Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/05/2024

Điểm báo Pháp - Khủng hoảng Nouvelle – Calédonie

RFI tiếng Việt

Khủng hoảng Nouvelle Calédonie : Pháp đối mặt với những di sản thời thực dân

Bạo động tại vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle Calédonie của Pháp bùng lên ít ngày gần đây là chủ đề trang nhất của hầu hết các nhật báo hôm nay, 17/05/2024, át đi nhiều chủ đề thời sự lớn khác, như chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo Nga, hay tình hình chiến sự tại Ukraine.

caledonie1

Một khu vực tại Noumea, thủ phủ Nouvelle Calédonie, ngày 16/05/2024. AFP – Delphine Mayeur

Le Monde chạy tựa trang nhất "Nouvelle Calédonie : Chính phủ tìm kiếm một lối thoát cho một cuộc khủng hoảng lớn". Kể từ ngày thứ 15/05, chính quyền ban bố "tình trạng khẩn cấp", quân đội được triển khai tại vùng lãnh thổ hải ngoại ở Thái Bình Dương, gần 20.000 km² với khoảng 300.000 dân, cách Paris 17.000 cây số. Bạo động bùng lên ngay sau khi Hạ Viện Pháp thông qua dự luật cải cách về thành phần cử tri trong bầu cử địa phương. Ba đêm bạo động khiến ít nhất bốn người thiệt mạng, trong đó có một hiến binh. Bộ trưởng Nội vụ cam kết chính quyền sẽ "làm chủ lại tình hình" trong những giờ tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hủy các chuyến công du dự kiến, triệu tập cuộc họp hội đồng quốc phòng và an ninh lần thứ hai vào ngày hôm qua, để bàn về khủng hoảng Nouvelle Calédonie. Bài "Macron buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp" của Le Monde cho biết làn sóng bạo lực tại Nouvelle Calédonie "chưa bao giờ lại nghiêm trọng như vậy kể từ thập niên 1980". Quân đội được triển khai để kiểm soát sân bay và bến cảng, mạng Tiktok, mà những người bạo động sử dụng để liên lạc, bị cắt. Nhiều đơn vị can thiệp nhanh thuộc cảnh sát quốc gia (RAID) và hiến binh (GIGN) được điều đến quần đảo.

Paris "đơn phương" xét lại thỏa thuận năm 1988 : Đầu mối khủng hoảng

Theo Le Monde, nguyên nhân trực tiếp khiến bạo lực bùng phát là dự luật cải cách thành phần cử tri trong bầu cử địa phương, cho phép tất cả các công dân Pháp định cư tại Nouvelle Calédonie từ 10 năm trở lên có quyền bỏ phiếu. Có nghĩa là sẽ có thêm khoảng 25.000 cử tri tham gia bầu cử. Dự luật nói trên đã được Hạ Viện và Thượng Viện thông qua. Quan chức chính phủ phụ trách liên lạc với Quốc hội cho biết, tổng thống Macron dự kiến sẽ thông qua luật trước cuối tháng 6. Quyết định đơn phương của chính quyền, trái ngược với các thỏa thuận hồi thập niên 1980, bị nhiều cựu quan chức Pháp biết rõ hồ sơ này chỉ trích mạnh mẽ.

Quyết định được coi là đã thổi bùng lên cuộc đối đầu giữa phe ủng hộ độc lập cho Nouvelle Calédonie và phe trung thành với chính quyền trung ương. Trong thời gian gần đây, bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin đã đứng ra làm "trung gian đối thoại" giữa hai phe trong 20 tháng, và bảy lần đi Nouvelle Calédonie, nhưng các nỗ lực gây áp lực để buộc phe đòi độc lập chấp nhận xét lại các thỏa thuận Matignon năm 1988 về quy chế riêng của Nouvelle Calédonie, đã không thành công.

Bạo động ở Nouvelle Calédonie cũng là chủ đề trang nhất của Le Figaro. Nhật báo thiên hữu ghi nhận chính phủ hiện tại "khó tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng" này. Le Figaro cho biết điện Elysée, vào phút chót, đã phải hủy cuộc đối thoại trực tuyến với các dân biểu Nouvelle Calédonie. Theo phủ tổng thống Pháp, tổng thống sẽ trực tiếp đối thoại với các dân biểu hai phe, bởi trong hiện tại "một số dân biểu không chấp nhận đối thoại với các đối tác khác". Nhật báo thiên hữu nhấn mạnh đến vai trò của chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher, đảng Những người Cộng hòa (LR), được coi là người hiểu rõ về Nouvelle Calédonie. Theo chính trị gia kỳ cựu này, trước khi dự luật cải tổ hiến pháp liên quan đến thành phần cử tri được thông qua, điều tối cần thiết là phải có sự đồng thuận của các bên.

