Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/06/2024

Điểm báo Pháp - Mua vũ khí qua thỏa thuận VietSovPetro

RFI tiếng Việt

Việt Nam và Nga "rửa tiền" mua vũ khí qua thỏa thuận dầu khí với VietSovPetro ?

Trong hai ngày, tổng thống Nga Vladimir Putin công du việt dã hai nước Châu Á bằng hữu Bắc Triều Tiên và Việt Nam. Trong số ra ngày 21/06/2024, cả ba nhật báo Les Echos, Le Figaro, Le Monde đều nhấn mạnh đến điểm : Qua chuyến công du, ông Putin muốn chứng tỏ "không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế".

colap1

Tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch nước Tô Lâm dự cuộc giao lưu với Hội hữu nghị Việt - Nga và những cựu sinh viên Việt Nam tại Nga, Nhà Hát Lớn Hà Nội, ngày 20/06/2024. via Reuters – Manan Vatsyayana

Tại Hà Nội, tổng thống Nga gặp tất cả các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi thương mại với "đối tác chiến lược toàn diện" - đang xây dựng một "nền ngoại giao cây tre" từ nhiều năm nay, có nghĩa là, "đủ mềm dẻo để ký những thỏa thuận với cả Moskva, Bắc Kinh hay Washington". Theo nhật báo kinh tế Pháp Les Echos, "Putin trắc nghiệm "ngoại giao cây tre" của chính quyền Việt Nam". Còn Le Figaro cho rằng "Ở Việt Nam, Putin thách thức vòng vây của phương Tây".

Trong diễn đàn đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, tổng thống Nga ca ngợi những nỗ lực của Hà Nội "để bảo vệ một trật tự thế giới công minh dựa trên những nguyên tắc về công bằng cho tất cả các nước và cho khối phi liên kết trong công việc nội bộ của họ". Ông Putin cũng cảm ơn Việt Nam đã thể hiện trung lập về chiến tranh Ukraine. Les Echos nhắc lại là Hà Nội chưa bao giờ cắt đứt mối quan hệ với đối tác truyền thống đã giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam trong các cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong thời gian chống Khmer Đỏ ở Cam Bốt.

Tuy nhiên, khối lượng vũ khí Nga giao cho Việt Nam đã giảm hẳn từ khi Moskva gây chiến ở Ukraine và bị phương Tây cấm vận. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, Đại học New South Wales ở Úc, được Les Echos trích dẫn, cho rằng "Việt Nam và Nga đã nghiên cứu nhiều cách để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách rửa tiền thông qua VietSovPetro, liên doanh đầy lợi nhuận của hai nước trong lĩnh vực dầu khí. Cả hai nước đều có lợi ích chung là nối lại việc mua bán vũ khí nhưng Việt Nam đã bị tê liệt vì đe dọa trừng phạt của Hoa Kỳ".

Washington đã cảnh cáo Hà Nội về việc đón tiếp nguyên thủ Nga vì coi đó là cơ hội để "ông Putin ca ngợi cuộc xâm lược (Ukraine) và cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác gây ra". Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng không thể ép Việt Nam chọn họ hay đồng minh truyền thống. Còn Hà Nội cũng phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và chiến lược. Trao đổi thương mại với Nga chỉ còn 3,6 tỉ đô la năm 2023 trong khi với Mỹ là 110 tỉ đô la và với Trung Quốc là 170 tỉ đô la. Giáo sư Carl Thayer cho rằng "dù sao, Việt Nam không muốn nhìn thấy Nga suy yếu hay bị gạt sang bên lề trên trường quốc tế. Nga là một đối trọng có lợi cho những áp lực từ phía Trung Quốc và Hoa Kỳ".

Nga - Bắc Triều Tiên trong "trục ma quỷ" ?

Trước khi đến Việt Nam, tổng thống Nga thăm Bắc Triều Tiên cấp Nhà nước, tăng cường "liên minh từ giờ mang rõ tính quân sự", theo nhận định của Le Monde.

Sau những ca ngợi hết lời về quan hệ song phương, dù ông Putin không đặt chân đến Bắc Triều Tiên từ gần 1/4 thế kỷ qua, nguyên thủ Nga ký với lãnh đạo Bắc Triều Tiên một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện - nội dung được giữ bí mật nhưng có tầm quan trọng hơn những thỏa thuận được ký năm 1961, 2000 và 2001 - đặc biệt là có điều khoản về "tương trợ trong trường hợp bị tấn công". Nga ký một thỏa thuận tương tự năm 2019 với Mông Cổ nhưng chỉ dừng ở bước "tham vấn" trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công.

