Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/07/2024

Tạp chí đặc biệt : Cực hữu trước cửa quyền lực

RFI tiếng Việt

Di dân thành nạn nhân của một nước Pháp bị chia rẽ ?

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị "gậy ông đập lưng ông" khi giải tán Quốc Hội để cử tri "thể hiện trách nhiệm" trước thành tích của cực hữu trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Và kết quả ông nhận được là hơn 33% cử tri Pháp đã bầu cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN và đồng minh ở vòng 1.

cuchuu1

Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc RN Jordan Bardella (phải) và bà Marie Le Pen tại buổi vận động tranh cử Nghị Viện Châu Âu, Paris, Pháp, ngày 02/06/2024. AP - Thomas Padilla

Tự nhận là "giải pháp thay thế", đảng RN công bố chương trình hành động, trong đó ba vấn đề "cấp bách" là sức mua, an ninh, di dân. Trong một nước Pháp bị chia rẽ, di dân có thể trở thành nạn nhân trong cuộc đối đầu thổi bùng làn sóng bài ngoại.

Sau khi kết quả được công bố, thủ tướng Gabriel Attal thừa nhận chính phủ "hiểu được sự thất vọng của cử tri". Một chính trị gia đối lập cho rằng lẽ ra "tiếng lòng" này phải được lắng nghe từ hai năm trước. Ít nhất hơn 10 triệu cử tri Pháp không còn tin tưởng vào đảng cầm quyền và tìm hy vọng trong đảng cực hữu. Trước viễn cảnh chủ tịch đảng RN Jordan Bardella có thể trở thành thủ tướng nếu (theo tuyên bố trước đây) có được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện (289 ghế), chính sách thắt chặt nhập cư của RN khiến người nước ngoài, di dân cũng như những người mang song tịch không khỏi lo lắng. Trả lời RFI ngày 28/06, ông Alioune Tine, người sáng lập trung tâm AfrikaJom Center, bày tỏ :

"Khi nghe những phát biểu của Bardella, người ta hết sức phẫn nộ, nhất là về những người mang song tịch không được đảm nhiệm một số chức vụ. Thật không tưởng tượng được ! Người ta nghĩ là có hai kiểu người Pháp trong nền Cộng hòa, một kiểu người Pháp gốc, còn một kiểu công dân hạng hai vẫn bị "phân biệt chủng tộc" - phải gọi đúng tên hiện tượng đó. Tôi thấy vô cùng nguy hiểm. Đối với nước Pháp, đó là sẽ sự thụt lùi rất lớn khi kêu gọi bầu cho những người có những phát biểu kiểu này, những phát biểu tấn công vào người châu Phi, Bắc Phi, người Hồi Giáo. Nhìn vào tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng người châu Phi cũng như các nhà lãnh đạo châu Phi phải có trách nhiệm yêu cầu cộng đồng người gốc châu Phi không cho cực hữu Pháp bất kỳ lá phiếu nào".

Hủy nguyên tắc nhập quốc tịch theo nơi sinh

Ngày 24/06, Jordan Bardella tuyên bố "kiểm soát nhập cư", cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là chủ đề "cấp bách thứ ba" trong chương trình hành động nếu đảng RN lập được chính phủ (1). Rất nhiều biện pháp thắt chặt, mang tính phân biệt sẽ tác động trực tiếp đến người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt.

Cụ thể, đảng RN sẽ hủy quyền nơi sinh (được nhập quốc tịch nếu sinh ra trên lãnh thổ Pháp). Thực ra, luật nhập cư được thông qua tháng 01/2024 đã thắt chặt điều kiện này. Thay vì được "tự động" nhập quốc tịch Pháp vào năm 18 tuổi (và phải sống ít nhất 5 năm tại Pháp từ năm 11 tuổi), một trẻ em sinh ra ở Pháp và có bố mẹ là người nước ngoài phải làm thủ tục để xin nhập quốc tịch trong thời gian từ 16 đến 18 tuổi. Nếu chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện, đảng RN sẽ đi xa hơn khi muốn đệ trình "luật khẩn cấp" ngay trong mùa hè để hủy "quyền nơi sinh", đồng thời cho lập một quỹ mới Hỗ trợ sinh mạng khẩn cấp (Aide d’urgence vitale, AUV) thay cho Hỗ trợ Y tế Nhà nước (Aide médicale d’Etat, AME) mà người nước ngoài, thường có thu nhập thấp, được hưởng.

