Bầu cử Quốc hội Pháp : Vòng 2, cục diện mới nhưng vẫn một nỗi lo cực hữu nắm quyền
48 giờ trước vòng hai quyết định, bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn là chủ đề được báo chí Pháp ra hôm nay quan tâm đặc biệt. Trang nhất của Le Figaro chạy tựa : "Với RN (đảng Tập Hợp Dân Tộc), đa số quá bán dường như xa vời". Les Echos đặt câu hỏi "Đa số không thể ?".
Cử tri Pháp bỏ phiếu tại Tulle, vòng 1 bầu cử Hạ Viện, ngày 30/06/2024. Reuters - Stephanie Lecocq
La Croix ghi nhận : "Bầu cử lập pháp : Lựa chọn lưỡng nan của vòng 2", trong khi đó Le Monde tập trung vào hệ quả : "Kinh tế Pháp bị đình đốn trong cuộc bầu cử lập pháp".
Một tuần sau vòng bầu cử đầu tiên, cử tri Pháp ngày Chủ Nhật này sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội mang tính quyết định để chọn ai sẽ lãnh đạo chính phủ Pháp. Nếu như ở vòng đầu, phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National - RF) về đầu với hơn 33% phiếu bầu, nhưng vòng hai của cuộc bầu cử mở ra với một diện mạo nhiều thay đổi. Các đối thủ của RN, như liên minh cầm quyền Phục Hưng (Renaissance) hay liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới đã quyết định rút hàng loạt các ứng viên của mình không có nhiều hy vọng thắng ở những đơn vị bầu cử đấu tay ba, để dồn phiếu tạo điều kiện cho ứng viên còn lại đánh bại ứng viên của đảng RN. Kết quả là các cuộc đấu tay 3 tại vòng 2 từ 306 rút xuống còn 89. Thực tế này đang đặt phe cực hữu, hy vọng giành đa số quá bán tại Quốc hội, vào tình thế khó khăn.
Theo cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu mới nhất do Ifop-Fudicial thực hiện cho Le Figaro, đảng cực hữu có thể giành được từ 210 đến 240 ghế, cánh hữu có thể được từ 170 đến 200 ghế và khối liên minh đảng cầm quyền Renaissance giành được từ 95 đến 125 ghế. Le Figaro ghi nhận, Mặt Trận Bình Dân Mới và phe của tổng thống Macron có thể ngăn thành công Jordan Bardella, chủ tịch đảng RN, làm thủ tướng Pháp. Nhưng người ta vẫn chờ đợi sau tối Chủ Nhật này để xem các đảng sẽ thỏa thuận liên kết với nhau ra sao, nếu không Quốc hội Pháp sẽ lại rơi vào tình trạng tê liệt không vận hành nổi. Tờ báo nhận định : "còn ba tuần nữa đến khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024, tình hình chưa bao giờ bất trắc như hiện nay".
Tờ báo phân tích cho thấy tình hình chính trường sẽ còn nhiều rối ren, sau cuộc bỏ phiếu vòng hai. Nếu phe cầm quyền với liên minh cánh tả và đảng cánh hữu truyền thống thì có thể giành đa số để thành lập một chính phủ không phải của cực hữu, nhưng có điều trong liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - LFI (La France Insoumise) của ông Jean Luc Mélanchon dự báo sẽ chiếm được nhiều ghế nhất. Trong khi đó, trong khi cử tri của đảng của tổng thống Macron, cũng như của cánh hữu truyền thống khác, không thể chấp nhận được đảng này. Vì thế mà sự lựa chọn của cử tri này sẽ trở nên khó khăn, cũng như một thỏa thuận liên minh giữa các đảng phái ngoài RN với đảng của ông Melanchon ở Quốc hội mới là không thể xảy ra, theo nhận định của hầu hết các báo.
