Liên Hiệp Châu Âu-ASEAN : Biển Đông vẫn là điều cấm kỵ ? (RFI, 14/08/2017)
Tuy Liên Hiệp Châu Âu và ASEAN đang tăng cường hợp tác về an ninh và quốc phòng, Biển Đông dường như vẫn là điều cấm kỵ trong quan hệ giữa hai khối. Đó là nhận định chung của Asia Times trong một bài viết đang trên mạng hôm nay, 14/08/2017.
Ảnh minh họa : Tầu đổ bộ Mistral của Hải Quân Pháp cập cảng quân sự Sasebo, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, ngày 29/04/2017 tại vùng biển Guam. REUTERS/Nobuhiro Kubo
Trong các cuộc gặp gỡ song phương tại Manila từ ngày 6 đến 8/8/2017 vừa qua, Liên Hiệp Châu Âu và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đồng ý sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Kế hoạch hành động EU-ASEAN cho giai đoạn 2018-2022, được thông qua tại Manila, có bao gồm cả vấn đề an ninh hàng hải, một vấn đề nóng bỏng đối với Đông Nam Á do các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Kế hoạch hành động này còn đề ra ra những chương trình hợp tác về cứu trợ nhân đạo và cứu nạn thiên tai, các chiến dịch duy trì hòa bình, quân y và chống khủng bố.
Thế nhưng, khi được Asia Times hỏi về việc Ủy Ban Châu Âu có sẳn sàng gởi các chiến hạm đến tuần tra ở các vùng biển Đông Nam Á theo thỏa thuận với ASEAN hay không, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu trả lời rằng " phạm vi và quy mô của hợp tác EU-ASEAN sẽ được xác định trong tiến trình thực hiện kế hoạch hành động vừa được thông qua".
Hiểu theo ngôn từ ngoại giao, điều này có nghĩa là Liên Hiệp Châu Âu chưa sẳn sàng thực hiện các chuyến tuần tra ở Biển Đông, nơi mà 4 nước ASEAN (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) cùng với Đài Loan đang tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc.
Vào năm ngoái, Pháp đã đề nghị điều các chiến hạm của Liên Hiệp Châu Âu đến vùng Đông Á. Các chiến hạm của riêng nước Pháp vẫn thường xuyên đi qua các vùng biển Ấn Độ Dương-Tây Thái Bình Dương để hành xử quyền tự do hàng hải. Theo Asia Times, chính phủ Pháp cũng muốn tiến hành các chiến dịch như vậy ở vùng Biển Đông trong khuôn khổ Liên Hiệp Châu Âu. Anh Quốc, quốc gia đang thương lượng về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, gần đây tuyên bố cũng đang nghiên cứu khả năng triển khai các chiến hạm của nước ngày đến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Dẫu sao thì trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 05/08 vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN đã kêu gọi các quốc gia đang tranh chấp và các quốc gia ngoài khu vực nên có thái độ kềm chế và không quân sự hóa Biển Đông. Theo Asia Times, khi tuyên bố như vậy, ASEAN hạn chế khuôn khổ hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu về Biển Đông và coi như ngả theo lập trường của Trung Quốc, vốn vẫn kiên quyết chống lại sự can thiệp của "bên ngoài" vào khu vực này.
Chính vì vậy mà lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini và các đồng nhiệm ASEAN đã cố tránh nói đến những sự việc và vấn đề liên quan các vùng biển tranh chấp mà có thể làm phật lòng Trung Quốc. Trong tuyên bố chung về kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao EU-ASEAN, đưa ra vào ngày 06/08, hai khối đúng là có bày tỏ sự ủng hộ việc đạt đến bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc, nhưng lại không nói rõ là bộ quy tắc này phải mang tính "ràng buộc pháp lý", điều mà Việt Nam đã yêu cầu nhưng Bắc Kinh dứt khoát không chấp nhận.
Mặt khác, tuy nhấn mạnh đến việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển, nhưng thông cáo chung EU-ASEAN lại không nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 năm ngoái, bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, trong bài phát biểu ngày 07/08, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Mogherini đã không hề đề cập đến Biển Đông, mà chỉ tập trung vào khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Thanh Phương
********************
Mỹ cho tàu sân bay ghé Việt Nam để tỏ quyết tâm can dự vào Biển Đông ? (RFI, 10/08/2017)
Hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ-Việt ngày 08/08/2017 đã chính thức xác nhận : Năm 2018, một chiếc hàng không mẫu hạm, biểu tượng của sức mạnh quân sự của nước Mỹ sẽ ghé cảng Việt Nam trong một chuyến thăm hữu nghị.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau cuộc họp tại Nhà Trắng, Washington, ngày 31/05/2017. SAUL LOEB / AFP
Đối với các nhà quan sát, quyết định cho tàu sân bay ghé thăm Việt Nam là dấu hiệu cho thấy quyết tâm cao của Washington can dự vào Đông Nam Á để bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông ngày càng bị Trung Quốc đe dọa, với Việt Nam là đối tác đáng tin cậy nhất.
