Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/05/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine có thể tấn công trên đất Nga

RFI tiếng Việt

Chuyển biến mới về việc Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công đất Nga

Đã có những chuyển động về việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây, phiên tòa xử ông Donald Trump tại Mỹ, bầu cử Châu Âu, là những chủ đề được các báo Pháp chú ý hôm nay 30/05/2024.

chuyenbien1

Viktor, người lính bộ binh Ukraine thuộc lữ đoàn cơ giới 58 hút thuốc trong chiến hào ở tiền tuyến Donetsk, ngày 13/04/2024. Reuters - Thomas Peter

Giới hạn đặt ra trói tay Ukraine

Tây Ban Nha và Bỉ vừa ký kết thỏa thuận song phương với Ukraine, và Libération cũng như Le Monde, Le Figaro đều quan tâm đến việc Kiev muốn được tự do hơn trong việc sử dụng vũ khí viện trợ - điều mà phương Tây vẫn luôn từ chối. Tuy nhiên dường như đã có những chuyển biến.

Mới hôm qua, ít nhất 8 thường dân thiệt mạng trong các vụ oanh kích của Nga tại Kharkiv, Sumy, Donetsk, Dnipropetrovsk. Trong vụ bắn hỏa tiễn vào một siêu thị Kharkiv thứ Bảy tuần trước, số nạn nhân bị chết đã lên đến 19 người. Hướng đến hội nghị hòa bình giữa tháng Sáu tại Thụy Sĩ, tổng thống Volodymyr Zelensky từ đầu tuần đã có vòng công du xin viện trợ - đã trở thành thông lệ từ hai năm rưỡi qua, "để thế giới không lãng quên" và tiếp tục giúp đỡ Ukraine.

Thụy Điển vừa viện trợ 1,16 tỉ euro, trong đó có các phi cơ thám sát radar ASC890, toàn bộ thiết vận xa có trong kho, cùng với đạn pháo, hỏa tiễn phòng không và phụ tùng cho các thiết bị trước đó. Ngoài ra còn có kế hoạch hỗ trợ về năng lượng 57 triệu euro, và dự kiến viện trợ thêm 6,5 tỉ euro từ 2024 đến 2026 để trợ giúp lâu dài. Tại Tây Ban Nha, Zelensky ký thỏa thuận viện trợ 1 tỉ euro cho năm 2024 và tại Bỉ, thủ tướng Alexander De Croo hứa giao 30 chiến đấu cơ F-16 từ nay đến 2028.

Cùng với việc bày tỏ lòng biết ơn, Zelensky tranh thủ đề nghị để cho Ukraine được sử dụng vũ khí phương Tây tấn công vào lãnh thổ Nga, vì mọi hạn chế đã trở nên lạc hậu trước diễn biến trên chiến trường. Libération trích phát biểu của tổng thống Ukraine : "Tôi nghĩ đó là bất công, nhưng chúng tôi không muốn mất đi sự hỗ trợ từ đồng minh nên không sử dụng vũ khí của các đối tác để đánh vào đất Nga. Nay chúng tôi xin được cho phép".

Đồng minh chia rẽ, Moskva đắc chí

Đến nay đã có 11 nước ký thỏa thuận quốc phòng song phương với Ukraine, nhưng vẫn luôn với giới hạn : Kiev có thể dùng vũ khí, đạn dược phương Tây kể cả tại những vùng bị Nga chiếm đóng, nhưng không trên đất Nga. Dù vậy đang có những thay đổi, khi cuộc chiến đến hôm qua đã là ngày thứ 826.

Hôm thứ Ba, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố Kiev cần được phép tự vệ, "vô hiệu hóa các địa điểm quân sự đã tấn công Ukraine" từ lãnh thổ Nga, và tất nhiên là không nhắm vào mục tiêu dân sự. Thủ tướng Đức Olaf Scholz thì vẫn mơ hồ vì e sợ vấn đề nguyên tử. Nhưng tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, một khi đã chuyển giao, vũ khí phương Tây trở thành của Ukraine, không nên "trói quặt tay người Ukraine ra sau lưng".

Hôm qua, đến lượt thứ trưởng quốc phòng Ba Lan Cezary Tomczyk nói rằng Ukraine, nạn nhân bị xâm lược cần được tự do sử dụng vũ khí do Ba Lan cung cấp theo ý mình. Nhưng Hoa Kỳ tiếp tục phản đối, và sự chia rẽ của đồng minh khiến Moskva hài lòng, thậm chí Vladimir Putin còn lên tiếng đe dọa. Ông ta nói : "Tại Châu Âu, đặc biệt là các nước nhỏ, cần phải cân nhắc mình đang làm gì. Họ phải nhớ rằng họ là các quốc gia có lãnh thổ nhỏ bé và dân số đông đúc, việc leo thang sẽ dẫn đến hậu quả trầm trọng".

