Bầu cử Quốc hội Pháp : Vòng 2, cục diện mới nhưng vẫn một nỗi lo cực hữu nắm quyền
48 giờ trước vòng hai quyết định, bầu cử Quốc hội Pháp trước thời hạn là chủ đề được báo chí Pháp ra hôm nay quan tâm đặc biệt. Trang nhất của Le Figaro chạy tựa : "Với RN (đảng Tập Hợp Dân Tộc), đa số quá bán dường như xa vời". Les Echos đặt câu hỏi "Đa số không thể ?".
Cử tri Pháp bỏ phiếu tại Tulle, vòng 1 bầu cử Hạ Viện, ngày 30/06/2024. Reuters - Stephanie Lecocq
La Croix ghi nhận : "Bầu cử lập pháp : Lựa chọn lưỡng nan của vòng 2", trong khi đó Le Monde tập trung vào hệ quả : "Kinh tế Pháp bị đình đốn trong cuộc bầu cử lập pháp".
Một tuần sau vòng bầu cử đầu tiên, cử tri Pháp ngày Chủ Nhật này sẽ bước vào vòng 2 cuộc bầu cử Quốc hội mang tính quyết định để chọn ai sẽ lãnh đạo chính phủ Pháp. Nếu như ở vòng đầu, phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National - RF) về đầu với hơn 33% phiếu bầu, nhưng vòng hai của cuộc bầu cử mở ra với một diện mạo nhiều thay đổi. Các đối thủ của RN, như liên minh cầm quyền Phục Hưng (Renaissance) hay liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới đã quyết định rút hàng loạt các ứng viên của mình không có nhiều hy vọng thắng ở những đơn vị bầu cử đấu tay ba, để dồn phiếu tạo điều kiện cho ứng viên còn lại đánh bại ứng viên của đảng RN. Kết quả là các cuộc đấu tay 3 tại vòng 2 từ 306 rút xuống còn 89. Thực tế này đang đặt phe cực hữu, hy vọng giành đa số quá bán tại Quốc hội, vào tình thế khó khăn.
Theo cuộc thăm dò dự định bỏ phiếu mới nhất do Ifop-Fudicial thực hiện cho Le Figaro, đảng cực hữu có thể giành được từ 210 đến 240 ghế, cánh hữu có thể được từ 170 đến 200 ghế và khối liên minh đảng cầm quyền Renaissance giành được từ 95 đến 125 ghế. Le Figaro ghi nhận, Mặt Trận Bình Dân Mới và phe của tổng thống Macron có thể ngăn thành công Jordan Bardella, chủ tịch đảng RN, làm thủ tướng Pháp. Nhưng người ta vẫn chờ đợi sau tối Chủ Nhật này để xem các đảng sẽ thỏa thuận liên kết với nhau ra sao, nếu không Quốc hội Pháp sẽ lại rơi vào tình trạng tê liệt không vận hành nổi. Tờ báo nhận định : "còn ba tuần nữa đến khai mạc Thế Vận Hội Paris 2024, tình hình chưa bao giờ bất trắc như hiện nay".
Tờ báo phân tích cho thấy tình hình chính trường sẽ còn nhiều rối ren, sau cuộc bỏ phiếu vòng hai. Nếu phe cầm quyền với liên minh cánh tả và đảng cánh hữu truyền thống thì có thể giành đa số để thành lập một chính phủ không phải của cực hữu, nhưng có điều trong liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất - LFI (La France Insoumise) của ông Jean Luc Mélanchon dự báo sẽ chiếm được nhiều ghế nhất. Trong khi đó, trong khi cử tri của đảng của tổng thống Macron, cũng như của cánh hữu truyền thống khác, không thể chấp nhận được đảng này. Vì thế mà sự lựa chọn của cử tri này sẽ trở nên khó khăn, cũng như một thỏa thuận liên minh giữa các đảng phái ngoài RN với đảng của ông Melanchon ở Quốc hội mới là không thể xảy ra, theo nhận định của hầu hết các báo.
Trong một bài viết mang tiêu đề "Bầu cử lập pháp 2024 : Emmanuel Macron, đơn độc và suy yếu", nhật báo Les Echos ghi nhận quyết định giải tán Quốc hội của tổng thống Pháp đối với phe của ông và cử tri của ông là một trận động đất và dư chấn của nó vẫn còn cảm nhận được. Dư chấn đó sẽ vẫn còn được thấy tối Chủ Nhật này.
Kinh tế Pháp đình trệ vì bầu cử
Hệ quả của kỳ bầu cử Quốc hội lần này đã là nhãn tiền. Theo Le Monde, "Kinh tế Pháp ngừng trệ". Trang kinh tế của tờ báo dành nhiều bài viết cho thấy viễn cảnh về bất ổn chính trị gây ra tâm lý lo âu, chờ thời trong các tác nhân kinh tế tại Pháp. Lĩnh vực bất động sản, tuyển dụng nhân lực bị chững lại, người dành dụm tiết kiệm lo ngại thuế má bùng nổ. Một nửa các doanh nghiệp vừa và nhỏ dự trù sẽ giảm hoạt động trong những tháng tới, trong khi chương trình tái công nghiệp hóa đang gặp khó khăn. Trong khi tờ báo cũng nhận thấy, chương trình của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc có thể ảnh hưởng tới một số dự án công nghiệp, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kế hoạch đầu tư của Pháp đến năm 2030 với ngân quỹ dự trù 54 tỷ euro cho cải tiến đang bị đình lại từ ngày 09/06.