Tuy nhiên, hủy quyền nơi sinh là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý và kéo dài. Smaïn Laacher, giám đốc Đài quan sát di trú và tị nạn tại Quỹ Jean Jaurès, lo ngại "điều tệ nhất cho người nhập cư". Ông giải thích với trang Euractiv : "Hủy quyền nơi sinh sẽ thay đổi triệt để vị trí của di dân trong xã hội Pháp và mối quan hệ giữa xã hội Pháp và di dân. Việc này sẽ dẫn đến một loạt phân biệt đối xử và những vấn đề liên quan đến sự gắn bó với đất nước Pháp, và do đó là với quốc tịch Pháp. Rất nhiều người có thể tự nhủ rằng "Pháp đã chối bỏ chúng tôi nên chúng tôi cũng từ bỏ nước Pháp"".

Khối Schengen chỉ "dành cho công dân Châu Âu"

Xin visa tại một nước nhưng khách nước ngoài có thể tự do đi lại trong toàn khối Schengen. Thế nhưng tự do này có thể sẽ bị chấm dứt nếu đảng RN chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và giữ chìa khóa điện Matignon. Đảng cực hữu muốn "mở đàm phán với các đối tác Châu Âu để duy trì quyền tự do đi lại trong khối Schengen chỉ dành cho công dân Châu Âu". Biện pháp này sẽ đi ngược lại Hiệp ước Tị nạn và Di trú, được Liên Âu thông qua ngày 14/05/2024 nhưng các nghị sĩ Châu Âu của đảng RN đã bỏ phiếu chống và có ý định kiện với lý do Liên Âu vượt quá thẩm quyền.

Trên thực tế, một số người nước ngoài cho biết họ cảm thấy bị chú ý hơn, bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn khi di chuyển trong khối. Serge Aimé Coulibaly, một nghệ sĩ và biên đạo múa người Burkina Faso, hiện sống ở Úc nhưng thường xuyên biểu diễn ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới, lo ngại về những hệ quả nặng nề đối với các nghệ sĩ châu Phi trong trường hợp cực hữu lên nắm quyền :

"Chắc chắn việc đó tác động vô cùng nặng nề đến công việc, đến di chuyển của chúng tôi. Nhưng tác động sẽ ít hơn những gì người ta nghĩ vì thực ra chúng tôi đang phải hứng chịu rồi. Mọi chuyện lúc nào cũng phức tạp đối với những nghệ sĩ châu Phi như chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ muốn đi lại, cứ như chúng tôi không phải là một phần của thế giới.

Tôi thấy nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp của mình bị chặn lại, không thể biểu diễn trong khi đối với rất nhiều người trong số họ, đó là những dự án cả đời, bỗng bị sụp đổ. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngày càng có nhiều tác nhân phân biệt chủng tộc, rất nhiều hành động chống người nước ngoài, chủ yếu là chống người châu Phi. Về phần mình, chúng tôi cũng cảm nhận phần nào bị phân biệt trong những buổi trình diễn ở Pháp".

Thắt chặt nhập cư : Nước Pháp còn tỏa sáng trong giáo dục ?

Về giáo dục, Jordan Bardella cho biết đảng cực hữu chủ trương "chấn hưng học đường" và tạo ra "cú nổ quyền lực" (2) với những biện pháp thắt chặt kỉ cương, như chấn chỉnh cách xưng hô tôn trọng giáo viên nhưng sẽ gây khoảng cách lớn giữa thầy và trò, biến trường học thành "nơi trú ẩn bất khả xâm phạm" để "bảo vệ công chức" trước những sức ép, hăm dọa từ phía phụ huynh, cải thiện kiến thức cơ bản của học sinh… Trong chương trình vận động tranh cử tổng thống năm 2017, bà Marie Le Pen từng muốn hủy quyền "miễn học phí" đối với học sinh là người nước ngoài. Đảng RN cũng từng chủ trương cấm giảng dạy một số ngoại ngữ, như tiếng Ả Rập, trong trường học.