Mục tiêu của Mỹ được thể hiện một cách rõ rệt trong bản thông cáo được Lầu Năm Góc công bố ngày 09/08, trong đó nhấn mạnh đến lợi ích chung của hai bên Mỹ-Việt, kể cả việc bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia.
Dù không chính thức nói ra, nhưng khi nhắc đến nhu cầu bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, rõ ràng là hai nước Mỹ Việt ám chỉ các hành động quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo này, đe dọa tự do lưu thông trong khu vực.
Tờ báo Mỹ International Business Times, thuộc nhóm Newsweek, vào ngày 09/08 đã cho rằng quyết định gửi một chiếc tàu sân bay tới Việt Nam, một trong những nước tiếp tục thách thức các yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông, là tín hiệu mà chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa ra để cho thấy đà tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước.
Chính tổng thống Donald Trump đã hứa với thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về việc cho tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam nhân dịp ông Phúc công du Hoa Kỳ và đến Nhà Trắng hội đàm với ông Trump hôm 31/05.
Theo ông Rodger Baker, chuyên gia phân tích chiến lược tại hãng tham vấn địa chính trị có uy tín Stratfor, thì cuộc tiếp xúc giữa thủ tướng Phúc và tổng thống Trump là một "động thái được tính toán cẩn thận nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ chống lại những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông".
Đối với chuyên gia này, Việt Nam có một vị trí rất đáng chú ý trong vùng Đông Nam Á. Chính quyền Mỹ đã bắt đầu chuyển giao một số tàu tuần tra nhỏ cho lực lượng Cảnh Sát Biển Việt Nam, đã có những chuyến thăm viếng giao lưu giữa Hải Quân hai bên và Mỹ cũng đã bãi bỏ một số hạn chế đối với việc xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam.
Đối với Mỹ, Việt Nam là một đồng minh tự nhiên có thể cùng Hoa Kỳ đối phó với kế hoạch bành trướng Trung Quốc. Một chuyên gia Trung Quốc về các vấn đề Đông Nam Á tại đại học Tế Nam ở Quảng Châu, gần đây đã khẳng định rằng "Việt Nam luôn luôn là quốc gia ở Asean có thái độ nghi kỵ Bắc Kinh mạnh mẽ nhất... bởi vì Việt Nam có chung biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc".
Việt Nam cũng đã tăng cường Hải Quân, gia cố một số hòn đảo, và đã không ngần ngại lên tiếng trên các diễn đàn quốc tế chống lại các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo tờ International Business Times, Mỹ hiện đang phải thận trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Việt Nam vì lẽ Washington cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh trong việc chống lại các mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên.
https://youtu.be/eyaY6thl-tM
Trọng Nghĩa
***********************
Mỹ cam kết hợp tác với Việt Nam bảo vệ Biển Đông (RFI, 09/08/2017)
Ngày 08/08/2017, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tiếp đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch tại Lầu Năm Góc, Virginia. Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng sức ép tại Biển Đông, Hoa Kỳ cam kết củng cố hợp tác quân sự với Việt Nam và sẽ gửi một hàng không mẫu hạm đến thăm vào năm tới.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis (T) tiếp đồng nhiệm Việt Nam tướng Ngô Xuân Lịch, tại Lầu Năm Góc, Arlington, Virginia, ngày 08/08/2017-REUTERS
Theo Reuters, trong cuộc gặp gỡ tại bộ quốc phòng Mỹ, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis và đồng nhiệm Việt Nam Ngô Xuân Lịch đồng ý là hai nước sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng bị Trung Quốc lấn áp, quan hệ Hà Nội và Bắc Kinh có dấu hiệu xấu đi.
Tại Biển Đông, ngư dân Việt Nam liên tục bị tấn công và gần đây nhất, hồi tháng 7, Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án thăm do dầu hỏa do áp lực của Bắc Kinh.
Tại hội nghị ASEAN, cuối tuần qua ở Manila, Philippines, Việt Nam đòi phải đưa lời lẽ cứng rắn chỉ trích Bắc Kinh "quân sự hóa Biển Đông» vào bản thông cáo chung. Trung Quốc biểu lộ giận dữ hủy bỏ cuộc gặp cấp ngoại trưởng hai nước.
Trong bối cảnh này, bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố với đồng nhiệm Việt Nam là "mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ giữa Mỹ và Việt Nam đặt trên nền tảng (bảo vệ) quyền lợi chung kể của quyền tự do lưu thông tại Biển Đông".
Bộ trưởng Jim Mattis hoan nghênh vai trò "lãnh đạo đang lên" của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Một trong những cử chỉ tiêu biểu cho xu hướng quan hệ ngày càng được củng cố giữa Mỹ và Việt Nam là chủ nhân Lầu Năm Góc thông báo một hàng không mẫu hạm sẽ đến Việt Nam vào năm 2018.
Dự án này đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thảo luận với tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, một hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ thăm Việt Nam.
Tú Anh