Liên Hiệp Châu Âu phấp phỏng chờ đợi kết quả
Nhìn từ bên ngoài cũng là những ánh mắt đầy lo âu. Le Figaro ghi nhận : "Các lãnh đạo Châu Âu lo ngại nước Pháp chìm vào bất ổn".
Theo tờ báo, trong hậu trường các định chế của Liên Âu, các viên chức, nhà ngoại giao đang lo lắng đợi chờ vòng hai của cuộc bầu cử Quốc hội ở Pháp. "Châu Âu lo sợ một chiến thắng của Tập Hợp Dân Tộc" là tiêu đề một bài viết của Le Figaro. Các nước Châu Âu đã nhìn thấy một viễn cảnh "Liên Âu bị bế tắc" và Paris "mất ảnh hưởng". Ba ngày trước vòng hai cuộc bầu cử, các giới chức của Liên Âu đang rất bồn chồn, lo lắng chờ đợi những kịch bản hậu bầu cử tại Pháp. Người ta lo cực hữu nắm hành pháp sẽ làm đảo lộn tất cả hơn là sợ một chính phủ mang dấu ấn cánh tả, đồng nghĩa với thâm hụt ngân sách gia tăng. Theo nhiều quan chức EU, thì nếu phe cực hữu lên nắm quyền, thực hiện chương trình đúng như trong tranh cử, tức là Pháp rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu theo cách không chính thức.
Le Figaro cho hay, trong hành lang của các định chế Châu Âu, các câu hỏi được đặt ra lúc này : Liệu Pháp sẽ còn tiếp tục hỗ trợ Ukraine ? Pháp có còn tiếp tục với những dự án lớn về môi trường và sức cạnh tranh, nếu tổng thống Macron bị ngáng chân trong nước ? Sự ổn định của khu vực đồng euro sẽ ra sao nếu nợ công của Pháp lớn hơn nhiều hiện nay (3.200 tỷ euro). Rồi trục liên minh Pháp - Đức sẽ ra sao ? Tờ báo nhận định : "Nước Đức lo ngại khi thấy đối tác của mình bị suy yếu".
Cũng có những quan chức Châu Âu hy vọng Pháp có thể thoát được một chính phủ của Tập Hợp Dân Độc, có thể là bằng cách thử trải nghiệm "một văn hóa mới là liên minh chính trị".
Trong khi đó, Les Echos ghi nhận: "Một chính quyền RN sẽ có thể đe dọa quan hệ Pháp - Algéri xích lại gần nhau". Theo tờ báo, sau hai năm quan hệ Pháp -Algeri đã được tan băng phần nào, khả năng đảng Tập Hợp Dân Tộc thắng cử đang làm dấy lên những vẫn đề căng thẳng vốn đã đầu độc quan hệ hai nước trong thời gian qua.
Diện mạo dân biểu cực hữu tương lai
Vẫn về chủ đề cuộc bầu cử Quốc hội Pháp, nhật báo cánh tả Libération đề cập đến vấn đề nhân sự của đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc.
Trang nhất tờ báo đăng ảnh chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc, Jordan Bardella, xung quanh là chân dung một loạt ứng cử viên của đảng, và chạy tựa lớn : "Kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái, theo thuyết âm mưu... những dân biểu tương lai của RN".
Đảng cực hữu vẫn huênh hoang có thể lãnh đạo đất nước với những con người không thể chê trách được. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Tờ báo đã xác định được hàng chục gương mặt ra tranh cử dân biểu lần này của đảng cực hữu là những người đầy bê bối, gây bức xúc dư luận. Tờ báo nêu danh hơn chục nhân vật điển hình từng có những phát ngôn sốc trên mạng xã hội, có nội dung kỳ thị chủng tộc, bài bác người đồng tính, có tư tưởng thượng tôn chủng tộc da trắng hay có thái độ thân Putin...
Bầu cử tổng thống Mỹ : Phe Dân Chủ tính đến khả năng thay Joe Biden ?
Les Echos có bài : "Sức khỏe của Joe Biden : Những kịch bản của phe Dân Chủ". Tờ báo cho hay, áp lực gia tăng đối với Joe Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, sau màn thể hiện tai họa của ông trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với ứng viên Cộng Hòa Donald Trump. Đảng Dân Chủ đang đứng trước những kịch bản tìm ứng cử viên thay thế ông Joe Biden.
Les Echos nhận thấy tương lai chính trị của Joe Biden, 81 tuổi, dường như sẽ được quyết định vào cuối tuần này sau ngày lễ quốc khách 04/07. Sau cuộc tranh luận thảm hại trước Donald Trump một tuần trước, trong đó tổng thống sắp mãn nhiệm tỏ ra già nua và thất thần, biểu hiện rõ rệt ông Joe Biden có vấn đề về sức khỏe, Nhà Trắng đã ra sức thanh minh, giải thích nhưng không thành. Từ nay đến Chủ Nhật có thể sẽ có những thay đổi liên quan đến việc ra tranh cử của tổng thống sắp mãn nhiệm. Nhiều kịch bản ứng viên Joe Biden tiếp tục chiến dịch tranh cử hay rút lui đã và đang được dư luận báo chí Mỹ phác thảo và bàn luận rôm rả.
Euro 2024 : Tứ kết Pháp - Bồ Đào Nha, trận cầu mang lại hy vọng cho dân Pháp
Sự kiện thể thao mà người dân Pháp có lẽ không bị chia rẽ và dành sự ủng hộ cổ vũ hoàn toàn, đó là tối nay tại Hambourg, Đức, đội tuyển bóng đá Pháp gặp đội tuyển Bồ Đào Nha tại vòng tứ kết Euro 2024. Hầu hết các báo Pháp ra ra hôm nay đều không bỏ lỡ sự kiện này, nhất là trong bối cảnh ngột ngạt của thời sự bầu cử.
