Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/05/2024

Cuộc chiến tại Ukraine : Putin thay ngựa giữa dòng

BBC -RFI

Vì sao ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng ‘trung thành’ bằng một nhà kinh tế ?

BBC, 14/05/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 13/5 đã bất ngờ thay Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định đưa ông Sergei Shoigu (phải), người được coi là thân cận lâu năm, rời khỏi ghế Bộ trưởng Quốc phòng

Ngồi vào chiếc ghế của ông Shoigu là Phó thủ tướng thứ nhất Andrei Belousov, trợ lý cho tổng thống Nga về các vấn đề kinh tế và chịu trách nhiệm chủ yếu về lĩnh vực dân sự.

Cải tổ nội các là một phần công việc khi tổng thống bắt đầu nhiệm kì mới, nhưng việc ông Shoigu, người chỉ huy cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời cũng là một người bạn thân của Tổng thống Vladimir Putin rời ghế đã khiến giới quan sát quốc tế ngạc nhiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói việc ông Putin thay Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy lãnh đạo Nga "tuyệt vọng" vì phải trả giá đắt cho cuộc chiến ở Ukraine.

Trong khi đó, Điện Kremlin lý giải rằng chiến trường hiện nay cần "những người cởi mở hơn với những đổi mới và sẵn sàng đổi mới theo cách nhanh nhất có thể".

Cuộc cải tổ nội các

Biên tập viên Steve Rosenberg của BBC News Tiếng Nga cho rằng việc ông Sergei Shoigu rời chức Bộ trưởng Quốc phòng đáng chú ý ở nhiều khía cạnh hơn nữa.

Thứ nhất, bất kể ai ngồi vào bàn nội các của Nga thì chỉ có một người đưa ra những quyết định then chốt về đất nước - Tổng thống Putin.

Ở nước Nga hiện đại, toàn bộ hệ thống chính trị được xây dựng xoay quanh ông Putin. Điều này đáng để lưu ý khi xem xét ai sẽ nắm quyền và ai sẽ rời chức vụ trong chính phủ Nga. Chính sách trung ương khó có khả năng thay đổi.

Thứ hai, xét cho cùng, cải tổ là một điều hiếm thấy ở Nga, ít nhất là đối với những chính trị gia nổi bật nhất.

Hãy lấy ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng kỳ cựu của Nga làm ví dụ. Ông Lavrov đã làm Bộ trưởng Ngoại giao được 20 năm, còn ông ông Sergei Shoigu đã giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng được 12 năm (trong thời gian đó, Vương quốc Anh đã có tới 6 Bộ trưởng Quốc phòng).

Thứ ba, ông Shoigu được coi là nhân vật thân cận của Tổng thống Putin.

Thân với ông Putin, đi câu cá, đi săn, thậm chí còn đi hái nấm cùng nhau, nhưng không việc nào trong số đó đảm bảo ông Shoigu giữ được chiếc ghế của mình.

Dù không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ông Shoigu cũng không bị coi là người thừa. Ông sẽ đứng đầu Hội đồng An ninh Nga thay cho ông Nikolai Patrushev có tư tưởng diều hâu.

Nhưng sự kiện này trông không có vẻ như một màn thăng chức. Nhưng nó không hoàn toàn gây ngạc nhiên.

putin2

Ông Putin và ông Shoigu từng đi câu cá cùng nhau trong khoảng thời gian chưa nhiều rối ren

Có rất nhiều tin đồn rằng ông Sergei Shoigu có thể bị gạt ra rìa. Một trong những cấp phó của ông, Timur Ivanov, gần đây đã bị bắt vì tội tham nhũng.

Hơn nữa, việc thay ông Shoigu bằng một nhà kinh tế là điều hợp lý nếu xét đến số tiền khổng lồ mà chính quyền Nga đã đổ vào cuộc chiến ở Ukraine.

Chi tiêu quốc phòng ở Nga đã tăng lên tới khoảng 7% GDP. Càng ngày càng có cảm giác là nền kinh tế Nga đang bị đặt vào tình trạng chiến tranh.

Cho nên có một Bộ trưởng Quốc phòng hiểu biết về Tài chính, lập kế hoạch kinh tế hiệu quả - và cũng không liên quan đến các cáo buộc tham nhũng đang bị điều tra hiện tại - là hợp lý.

Nhưng điều đáng nói là ông Putin đã chọn thời điểm này để thực hiện sự thay đổi. Ông Putin đã đứng về phía ông Shoigu năm 2022 khi Nga đang gặp thất bại trên chiến trường Ukraine.