Le Monde nhận định "thỏa thuận được hình thành trong cấp bách trên chiến trường Ukraine" do Nga đang cần Bắc Triều Tiên hơn bao giờ hết để có được vũ khí, đạn dược tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine. Từ giờ, thỏa thuận "được kéo dài và theo tinh thần đối đầu giữa các khối, đang biến phương Tây thành kẻ thù chung". Tổng thống Putin "không loại trừ khả năng phát triển hợp tác kỹ thuật quốc phòng với Cộng hòa nhân dân Triều Tiên". Đây là điều mà theo Le Monde, Moskva vẫn tránh nhắc công khai vì đi ngược với những biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và cũng là lời thú nhận yếu kém. 

Hoa Kỳ và các đồng minh trong vùng quan ngại về những hệ quả từ việc Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau, không chỉ trên chiến trường Ukraine mà còn đối với thế cân bằng ở Đông Á. Khái niệm "trục ma quỷ", có từ thời tổng thống Mỹ George W. Bush, đã xuất hiện trở lại trong các trung tâm tư vấn ở Washington, ngay khi Iran, thậm chí là Trung Quốc, bị đưa thêm vào trục này. Tuy nhiên, nhìn từ Moskva và Bình Nhưỡng, "một cấu trúc an ninh Á-Âu" mới đang được hình thành để thúc đẩy hình thành "một thế giới đa cực mới", chứ không phải là một liên minh tình thế giữa hai nước bị phương Tây "ruồng bỏ".

Ngoài nhận được tiền bán vũ khí cho Nga, Bình Nhưỡng sẽ được giao dầu lửa, lương thực. Hai nước sẽ xây một cây cầu trên sông Tumen nối biên giới và hợp tác trong lĩnh vực y tế. Các doanh nghiệp Nga quan tâm tới nguồn nhân lực dồi dào và rẻ từ Bắc Triều Tiên để bổ sung cho thiếu hụt trên thị trường lao động, vì bị được huy động ra chiến trường.

Tuy nhiên, Le Monde cũng nêu một số hạn chế về mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Thứ nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Peterburg ngày 06/06, tổng thống Nga đã "đánh giá cao" việc "Seoul không giao vũ khí đến vùng xung đột" dù Hàn quốc bán hàng loạt vũ khí cho các nước phương Tây để được giao cho Kiev. Nga cũng muốn nối lại đường bay với Hàn Quốc. Tiếp theo, nếu như Trung Quốc thở phào trút được phần nào gánh nặng hỗ trợ kinh tế Bắc Triều Tiên, thì Bắc Kinh cũng quan ngại rằng sự năng nổ của Nga sẽ chỉ khuyến khích thêm những hành động leo thang gây bất ổn của Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Nga coi nhẹ vì luôn mang hạt nhân ra dọa.

Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt khí hỏa lỏng của Nga

Đúng lúc tổng thống Nga công du hai nước đối tác Châu Á, tối 20/06, "Khối 27 nước trừng phạt ngành công nghiệp khí hỏa lỏng Nga", theo nhật báo Les Echos. Đây là loạt trừng phạt thứ 14 kể từ khi Moskva xâm lược Ukraine tháng 02/2022 và là lần đầu tiên nhắm vào ngành công nghiệp khí đốt Nga thông qua việc cấm trung chuyển khí hỏa lỏng (GNL) Nga trên lãnh thổ Liên Âu.

Cụ thể, khí hỏa lỏng Nga vẫn được nhập vào Châu Âu nhưng từ giờ Nga không được sử dụng các cảng của Châu Âu (Zeebruges ở Bỉ, Montoir-de-Bretagne ở Pháp) để chuyển GNL sang các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan. Nga sẽ phải sử dụng tuyến đường Bắc Cực nhưng lại bị hạn chế về đội tàu phá băng. Bruxelles dự kiến giảm được 1/4 thu nhập từ nguồn này của Nga. Biện pháp trừng phạt mới dự kiến được ngoại trưởng các nước Liên Âu thông qua ngày 24/06.

Hải quan Pháp "giăng bẫy" tài sản của các nhà tài phiệt Nga

Ngay từ những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine, hải quan Pháp cũng khẩn trương điều tra để tài sản của các nhà tài phiệt Nga không "bốc hơi" nhằm lách trừng phạt. Vấn đề được báo Le Figaro nêu trong phóng sự : "Bercy (Bộ Tài chính Pháp) và Hải quan bẫy tài sản của tài phiệt Nga như thế nào ?"