Le Figaro chạy tựa : "Euro : Pháp - Bồ Đào Nha cuối cùng sưởi ấm những con tim". Hầu hết các báo đều cho rằng trận cầu được mong đợi này là lúc thích hợp để các cầu thủ áo lam, cho đến giờ vẫn bị chê là kém hiệu quả, chứng tỏ mình ở một tầm cao mới khi mà ngay từ đầu tuyển Pháp vẫn được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Thực sự, từ đầu giải, tuyển Pháp chơi không thuyết phục, nhưng người hâm mộ Pháp tin tưởng đội tuyển của họ tối nay sẽ thể hiện một diện mạo mới, để có thể tiếp tục đi đến trận cuối cùng.
Anh Vũ
Di dân thành nạn nhân của một nước Pháp bị chia rẽ ?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị "gậy ông đập lưng ông" khi giải tán Quốc Hội để cử tri "thể hiện trách nhiệm" trước thành tích của cực hữu trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Và kết quả ông nhận được là hơn 33% cử tri Pháp đã bầu cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN và đồng minh ở vòng 1.
Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc RN Jordan Bardella (phải) và bà Marie Le Pen tại buổi vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu, Paris, Pháp, ngày 02/06/2024. AP - Thomas Padilla
Tự nhận là "giải pháp thay thế", đảng RN công bố chương trình hành động, trong đó ba vấn đề "cấp bách" là sức mua, an ninh, di dân. Trong một nước Pháp bị chia rẽ, di dân có thể trở thành nạn nhân trong cuộc đối đầu thổi bùng làn sóng bài ngoại.
Sau khi kết quả được công bố, thủ tướng Gabriel Attal thừa nhận chính phủ "hiểu được sự thất vọng của cử tri". Một chính trị gia đối lập cho rằng lẽ ra "tiếng lòng" này phải được lắng nghe từ hai năm trước. Ít nhất hơn 10 triệu cử tri Pháp không còn tin tưởng vào đảng cầm quyền và tìm hy vọng trong đảng cực hữu. Trước viễn cảnh chủ tịch đảng RN Jordan Bardella có thể trở thành thủ tướng nếu (theo tuyên bố trước đây) có được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện (289 ghế), chính sách thắt chặt nhập cư của RN khiến người nước ngoài, di dân cũng như những người mang song tịch không khỏi lo lắng. Trả lời RFI ngày 28/06, ông Alioune Tine, người sáng lập trung tâm AfrikaJom Center, bày tỏ :
"Khi nghe những phát biểu của Bardella, người ta hết sức phẫn nộ, nhất là về những người mang song tịch không được đảm nhiệm một số chức vụ. Thật không tưởng tượng được ! Người ta nghĩ là có hai kiểu người Pháp trong nền Cộng hòa, một kiểu người Pháp gốc, còn một kiểu công dân hạng hai vẫn bị "phân biệt chủng tộc" - phải gọi đúng tên hiện tượng đó. Tôi thấy vô cùng nguy hiểm. Đối với nước Pháp, đó là sẽ sự thụt lùi rất lớn khi kêu gọi bầu cho những người có những phát biểu kiểu này, những phát biểu tấn công vào người châu Phi, Bắc Phi, người Hồi Giáo. Nhìn vào tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng người châu Phi cũng như các nhà lãnh đạo châu Phi phải có trách nhiệm yêu cầu cộng đồng người gốc châu Phi không cho cực hữu Pháp bất kỳ lá phiếu nào".
Hủy nguyên tắc nhập quốc tịch theo nơi sinh
Ngày 24/06, Jordan Bardella tuyên bố "kiểm soát nhập cư", cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là chủ đề "cấp bách thứ ba" trong chương trình hành động nếu đảng RN lập được chính phủ (1). Rất nhiều biện pháp thắt chặt, mang tính phân biệt sẽ tác động trực tiếp đến người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt.
Cụ thể, đảng RN sẽ hủy quyền nơi sinh (được nhập quốc tịch nếu sinh ra trên lãnh thổ Pháp). Thực ra, luật nhập cư được thông qua tháng 01/2024 đã thắt chặt điều kiện này. Thay vì được "tự động" nhập quốc tịch Pháp vào năm 18 tuổi (và phải sống ít nhất 5 năm tại Pháp từ năm 11 tuổi), một trẻ em sinh ra ở Pháp và có bố mẹ là người nước ngoài phải làm thủ tục để xin nhập quốc tịch trong thời gian từ 16 đến 18 tuổi. Nếu chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện, đảng RN sẽ đi xa hơn khi muốn đệ trình "luật khẩn cấp" ngay trong mùa hè để hủy "quyền nơi sinh", đồng thời cho lập một quỹ mới Hỗ trợ sinh mạng khẩn cấp (Aide d’urgence vitale, AUV) thay cho Hỗ trợ Y tế Nhà nước (Aide médicale d’Etat, AME) mà người nước ngoài, thường có thu nhập thấp, được hưởng.