Trong một bài viết mang tiêu đề "Bầu cử lập pháp 2024 : Emmanuel Macron, đơn độc và suy yếu", nhật báo Les Echos ghi nhận quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống Pháp đối với phe của ông và cử tri của ông là một trận động đất và dư chấn của nó vẫn còn cảm nhận được. Dư chấn đó sẽ vẫn còn được thấy tối Chủ Nhật này.
Kinh tế Pháp đình trệ vì bầu cử
Hệ quả của kỳ bầu cử Quốc hội lần này đã là nhãn tiền. Theo Le Monde, "Kinh tế Pháp ngừng trệ". Trang kinh tế của tờ báo dành nhiều bài viết cho thấy viễn cảnh về bất ổn chính trị gây ra tâm lý lo âu, chờ thời trong các tác nhân kinh tế tại Pháp. Lĩnh vực bất động sản, tuyển dụng nhân lực bị chững lại, người dành dụm tiết kiệm lo ngại thuế má bùng nổ. Một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ dự trù sẽ giảm hoạt động trong những tháng tới, trong khi chương trình tái công nghiệp hóa đang gặp khó khăn. Trong khi tờ báo cũng nhận thấy, chương trình của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc có thể ảnh hưởng tới một số dự án công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kế hoạch đầu tư của Pháp đến năm 2030 với ngân quỹ dự trù 54 tỷ euro cho cải tiến đang bị đình lại từ ngày 09/06.
Liên Hiệp Châu Âu phấp phỏng chờ đợi kết quả
Nhìn từ bên ngoài cũng là những ánh mắt đầy lo âu. Le Figaro ghi nhận : "Các lãnh đạo Châu Âu lo ngại nước Pháp chìm vào bất ổn".
Theo tờ báo, trong hậu trường các định chế của Liên Âu, các viên chức, nhà ngoại giao đang lo lắng đợi chờ vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp. "Châu Âu lo sợ một chiến thắng của Tập Hợp Dân Tộc" là tiêu đề một bài viết của Le Figaro. Các nước Châu Âu đã nhìn thấy một viễn cảnh "Liên Âu bị bế tắc" và Paris "mất ảnh hưởng". Ba ngày trước vòng hai cuộc bầu cử, các giới chức của Liên Âu đang rất bồn chồn, lo lắng chờ đợi những kịch bản hậu bầu cử tại Pháp. Người ta lo cực hữu nắm hành pháp sẽ làm đảo lộn tất cả hơn là sợ một chính phủ mang dấu ấn cánh tả, đồng nghĩa với thâm hụt ngân sách gia tăng. Theo nhiều quan chức EU, thì nếu phe cực hữu lên nắm quyền, thực hiện chương trình đúng như trong tranh cử, tức là Pháp rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu theo cách không chính thức.
Le Figaro cho hay, trong hành lang của các định chế Châu Âu, các câu hỏi được đặt ra lúc này : Liệu Pháp sẽ còn tiếp tục hỗ trợ Ukraine ? Pháp có còn tiếp tục với những dự án lớn về môi trường và sức cạnh tranh, nếu tổng thống Macron bị ngáng chân trong nước ? Sự ổn định của khu vực đồng euro sẽ ra sao nếu nợ công của Pháp lớn hơn nhiều hiện nay (3.200 tỷ euro). Rồi trục liên minh Pháp - Đức sẽ ra sao ? Tờ báo nhận định : "Nước Đức lo ngại khi thấy đối tác của mình bị suy yếu".
Cũng có những quan chức Châu Âu hy vọng Pháp có thể thoát được một chính phủ của Tập Hợp Dân Độc, có thể là bằng cách thử trải nghiệm "một văn hóa mới là liên minh chính trị".
Trong khi đó, Les Echos ghi nhận: "Một chính quyền RN sẽ có thể đe dọa quan hệ Pháp - Algéri xích lại gần nhau". Theo tờ báo, sau hai năm quan hệ Pháp -Algeri đã được tan băng phần nào, khả năng đảng Tập Hợp Dân Tộc thắng cử đang làm dấy lên những vẫn đề căng thẳng vốn đã đầu độc quan hệ hai nước trong thời gian qua.