Nhà lãnh đạo Nga cũng đứng về phía ông Shoigu năm 2023 trong khi ông này có mâu thuẫn công khai với cố chỉ huy tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, người đã cáo buộc ông Shoigu tham nhũng và yêu cầu sa thải ông.

Giờ đây, khi Nga tuyên bố đã nắm thế chủ động trên chiến trường thì người đứng đầu Điện Kremlin lại thay thế Bộ trưởng Quốc phòng. Điều đó một lần nữa cho thấy Tổng thống Vladimir Putin không thích hành động áp lực. Ông Putin đưa ra quyết định vào thời điểm ông ta lựa chọn.

putin3

Ông Putin nhậm chức tại Điện Kremlin vào ngày 7/5, đánh dấu nhiệm kỳ thứ 5 ông lãnh đạo nước Nga

Vì sao ông Putin đang quyền lực hơn bao giờ hết ?

Tổng thống Putin đã bước vào được nhiệm kỳ tổng thống thứ năm với tỷ lệ phiếu bầu kỷ lục 87% trong cuộc bầu cử hồi tháng Ba, mở đường cho ông lãnh đạo đất nước ít nhất cho đến năm 2030.

Trong bài phát biểu sau khi có kết quả bầu cử, ông Putin nói rằng chiến thắng của mình sẽ tạo điều kiện để nước Nga thịnh vượng bằng cách trở nên "mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn".

Ông Putin, 71 tuổi, người lần đầu tiên trở thành tổng thống vào năm 1999 - là nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của Nga kể từ thời Joseph Stalin, và giờ đây có thể vượt qua kỷ lục của nhà độc tài Liên Xô này.

Mặc dù rất nhiều binh lính Nga đã chết trong cuộc chiến hiện đã bước sang năm thứ ba ở Ukraine và Nga bị phương Tây cô lập, có ba lý do khiến Putin được cho là quyền lực hơn bao giờ hết.

- 'Kiểm duyệt và loại bỏ bất đồng chính kiến'

"Ông Putin biết cách ngăn chặn mọi hình thức thảo luận chính trị trong nước, và đã loại bỏ được các đối thủ chính trị của mình", Andrei Soldatov, một nhà báo người Nga đang sống lưu vong ở London giải thích.

Những mối đe dọa thực sự đối với vị trí của Tổng thống Putin đã bị bỏ tù, bị tiêu diệt hoặc bị loại bỏ theo một cách nào đó, mặc dù Điện Kremlin phủ nhận mọi liên quan.

Chỉ một tháng trước khi cuộc bầu cử 2024 bắt đầu, đối thủ mạnh nhất của ông Putin, Alexei Navalny, 47 tuổi, đã chết trong trại giam nằm gần Vành đai Bắc Cực.

Năm ngoái, thủ lĩnh của tập đoàn đánh thuê tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã chết trong một vụ tai nạn máy bay chỉ vài tháng sau một âm mưu "nổi loạn" kịch tính.

Năm 2015, một nhà phê bình và chính trị gia cứng rắn, Boris Nemtsov, đã bị bắn chết trên một cây cầu gần Điện Kremlin.

Năm 2006, một nhà báo chỉ trích kịch liệt cuộc chiến ở Chechnya, Anna Politkovskaya, được phát hiện bị bắn chết trong một căn hộ ở Moscow.

"Thật đáng sợ khi sống ở một đất nước nơi có các nhà báo bị giết, các chính trị gia và nhà hoạt động bị giết và bỏ tù", ông Soldatov nói.

Ông Putin cũng đã cố kiểm soát việc bất đồng quan điểm trong dân chúng. Kể từ năm 2022, sau cuộc xâm lược Ukraine, Điện Kremlin đã đưa ra luật kiểm duyệt mới nhằm trấn áp tư tưởng chống chính phủ, với những tội danh mới như "làm mất uy tín của quân đội Nga" có thể bị phạt tới 5 năm tù.

putin4

Được coi là người chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin gay gắt nhất, ông Alexei Navalny, đã chết đột ngột trong nhà tù ở Vành đai Bắc Cực hồi tháng 2/2024

- Cuộc chiến ở Ukraine

Trong cuộc họp báo sau khi tái đắc cử, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Ukraine.

Hiện đã bước sang năm thứ ba, cuộc chiến này không còn là một chiến thắng nhanh như nhiều người ở Nga mong đợi, nhưng Tiến sĩ Ekaterina Schulmann, một nhà khoa học chính trị người Nga tại Berlin, cho rằng ông Putin đang lợi dụng cuộc chiến để làm lợi cho mình.