Tuy nhiên, hủy quyền nơi sinh là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý và kéo dài. Smaïn Laacher, giám đốc Đài quan sát di trú và tị nạn tại Quỹ Jean Jaurès, lo ngại "điều tệ nhất cho người nhập cư". Ông giải thích với trang Euractiv : "Hủy quyền nơi sinh sẽ thay đổi triệt để vị trí của di dân trong xã hội Pháp và mối quan hệ giữa xã hội Pháp và di dân. Việc này sẽ dẫn đến một loạt phân biệt đối xử và những vấn đề liên quan đến sự gắn bó với đất nước Pháp, và do đó là với quốc tịch Pháp. Rất nhiều người có thể tự nhủ rằng "Pháp đã chối bỏ chúng tôi nên chúng tôi cũng từ bỏ nước Pháp"".
Khối Schengen chỉ "dành cho công dân Châu Âu"
Xin visa tại một nước nhưng khách nước ngoài có thể tự do đi lại trong toàn khối Schengen. Thế nhưng tự do này có thể sẽ bị chấm dứt nếu đảng RN chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và giữ chìa khóa điện Matignon. Đảng cực hữu muốn "mở đàm phán với các đối tác Châu Âu để duy trì quyền tự do đi lại trong khối Schengen chỉ dành cho công dân Châu Âu". Biện pháp này sẽ đi ngược lại Hiệp ước Tị nạn và Di trú, được Liên Âu thông qua ngày 14/05/2024 nhưng các nghị sĩ Châu Âu của đảng RN đã bỏ phiếu chống và có ý định kiện với lý do Liên Âu vượt quá thẩm quyền.
Trên thực tế, một số người nước ngoài cho biết họ cảm thấy bị chú ý hơn, bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn khi di chuyển trong khối. Serge Aimé Coulibaly, một nghệ sĩ và biên đạo múa người Burkina Faso, hiện sống ở Úc nhưng thường xuyên biểu diễn ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới, lo ngại về những hệ quả nặng nề đối với các nghệ sĩ châu Phi trong trường hợp cực hữu lên nắm quyền :
"Chắc chắn việc đó tác động vô cùng nặng nề đến công việc, đến di chuyển của chúng tôi. Nhưng tác động sẽ ít hơn những gì người ta nghĩ vì thực ra chúng tôi đang phải hứng chịu rồi. Mọi chuyện lúc nào cũng phức tạp đối với những nghệ sĩ châu Phi như chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ muốn đi lại, cứ như chúng tôi không phải là một phần của thế giới.
Tôi thấy nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp của mình bị chặn lại, không thể biểu diễn trong khi đối với rất nhiều người trong số họ, đó là những dự án cả đời, bỗng bị sụp đổ. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngày càng có nhiều tác nhân phân biệt chủng tộc, rất nhiều hành động chống người nước ngoài, chủ yếu là chống người châu Phi. Về phần mình, chúng tôi cũng cảm nhận phần nào bị phân biệt trong những buổi trình diễn ở Pháp".
Thắt chặt nhập cư : Nước Pháp còn tỏa sáng trong giáo dục ?
Về giáo dục, Jordan Bardella cho biết đảng cực hữu chủ trương "chấn hưng học đường" và tạo ra "cú nổ quyền lực" (2) với những biện pháp thắt chặt kỉ cương, như chấn chỉnh cách xưng hô tôn trọng giáo viên nhưng sẽ gây khoảng cách lớn giữa thầy và trò, biến trường học thành "nơi trú ẩn bất khả xâm phạm" để "bảo vệ công chức" trước những sức ép, hăm dọa từ phía phụ huynh, cải thiện kiến thức cơ bản của học sinh… Trong chương trình vận động tranh cử tổng thống năm 2017, bà Marie Le Pen từng muốn hủy quyền "miễn học phí" đối với học sinh là người nước ngoài. Đảng RN cũng từng chủ trương cấm giảng dạy một số ngoại ngữ, như tiếng Ả Rập, trong trường học.
Còn ở cấp đại học và cao học, sự trỗi dậy của đảng Tập Hợp Dân Tộc, về đầu trong cuộc bầu cử Hạ Viện vòng 1 như kết quả thăm dò trước đó, được sinh viên nước ngoài nhìn nhận ra sao ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp, Đại học Sư phạm Paris Saclay, thuộc Đại học Paris Saclay, cho biết :
"Tôi là người trực tiếp quản lý sinh viên quốc tế trong Master Monabiphot quốc tế nên cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên đến từ nhiều nước. Có những bạn rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về bầu cử ở Pháp. Nhưng cũng có những bạn đến từ những nước, chẳng hạn như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, nơi người ta không có thói quen bày tỏ. Thứ hai, người ta không bày tỏ là do họ bị hạn chế về ngôn ngữ nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra cả, trừ khi họ đọc báo bằng ngôn ngữ của họ. Khi nói chuyện với các bạn ít để ý thông tin hoặc không có thói quen thì họ chỉ biết cười, không hiểu gì cả, người ta còn hỏi lại : Thế thì thế nào hả thầy ? Người ta cũng không sợ sệt chuyện tương lai sẽ xảy ra.
Còn những bạn thường đến từ những nước Bắc Phi, họ nói tiếng Pháp tốt và thực ra họ có nhu cầu sang Pháp nhiều hơn và bằng nhiều con đường, trong đó có con đường "chính thống" tức là đi học, những người này quan tâm đến chính trị ở Pháp hơn thì họ thể hiện những quan ngại nhất định. Nhiều người có khi còn phát biểu rất mạnh, theo kiểu phân biệt chủng tộc. Nhìn chung thì tôi có thể nói như thế. Nhưng phải nói là phần lớn sinh viên quốc tế không thể hiện lắm, trừ khi các thầy hỏi".