Putin dùng "võ mồm" trả đũa Macron

Trong bài xã luận "Võ mồm", La Croix nhận định gần như người ta đã quen với việc Vladimir Putin dọa dẫm bằng bóng ma nguyên tử để ngăn phương Tây ủng hộ Kiev. Nhưng lời đe dọa hôm thứ Ba 28/05 đặc biệt nhắm vào Pháp, để trả đũa ông Emmanuel Macron.

Phải chăng Nga sắp tấn công nguyên tử ? Chắc chắn là không ! Những lời huênh hoang của Putin nhằm tác động vào cuộc tranh luận ở Pháp và Châu Âu, trong khi việc chi viện vũ khí cho Kiev đang tăng lên. Dù đang gặp khó ở tiền tuyến miền đông và đông bắc, nhưng lượng đạn pháo và hỏa tiễn quan trọng sắp đến nơi sẽ giúp Ukraine lại có phương tiện để chuyển sang thế công. Trong đó có những vụ oanh kích tầm xa vào Nga.

Điều này không có gì mới. Những hỏa tiễn do Pháp và Anh sản xuất từ mùa hè 2023 đã gây thiệt hại lớn cho Hạm đội Hắc Hải ở Crimea. Theo luật pháp quốc tế, việc Ukraine tấn công vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga là hợp pháp, nhưng Kiev cần có vũ khí từ phương Tây. Hoa Kỳ cũng như nhiều nước Châu Âu do dự vì sợ cho là đồng tham chiến, còn Paris nay công khai chấp nhận rủi ro này. Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ mà Putin hoàn toàn lĩnh hội.

Đối với Mỹ, Ukraine không phải là cuộc chiến mang nghĩa tồn vong

Lý giải về sự khước từ của Mỹ, Le Monde cho biết "Giờ đây nhiều chuyên gia sẵn sàng nhìn nhận là đối với Washington, cuộc chiến tranh ở Ukraine không phải là cuộc chiến sống còn". Kể từ ngày 24/02/2022, các nhà lãnh đạo phương Tây đều khẳng định cuộc chiến đấu chống xâm lăng của người Ukraine mang ý nghĩa tồn vong, trước mối đe dọa thay đổi đường biên giới, viết lại lịch sử của Putin. Nhưng đối với các láng giềng sát cạnh của Nga, và phần còn lại của Châu Âu, và với Hoa Kỳ thì sao ? Câu hỏi không chỉ mang tính triết lý, mà còn có ý nghĩa thực tiễn và chiến lược.

"Thật khó khăn" - ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba, nhìn nhận về tình hình trên chiến trường. "Nhưng hãy gởi cho chúng tôi những gì cần thiết : hỏa tiễn Patriot, đạn pháo, để cho chúng tôi tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga, và quý vị sẽ thấy thay đổi". Đây là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ bị phê phán nhiều nhất. Tại sao lại trói tay Kiev, trong khi Nga tha hồ đánh vào thường dân, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự Ukraine ? Quân Nga càng tấn công dữ dội và đẫm máu, cuộc chiến càng bất bình đẳng. Theo Le Figaro, trên thực tế một dạng đối đầu đã diễn ra giữa Nga và Châu Âu : chiến tranh đa diện. Moskva đã nâng mức xung đột với những hoạt động phá hoại, tấn công mạng, lũng đoạn…

Sự do dự của Mỹ, sau gần bảy tháng Quốc hội đóng băng viện trợ cho Ukraine càng làm giảm sự tin tưởng của các đồng minh Bắc Âu, Đông Âu vào ê-kíp Joe Biden. Một cựu đại sứ Mỹ nhìn nhận, Hoa Kỳ hứa bảo vệ Israel nhưng chưa bao giờ nói như vậy với Ukraine. Washington là nhà viện trợ hàng đầu cho Kiev nhưng từ chối cam kết nhiều hơn, ngăn chận viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO, để yên cho Kremlin dọa dẫm về vũ khí nguyên tử.

Để ngỏ cửa hậu thương lượng với kẻ phóng hỏa ?