"Khi bắt đầu, dự kiến cuộc chiến sẽ diến ra giống như mô hình Crimea với quy mô lớn hơn, nhưng rõ ràng cái điện Kremlin gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" không ngắn hay không đổ máu, mà nó ảnh hưởng đến cách người Nga nhìn nhận về bản thân họ, về thế giới bên ngoài và nhà lãnh đạo của mình," bà nói.

Nhà báo Soldatov đồng tình và tin rằng với sự ủng hộ cho cuộc chiến ở Nga đang giảm sút, Putin đã thay đổi giọng điệu.

"Bây giờ đây không còn là cuộc chiến với Ukraine mà thay vào đó là cuộc chiến với phương Tây, và điều này khiến nhiều người Nga cảm thấy tự hào vì quân đội của họ không chỉ tấn công một nước nhỏ mà thay vào đó vẫn trong cuộc chiến chống lại một đối thủ lớn hơn nhiều", ông phân tích.

Trong bài phát biểu thường niên trước người dân vào ngày 29/2, ông Putin cảnh báo phương Tây không nên gửi quân tới Ukraine và nói rằng Nga cần tăng cường phòng thủ khi Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

putin5

Cuộc chiến Ukraine-Nga đã bước sang năm thứ ba

- Nền kinh tế Nga đang phát triển

Bất chấp mức độ trừng phạt chưa từng có đối với Nga sau khi nước này xâm lược Ukraine, quốc gia này đã khiến nhiều nhà kinh tế choáng váng khi trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Âu.

Phóng viên kinh doanh của BBC Tiếng Nga, Alexey Kalmykov, cho biết : "Nền kinh tế đang vận hành tốt, xét trên mọi khía cạnh, và đã khiến ông Putin được lòng dân vì một lần nữa ông thể hiện mình là người đã thách thức phương Tây trong cuộc tấn công lớn vào nền kinh tế Nga".

Thay vì rơi vào suy thoái như nhiều người dự đoán, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 2,6% theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm việc đóng băng khối tài sản trị giá 300 tỷ USD.

Nhưng những biện pháp trừng phạt này chưa được áp dụng trên toàn cầu, khiến Nga có thể giao thương tự do với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil trong khi các quốc gia láng giềng, bao gồm Kazakhstan và Armenia, đang giúp Nga lách các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tiến sĩ Schulmann cho biết mặc dù hàng hóa "có giá cao gấp bốn lần" so với trước đây nhưng luôn sẵn có, điều mà bà đánh giá là quan trọng hơn.

"Người Nga đã quen với việc giá cả tăng cao. Nỗi lo sợ chính của người Nga không phải là lạm phát mà là thâm hụt. Thiếu hàng hóa trên kệ là nỗi kinh hoàng cuối thời Xô Viết".

putin6

Kinh tế Nga đang phát triển ổn định dù chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt và ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu và khí đốt

Mặc dù ông Putin dường như quyền lực hơn bao giờ hết nhưng Tiến sĩ Schulmann cảnh báo rằng điều này cuối cùng cũng phải chấm dứt.

Nhờ sửa đổi hiến pháp Nga năm 2020 trong cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, ông Putin được phép phục vụ ít nhất hai nhiệm kỳ sáu năm nữa, điều này có thể khiến ông trở thành tổng thống cho đến năm 2036 - khi đó ông sẽ 83 tuổi.

"Tôi không nghĩ rằng khả năng ông Putin nghỉ hưu là có thể xảy ra", bà nói. "Lý tưởng nhất là ông ấy cần phải qua đời trong lúc tại vị và được kế nhiệm bởi những người có cùng tư duy chuyên quyền".

Nhưng bà cũng cho rằng kịch bản đó có thể không xảy ra. Chuyên gia này nói rằng hệ thống của Nga đang "lão hóa" và "được lãnh đạo bởi một người không ngày càng trẻ hơn, mạnh mẽ hơn hay kiên cường hơn", đồng thời kết luận tất cả "sự ổn định tập trung vào một người" mà "không thể sống mãi".

Chuyến thăm Việt Nam

Reuters cuối tuần rồi đưa tin Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hoãn cuộc họp vào tuần tới với một quan chức hàng đầu của EU, làm gia tăng thêm nhận định về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đến Hà Nội trong những ngày sắp tới.

Chuyến đi của ông David O'Sullivan, đặc phái viên chuyên về các lệnh trừng phạt của EU đến Việt Nam vào các ngày 13-14/5 đã bị hoãn với lý do "các nhà lãnh đạo [Việt Nam] quá bận để gặp ông".

Các nguồn tin ngoại giao nói với Reuters rằng sự trì hoãn này có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm có thể sắp diễn ra của Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội.

Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa thông tin về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Bắc Kinh vào ngày 16-17/5.

Hiện đã có nhận định cho rằng ông Putin có thể đến Việt Nam nhân chuyến đi Trung Quốc trong tuần sau.

Chuyến thăm Trung Quốc sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga sau khi nhậm chức nhiệm kỳ mới.

Trong chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã hai lần mời ông Putin, mới đây là lời mời từ Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và trước đó là ông Võ Văn Thưởng khi còn làm chủ tịch nước hồi tháng 10/2023.

Trong cả hai lần ông Putin đều "vui vẻ nhận lời" và "sớm đến thăm Việt Nam".

putin7

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi (Nga) năm 2014

Ông Putin bị Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court - ICC) phát lệnh truy nã vào tháng 3/2023 vì liên quan đến các tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.

Từ thời điểm đó, ông Putin đã công du đến các nước không phải là thành viên của ICC.

Việt Nam hiện không phải là thành viên của ICC, nên ông Putin sẽ không bị bắt theo lệnh truy nã của ICC nếu công du đến đây.

Vị tổng thống Nga từng công du Việt Nam vào các năm 2001, 2006, 2013, 2017.

Việt Nam nằm trong số ít quốc gia bao gồm Bắc Hàn, Trung Quốc... có lãnh đạo "nhiệt liệt chúc mừng" ông Putin tái đắc cử để bước vào nhiệm kỳ 5 tổng thống Nga trong cuộc bầu cử bị phương Tây chỉ trích là "giả hiệu".

Nguồn : BBC, 14/05/2024

****************************

Cải tổ nội các bất ngờ : Tổng thống Nga thay bộ trưởng Quốc phòng

Thanh Phương, RFI, 13/05/2024

Trong một cuộc cải tổ bất ngờ, tối qua, 12/05/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định thay bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ năm. Nguyên thủ Nga đề xuất tân lãnh đạo bộ Quốc phòng Nga là một nhà kinh tế, ông Andrei Belousov, tức là thuộc thành phần dân sự, không có chút kinh nghiệm nào về quân sự.

putin8

Cựu bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moskva, Nga, ngày 09/05/2024. © Alexander Zemlianichenko / AP

Giữ chức bộ trưởng Quốc phòng từ năm 2012, ông Shoigu nay chuyển sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :

Việc thay thế bộ trưởng Quốc phòng là điểm đáng chú ý nhất trong cải tổ nội các theo đề nghị tối qua của tổng thống Nga. Tân bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov là một nhân vật bên phía dân sự, nguyên là bộ trưởng Phát Triển Kinh Tế và cho tới nay là một trong những phó thủ tướng sau một thời gian dài làm việc với tổng thống Putin.

Về mặt chính thức, theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, việc bổ nhiệm ông Belousov vào chức vụ này chính là nhằm kích thích sự sáng tạo và tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng canh tân.

Nhưng ông Sergei Shoigu, tại vị từ năm 2012, không hẳn là bị gạt bỏ. Với tư cách thư ký Hội đồng An ninh Nga, ông sẽ tiếp tục can dự vào lĩnh vực mà ông nắm rất rành. Shoigu bị mất chức bộ trưởng chắc là do vụ bắt giữ một trong những thứ trưởng của ông về tội tham nhũng, cũng như do vụ nổi loạn của tập đoàn lính đánh thuê Wagner vào tháng 6 năm ngoái.

Trong lúc quân Nga đang tiến đánh vào vùng Kharkiv và vào nhiều địa điểm ở vùng Donbass, bây giờ phải chờ xem tác động của việc thay đổi bộ trưởng Quốc phòng đối với tình hình chiến sự ở Ukraine. Chắc là để tránh tình trạng vô chủ kéo dài, tổng tham mưu trưởng Valeri Gerasimov vẫn đảm trách nhiệm vụ chỉ huy trên chiến trường, mà không bị tân bộ trưởng Quốc phòng Belousov "lấn sân".

Thanh Phương

*************************

Thay bộ trưởng Quốc phòng, Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ?

Thanh Phương, RFI, 13/05/2024

Cuộc cải tổ nội các bất ngờ, thay thế bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu bởi một nhà kinh tế, phải chăng cho thấy là tổng thống Vladimir Putin chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine ?

putin9

Tổng thống Nga Vladimir Putin và cựu bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rời Quảng trường Đỏ sau cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moskva, Nga, ngày 09/05/2024. AP - Alexander Zemlianichenko

Đúng vào lúc quân đội Nga vừa phát động một đợt tấn công mới vào Kharkiv, cuộc cải tổ nội các "theo sự dàn dựng" của Putin hôm qua là một điều hiếm thấy, cho nên đã thu hút sự chú ý của giới quan sát và báo chí quốc tế.