Trong số những nghiên cứu sinh nước ngoài đến Pháp du học, rất nhiều người được chính phủ Pháp cấp học bổng từ bậc thạc sĩ. Đây là một phần trong kế hoạch "Nước Pháp tỏa sáng trên thế giới", có từ năm 2018, nhấn mạnh đến giáo dục-đào tạo tầng lớp tinh hoa cho các nước đối tác, phát triển khối Pháp ngữ… Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều bất cập, theo phó giáo sư Lại Ngọc Điệp :
"Thực ra chương trình "Nước Pháp tỏa sáng", các kế hoạch của chính phủ Macron hiện tại cũng đã được đề cập, nhắc đến nhiều. Nhưng nếu chúng ta đang ở nước Pháp, thì cũng phải thấy rằng từ chuyện nói cho đến chuyện thực hiện rất là khác nhau. Lấy một ví dụ để nói rằng chính phủ của Macron đã muốn nâng cao vị thế của nước Pháp, muốn nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đặc biệt là sinh viên nước ngoài và thu hút sinh nước ngoài giỏi đến bằng cách là họ tăng học phí đại học, thạc sĩ từ mấy năm nay. Lý do của họ là dùng số tiền tăng học phí để mở các lớp, ví dụ đào tạo thêm tiếng Pháp, hỗ trợ sinh viên… Nhưng trên thực tế thì không khác nhau gì cả bởi vì cách làm không khác nhau, không có lớp tiếng Pháp nào mở ra, sinh viên nước ngoài cũng không có thêm được lợi ích gì và thực ra cũng không thu hút được sinh viên giỏi so với trước đây là bao nhiêu. Tức là trước đây đã thu hút người nước ngoài rồi thì hiện giờ vẫn thế. Từ chuyện chính sách cho đến thực hiện không được đồng bộ lắm".
Vậy kế hoạch này có bị tác động trong trường hợp đảng Tập Hợp Dân Tộc chiếm được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và thành lập được chính phủ ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp nhận định :
"Thực ra, đối với sinh viên nước ngoài, theo quan sát và suy nghĩ của tôi, chính sách của họ cũng không thể ảnh hưởng quá lớn. Tất nhiên là phải chờ nếu họ lên, họ sẽ làm thế nào bởi vì hiện tại, những chính sách họ đưa ra thì thực ra họ đề cao những điều tốt nhất cho người dân Pháp. Trong các chương trình của họ, họ không nói đến chuyện cấm đoán sinh viên nước ngoài.
Nếu chúng ta là những người có nhu cầu học tập và học tập tốt mà muốn đến nước Pháp để học, sau đó chỉ coi nước Pháp là nơi mình có cơ hội học tập tốt nhất, còn làm việc thì mình có thể làm việc ở Pháp, ở nước ngoài hoặc trở về chính nước mình, nếu trong quan điểm của người đi học, họ nghĩ như thế, thì thực ra tôi nghĩ cực hữu sẽ không phản đối gì. Nhưng nếu trong suy nghĩ của một số người đến nước Pháp với mục đích ở lại, ngoài ra đúng là có một số người nước ngoài không được ở lại hoặc không được thỏa mãn một số thứ thì họ đã phá rối nước Pháp, rõ ràng những người như thế là những người sẽ lo lắng. Còn những người bình thường, tôi nghĩ rằng sẽ không quá ảnh hưởng, mặc dù tất nhiên phải chờ xem nếu cực hữu lên được, họ làm như thế nào nhưng hiện tại tôi, hoặc trong các cuộc trao đổi với đồng nghiệp, thì họ cũng nói là không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không ai dám nói chắc chuyện gì sẽ xảy ra !"
Thu Hằng
Cú sốc cực hữu đe dọa nước Pháp
Bầu cử Quốc hội, vấn đề quan trọng cho tương lai nước Pháp là hồ sơ của tất cả tuần báo kỳ này.
Biểu tình tại Paris ngày 15/06/2024 chống đảng cực hữu Tập Hợp dân tộc (RN) trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới. Reuters - Benoit Tessier
Le Point nói về "Cú sốc sắp tới", L’Express đăng chân dung thủ lãnh trẻ tuổi của đảng cực hữu Tập hợp dân tộc (RN), chạy tít "Con người bí ẩn". Tương tự, trang bìa của Le Nouvel Obs là hai khuôn mặt lãnh đạo cực hữu Jordan Bardella và Marine Le Pen với lời cảnh báo "Nền cộng hòa bị bao vây" và tựa nhỏ "RN sẽ làm gì nếu thắng cử". Courrier International tổng hợp những góc nhìn từ nước ngoài về một nước Pháp bầu cho cực hữu.
Cực hữu, cực tả đều tiêu hoang
Đối với L’Express, các chương trình do đảng cực hữu Tập Hợp dân tộc (RN) và Mặt trận bình dân mới bị cực tả khổng chế, đều khiến ngân sách phải chi ra số tiền rất lớn trong khi đang nợ nần, làm xấu đi tình trạng nước Pháp.
Cả hai phong trào cực đoan đang dẫn đầu trong các thăm dò đều đề nghị các chi tiêu hoang phí trong khi lờ đi cột thu nhập trong bảng kế toán – trừ phi giải thích rằng sẽ lấy tiền trong túi người nhập cư hay người giàu. François Ecalle, chủ tịch hiệp hội Fipeco cảnh báo, các nhà đầu tư có thể phản ứng thô bạo trước một sự kiện chính trị. Người ta đã chứng kiến thị trường trừng phạt một chính sách thảm họa như thế nào ở Anh quốc vào mùa thu 2022 với chính phủ ngắn ngủi của bà Liz Truss.
