Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2024

Điểm báo Pháp - Giải pháp nào cho Nouvelle-Calédonie ?

RFI tiếng Việt

Pháp : Giải pháp nào cho Nouvelle-Calédonie trước tình trạng bạo lực gia tăng ?

Bạo loạn ở vùng lãnh thổ hải ngoại Pháp Nouvelle-Calédonie, vụ ám sát hụt thủ tướng Slovakia Robert Fico là những chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay, 16/05/2024.

nouvelle1

Một người đàn ông đứng trước một chiếc ô tô bị cháy ở Nouméa, Nouvelle-Calédonie, Pháp, ngày 15/05/2024. AP - Nicolas Job

Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération chú ý đến tình trạng bạo lực chưa có hồi kết ở Nouvelle-Calédonie. Cần phải tránh để xảy ra những thảm kịch tiếp theo khi đã có 4 người thiệt mạng trong các vụ hỏa hoạn, đập phá hay đấu súng ở vùng lãnh thổ hải ngoại này. Bạo loạn nảy sinh từ việc chính quyền Paris muốn cải cách Hiến pháp và cấp quyền bầu cử cho tất cả người dân sống tại Nouvelle-Calédonie từ 10 năm qua, khiến phe đòi độc lập "sôi máu". Nhật báo thiên tả lo ngại chuỗi sự kiện vừa qua có thể khiến mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát, 40 năm sau khi nổ ra cuộc nội chiến dẫn đến cái chết của 19 người bản địa Kanak và 6 binh sĩ trong cuộc đột kích vào hang Ouvéa ngày 05/05/1988.

Khi bạo lực bùng phát ngày 14/05, chính quyền đã quyết định không nhượng bộ trước những kẻ nổi loạn. Chính phủ vẫn giữ nguyên lập trường sau khi dự luật cải cách Hiến pháp được bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin cho bỏ phiếu thông qua tại Quốc hội với sự ủng hộ của cánh hữu và cực hữu. Kết quả là bạo lực tiếp tục bùng phát vào hôm qua, khiến tổng thống Emmanuel Macron phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Vài giờ sau, một hiến binh 22 tuổi bị bắn chết tại quần đảo mà cư dân sở hữu rất nhiều vũ khí và sẵn sàng "trở thành" dân quân để bảo vệ tài sản của họ. Cao ủy Pháp, đại diện của Nhà nước, ông Louis Le Franc trước đó đã cảnh báo rằng "lãnh thổ này sẽ rơi vào tình trạng tận thế". Libération nhận định chính quyền phải tìm mọi cách giúp cho tình hình lắng dịu trở lại, nhưng nhiệm vụ của điện Elysée không chỉ là tái lập trật tự. Kiên định với một lập trường cứng rắn sẽ chỉ khiến những kẻ nổi loạn thêm phẫn nộ, đồng thời khiến họ có cảm giác như Nouvelle-Calédonie quay trở lại thời kỳ bị đô hộ.

Trên trang nhất, tờ Les Echos cũng lo lắng về bạo loạn ở Nouvelle-Calédonie. Theo ông Louis Le Franc, được nhật báo kinh tế trích dẫn, "tình hình đang hỗn loạn và mọi chuyện có thể đi tới một cuộc nội chiến". Những lời kêu gọi bình tĩnh, kể cả từ phe ủng hộ độc lập, đều không có tác dụng, và những kẻ nổi loạn thì dường như ngày càng bất trị. Có rất nhiều người bị thương và Cao ủy Le Franc lo ngại tình trạng thiếu lương thực.

Putin công du Trung Quốc để thắt chặt quan hệ song phương

Nhật báo Le Monde dành trang nhất cho sự kiện tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Trung Quốc cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm. Chuyến đi diễn ra trong hai ngày 16-17/05 được giới quan sát hết sức chú ý.