Diện mạo dân biểu cực hữu tương lai
Vẫn về chủ đề cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, nhật báo cánh tả Libération đề cập đến vấn đề nhân sự của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc.
Trang nhất tờ báo đăng ảnh chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, xung quanh là chân dung một loạt ứng cử viên của đảng, và chạy tựa lớn : "Kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái, theo thuyết âm mưu... những dân biểu tương lai của RN".
Đảng cực hữu vẫn huênh hoang có thể lãnh đạo đất nước với những con người không thể chê trách được. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Tờ báo đã xác định được hàng chục gương mặt ra tranh cử dân biểu lần này của đảng cực hữu là những người đầy bê bối, gây bức xúc dư luận. Tờ báo nêu danh hơn chục nhân vật điển hình từng có những phát ngôn sốc trên mạng xã hội, có nội dung kỳ thị chủng tộc, bài bác người đồng tính, có tư tưởng thượng tôn chủng tộc da trắng hay có thái độ thân Putin...
Bầu cử tổng thống Mỹ : Phe Dân Chủ tính đến khả năng thay Joe Biden ?
Les Echos có bài : "Sức khỏe của Joe Biden : Những kịch bản của phe Dân Chủ". Tờ báo cho hay, áp lực gia tăng đối với Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, sau màn thể hiện tai họa của ông trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với ứng viên Cộng Hòa Donald Trump. Đảng Dân Chủ đang đứng trước những kịch bản tìm ứng cử viên thay thế ông Joe Biden.
Les Echos nhận thấy tương lai chính trị của Joe Biden, 81 tuổi, dường như sẽ được quyết định vào cuối tuần này sau ngày lễ quốc khách 04/07. Sau cuộc tranh luận thảm hại trước Donald Trump một tuần trước, trong đó tổng thống sắp mãn nhiệm tỏ ra già nua và thất thần, biểu hiện rõ rệt ông Joe Biden có vấn đề về sức khỏe, Nhà Trắng đã ra sức thanh minh, giải thích nhưng không thành. Từ nay đến Chủ Nhật có thể sẽ có những thay đổi liên quan đến việc ra tranh cử của tổng thống sắp mãn nhiệm. Nhiều kịch bản ứng viên Joe Biden tiếp tục chiến dịch tranh cử hay rút lui đã và đang được dư luận báo chí Mỹ phác thảo và bàn luận rôm rả.
Euro 2024 : Tứ kết Pháp - Bồ Đào Nha, trận cầu mang lại hy vọng cho dân Pháp
Sự kiện thể thao mà người dân Pháp có lẽ không bị chia rẽ và dành sự ủng hộ cổ vũ hoàn toàn, đó là tối nay tại Hambourg, Đức, đội tuyển bóng đá Pháp gặp đội tuyển Bồ Đào Nha tại vòng tứ kết Euro 2024. Hầu hết các báo Pháp ra ra hôm nay đều không bỏ lỡ sự kiện này, nhất là trong bối cảnh ngột ngạt của thời sự bầu cử.
Le Figaro chạy tựa : "Euro : Pháp - Bồ Đào Nha cuối cùng sưởi ấm những con tim". Hầu hết các báo đều cho rằng trận cầu được mong đợi này là lúc thích hợp để các cầu thủ áo lam, cho đến giờ vẫn bị chê là kém hiệu quả, chứng tỏ mình ở một tầm cao mới khi mà ngay từ đầu tuyển Pháp vẫn được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Thực sự, từ đầu giải, tuyển Pháp chơi không thuyết phục, nhưng người hâm mộ Pháp tin tưởng đội tuyển của họ tối nay sẽ thể hiện một diện mạo mới, để có thể tiếp tục đi đến trận cuối cùng.
Anh Vũ