Theo L’Express, dù sao Pháp vẫn dựa được vào chiếc dù Châu Âu. Cũng như với Hy Lạp, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) có thể can thiệp. Ngân hàng bị các phe dân túy đủ loại căm ghét, mai đây sẽ là bộ phận giảm sốc cho cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới, nhưng không cứu vãn được danh dự của nước Pháp. Le Point gióng lên tiếng chuông báo động với dự báo của giải Nobel kinh tế năm 2014 Jean Tirole : Nếu áp dụng chương trình của RN, nước Pháp sẽ phải kêu gọi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu nguy, một sự sỉ nhục chưa từng thấy !
RN vẫn mập mờ về kinh tế
Cũng về kinh tế, Le Nouvel Obs phân tích đảng cực hữu RN sẽ làm những gì nếu thắng cử. Ngay sau hôm tổng thống Macron giải tán Quốc hội, lời cảnh báo đã được gởi đi : hai cơ quan Moody’s và Fitch từng không hạ điểm tín nhiệm tín nhiệm của Pháp dù nợ công cao, lần này cho biết nếu RN lên nắm quyền sẽ có nguy cơ bị sụt hạng.
Trên thị trường tài chánh, tâm trạng hoài nghi đã là sự thực : thị trường chứng khoán Paris sụt điểm, khoảng cách lãi suất giữa Pháp và Đức cao nhất kể từ 2017, khiến tiền lời cao hơn và ngân sách sẽ thâm hụt nhiều hơn. Những người chiến thắng sẽ phải đưa ra các đề nghị chấp nhận được đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ 3.100 tỉ euro nợ công. Nhưng chương trình kinh tế của RN vẫn mập mờ.
Hồi năm 2022, Marine Le Pen đã từ bỏ ý định quay lại với đồng quan Pháp và ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, để không làm đa số người Pháp sợ hãi. Hai năm sau, bà ta càng cố gắng tỏ ra chừng mực hơn để trấn an cử tri cánh hữu. Jordan Bardella hứa hẹn cho kiểm toán để chỉnh đốn tình trạng nợ nần. Trong khi ai cũng biết tuy ngân sách có thâm thủng nhưng lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng có khởi sắc.
Những biện pháp mị dân tốn kém của cực hữu
Bardella, đang hy vọng thành thủ tướng tương lai, muốn siết chặt chi tiêu đồng thời hứa hẹn dùng tiền ngân sách làm tăng sức mua – đây là cả một nghịch lý. Biện pháp đầu tiên là hạ thuế VAT xăng dầu, điện và khí đốt từ 20% còn 5,5%, như vậy ngân sách sẽ mất 17 tỉ euro. Người giàu có xe lớn và tiêu thụ nhiều sẽ được lợi, kìm hãm việc tiết kiệm năng lượng. Có điều phải được Bruxelles bật đèn xanh, điều này khó xảy ra. Giảm thuế VAT lên thực phẩm sẽ làm thiệt 7 tỉ euro một năm, và thường là món lợi vào túi nhà kỹ nghệ và thương nhân thay vì người tiêu thụ.
Từ hai năm qua, RN hứa hủy bỏ cải cách hưu trí (tuổi về hưu chính thức là 64), và theo Viện Montaigne, sẽ tốn 36 tỉ euro mỗi năm. Còn lời hứa bỏ thuế thu nhập cho người dưới 30 tuổi nhằm thu hút giới trẻ, thì trên thực tế rất ít thanh niên phải đóng loại thuế này. Như vậy chỉ tầng lớp ưu tiên được lợi, nhưng làm thiệt cho ngân sách 4 tỉ euro mỗi năm. Cũng chưa biết nông nghiệp Pháp sẽ sống sót thế nào khi ra khỏi các hiệp định tự do mậu dịch…
Dấu hỏi lớn nhất là làm thế nào có tiền để chi cho tất cả những biện pháp trên mà không làm thâm thủng thêm ngân sách ? RN định tăng một số sắc thuế, giảm phần đóng góp của Pháp vào ngân sách Châu Âu, và nhất là chống gian lận, đóng cửa với nhập cư, chỉ trợ cấp xã hội cho các gia đình Pháp, để thu vào 31 tỉ euro – một con số không hề có căn cứ nào.
Giáo sư Olivier Blanchard, cựu kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kinh ngạc nhận xét đây là thái độ hết sức vô trách nhiệm, nói rằng nguồn thu sẽ dựa vào chống gian lận là ảo tưởng. Chủ tịch đảng RN Jordan Bardella tuyên bố sẽ tháo gỡ tất cả những ràng buộc đang cản trở tăng trưởng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng đây cũng là chủ trương của bộ trưởng kinh tế Bruno Le Maire từ bảy năm qua, và lại rất xa với những gì mà RN hứa hẹn.
Pháp giải tán Quốc hội : Món quà trong năm cho Putin
Về chính sách đối ngoại, L’Express đặt ra một câu hỏi quan trọng : quan điểm của Pháp về chiến tranh Ukraine sẽ như thế nào từ ngày 08/07 ? Ai có thể tin rằng Tập Hợp dân tộc (RN) sẽ ủng hộ Kiev, sau khi nhìn nhận việc sáp nhập bất hợp pháp Crimea, gởi đại diện sang quan sát cái gọi là bầu cử ở vùng chiếm đóng Donbass ?