Mặc dù hai lãnh đạo Nga-Trung thường xuyên gặp nhau tại các hội nghị thượng đỉnh, ít nhất ba lần một năm ở G20, BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, chuyến đi này của chủ nhân điện Kremlin có đôi nét đặc biệt. Đây sẽ là cơ hội để Moskva "kiểm tra tình bạn không giới hạn" mà Nga và Trung Quốc cùng tuyên bố vào đầu tháng 02/2022, 20 ngày trước khi điện Kremlin xua quân xâm lược Ukraine.

Chuyên gia về quan hệ Nga-Trung Alexander Gabuev đã viết trên tạp chí Foreign Affairs vào đầu tháng 4 rằng sự liên kết ngày càng gia tăng giữa hai cường quốc là "một trong những hệ quả địa chính trị của cuộc chiến ở Ukraine". Mối quan hệ này có trở nên sâu sắc hơn hay không là tùy thuộc vào kết quả của chiến tranh Ukraine, cũng như vào sự vững chắc của trục chống phương Tây mà Bắc Kinh và Moskva đã cùng nhau dựng lên.

Các lĩnh vực then chốt trong mối quan hệ song phương bao gồm nguyên liệu thô và năng lượng của Nga, nền công nghiệp ngày càng phát triển của Trung Quốc. Các nhà sản xuất Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa thị trường xe hơi Nga, trong khi Moskva đã trở thành nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho Bắc Kinh.

Xu hướng này càng trở nên rõ rệt hơn kể từ khi Nga bắt đầu chính sách "xoay trục sang Châu Á" từ năm 2014, khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và phải hứng chịu các lệnh trừng phạt đầu tiên của phương Tây. Sau khi nổ ra chiến tranh Ukraine, phương Tây đã cấm vận khí đốt của Nga, và Trung Quốc hiện đóng vai trò thiết yếu trong việc bù đắp những thâm hụt của Moskva, đồng thời giúp Nga lách các lệnh trừng phạt mới của phương Tây.

Slovakia bàng hoàng sau vụ ám sát hụt thủ tướng Fico

Nhìn sang Slovakia, nhật báo thiên hữu Le Figaro dành trang nhất nói về vụ thủ tướng Robert Fico bị bắn trọng thương. Sau vụ ám sát một nhà báo năm 2018, Slovakia lại trải qua một sự kiện gây chấn động đất nước và đây có thể là bước ngoặt cho nền dân chủ của quốc gia Trung Âu này. Thủ tướng Robert Fico bị ám sát hụt khi gặp một số người ủng hộ trước nhà văn hóa ở Handlova, một thị trấn nhỏ ở miền tây Slovakia.

Cách đây 6 năm, Slovakia đã bàng hoàng khi nhà báo Jan Kuciak và bạn gái Martina Kusnirova bị ám sát. Nhà báo Kuciak lúc đó đang tích cực điều tra về các hành vi trốn thuế của những chính khách cấp cao của Slovakia. Cái chết của anh cùng với bạn gái đã khiến chính phủ Fico phải từ chức. Bài xã luận của nhật báo Slovakia Dennik N. nhận định : "Bất chấp vụ ám sát Jan Kuciak, các chính trị gia vẫn tiếp tục ganh đua để xem ai sẽ là người hung hãn và quyết liệt nhất. Vụ ám sát Robert Fico đang trở thành một bước ngoặt. Chúng ta có quyền quyết định mình có thuộc về khối các quốc gia văn minh của phương Tây dân chủ, nơi tội ác bị tư pháp trừng phạt, hay vẫn ‘giải quyết mọi chuyện’ bằng các biện pháp thanh trừng đẫm máu".

Pháp : Bộ trưởng Tư pháp hứa cải cách biện pháp vận chuyển tù nhân sau vụ Mohamed Amra trốn thoát

Le Figaro cũng đặc biệt quan tâm đến Mohamed Amra, biệt danh "Con Ruồi", tên tội phạm đã trốn thoát hôm 14/05 sau khi đồng bọn tấn công xe chở tù, bắn chết hai quản giáo và giải cứu y tại vùng Eure, đông bắc nước Pháp. Bộ trưởng Tư pháp Éric Dupond-Moretti hôm qua đã tiếp đại diện của các quản giáo kêu gọi phong tỏa các nhà tù sau vụ việc nói trên. Ông Dupond-Moretti cam kết sẽ đa dạng hóa những loại vũ khí mà quản giáo có thể sử dụng. Ông cũng cam kết trong tương lai, quản giáo sẽ có thêm nhiều xe chở tù chuyên dụng, thay vì sử dụng xe công vụ. Tương tự như vậy, bất kỳ tội phạm nào cũng sẽ được ít nhất 3 quản giáo hộ tống, ngay cả những tội phạm "hiền" nhất.

