Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/06/2024

Điểm báo Pháp - Vũ khí có thể thay đổi chiến trường Ukraine

BBC, RFI, RFA, VOA, Nhân VIệt

Pháp ưu tiên hỏa tiễn tầm xa, vũ khí có thể thay đổi chiến trường Ukraine

Le Figaro ngày 20/06/2024 cho biết rút kinh nghiệm từ cuộc xâm lăng Ukraine, Paris tìm cách gia tăng năng lực tấn công chiều sâu.

storm1

Hỏa tiễn hành trình Storm Shadow được trưng bày tại triển lãm hàng không Le Bourget phía bắc Paris ngày 19/06/2023. Các hỏa tiễn tầm xa có thể làm thay đổi cục diện chiến trường. AP - Lewis Joly

Quen viễn chinh, Pháp ít đầu tư hỏa tiễn tầm xa 

Tuy chỉ mới là các ma-két và dự án được giới thiệu ở hội chợ vũ khí Eurosatory, nhưng đây là một trong những ưu tiên của lục quân. Khả năng tấn công tầm xa của Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung quá hạn chế so với tầm cỡ mối đe dọa hiện nay. Pháp có hỏa tiễn địa-không Scalp và hỏa tiễn hành trình chống hạm MDCN bắn đi từ chiến hạm hay tàu ngầm.

Do thời gian qua chỉ chú trọng viễn chinh bên ngoài châu lục, các quân đội Châu Âu không cần hỏa tiễn tầm xa trên bộ. Nhưng Moskva và Washington đã ra khỏi hiệp ước về vũ khí nguyên tử tầm trung FNI, và cuộc chiến tranh ở Ukraine đã xóa lại ván cờ chiến lược. Trang bị khả năng tấn công tầm xa sẽ mang lại trọng lượng cho Châu Âu, một số nước đã nghĩ đến phiên bản trên đất liền của hỏa tiễn Mỹ Tomahawk.

Châu Âu nhận ra sự dễ tổn thương trước những nước cạnh tranh như Trung Quốc và Nga, vốn đã đầu tư lớn cho hỏa tiễn tầm xa. Các hỏa tiễn Nga 9M729 có thể đánh vào toàn bộ lục địa Châu Âu trừ Bồ Đào Nha, và vũ khí Mỹ có thể được sử dụng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong tương lai.

Nga và Trung Quốc đang dẫn trước Châu Âu

Hai chuyên gia Rafael Loss và Angela Mehrer lưu ý, các đồng minh Châu Âu của NATO cần phải bổ sung vào hệ thống phòng thủ bằng các hệ thống tấn công, như vậy Nga sẽ mất đi lợi thế.

Trong kế hoạch quốc phòng mới, NATO nâng ngưỡng tấn công tầm xa từ 150 kilomet lên tối thiểu 300 kilomet. Tập đoàn MBDA cho biết ngày nay cần nhiều véc-tơ khác nhau, như hỏa tiễn đất đối đất đặt trên xe tải, mỗi xe mang theo bốn hỏa tiễn, giúp tạo áp lực thường xuyên lên địch quân. Các tên lửa được GPS dẫn đường và hồng ngoại được dùng ở giai đoạn cuối nếu cần. Đang hiếm hoi và cần đến công nghệ cao, hỏa tiễn tầm xa được bắn đi ngay ngày đầu tiên để gây ấn tượng. Các tập đoàn quốc phòng đang nghiên cứu để giúp hiện đại hóa lục quân qua việc sản xuất các hỏa tiễn tầm xa có thể đánh vào mục tiêu ở cách 500 kilomet hoặc xa hơn. Các vũ khí này sẽ thay thế các hệ thống phóng rốc-kết hiện nay.

Trước chiến tranh Ukraine, quân đội Pháp định mua Himars của Mỹ nhưng nay quyết định tự sản xuất. Nhiều giải pháp được đưa ra : MBDA và Safran đề nghị hệ thống "tấn công cụ thể trên bộ" (LPS) đánh vào mục tiêu cơ động ở cách 150 kilomet, hỏa tiễn JFSM (Joint Fire Support Missile) tầm bắn 500 kilomet, cả hai đều vận chuyển được trên xe tải. Một đề nghị khác của Thales và ArianeGroup dựa vào khả năng vệ tinh dẫn đường. Các hỏa tiễn tầm xa sẽ được đưa vào hoạt động từ nay đến 2028-2030.

Thường dân Ukraine tham gia gỡ mìn, phụ nữ cứu vãn kinh tế

Tại Ukraine, tổ chức phi chính phủ Halo Trust đào tạo một lượng lớn thường dân cách gỡ mìn, vì quốc gia này đã trở thành nước có nhiều mìn và chất nổ nhất thế giới. Ước tính khoảng 2 triệu quả mìn cá nhân đã được gài kể từ ngày 24/02/2022. Les Echos cho biết hai năm qua Halo Trust gỡ được 19.000 quả mìn trên 3 triệu mét vuông. Ê-kíp Halo tận dụng công nghệ mới : dùng trí thông minh nhân tạo để phân tích không ảnh nhằm nhận diện mìn chưa nổ, drone tầm nhiệt. Nhưng đây là một công việc khổng lồ vì còn đến 156.000 kilomet vuông lãnh thổ còn mìn và các loại vật nổ khác.