Sau ngày 07/07, Vladimir Putin có thể tiết kiệm được một ít đồng rúp : chẳng cần lũng đoạn, Pháp tự phá hoại chính sách Ukraine của mình. Những tháng gần đây, tổng thống Emmanuel Macron đã vượt qua lằn ranh đỏ phương Tây với việc cho phép dùng vũ khí viện trợ tấn công vào lãnh thổ Nga, gởi các phi cơ tiêm kích, đưa cố vấn quân sự sang… Một làn gió hy vọng cho Kiev sau một mùa đông bị Nga oanh kích dữ dội. Một nhà ngoại giao Châu Âu thổ lộ : "Từ hai năm qua, chúng tôi chờ đợi một nhà lãnh đạo dám đối đầu với Putin và kéo theo phương Tây phía sau. Macron đã trở thành một thủ lãnh như thế, nhưng nay lại bị tê liệt".
Đã hẳn nguyên thủ trong nền đệ ngũ cộng hòa có toàn quyền về đối ngoại, tổng thống đại diện nước Pháp trên trường quốc tế và duy trì mối liên hệ trực tiếp với các nguyên thủ khác. Dù kết quả bầu cử Quốc hội ra sao đi nữa, Emmanuel Macron vẫn là tổng thống đến năm 2027, có quyền bổ nhiệm các đại sứ, ký các hiệp ước quốc tế. Được hỏi ý kiến hôm 17/06, Volodymyr Zelensky trả lời một cách ngoại giao là vẫn tin sẽ không có gì thay đổi nhưng trong hậu trường, những xáo trộn nơi chính trường Pháp là tin xấu cho Kiev.
Cực hữu ủng hộ Nga, cực tả làm ngơ, Ukraine thiệt thòi
Một chính phủ đối nghịch với Emmanuel Macron sẽ gây xung đột trong nội bộ về vấn đề Gaza, Liên Hiệp Châu Âu, NATO và tất nhiên về Ukraine. Phía cực hữu RN, ai có thể tin một đảng trước đây đi vay nợ của một ngân hàng Nga, chủ tịch Marine Le Pen chờ chực để được Putin tiếp trong thời gian tranh cử tổng thống năm 2017, sẽ sát cánh với Volodymyr Zelensky ? Một đảng mà trong chương trình hành động năm 2022 muốn hợp tác an ninh với Nga - và kỳ lạ thay, chi tiết này đã biến mất trên mạng kể từ hôm thứ Ba 18/06. Đồng lõa với Kremlin, kẻ thù bên trong của NATO, một chính phủ Bardella sẽ phá hoại liên minh phương Tây.
Về phía cánh tả, nếu đảng Xã hội và đảng Xanh ngay từ đầu đã dứt khoát bênh vực Ukraine, thì đảng cực tả Nước Pháp bất khuất (LFI) và đảng Cộng sản phản đối việc chuyển giao vũ khí, chống lại thỏa thuận an ninh song phương với Kiev. Cái cớ chính thức là lo ngại "leo thang", kêu gọi "hòa bình"… Đóng vai bồ câu, cực tả làm ngơ trước nỗi đau của hàng ngàn thường dân Ukraine sống trong các lãnh thổ bị chiếm đóng dưới ách quân Nga, chịu đựng tra tấn, hãm hiếp…
Từ hai năm qua, những vùng được quân đội Ukraine giải phóng, từ Bucha đến Kherson đã cho thấy cùng những hình ảnh tội ác của lực lượng Putin. Không cung cấp vũ khí có nghĩa là bỏ rơi Ukraine. Ngay từ đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02/2022, Vladimir Putin trông cậy vào sự hụt hơi của các xã hội phương Tây, thu mình vào những tiện nghi lâu nay, để giành thắng lợi trong một cuộc chiến kéo dài. L’Express cho rằng, những nạn nhân của ông ta, Ukraine cũng như nền dân chủ xứng đáng có được số phận tốt đẹp hơn.
Tội ác mới của Nga ở Mariupol : Cướp nhà của người di tản
Cũng liên quan đến Ukraine, The Economist nêu ra "Tội ác mới nhất của Nga ở Mariupol : Cưỡng đoạt tài sản". Nhà cửa của người dân Ukraine di tản sắp bị cướp một cách trắng trợn. Từ vài tháng qua, xuất hiện những tờ thông cáo màu trắng dán trước cửa các tòa nhà dân cư ở Mariupol, thành phố bị bao vây, phá hủy và bị quân Nga chiếm đóng tháng 5/2022. Theo đó sẽ tổ chức kiểm kê, sở hữu chủ căn hộ phải ở tại nhà với giấy tờ chứng minh và hộ chiếu Nga. Nếu không sẽ bị xếp loại nhà vắng chủ và đem bán.
Petro Andryushchenko, cố vấn chính quyền Mariupol lưu vong cho biết nhà của ông đã bị xâm nhập cướp hết tài sản, nhưng tất nhiên ông không thể mạo hiểm trở về đăng ký. Một video quảng cáo cho thấy một nữ nhân viên hướng dẫn người mua đi thăm một căn hộ ba phòng, lưu ý là "đồ đạc sang trọng", và phòng trẻ em có diện tích lớn, những món đồ chơi bị bỏ lại còn nằm rải rác.
Ông Andryushchenko ước tính khoảng 80.000 người dân Mariupol đang phải sống cạnh các di dân mới, tất cả đều là người Nga, người Ukraine bị đuổi ra khỏi khu trung tâm. Andryushchenko nhấn mạnh, việc mua bán này là bất hợp pháp cả theo luật pháp Ukraine lẫn luật quốc tế. Một số người Mariupol đã di tản định trở về nhận hộ chiếu Nga, đăng ký nhà và bán. Nhưng những ai mang hộ chiếu Ukraine bị kiểm soát chặt chẽ tại phi trường Cheremetievo ở Moskva, bị chất vấn về "chiến dịch quân sự đặc biệt", nhiều người đã bị từ chối.
