Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/07/2024

Điểm báo Pháp - Vị thế Pháp trong NATO có thể sụt giảm

RFI tiếng Việt

Bão tố chính trị khiến vị thế Pháp trong NATO có thể sụt giảm

Bên cạnh bầu cử Quốc hội Pháp, cuộc bầu cử ở Anh hôm nay cũng rất được báo chí Paris ngày 04/07/2024 chú ý. Le Monde cảnh báo "bão tố ở phương Tây" : vị thế đang yếu đi của Joe Biden và sự bất định của chính quyền Pháp sẽ ảnh hưởng NATO.

nato1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một phòng phiếu ở Le Touquet trong vòng một, ngày 30/06/2024. Reuters - Yara Nardi

Mặt trận chống cực hữu tại Pháp trong vòng hai

Le Figaro đưa tít "Trước đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN), Macron hy vọng một liên minh đa số". Tầm cỡ phong trào rút lui của các ứng cử viên các bên để chận đường cực hữu có thể khiến cho đảng của bà Marine Le Pen không thể giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Tương tự, Le Monde nhấn mạnh "Trước Tập Hợp Dân Tộc, nước Pháp hình thành mặt trận cộng hòa".

La Croix tìm đến với "một nước Pháp đang chia rẽ". Chưa bao giờ thời điểm trước bầu cử vòng hai lại quan trọng đến thế. Theo số liệu chưa đầy đủ, cánh tả hiện diện ở 305 đơn vị bầu cử, cánh trung 248 và cánh hữu 88, để đối đầu với cực hữu. Cử tri sẽ chọn lựa ra sao khi ứng cử viên ưa thích không có mặt trong vòng hai ? Đó là cả một câu hỏi lớn lần này.

Libération phê phán tính cơ hội của đảng cực hữu. Lần này số cử tri nữ bầu cho RN khá cao trong khi lâu nay thường là nam giới. Những chiêu bài bảo vệ phụ nữ được đưa ra chỉ để kiếm phiếu, vì cách chính sách của cực hữu hoặc không hiệu quả, hoặc tìm cách đổ lỗi cho người nhập cư, và ngay tại các địa phương cực hữu đang thống trị, các hiệp hội nữ quyền bị gây khó dễ.

Xã luận của Le Figaro phê phán "Nền cộng hòa tắc kè" : từ cánh trung chuyển sang hữu rồi sang tả của điện Élysée. Về phần thủ tướng đương nhiệm, Le Figaro nhận thấy sau sự sững sờ lúc đầu, Gabriel Attal đã lao vào cuộc chiến chống cực hữu với mọi sức lực. Thủ tướng trẻ tuổi đang lên và chiếm được cảm tình, chưa đầy sáu tháng bỗng nửa đường đứt gánh vì quyết định giải tán của tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên theo thăm dò có đến 48 % dân Pháp mong muốn Attal vẫn là thủ tướng, và ít nhất ông vẫn sẽ có chân trong Quốc hội mới. Được ủng hộ mạnh hơn trong chiến dịch lần này, Attal có thể dọn đường cho cuộc chiến quan trọng năm 2027.

Anh quốc : Một cuộc bỏ phiếu lý trí

Vào lúc các lực lượng dân túy làm rung chuyển nước Pháp, ở bên kia biển Manche một đảng chừng mực chuẩn bị nắm quyền. Trừ phi có bất ngờ giờ chót, Công Đảng sẽ lật sang trang mới sau 14 năm xu hướng dân tộc chủ nghĩa gia tăng, đồng thời đóng lại chương hậu Brexit.

La Croix ghi nhận, tám năm sau cuộc trưng cầu dân ý với 52 % cử tri muốn rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), người Anh mang tâm trạng ủ ê. Không có lợi ích nào được phe Brexit rêu rao trở thành hiện thực. Tìm lại "tự do" như họ nói ?  EU vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của vương quốc, không có hiệp định tự do mậu dịch đáng kể nào được ký với các cường quốc kinh tế khác. Tăng trưởng thấp, nên không thể đầu tư lớn vào hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở, là ba lãnh vực đè nặng lên cuộc sống thường nhật. Chính sách nhập cư thất bại, nhất là thỏa thuận gởi người xin tị nạn đến Rwanda, bị chết từ trong trứng nước.

Nhà lãnh đạo Công Đảng Keir Starmer muốn Anh ở lại trong EU. Nhưng người Anh vẫn chia rẽ : 48 % muốn lại gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, 33 % muốn vẫn ở ngoài. Hơn phân nửa cho rằng tác động tiêu cực của Brexit nhiều hơn tích cực. Như vậy tân chính phủ sẽ thận trọng tìm cách củng cố mối quan hệ với lục địa, cần có thời gian để xây dựng lại những gì đã bị phá đi trong lúc bốc đồng.

Bài học từ Anh để thu hút cử tri cực đoan

Les Echos nói về "Bài học Anh". Cũng như Pháp, bên phía nước Anh cũng không ai hiểu vì sao thủ tướng Rishi Sunak lại quyết định giải tán Hạ Viện, trong khi vẫn còn thời gian. Hậu quả là thất bại nặng nề đang chờ đợi đảng bảo thủ trong cuộc bỏ phiếu hôm nay.