Cánh hữu đòi "trật tự", cánh tả lên án chính sách thời "thực dân"

Le Monde trong bài phân tích "Cánh hữu yêu cầu bảo đảm trật tự, cánh tả lên án lập trường thực dân", ghi nhận khủng hoảng Nouvelle Calédonie làm nổi bật sự đối kháng quan điểm trong chính giới Pháp. Cánh hữu và cực hữu, vừa bỏ phiếu thông qua dự luật cải tổ bầu cử địa phương, nhấn mạnh đến việc tái lập tức khắc trật tự là "điều quan trọng nhất". Ngược lại, cánh tả đòi rút lại hoặc đình chỉ việc thông qua dự luật gây bất đồng dữ dội này, hủy bỏ cuộc họp Quốc hội lưỡng viện tại Versailles dự kiến, bị lên án là "gây bất lợi cho đối thoại".

Dân biểu đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất Bastien Lachaud yêu cầu cử một phái đoàn "đối thoại" đến Nouméa, thủ phủ Nouvelle Calédonie. Dân biểu Bastien Lachaud coi chủ trương của chính quyền từ bỏ thỏa hiệp hồi 1988 về thành phần cử tri trong các bầu cử địa phương, là sự kéo dài của chính sách thực dân hóa trước đây. Dân biểu đảng Xã hội Arthur Delaporte cũng chia sẻ với quan điểm này, khi khẳng định "việc thanh niên người Kanak (tức sắc tộc bản địa chủ yếu ở Nouvelle Calédonie) sở dĩ chuyển sang các hành động bạo lực là do vùng lãnh thổ này hiện vẫn còn phải trả giá cho các hậu quả chính sách thực dân của nước Pháp". Một số chính trị gia cánh tả hy vọng đoàn công tác để thúc đẩy đối thoại, từ Paris sang, sẽ có sự tham gia của các cựu thủ tướng cánh tả Lionel Jospin, hay Jean-Marc Ayrault.

Lịch trình của chính phủ "hoàn toàn bị đảo lộn"

Libération cũng có bài ghi nhận "Chính phủ đang sa lầy trong khủng hoảng", cho biết lịch trình hoạt động của chính phủ đã "hoàn toàn bị đảo lộn" do làn sóng bạo lực tại Nouvelle Calédonie. Hàng loạt kế hoạch dự kiến của chính phủ Pháp đã bị hủy bỏ hoặc rút ngắn. Tình hình đặc biệt gây khó khăn cho chính quyền ít tuần trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

Nhật báo thiên tả Libération cũng dành nhiều trang cho cuộc khủng hoảng tại Nouvelle Calédonie. Bài "Tại Nouméa, ‘đã ba ngày người dân sống trong căng thẳng’ ?", cho biết khắp nơi giới trẻ người Kanak dựng lên các rào chắn, trong lúc dân cư gốc Châu Âu tổ chức thành các nhóm vũ trang. Cuộc khủng hoảng cũng khiến an ninh thực phẩm bị đe dọa và làm gia tăng tình trạng khan hiếm dược phẩm, "dự trữ máu" cho y tế. Ngay từ hôm thứ Ba 14/05, nghiệp đoàn các dược sĩ của Nouvelle Calédonie đã yêu cầu đóng cửa tạm thời các nhà thuốc. Các trung tâm lọc thận, cũng buộc phải đình chỉ hoạt động sau khi một trung tâm bị đốt cháy, khiến tính mạng của rất nhiều bệnh nhân treo trên đầu sợi tóc. Hôm nay, một chuyến tàu chở 57 contener thực phẩm và dược phẩm cập cảng Nouméa.

Sáng kiến "cờ trắng, băng trắng" và các nỗ lực hòa dịu

Bạo động và căng thẳng không che lấp được một thực tế là nhiều người dân, không kể phe phái – đòi độc lập hay không – đang nỗ lực tìm cách làm lắng dịu tình hình là ghi nhận của Libération. Một hình ảnh "tích cực hiếm hoi" được truyền đi trên các mạng xã hội những ngày gần đây là những người Kanak tranh đấu cho độc lập của Nouvelle Calédonie trương một biểu ngữ "Hãy bình tĩnh, tỉnh táo !". Một sáng kiến mới xuất hiện ngày hôm qua : nhiều người đi xe ô tô cắm cờ trắng trên cửa xe. Trên đường phố cũng tương tự, nhiều cư dân tổ chức thành từng nhóm để bảo vệ trật tự với cờ trắng, băng tay trắng, và không mang vũ khí.

Nhiều tín hiệu hòa dịu từ phía phe chủ trương độc lập. Lãnh đạo chính quyền địa phương, chính trị gia thuộc phe chủ trương độc lập, Louis Mapou, nhấn mạnh đến việc "các mạng lưới quan hệ trong chính giới và trong các cộng đồng" đã được huy động để chấm dứt làn sóng bạo lực gia tăng. Tiếng nói của chính trị gia hàng đầu của địa phương nói trên dường như đã mang lại kết quả trên thực địa.

Ai là bên "trung lập" giúp tái lập hòa bình như năm 1988 ?

