của Sergei Chemezov, ông chủ tập đoàn quốc phòng Rostec, cựu KGB và là bạn thân thiết của Vladimir Putin.

Bộ máy chiến tranh vẫn được duy trì

Trong lúc quân Nga đang tiến ở Kharkiv, những trụ cột khác của "chiến dịch quân sự đặc biệt" vẫn được duy trì : Valery Gerasimov, tổng tham mưu trưởng ; Sergey Narychkin, giám đốc tình báo ; Alexander Bortnikov, giám đốc an ninh. Một nhà quan sát phương Tây nhận định "Tất cả nhằm cải thiện hiệu quả về kinh tế và kỹ nghệ quốc phòng. Đây không phải là tin tốt lành cho Ukraine và phương Tây".

Trong nội bộ, việc tranh giành ảnh hưởng của các phe vẫn tiếp diễn, thủ tướng Mikhail Michustin khó thể dàn xếp. Chuyên gia Andrey Kolesnikov cho rằng Belousov khi chấp nhận trở thành đồng lõa trong cuộc xâm lăng Ukraine, đã làm hại cho tên tuổi của mình. Kremlin hy vọng nhà kinh tế này sẽ giúp tăng cường công nghệ cao cho nền kinh tế chiến tranh, và quân đội sẽ trở thành động lực của phát triển.

Trong khi chờ đợi các vụ bổ nhiệm ở văn phòng tổng thống - một loại chính phủ bis dưới sự kiểm soát trực tiếp của Vladimir Putin - Kremlin đã đưa vào một số quan chức trẻ hầu hết là con cái những người thân tín. Boris Kovaltchouk, con của tài phiệt Yury Kovalchuk lãnh đạo Viện Thẩm kế ; Dmitri Patruchev, con của Nikolai Patruchev lên làm phó thủ tướng ; Sergei Tsiviliov, tân bộ trưởng năng lượng là chồng một người cháu gái của Putin…

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 128 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)