Nhậm chức từ năm 2012, ông Shoigu phải nhường ghế bộ trưởng Quốc phòng cho nhà kinh tế Andreï Belousov, để chuyển qua làm thư ký Hội đồng An ninh Nga. Ông Shoigu được biết là người rất thân thiết với chủ nhân điện Kremlin. Cùng với ngoại trưởng Sergei Lavrov, ông được xem là biểu tượng cho sự ổn định của chế độ Putin. Vậy tại sao tổng thống Nga lại thay thế vị bộ trưởng Quốc phòng vào lúc này ?

Thoạt nhìn thì với việc trở thành thư ký Hội đồng An ninh Nga, có vẻ như ông Shoigu được thăng chức. Nhưng trên thực tế, đó là một sự giáng chức, theo nhận định của kênh truyền hình Anh Sky News, "vì rõ ràng Putin không hài lòng với hướng đi của cuộc chiến Ukraine".

Ông Shoigu đã mất dần uy tín kể từ đầu cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine và ông đã để chiến sự kéo dài hơn dự kiến. Vị bộ trưởng Quốc phòng kỳ cựu này cũng đã thường xuyên là đối tượng đả kích của Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn lính đánh thuê Wagner, người đã cầm đầu cuộc nổi loạn bất thành vào tháng 6 năm ngoái, trước khi thiệt mạng trong một tai nạn máy bay bí ẩn.

Nhật báo Anh The Guardian ghi nhận là những tiết lộ về vụ bê bối tham nhũng liên quan đến một trong những cấp phó của ông đã khiến vị thế của ông Shoigu thêm suy yếu. Nhưng thay vì gạt bỏ hoàn toàn, tổng thống Putin đã chuyển ông Shoigu sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga để giữ thể diện cho đồng minh lâu năm của mình và nhất là đảm bảo sự hiện diện của một nhân vật đáng tin cậy trong một cơ quan trọng yếu.

Thay thế ông Shoigu, lãnh đạo bộ Quốc phòng là Andreï Belousov, một nhà kinh tế học và cũng là một nhân vật trung thành với tổng thống Putin. Việc bổ nhiệm ông Belousov cũng nói lên rất nhiều điều về chiến lược của Vladimir Putin đối với Ukraine, cũng như phản ánh sức nặng của cuộc chiến này đối với Tài chính của nước Nga.

"Ngân sách của Bộ Quốc phòng và khối an ninh cho đến gần đây là khoảng 3% GDP, sau đó tăng lên 3,4%, gần đây là 6,7% và đang dần dần tăng lên đến mức của thập niên 1980, khi tỷ lệ chi tiêu cho ngân sách quân sự trong nền kinh tế là 7,4%", theo lời phát ngôn viên của điện Kremlin với trang mạng Gazeta.ru của Nga.

Trên trang mạng Kommersant của Nga, nhà phân tích Yevgeny Minchenko giải thích : "Cần phải đưa tình hình Tài chính của bộ vào trật tự. Kể từ bây giờ, chiến lược quân sự của chính quyền Nga là giảm thiểu tổn thất. Và để làm được điều này, cần phải chú ý tối đa đến khâu hậu cần".

Nhật báo Mỹ Washington Post nhấn mạnh đến quyết tâm của điện Kremlin "giảm tình trạng tham nhũng phổ biến" trong bộ Quốc phòng, nhằm bảo đảm rằng các nguồn lực quân sự quan trọng sẽ được đưa ra mặt trận.

Tân bộ trưởng Quốc phòng Belousov được xem là một nhân vật rất phù hợp với ý kiến ​​cho rng đin Kremlin đang chun b cho mt cuc chiến lâu dài Ukraine, như phân tích ca chuyên gia quan h quc tế Jimmy Rushton ti Kiev : Putin tin rng"để chiến thắng ở Ukraine, phải sản xuất nhiều hơn và lâu hơn Ukraine và các đồng minh phương Tây của Ukraine".

Cho nên, đối với nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, qua việc tổng thống Nga thay thế bộ trưởng Quốc phòng, phương Tây càng có lý do để tiếp tục trợ giúp Ukraine, cho dù nhiều nhà quan sát xem Nga đang có lợi thế về mặt quân sự đối với Ukraine và lợi thế về mặt chính trị đối với các đồng minh phương Tây của Kiev, những nước ngày càng gặp khó khăn trong việc thích ứng với một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC, Thanh Phương
Read 298 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)