Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/05/2024

Điểm báo Pháp - Crimea vẫn là ưu tiên của Ukraine

RFI tiếng Việt

Vì sao dù chịu áp lực ở Kharkiv, Crimea vẫn là ưu tiên của Ukraine ?

Le Monde ngày 27/05/2024 giải thích "Vì sao Crimea vẫn là ưu tiên của Kiev". Hầu như hàng đêm hỏa tiễn và drone của Ukraine đều nhắm vào các mục tiêu quân sự Nga tại bán đảo bị Moskva chiếm năm 2014, nhưng Kiev không hề muốn để yên trong tay kẻ xâm lược.

crimea1

Ảnh vệ tinh cho thấy kho chứa nhiên liệu của quân Nga bị phá hủy trong vụ tấn công vào căn cứ không quân Belbek, Crimea ngày 16/05/2024 via Reuters - Maxar Technologies

Crimea và ý nghĩa chính trị

Tờ báo kể ra : Alouchta, Perevalne, Saky, Simferopol... là những địa điểm bị hỏa tiễn tầm xa ATACMS tấn công vào cuối tuần qua, đánh vào trạm radar, trung tâm viễn thông... làm hai người chết. Trước đó phi trường Belbek bị oanh tạc hai đêm liên tiếp, nhiều chiến đấu cơ và hệ thống phòng không bị phá hủy hoặc hư hại ; một tàu phóng hỏa tiễn bị đánh chìm ở cảng Sevastopol… Tuy ám ảnh về Crimea là chính đáng, nhưng liệu có nên lãng phí sức lực trong khi đang chịu áp lực nặng nề ở miền bắc và miền đông hay không ?

Theo các nhà phân tích phương Tây, Ukraine không thể bỏ rơi bán đảo. Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng giải thích, Crimea được tổng thống Volodymyr Zelensky coi là ưu tiên chiến lược trong năm 2024. Thành công tại Crimea, nhất là việc đuổi được Hạm đội Hắc Hải khỏi cảng Sevastopol, giúp cân bằng lại những thua thiệt ở Donbass và Kharkiv, nâng cao tinh thần binh sĩ và dân chúng.

Chặn đường tiếp tế của Nga, chuẩn bị đón F-16

Tuy các trận đánh chủ yếu diễn ra trên đất liền, Crimea vẫn là cơ sở hậu cần quan trọng của quân Nga ở miền nam. Những chuyến xe lửa tiếp tục đi qua cầu Kerch dù chiếc cầu này bị hư hại một phần nên phải giảm tải, và nhiều chuyến tàu xuyên qua biển Azov đến tiếp tế cho quân Nga. Như vậy đánh vào hậu cần Nga là quan trọng, nhưng theo chuyên gia Stéphane Audrand trên Le Monde, trong tương lai có thể thay đổi, vì Moskva đang cho xây dựng những đường xe lửa mới xung quanh Mariupol.

Tấn công thường xuyên Sevastopol, Ukraine cũng chận trước việc Nga quay lại phía đông Hắc Hải, để tiếp tục xuất cảng ngũ cốc. Kiev đã xuất được 45 triệu tấn hàng bằng hành lang nối cảng Odessa với eo biển Bosphore trong 9 tháng qua, giúp tái thúc đẩy kinh tế. Đối với giới quân sự phương Tây, nhắm vào radar và phòng không Nga ở Crimea còn nhằm chuẩn bị đón các chiến đấu cơ phương Tây.

Khoảng 60 chiếc F-16 được Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Bỉ hứa chuyển giao, những chiến đấu cơ đầu tiên sẽ đến nơi vào đầu mùa hè. Stéphane Audrand cho biết, nhất thiết không thể để cho Moskva biết được lúc nào F-16 có mặt để có thể tấn công. Còn về đạn dược, các hỏa tiễn tầm xa SCALP-Storm Shadow hay ATACMS hữu dụng hơn để xử lý các mục tiêu chiến lược thay vì những nhóm nhỏ lính, tác động cũng lớn hơn so với Donbass, nơi bị hạn chế tầm bắn.

Cuộc xâm lăng khiến Ukraine thiệt hại 56 tỉ đô la về môi trường

Les Echos chú ý đến "Môi trường, một nạn nhân khác của chiến tranh ở Ukraine". Một phần lãnh thổ của đất nước này đầy những mìn, đạn pháo, rốc-kết sẵn sàng phát nổ khiến những chất độc hại ngấm vào lòng đất. Đặc phái viên của tờ báo tại Dovhenke, ngôi làng có 800 dân nằm giữa Kharkiv và Donetsk, nhận thấy hiếm có ngôi nhà nào còn nguyên vẹn. Dù được quân đội Ukraine giải phóng từ tháng 9/2022, những con đường làng vẫn còn đầy mảnh đạn và ở một số nơi là các rốc-kết Grad.