Sở thú Mykolaiv, biểu tượng kháng chiến
Từ hai năm rưỡi qua, trong khi quân Nga vẫn đóng cách 60 kilomet, những con thú vẫn sống sót nhờ sự tận tụy của nhân viên và sự hỗ trợ của cư dân. Sở thú Mykolaiv là một trong những sở thú lớn nhất và lâu đời nhất của Ukraine, đã tồn tại qua hai trận đại chiến thế giới. Vào đầu cuộc xâm lăng, trước hết Mykolaiv bị oanh tạc, rồi đến hỏa tiễn, xe tăng tiến vào trung tâm sau đó phải rút ra ngoại ô. Thành phố nằm ở vị trí chiến lược trên đường đến Odessa, cho đến nay vẫn là một trong những mục tiêu của quân Nga.
Sư tử, cọp, chó sói, gấu Bắc cực, voi, hà mã, hươu cao cổ… di tản một sở thú lớn như vậy với trên 4.000 con thú đủ loại là bất khả. Sau khi quân Nga tràn sang, đường sá rất nguy hiểm, và nhiều nhà cung cấp nay ở trong vùng chiếm đóng. Người dân địa phương mang đến những gì họ có : khoai tây, các loại hạt, trứng, rơm… Và nay sự tương trợ còn đến từ bên ngoài biên giới. Nhiều sở thú Châu Âu như Praha, Berlin, Warszawa gởi hàng hóa trợ giúp, sửa chữa hệ thống cung cấp nước, sưởi ấm…
Dù chiến tranh gây khủng hoảng cho các con thú, cũng đã có những chú khỉ con, beo gấm… ra đời. Sở thú Mykolaiv trở thành biểu tượng kháng chiến, một số nhân viên còn ở lại luôn trong khuôn viên để bảo đảm hoạt động tuy không hề là nơi an toàn. Hỏa tiễn đầu tiên rơi xuống chỉ cách một chú gấu Bắc cực 2 mét, nhưng con thú may mắn sống sót. Sở thú vẫn đón khách nhưng chỉ từng cá nhân chứ không nhận khách đi theo nhóm, lại càng không nhận các nhóm trẻ em.
Giam giữ con tin ở tư gia, Hamas biến nhà dân thành mục tiêu quân sự
Nhìn sang Trung Đông, Le Point giải thích "Hamas thao túng phương Tây như thế nào". Mới đây Hamas đã bác bỏ các đề nghị ngưng bắn của hai trung gian hòa giải Mỹ và Qatar, dù họ đã chấp nhận hầu hết yêu sách của phe này.
Người ta cũng được biết rằng các con tin Israel bị giữ trong các gia đình ở Gaza, kể cả trong nhà của một người tự xưng là "nhà báo" thường viết cho tờ The Palestine Chronicle để tố cáo số phận các nạn nhân Palestine. Phong trào Hồi giáo chi tiền cho thường dân để họ giữ mấy chục người Israel bị bắt cóc trong vụ tấn công đẫm máu ngày 07/10. Hamas không thể không biết rằng giam giữ con tin trong các căn hộ tư nhân là biến những nơi này thành mục tiêu quân sự hợp pháp.
Sau khi Yahya Sinwar, thủ lãnh Hamas ở Gaza bác bỏ kế hoạch ngưng bắn, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đặt câu hỏi liệu ông ta có thực sự muốn đàm phán hay không. Sinwar, 61 tuổi, từng trải qua 22 năm trong nhà tù Israel vì khủng bố, mới là nhân vật chính của cuộc xung đột này chứ không phải Benjamin Netanyahou. Chính ông ta đã tổ chức vụ thảm sát man rợ Israel, cho tấn công ở gần thường dân để dùng họ làm bia đỡ đạn, còn mình thì chui sâu dưới nhiều lớp đất trong mạng lưới địa đạo, chẳng sợ bom Israel.
"Israel cần vũ khí để bảo vệ dân, Hamas cần dân để bảo vệ vũ khí"
Như giải Nobel văn chương Herta Müller đã nói : "Israel cần vũ khí để bảo vệ người dân, Hamas cần người dân để bảo vệ vũ khí của họ". Cần hiểu logic tàn ác của Sinwar : mục tiêu của ông ta không phải là hòa bình, mà gây hỗn loạn càng nhiều càng tốt, hoàn toàn không quan tâm đến mạng sống đồng bào mình. Sinwar biết rằng Israel không bao giờ bỏ rơi các con tin, nên giăng ra chiếc bẫy Gaza chờ đón quân đội Israel. Rằng dư luận phương Tây sẽ tức giận trước những hình ảnh trên mạng xã hội và rốt cuộc đổ mọi trách nhiệm cuộc chiến cho Israel.
Phương Tây cũng bị Hamas lôi vào trò chơi với lời tuyên truyền họ là phong trào "kháng chiến" đấu tranh cho người Palestine "bị đàn áp", tuy từ khi lên nắm quyền ở Dải Gaza, chính Hamas mới là kẻ đàn áp : Những người đối lập bị trói tay chân quẳng xuống từ tòa nhà 15 tầng. Hamas thành công trong việc thao túng công luận phương Tây. Việc các chính khách trung tả Pháp chấp nhận liên minh với phe cực tả sau một chiến dịch bài Do Thái cực đoan của Jean-Luc Mélenchon là một bằng chứng.
Thụy My