Điều 459 của luật hải quan Pháp quy định việc lách các lệnh trừng phạt cũng bị xử lý như hành vi buôn bán vũ khí và ma túy. Theo tổng kết mới nhất, 7 máy bay trực thăng và 9 du thuyền sang trọng đã bị phong tỏa hoặc bị tịch thu trong năm 2023. Đây cũng là năm Liên Hiệp Châu Âu ban hành 3 loạt trừng phạt nhắm vào Nga. Để lập được danh sách và xác định những tài sản "bị nhắm đến", một đội phản ứng nhanh gồm nhiều cơ quan trực thuộc kho bạc, hải quan… có nhiệm vụ tìm nguồn gốc của những tòa nhà, biệt thự, đất đai liên quan đến những cá nhân bị trừng phạt thông qua "mạng lưới cảnh báo chống rửa tiền gồm các ngân hàng, các nhà môi giới bất động sản, công ty bảo hiểm…".

Pháp đang phong tỏa khoảng 1 tỉ euro tiền trong ngân hàng và khoảng 750 triệu euro bất động sản khác. Vụ án được phá vỡ gần đây nhất là một công ty ở Seine-Saint-Denis đã ngụy trang giấy tờ để chuyển các loại linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe tải… sang Nga.

10 ngày trước bầu cử Hạ Viện Pháp : Các chính đảng đôn đáo vận động

Càng gần đến ngày bầu cử vòng 1, chủ đề bầu cử Hạ Viện Pháp tiếp tục được đề cập sôi nổi trên các nhật báo Pháp. Le Monde nêu những giả thuyết về liên minh giữa các đảng phái, cùng với bài viết về "Macron chủ yếu nhắm đến cánh tả". Dù các đồng minh tha thiết kêu gọi đừng phát biểu nhưng tổng thống Pháp vẫn quyết định chỉ trích chương trình của cánh tả, đặc biệt là liên minh Mặt Trận Bình Dân mới. "Đâu là những giải pháp nào để điều tiết khủng hoảng nhà ở ?" cũng là câu hỏi lớn được Le Monde nêu lên.

Chủ đề này cũng được Les Echos phân tích trong bài viết "các tỉnh chịu sức ép vì bị giảm thu nhập bất động sản" sau khi các khoản thuế, phí trước bạ bị giảm đến 23,4% trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn rộng hơn, một bài phân tích được đăng trên nhật báo kinh tế cho rằng "Kỳ bầu cử lập pháp là cuộc trưng cầu dân ý về nợ" trong bối cảnh Pháp vừa bị Liên Hiệp Châu Âu "kỷ luật" về khối lượng nợ vượt quá giới hạn 3% GDP theo quy định của khối, thế nhưng rất nhiều đảng vẫn hứa "bạt mạng" tăng các loại phúc lợi xã hội.

Trang nhất và hồ sơ lớn của nhật báo Libération chỉ trích đảng cực hữu "Tập Hợp Dân Tộc (RN) : Lá phiếu chống thiên nhiên" vì với chương trình chống điện gió, cổ vũ cho năng lượng hóa thạch, bảo vệ thuốc trừ sâu… của cực hữu, nếu được áp dụng, sẽ là thảm họa cho môi trường.

Còn nhật báo La Croix băn khoăn với câu hỏi trên trang nhất : "Bầu cử lập pháp : Thanh niên đâu hết rồi ?". Chỉ 1/3 trong số họ tham gia cuộc bầu cử Châu Âu, tỉ lệ này có thể cao hơn trong kỳ bầu cử lập pháp trước thời hạn. Tuy nhiên, một thực tế được nhật báo Công giáo ghi nhận là "cả một thế hệ trẻ bị phân tán trước cực hữu", trong đó phải kể đến tâm lý "mất niềm tin" vào lá phiếu "vì cha mẹ chúng tôi đi bỏ phiếu cả đời mà chẳng có gì thay đổi".

Le Figaro quan tâm đến câu hỏi : "Ai sẽ được lợi nếu tỉ lệ tham gia bầu cử lập pháp tăng cao ?". Theo thăm dò của IFOP-Fiducial cho Le Figaro, khoảng 64% cử tri dự định đi bầu cử ngày 30/06, tăng 16,5% so với năm 2022. Và "ba phe hy vọng hưởng lợi từ việc cử tri được huy động đông đảo", gồm đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) chiếm ưu thế, với khoảng 34% số phiếu và tiếp tục là lực lượng chính trị lớn nhất, tiếp theo là cánh tả trỗi dậy với khoảng 29% số phiếu và phe của tổng thống Macron kháng cự với 22% ý định bỏ phiếu. Theo Le Figaro, thủ tướng Gabriel Attal đang cố thể hiện bản thân "để duy trì vị trí ở điện Matignon và tập trung vào lĩnh vực kinh tế".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 194 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)