Tất nhiên sau 14 năm cầm quyền và năm đời thủ tướng, người Anh muốn thay đổi. Tính cách độc đáo của Boris Johnson ban đầu thu hút nhưng nhạt dần, thời kỳ chớp nhoáng của bà Liz Truss gây căng thẳng, và khi Rishi Sunak muốn chỉnh đốn thì đã trễ. Nhưng nhất là chủ trương trung dung của Keir Starmer giúp Công Đảng tìm lại vị thế, ông cũng xa dần với nhân vật cực đoan Jeremy Corbyn, được cả hai tờ báo lớn "Financial Times" và "The Economist" ủng hộ.

Công Đảng muốn tái lập liên minh thuế quan, tăng cường phương tiện chống các tổ chức đưa di dân bất hợp pháp nhưng không đi xa đến nỗi gởi sang Rwanda...Chủ trương này cách xa "nhiều năm ánh sáng" so với cánh tả ở Pháp : lập nhóm mới di dân vì khí hậu, hợp pháp hóa hàng loạt người nhập cư. Rõ ràng Công Đảng muốn thu hút cử tri cực đoan nhưng không vượt qua lằn ranh đạo đức. Nếu chiến lược này có kết quả, đây còn là phương cách để giảm bớt sự phát triển của xu hướng cực đoan.

Vai trò Pháp sẽ giảm sút

Le Monde cảnh báo "bão tố ở phương Tây" : vị thế đang yếu đi của Joe Biden và sự bất định của chính quyền Pháp sẽ ảnh hưởng đến lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO trong hai ngày 10 và 11/07 tại Hoa Kỳ.

Hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội vòng hai, nếu mọi việc ổn thỏa, tổng thống Emmanuel Macron sẽ bay sang Washington dự hội nghị thượng đỉnh NATO. Nhưng sau hội nghị G7 ở Ý và thượng đỉnh Châu Âu mới đây, dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương được chuẩn bị từ lâu diễn ra trong không khí đặc biệt bất ổn.

Vai trò của Pháp chắc chắn bị giảm sút. Từ bảy năm qua, các đối tác quốc tế đã quen với tiếng nói được đại diện bởi một tổng thống dù táo bạo nhưng nhiệt tình, năng động, nắm vững trong tay chính phủ, bộ máy ngoại giao cũng như quân sự tài năng và trung thành. Dù kết quả vòng hai như thế nào đi nữa, tổng thống Pháp tuần tới sẽ ở trong tình thế kém thoải mái hơn. Các nhân tố chính của NATO không biết xoay sở ra sao với Paris.  Một nước Pháp yếu đi trong thời bình đã là vấn đề, sẽ càng đáng ngại hơn trước một nước Nga hiếu chiến không bỏ lỡ cơ hội nào để phá hoại.

Các đối tác NATO lo ngại

Trầm trọng hơn nữa, quốc gia quan trọng nhất của NATO là đại cường quân sự thế giới Hoa Kỳ đang trong mùa bầu cử, tổng thống Joe Biden 81 tuổi dễ tổn thương hơn sau cuộc tranh luận gây lo sợ cho phe Dân Chủ đồng thời làm những người có trách nhiệm của NATO thêm căng thẳng. Phe Cộng Hòa dưới ảnh hưởng của Donald Trump làm chậm mất sáu tháng việc Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ khiến lực lượng Ukraine gặp khó khăn trên chiến trường, khiến Mỹ mất uy tín trước Đông Âu.

Ngay cả với chính quyền Biden, người ta vẫn nghi ngại về việc áp dụng Điều 5 về hỗ tương quốc phòng. Nhà nghiên cứu Tara Varma của Brookings Institution ở Washington nhận xét, nhiều nước Châu Âu mua vũ khí Mỹ nhưng lại không được sự bảo đảm lâu dài của Hoa Kỳ. Một số nhà lãnh đạo như Hungary cho rằng nếu Donald Trump quay lại sẽ giải quyết nhanh chóng cuộc chiến tranh ở Ukraine, nhưng số khác trong đó có Pháp ngờ vực việc Washington và Moskva âm thầm quyết định về số phận Ukraine.

Đức lo sợ mất đi đồng minh lớn Biden, còn đối tác Pháp rơi vào bất định. Như vậy cả hai cột trụ trong chính sách ngoại giao của Berlin đều sụp đổ, trong khi đã cắt đứt quan hệ với một cột trụ khác là Nga. Với Ukraine, Paris mong muốn nhân hội nghị thượng đỉnh này có được cam kết không thể đảo ngược về việc Kiev tiến gần hơn đến NATO, tránh những lời hứa trống rỗng của các thượng đỉnh trước. Đây sẽ là cách để trắc nghiệm ảnh hưởng Pháp.

"Dân túy nhưng tử tế" ? Chỉ là ảo tưởng !