Ihor Kniazev, một nông dân cho biết không thể trồng trọt vì Dovhenke và những khu vực xung quanh còn đầy mìn chống tăng và mìn chống cá nhân. Không tuần lễ nào không có những tiếng nổ vang lên trên cánh đồng. Bộ phận phụ trách gỡ mìn của nhà nước hết sức bận rộn, và bốn nhân viên suýt nữa đã bỏ mạng khi đến Dovhenke vì chiếc xe cán nhằm mìn chống tăng. Theo cơ quan khẩn cấp của Ukraine (DSNS), kể từ đầu cuộc xâm lăng họ đã vô hiệu hóa được gần 490.000 vật nổ trên toàn quốc, nhưng chỉ là một phần không đáng kể trong số mìn và đạn pháo chưa nổ đang hiện diện trên 30% lãnh thổ Ukraine.

Giáo sư Daniel Hryhorczuk của đại học Illinois cho biết mối nguy không chỉ ở đó, mà còn do mặt đất bị ô nhiễm vì hóa chất độc hại từ thuốc nổ như TNT, RDX, HMX, PFAS và các kim loại nặng có thể ngấm vào nước ngầm. Bên cạnh đó còn có dầu nhớt từ xe quân sự và nhiều chất độc khác. Báo cáo mới nhất trên "Journal of Occupational Medicine and Toxicology" ước tính cuộc xâm lăng của Nga gây thiệt hại đến trên 56 tỉ đô la cho môi trường.

Thanh trừng tại Nga : Giới an ninh chứng tỏ đứng trên quân đội

Về phía nội tình Moskva, Les Echos nhìn thấy "Thông qua các vụ bắt bớ trong quân đội Nga : Phía sau sự thất sủng là thông điệp của Kremlin". Chỉ trong vòng một tháng, thứ trưởng quốc phòng và bốn sĩ quan cao cấp đã bị tống giam vì gian lận hay tham nhũng - một sự tái khẳng định quyền hành của phe an ninh.

Nhật báo tả lại một ngày bình thường ở tòa án quân sự Moskva. Một thanh niên nghi ngờ phá hoại đường xe lửa để ủng hộ Ukraine, bị 25 năm tù vì tội phản quốc. Một đạo diễn nổi tiếng bị cáo buộc "cổ vũ khủng bố" vì một vở kịch tố cáo số phận của các phụ nữ được Hồi giáo tuyển mộ. Rồi bỗng dưng xuất hiện khuôn mặt của Yuri Kouznetsov, mới tháng trước còn là giám đốc nhân sự đầy quyền lực của bộ quốc phòng. Hôm thứ Năm 23/05, ông ta phải trả lời qua video, phía sau song sắt một nhà tù. Luật sư yêu cầu cân nhắc những huy chương trong quá khứ để chuyển sang quản thúc tại gia nhưng thẩm phán từ chối, Yuri Kouznetsov bị đối xử như bất kỳ tù nhân nào.

Bốn nhân vật cao cấp khác cũng bị sỉ nhục tương tự. Thứ trưởng quốc phòng Timur Ivanov, nổi tiếng với cách sống xa hoa, bị bắt hôm 23/04. Rồi đến tướng Vadim Shamarin, phó tổng tham mưu trưởng ; Vladimir Verteletski, giám đốc bộ phận hậu cần ; Ivan Popov, cựu tư lệnh quân đoàn 58. Vladimir Putin vẫn chưa lên tiếng về đợt thanh trừng này. Putin biết rằng phe "siloviki" muốn chứng tỏ quyền lực trước quân đội, nhưng ông ta không phải là Stalin, không kiểm soát được tất cả.

Nạn tham nhũng vẫn sẽ hoành hành

Theo một nguồn tin thân cận với giới quân sự ở Moskva, năm vụ bắt giữ trên đây có ý nghĩa khác nhau. Tướng Ivan Popov được binh sĩ yêu mến, được các blogger dân tộc chủ nghĩa ủng hộ, thường lên tiếng phê phán, làm bộ trưởng Sergey Shoigu bị mờ nhạt. Một chuyên gia Châu Âu nhận xét : "Popov lẽ ra nên im lặng. Trong hệ thống quân sự Nga, người ta không chỉ trích trong nội bộ, và lại càng không công khai. Ông ấy đã ký vào bản án tử về lâu về dài".

Còn về tham nhũng không phải là chuyện lạ trong quân đội, ai làm trong ngành tiếp vận càng có nhiều cơ hội. Timur Ivanov là giám đốc hậu cần, không chỉ ăn hối lộ quá nhiều mà còn phô trương sự giàu có. Theo chuyên gia trên, bây giờ là lúc chỉnh đốn, tuy không thay đổi gì về căn bản nhưng làm hài lòng dân chúng. Nhất là vào lúc quân Nga đang tiến được trên chiến trường Ukraine, Kremlin có thể vừa khoe chiến thắng vừa chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng.