Thông tín viên Le Monde tại Kiev ghi nhận nam giới ra chiến trường, phụ nữ phải gánh vác nhiều công việc trước đây thường dành cho đàn ông. Nay họ là nhân viên bảo vệ siêu thị, công nhân luyện kim, tài xế xe tải nặng, thợ cơ khí, nhân viên kho hàng… Họ góp phần giúp nền kinh tế tiếp tục hoạt động trong khi hàng triệu người đã di tản sang nhiều nước, Ukraine đang rất thiếu lao động.

Israel đe dọa tấn công vào Lebanon

Tại Trung Đông, các báo chú ý đến việc Israel đe dọa Lebanon một cuộc "chiến tranh tổng lực". Quân đội Israel vừa thông qua một kế hoạch sau khi liên tiếp xảy ra những cuộc đụng độ với Hezbollah, và nỗ lực hòa giải của Hoa Kỳ đã thất bại. Les Echos ghi nhận ngoại trưởng Israel Katz không đe dọa suông, vì sau đó quân đội loan báo "đẩy nhanh việc chuẩn bị của bộ binh", hàm ý Tsahal có thể đưa quân sang miền nam Lebanon để đẩy lùi quân Hezbollah về phía bắc, sau những vụ chạm trán dữ dội những ngày gần đây.

Không chỉ nhắm vào dân quân Shia được Iran, kẻ thù số một của Nhà nước Do Thái chống lưng, mà Lebanon có nguy cơ phải trả giá rất đắt. Chẳng hạn bị tấn công vào cơ sở hạ tầng như phi trường, đường sá, các khu vực Shia ở Beyrouth như hồi chiến tranh giữa Israel và Hezbollah mùa hè 2006. Ngoại trưởng Israel cảnh cáo : "Chúng ta đang đến gần thời điểm của một quyết định có thể thay đổi luật chơi. Trong một cuộc chiến tổng lực, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt và Lebanon sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề".

Từ đầu chiến dịch Gaza của Israel nhằm trả đũa vụ thảm sát của Hamas, Tsahal và Hezbollah vẫn có những cuộc chạm trán "giới hạn". Có 25 thường dân và quân nhân Israel thiệt mạng, trong khi các cuộc oanh kích của Israel đã làm trên 400 người chết trong đó có 343 tay súng Hezbollah.

Chiến tranh tâm lý của Hezbollah, "thông điệp cá nhân" của cựu Mossad

Gần đây, Hezbollah dùng chiến tranh cân não, hôm thứ Ba đã công bố 10 phút hình ảnh do một drone quay được về các căn cứ quân sự, nhà máy hóa chất, tàu, trung tâm thương mại ở Haifa, cảng lớn nhất của Israel gần biên giới Lebanon. Mục đích là chứng tỏ Israel vẫn dễ tổn thương, dù có hệ thống phòng không vô cùng hiện đại.

Hezbollah có kho vũ khí quy mô hơn Hamas rất nhiều với 150.000 rốc-kết và hỏa tiễn có thể phóng sang bất kỳ điểm nào trên lãnh thổ Israel. Một viên chức bộ quốc phòng Israel nhìn nhận Hezbollah là tổ chức khủng bố mạnh nhất, được huấn luyện tốt nhất và kỷ luật nhất trên thế giới. Trên mặt trận ngoại giao người ta tỏ ra bi quan. Amos Hochstein, đặc phái viên của Joe Biden về Lebanon nhìn nhận thất bại của thương lượng, chỉ một tính toán sai lầm của đôi bên sẽ xảy ra chiến tranh.

Hiện thời mọi đòi hỏi của Benyamin Netanyahou để tránh leo thang đều bị Hezbollah bác bỏ, phe này khẳng định sẽ tiếp tục chiến đấu một khi chưa ngưng bắn ở Dải Gaza. Yossi Cohen, cựu giám đốc Mossad đã đưa ra một "thông điệp cá nhân" cho thủ lãnh Hezbollah, Hassan Nasrallah. "Chúng tôi biết chính xác Nasrallah đang ở đâu và có thể trừ khử bất kỳ lúc nào nếu Israel quyết định tính sổ với ông ta".

Hợp tác quân sự Nga-Triều : Chỉ mang tính biểu tượng ?