Les Echos đặt vấn đề, liệu đang có việc bình thường hóa đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) thông qua tấm gương Meloni ở Ý ? Tờ báo cho rằng so sánh này là sai lầm, vì nhờ Châu Âu và khuynh hướng nghiêng sang cánh tự do- bảo thủ mà Giorgia Meloni có thể trụ vững đến nay. 

Nếu cách đây hai năm, việc ông Mario Draghi từ chức đã mở đường cho phe cực hữu của Meloni lên cầm quyền, thì quyết định bất ngờ giải tán Quốc hội mở ra cánh cửa cho tham vọng của chủ tịch đảng cực hữu Jordan Bardella. Điểm khác biệt chính là cựu thủ tướng Mario Draghi bị cả ba đảng trong liên minh bỏ rơi, trong khi không ai buộc Emmanuel Macron phải ra quyết định. Một "cực hữu tử tế" kiểu Meloni gợi ra hứng khởi bên ngoài nước Ý, nhưng nếu nghĩ rằng "Meloni hóa" được Châu Âu và RN ở Pháp là quá vội vã. Bản thân Giorgia Meloni cũng không tỏ ra vui mừng trước thắng lợi của bà Marine Le Pen.

Trước hết, Meloni đang gặp nhiều trở ngại trong nội bộ với các đồng minh ồn ào, và không có tiếng nói trong việc chọn lựa các "top job" Châu Âu. Meloni, người được Berlusconi nâng đỡ là "self made woman" quen thuộc với chính trường, trong khi Bardella và Le Pen thừa hưởng một gia tài nặng nề đầy bất lợi. Cuối cùng, thành công tương đối của chính phủ Meloni chủ yếu nhờ "sự bảo đảm bằng vàng" của Draghi.

Vốn là cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE), Mario Draghi đã vận động để Ý được hưởng trợ cấp đặc biệt 200 tỉ euro của EU từ nay đến 2026. Phần lớn nhờ món "lộc trời" này đã giúp chủ nghĩa dân túy của Giorgia Meloni trở nên "tử tế". Một Mario Draghi của Pháp đang ở đâu để làm dịu bớt một Jordan Bardella, vừa nghiệp dư vừa thiếu nhất quán ? "Meloni" hóa Châu Âu là một sự đánh lạc hướng, cũng như cái nhãn "dân túy tử tế" được dán lên cho cặp Bardella-Le Pen. Có thể vẫn có dân túy tử tế chăng ? Chỉ là ảo tưởng.

Hai gián điệp Trung Quốc bị Pháp trục xuất

Mệnh lệnh từ Élysée được giữ bí mật để không làm chế độ Bắc Kinh mất mặt. Trưởng bộ phận tình báo được cài cắm trong đại sứ quán Trung Quốc ở Paris và người phó được yêu cầu rời khỏi đất Pháp, do hồi tháng Ba đã toan cưỡng bức hồi hương một nhà ly khai. Chính quyền Trung Quốc cố gắng thanh minh đây là một sự hiểu lầm nhưng vô hiệu.

Cụ thể, Le Monde cho biết hôm 22/03 một cảnh hiếm thấy xảy ra ngay trước mắt cảnh sát biên phòng ở phi trường Roissy-Charles De Gaulle. Một người đàn ông bị một nhóm bảy người lôi đến cửa lên tàu, mặc cho nạn nhân chống cự. Nhờ cảnh sát can thiệp, Ling Huazhan, một nhà ly khai Trung Quốc 26 tuổi mới thoát khỏi tay những kẻ định bắt cóc. Cuộc điều tra cho thấy ông Ling bị nhân viên một đồn công an bí mật của Trung Quốc đặt tại một cửa tiệm gần ga Saint Lazare cưỡng đoạt giấy tờ.

Theo tình báo Pháp, Ling Huazhan bị truy bức vì tội chống đối chủ tịch Trung Quốc, do những hình vẽ chống Tập Cận Bình, phá hoại các áp-phích ca ngợi ông Tập, chia sẻ những bài viết chỉ trích chế độ trên mạng xã hội ; và hiện vẫn tiếp tục chịu áp lực vì thân nhân ở Hoa lục bị công an liên tục yêu cầu gọi sang khuyên ngưng hoạt động. Tuy bực tức nhưng chính quyền Pháp hoãn lại việc trục xuất hai quan chức tình báo trên vì phải tiếp đón Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước.

Thế nhưng ngày 08/05 một sự kiện khác lại xảy đến. Đội cảnh sát hình sự quận 18 ngăn được một vụ bắt cóc tại nhà riêng, nhắm vào một người Kazakhstan gốc Duy Ngô Nhĩ là Gulbahar Jalilova, đến Pháp năm 2020 sau khi ra khỏi trại tập trung ở Tân Cương. Nhờ hàng xóm báo động, cảnh sát đến kịp lúc, khi mười mấy người mặc toàn đồ đen chưa kịp ra tay, trong đó có người mang hộ chiếu công vụ của đại sứ quán. Tuy không chính thức công bố "persona non grata", nhưng lần này Pháp quyết định không nương tay.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 234 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)