Ukraine, Trung Quốc, Châu Âu : Ba hồ sơ lớn trong quan hệ Pháp-Đức

Bên cạnh chiến tranh ở Ukraine, dự luật trợ tử, trợ cấp thất nghiệp, sự kiện tổng thống Pháp sang Đức trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước lần đầu tiên kể từ 24 năm qua được báo chí chú ý nhất hôm nay. Chuyến công du ba ngày của tổng thống Emmanuel Macron bắt đầu từ tối qua, với 21 phát đại bác chào mừng khi bước xuống phi cơ. Ông tham dự "Ngày hội dân chủ" tại Berlin – nước Đức kỷ niệm 75 năm công bố Hiến Pháp và 35 năm bức tường Berlin sụp đổ. Tuy nhiên Les Echos cho rằng không nên ảo tưởng : Khó thể hâm nóng được quan hệ Pháp-Đức một cách lâu dài.

Tại Berlin cũng như Münster hay Dresden, sẽ có những bài diễn văn hùng hồn, sự xúc động thậm chí khơi dậy lòng nhiệt thành nơi giới trẻ Đức khi lắng nghe tổng thống Pháp phát biểu bằng ngôn ngữ nước mình. Nhưng như vậy chưa đủ. Khó thể hóa giải bất đồng giữa hai quốc gia chủ chốt của Châu Âu trước những hồ sơ quan trọng : chiến tranh ở Ukraine, thái độ trước Bắc Kinh và nhất là tương lai Châu Âu. Đôi bên phải tập trung vào ba chủ đề chính : phòng vệ quân sự trong một thế giới đang hỗn loạn, khoảng cách kinh tế và công nghệ của châu lục so với Hoa Kỳ và Trung Quốc, thành công của cực hữu tại Pháp và Đức.

Trong lúc tình hình đang trầm trọng, sẽ mất thì giờ vô ích nếu tranh cãi về nguyên tử lực, bảo hộ thương mại, ngân sách - những khác biệt lâu nay. Hai nước đã cùng lập ra đồng euro cách đây 25 năm, rồi quyết định duy trì Hy Lạp trong khu vực đồng tiền chung Châu Âu năm 2012, và tay trong tay chống lại khủng hoảng Covid. Tuy nhiên việc này đòi hỏi sự khiêm tốn của Emmanuel Macron để lắng nghe quan ngại của nước láng giềng, và tầm nhìn trung và dài hạn của Olaf Scholz thay vì ngắn hạn. Bên cạnh đó, những lãnh đạo lớp cũ yêu mến nước Pháp không còn nhiều, ảnh hưởng của Paris đã giảm sút tại Đức. Về kinh tế, vai trò của Pháp cũng bớt quan trọng hơn với Đức.

Cùng giúp Kiev, nhưng Paris và Berlin khác biệt quan điểm

La Croix nhấn mạnh đến "Viện trợ cho Ukraine, hồ sơ gây bất hòa giữa Pháp và Đức". Các nhà quan sát cho rằng cuộc tranh luận sẽ bớt gay gắt so với hồi đầu năm - khi thủ tướng Olaf Scholz từ chối cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Kiev, và sau đó bác bỏ đề nghị gởi quân sang Ukraine của ông Emmanuel Macron. Chưa kể đến việc Berlin liên tục đòi hỏi Paris gia tăng quân viện cho Kiev.  Là quốc gia Châu Âu viện trợ nhiều nhất cho Ukraine, chỉ sau Hoa Kỳ, Đức dựa vào báo cáo của Viện Kiel để chỉ trích vị trí thứ 9 của Pháp. Nhưng Paris nói rằng đó chỉ là ngắn hạn, và nhà nghiên cứu Jacob Ross ở Berlin cho là nên đặt bản báo cáo trong bối ảnh Pháp phải can thiệp tại nhiều nơi trên thế giới, còn Đức tập trung 100% vào Ukraine.

Chuyên gia Claire Demesmay của trung tâm Marc-Bloch ở Berlin nhận định, về căn bản, hai nước đều có mục tiêu chung là ủng hộ Kiev. Vấn đề là bằng cách nào và với những vũ khí nào. Nếu Pháp-Đức bớt căng thẳng, một phần là nhờ sự hòa giải của tân chính phủ Ba Lan, và cuộc gặp ba bên ở Berlin cuối tháng 3 giữa Olaf Scholz, Emmanuel Macron và Donald Tusk. Qua đó, ba nước đều đồng ý về một loạt biện pháp như gia tăng mua vũ khí ở các nước thứ ba, dùng tiền lời từ tích sản Nga tại Châu Âu để hỗ trợ về quân sự. Vấn đề tài trợ cho Ukraine trong trung và dài hạn thì vẫn gây tranh cãi : Paris ủng hộ việc Châu Âu cùng đứng ra vay nhưng Berlin chưa sẵn sàng.

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)