Nhật báo công giáo La Croix đặc biệt chú ý đến việc "Đối thoại đang được nối lại tại Nouvelle Calédonie". Theo La Croix, hiện tại phe trung thành với chính quyền trung ương cho biết sẵn sàng mở lại đối thoại, nhưng phe đòi độc lập thì chưa. Bên đòi độc lập kêu gọi Paris cử ra một nhà trung gian thật sự trung lập. La Croix tóm lược vấn đề : điều quan trọng hiện tại là "Ai đối thoại với ai, và dưới sự chủ tọa của ai". Nhật báo công giáo nhấn mạnh là nhà nước có thể đóng vai trò trung gian, như điều từng diễn ra hồi 1988, khi hai phe đòi độc lập và phe trung thành với trung ương ký kết thỏa thuận giữa sự chủ tọa của thủ tướng Michel Rocard, cho phép chấm dứt 4 năm khủng hoảng.

Chủ tịch Nghị Viện Nouvelle Calédonie, Roch Wamytan, khẳng định tổng thống Pháp có thể đảm nhiệm cương vị bên trung gian, nếu ông giữ được lập trường trung lập. Tuy nhiên, theo chủ tịch Nghị Viện vùng lãnh thổ hải ngoại này, đáng tiếc là tổng thống đã đứng hẳn về phía phe chống độc lập, nên không đủ thẩm quyền để đảm nhiệm cương vị này. Thái độ hoài nghi của phe đòi độc lập với tổng thống, có thể khiến vai trò trung gian cho đối thoại này sẽ do thủ tướng Pháp đảm nhiệm, như điều đã xảy ra cách nay hơn 30 năm.

Putin và Tập Cận Bình hô hào "hòa bình" cho Ukraine ở Bắc Kinh

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Nga Vladimir Putin cũng là chủ đề trang nhất của Le Figaro, với hình ảnh chính chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Nga tay nắm chặt tay, mắt trao nhau nụ cười. Le Figaro muốn làm nổi bật tính chất tương phản giữa thái độ cổ vũ cho hòa bình với Ukraine của lãnh đạo hai nước với thực tế phũ phàng. Bài xã luận mang tựa đề "Những người bạn của Thế giới Mới" châm biếm : Thoạt nhìn thì người ta có thể tin rằng tại Bắc Kinh đang diễn ra một cuộc hội nghị về hòa bình. "Thế giới mới" là điều mà hai chế độ Putin và Tập Cận Bình quảng bá để thu hút những ai không chấp nhận trật tự thế giới đương đại, đặc biệt là các quốc gia đang trỗi dậy.

Những thông điệp lãnh đạo hai nước Nga, Trung đưa ra gây hy vọng cho những ai mong muốn chấm dứt chiến tranh tại Ukraine. Nào là Trung – Nga là "liên minh có lợi cho hòa bình và ổn định", cổ vũ cho "nguyên tắc không chống lại một bên thứ ba", hay kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine"… Trên thực tế, Le Figaro nhấn mạnh quân đội Nga đang gia tăng chiến dịch tấn công tại Ukraine, giành thêm 280 km² trong vòng một tuần lễ, trong khi đó chính quyền Trung Quốc đang tích cực hậu thuẫn, cho dù một cách âm thầm cuộc xâm lăng của Nga.

"Ukraine oằn mình dưới áp lực Nga"

Tình hình chiến sự tại Ukraine cũng là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo công giáo chạy tựa "Ukraine oằn mình dưới áp lực Nga" trên nền hình ảnh một người lính đang khom mình trong một căn nhà ở vùng Kharkiv. Bài "Quân đội Ukraine trong cam bẫy của Nga ở vùng Kharkiv" cho biết cuộc tấn công của Nga khởi sự từ tuần trước tại vùng đông bắc Ukraine không có mục tiêu đe dọa trực tiếp thành phố lớn thứ hai của Ukraine, mà nhằm tìm cách đẩy các tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine đến chỗ rạn nứt.

Cũng La Croix có bài giải thích về chiến lược chuẩn bị rất kỹ lưỡng của quân đội Nga trong chiến dịch phản công trên một chiến tuyến dài 1.200 cây số. Quân Nga đã rút ra được nhiều bài học từ năm đầu tiên của cuộc xâm lăng. Giờ đây không phải là các đoàn thiết giáp hùng hậu dễ dàng bị drone và pháo binh Ukraine hủy diệt, mà là các đơn vị nhỏ hơn, linh hoạt hơn, độc lập hơn, cho phép vượt qua được nhiều trận tuyến phòng ngự của Ukraine.

Vũ khí Mỹ tấn công đất Nga : Ngoại trưởng để ngỏ, Bộ Quốc phòng bác bỏ

Tình hình căng thẳng tại mặt trận đông bắc của Ukraine dường như là điều khiến cho ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày hôm qua, "lần đầu tiên" để gián tiếp để ngỏ khả năng cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, theo ghi nhận của Le Monde trên trang nhất. Quan điểm này ngay sau đó đã được Bộ Quốc phòng Mỹ đính chính : vũ khí Mỹ cung cấp không được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 195 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)