Giới trẻ Pháp bàng quan với Liên Âu

Trong lĩnh vực xã hội, bài xã luận của tờ La Croix chú ý đến một giới trẻ Pháp ngày càng "thờ ơ" với khối Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu-EU). Nghiên cứu do Viện Ifop thực hiện và nhật báo công giáo dẫn lại nói về mối quan tâm của thanh niên 18-25 tuổi trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu tới đây. Cuộc khảo sát lần này cho thấy tỷ lệ cử tri ở độ tuổi nói trên sẽ bỏ phiếu ồ ạt hơn hồi năm 2019, nhưng đa phần dường như sẽ bỏ phiếu ủng hộ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN). Nghiên cứu cũng nhấn mạnh những người này có ý định bày tỏ sự bất đồng sâu sắc với những ràng buộc của Liên Âu. La Croix nhận định suy nghĩ của giới trẻ thời nay không hề khác so với những thế hệ trước : họ cũng có những mối bận tâm và phải đối mặt với những vấn đề giống thế hệ cha ông, chẳng hạn như tình trạng sức mua suy giảm, áp lực phải có công việc ổn định cũng như sức khỏe phải được bảo đảm.

Tờ báo công giáo cho rằng không thể trách giới trẻ không ủng hộ Liên Âu cũng như không quan tâm đến những vấn đề chính trị. Đối với họ, xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh chắc chắn không còn là ưu tiên giống như đối với thế hệ đi trước. Lý do là vì ngay từ khi sinh ra, họ đã có đồng tiền chung euro, được du lịch với máy bay giá rẻ, hay được du học nhờ chương trình Erasmus. Giới trẻ giờ đây có những mối bận tâm khác, điển hình là biến đổi khí hậu. Sau 25 năm liên tục sụt giảm, tỷ lệ tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu hồi năm 2019 đã tăng vọt, đặc biệt nhờ sự huy động của giới trẻ, trong đó nhiều người đã bỏ phiếu cho các ứng viên bảo vệ môi trường.

Tại hầu hết những nước láng giềng, những người từ 18-25 tuổi không hề bày tỏ sự ngờ vực tương tự đối với Bruxelles. Nhiều nghiên cứu nêu bật sự gắn bó mạnh mẽ của giới trẻ với khối Liên Âu. Họ ca ngợi những đóng góp của khối cho đất nước cũng như cho chính bản thân họ, trong khi Pháp dường như là quốc gia duy nhất tỏ ra bi quan về tương lai của Liên Âu.

Ukraine : Người dân ở miền bắc ồ ạt sơ tán trước đà tiến của quân Nga

Về tình hình Ukraine, trang nhất của La Croix chú ý đến những hoạt động sơ tán ở miền bắc. Cuộc tấn công của quân Nga vào vùng Kharkiv hôm 10/05 đã buộc chính quyền Ukraine ở khu vực biên giới này phải sơ tán người dân tại các ngôi làng trong tầm bắn của quân đội Nga. Kristina Havane, người quản lý việc sơ tán tại cộng đồng thuộc các xã Liptsi, cho biết : "Ngày đầu tiên, chúng tôi đã đưa hơn 400 người ra khỏi Liptsi. Giờ đây chỉ còn khoảng 20 người".

Tại Vovchansk, nơi có 20.000 người dân sinh sống trước khi nổ ra chiến tranh, cảnh sát, nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên đã sơ tán gần như toàn bộ cư dân, và giờ chỉ còn sót lại khoảng 200 người tính đến ngày 14/05, theo thống đốc khu vực.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 212 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)