Một viên chức Đông Âu ví von trên Le Monde : "Nhà đang cháy, vì có kẻ đổ xăng vào. Lính cứu hỏa đến nơi nhưng trễ, một số xe chữa cháy không có nước, số khác phun nước vào những nhà bên cạnh. Ở trong nhà, trẻ em Ukraine đã chết, cha mẹ các em lo dập lửa, xin gởi thêm nhiều xe cứu hỏa và xin nước từ láng giềng. Và đơn vị cứu hỏa lớn nhất trả lời : Các vị cần phải cám ơn vì những gì đã được điều đến ! Vâng, họ giúp, nhưng câu hỏi thực sự là có thể dập tắt được ngọn lửa hay không ?".

Càng phức tạp hơn, khi đơn vị quan trọng nhất này vẫn chưa quyết định xem có nên làm mọi cách để hỏa hoạn chấm dứt. Một số điều khiến người ta nghĩ rằng họ để ngỏ cửa hậu để thương lượng với kẻ phóng hỏa rằng OK, sẽ để cho anh ta đốt vài căn phòng nếu hứa không đốt trọn căn nhà. Còn chúng ta không dám phản đối vì sợ họ bảo tất cả xe cứu hỏa quay đi. Có thể hiểu đơn vị cứu hỏa láng giềng là Đức và đơn vị lớn nhất là Hoa Kỳ.

Hôm thứ Hai, tổng thư ký Jens Stoltenberg tại hội nghị NATO ở Sofia khẳng định đã đến lúc xem lại việc hạn chế sử dụng vũ khí phương Tây nhắm vào mục tiêu quân sự ở Nga, và hội nghị đã thông qua tuyên bố theo hướng này. Anh, Pháp đồng ý, còn Đức, Ý nghiêng về phía Mỹ. Theo các nhà lãnh đạo Baltic, vấn đề là đồng minh vẫn chưa thỏa thuận về việc "bảo đảm chiến thắng cho Ukraine", cũng như làm thế nào để dập tắt lửa.

Tin giờ chót từ Reuters và AFP cho biết rốt cuộc tổng thống Joe Biden đã đồng ý cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công vào đất Nga nhưng chỉ tại khu vực Kharkiv mà thôi.

"Tôi đã quá già để ra đi !"

Trên thực địa, các phóng viên Le Figaro gởi về nhiều bài phóng sự. Bên cạnh "trò chơi trốn tìm trên các đường phố Ukraine để tránh bị động viên", còn có "hàng ngàn tù nhân xung phong ra chiến trường để bổ sung vào quân đội Ukraine đang thiếu người". Theo bộ trưởng tư pháp Ukraine, Denys Maliouska, 613 tù nhân trong số 3.868 người tù tình nguyện đã được tòa án cho phép gia nhập quân đội. Mỗi người đều được khám sức khỏe thể chất và tâm thần trước khi đưa hồ sơ lên tòa án. Những người phạm tội hãm hiếp, tái phạm sát nhân, tội chống Nhà nước đều bị loại. Tổng cộng có khoảng 19.000 tù nhân có thể được xem xét, theo luật mới ban hành. Họ sẽ được huấn luyện trong nhiều tháng và được trang bị đầy đủ trước khi bổ sung cho các đơn vị tác chiến.

Còn tại phía bắc Kharkiv, đặc phái viên tờ báo đến với những người lính Ukraine đang chống chọi lại các đợt tấn công của quân Nga. Trong căn hầm một căn nhà bỏ hoang gần Lypsi, một đơn vị drone đã bắt đầu làm việc trước khi bình minh thức dậy, để hỗ trợ cho lữ đoàn 92 ở Kharkiv. Lữ đoàn này được triển khai xung quanh Bakhmut, đã được điều khẩn cấp đến phía bắc Kharkiv, bốn ngày trước khi quân Nga vượt qua biên giới, một lần nữa đe dọa thành phố lớn thứ nhì của Ukraine. Bộ phận drone gặp nhiều khó khăn vì Nga gây nhiễu – một cuộc chiến tranh điện tử diễn ra cùng lúc với các trận đánh. Công nghệ phát triển rất nhanh, thường xuyên phải "đi bước trước" để đối phó với địch.

Trong ba tuần lễ, quân Nga đã kiểm soát được hai vùng đất ở bắc Lypsi và Vovchansk. Cũng trong thời gian đó, trên 11.000 thường dân đã được các tình nguyện viên giúp đỡ đi sơ tán. Một nông dân cho biết không hề muốn ra đi, nhưng từ hai ngày qua, tình hình trở nên khủng khiếp. Ivan Nicolaïevivh cầm theo một bịch rượu horilka. Ông nói đùa "50 độ, để chống lại nỗi sợ". Rồi ông cụ 82 tuổi bỗng dưng bật khóc : "Nhà tôi là thiên đàng, có tất cả những gì cần có để sống hạnh phúc. Tôi đã già, quá già để ra đi".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 160 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)