Le Monde cho rằng "Cuộc họp thượng đỉnh của những kẻ bị xa lánh Vladimir Putin và Kim Jong-un là đáng lo ngại". Với chuyến đi Bắc Triều Tiên, tổng thống Nga đã thú nhận đang quá cần vũ khí cho cuộc xâm lăng Ukraine nên phải nhờ cậy đến nước đàn em của Liên Xô cũ dù một phần tư thế kỷ qua không đặt chân tới. Nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới trong thời gian kỷ lục, Putin chia sẻ tâm trạng với chủ nhà. Cả hai nhà lãnh đạo cũng trở thành những kẻ thường xuyên có thái độ vô trách nhiệm là đưa vũ khí nguyên tử chiến thuật ra dọa dẫm đối thủ.

Chuyến thăm này diễn ra vài tháng sau khi Moskva dùng quyền phủ quyết để ngăn hệ thống giám sát trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với chế độ Bình Nhưỡng. Mở kho vũ khí của nhà nước trại lính hay cung cấp lao động cho Nga, Kim Jong-un có thể nhận được lương thực và công nghệ vệ tinh quân sự. Đây không chỉ là tin tức xấu cho phương Tây mà cả đối với Trung Quốc.

Đối với Les Echos, việc Moskva và Bình Nhưỡng hâm nóng lại quan hệ từ sau chiến tranh lạnh để chống "chủ nghĩa đế quốc phương Tây" thông qua thỏa thuận trợ giúp hỗ tương, giống như hiệp ước quân sự trước đây. Nếu ông nội Kim Il-sung hồi năm 1961 ký với tổng bí thư Liên Xô Nikita Khrushchev tại Moskva, hôm qua Kim Jong-un được Vladimir Putin ưu ái đến tận Bình Nhưỡng ký kết.

Le Figaro chú ý đến việc ông chủ điện Kremlin để chủ nhà phải chờ đợi suốt đêm, mãi đến 3 giờ sáng thứ Tư chiếc phi cơ chở Putin mới hạ cánh. Khoảng mấy chục ngàn người dân đã được huy động để vẫy cờ chào đón dọc theo các đại lộ. Tuy loan báo hợp tác quân sự bị Hoa Kỳ và Hàn Quốc kịch liệt chỉ trích, nhưng các chuyên gia được Les Echos dẫn lời cho rằng rất khó cụ thể hóa. Hai quân đội chưa bao giờ tập trận chung từ sau chiến tranh lạnh, và khả năng tương tác vô cùng hạn chế.

Cực hữu và cực tả khiến Pháp đang trên miệng núi lửa

Về thời sự trong nước, Le Figaro cảnh báo "Nước Pháp đang nhảy múa trên miệng núi lửa". Trong khi "vở kịch" đấu đá chính trị tiếp diễn, thực tại tỏ ra khá phũ phàng. Bruxelles một lần nữa đã nhắc nhở Paris về ngân sách. Lần thứ 14 trong vòng 15 năm qua, Pháp không tôn trọng những cam kết, khiến cách đây 6 tuần cơ quan Standard and Poor's đã hạ điểm tín nhiệm.

Trước các chương trình kinh tế phi thực tế của cực hữu và nhất là cực tả, rõ ràng đang nguy cấp : cả hai đều kể chuyện ngụ ngôn làm ít, xài nhiều. Họ dẫn dụ cử tri với các đề nghị mị dân : về hưu sớm, rút ngắn thời gian làm việc, phân phát nguồn lực, đánh thuế người "giàu" và doanh nghip... Vi nhng "thành công" mà ai cũng thy : mt đi sc cnh tranh, phi k ngh hóa, tht nghip hàng lot, thâm thng ngân sách, thuế cao k lc. Dưới cái nhìn khng hong ca các ch n, s vô trách nhim này rt cuc sẽ khiến người dân lãnh hậu quả.

Riêng về sức mua, chương trình của Tập Hợp Dân Tộc (RN) sẽ gây tốn kém bao nhiêu ? Les Echos dẫn tính toán của Viện Montaigne, một cơ quan nghiên cứu độc lập, ước tính việc giảm thuế VAT trên xăng dầu, khí đốt, điện sẽ khiến ngân sách hao tốn 11 tỉ euro một năm. Còn kế hoạch của Mặt trận Bình dân Mới : tăng ngay lương tháng tối thiểu lên 1.600 euro net, tăng 10% trợ cấp nhà ở, giữ cố định giá hàng thiết yếu, sẽ tiêu tốn đến 29 tỉ euro một năm.

Nhật báo thiên tả Libération cho rằng cánh tả phải có những sáng kiến để thuyết phục được cử tri, nhật báo kinh tế Les Echos đăng bài viết "diễn đàn tập thể" của giới doanh nghiệp kêu gọi trách nhiệm, để tránh nguy cơ một chính phủ thoát thai từ một đảng cực đoan. Trong đó 73 chủ công ty lớn cảnh báo đầu tư ngoại quốc có thể chạy khỏi nước Pháp, dẫn đến hậu quả là những người yếu thế trở nên dễ tổn thương nhất.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 194 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)