Còn ở cấp đại học và cao học, sự trỗi dậy của đảng Tập Hợp Dân Tộc, về đầu trong cuộc bầu cử Hạ Viện vòng 1 như kết quả thăm dò trước đó, được sinh viên nước ngoài nhìn nhận ra sao ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp, Đại học Sư phạm Paris Saclay, thuộc Đại học Paris Saclay, cho biết :

"Tôi là người trực tiếp quản lý sinh viên quốc tế trong Master Monabiphot quốc tế nên cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên đến từ nhiều nước. Có những bạn rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về bầu cử ở Pháp. Nhưng cũng có những bạn đến từ những nước, chẳng hạn như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, nơi người ta không có thói quen bày tỏ. Thứ hai, người ta không bày tỏ là do họ bị hạn chế về ngôn ngữ nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra cả, trừ khi họ đọc báo bằng ngôn ngữ của họ. Khi nói chuyện với các bạn ít để ý thông tin hoặc không có thói quen thì họ chỉ biết cười, không hiểu gì cả, người ta còn hỏi lại : Thế thì thế nào hả thầy ? Người ta cũng không sợ sệt chuyện tương lai sẽ xảy ra.

Còn những bạn thường đến từ những nước Bắc Phi, họ nói tiếng Pháp tốt và thực ra họ có nhu cầu sang Pháp nhiều hơn và bằng nhiều con đường, trong đó có con đường "chính thống" tức là đi học, những người này quan tâm đến chính trị ở Pháp hơn thì họ thể hiện những quan ngại nhất định. Nhiều người có khi còn phát biểu rất mạnh, theo kiểu phân biệt chủng tộc. Nhìn chung thì tôi có thể nói như thế. Nhưng phải nói là phần lớn sinh viên quốc tế không thể hiện lắm, trừ khi các thầy hỏi".

Trong số những nghiên cứu sinh nước ngoài đến Pháp du học, rất nhiều người được chính phủ Pháp cấp học bổng từ bậc thạc sĩ. Đây là một phần trong kế hoạch "Nước Pháp tỏa sáng trên thế giới", có từ năm 2018, nhấn mạnh đến giáo dục-đào tạo tầng lớp tinh hoa cho các nước đối tác, phát triển khối Pháp ngữ… Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều bất cập, theo phó giáo sư Lại Ngọc Điệp :

"Thực ra chương trình "Nước Pháp tỏa sáng", các kế hoạch của chính phủ Macron hiện tại cũng đã được đề cập, nhắc đến nhiều. Nhưng nếu chúng ta đang ở nước Pháp, thì cũng phải thấy rằng từ chuyện nói cho đến chuyện thực hiện rất là khác nhau. Lấy một ví dụ để nói rằng chính phủ của Macron đã muốn nâng cao vị thế của nước Pháp, muốn nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đặc biệt là sinh viên nước ngoài và thu hút sinh nước ngoài giỏi đến bằng cách là họ tăng học phí đại học, thạc sĩ từ mấy năm nay. Lý do của họ là dùng số tiền tăng học phí để mở các lớp, ví dụ đào tạo thêm tiếng Pháp, hỗ trợ sinh viên… Nhưng trên thực tế thì không khác nhau gì cả bởi vì cách làm không khác nhau, không có lớp tiếng Pháp nào mở ra, sinh viên nước ngoài cũng không có thêm được lợi ích gì và thực ra cũng không thu hút được sinh viên giỏi so với trước đây là bao nhiêu. Tức là trước đây đã thu hút người nước ngoài rồi thì hiện giờ vẫn thế. Từ chuyện chính sách cho đến thực hiện không được đồng bộ lắm".

Vậy kế hoạch này có bị tác động trong trường hợp đảng Tập Hợp Dân Tộc chiếm được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và thành lập được chính phủ ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp nhận định :

"Thực ra, đối với sinh viên nước ngoài, theo quan sát và suy nghĩ của tôi, chính sách của họ cũng không thể ảnh hưởng quá lớn. Tất nhiên là phải chờ nếu họ lên, họ sẽ làm thế nào bởi vì hiện tại, những chính sách họ đưa ra thì thực ra họ đề cao những điều tốt nhất cho người dân Pháp. Trong các chương trình của họ, họ không nói đến chuyện cấm đoán sinh viên nước ngoài.

Nếu chúng ta là những người có nhu cầu học tập và học tập tốt mà muốn đến nước Pháp để học, sau đó chỉ coi nước Pháp là nơi mình có cơ hội học tập tốt nhất, còn làm việc thì mình có thể làm việc ở Pháp, ở nước ngoài hoặc trở về chính nước mình, nếu trong quan điểm của người đi học, họ nghĩ như thế, thì thực ra tôi nghĩ cực hữu sẽ không phản đối gì. Nhưng nếu trong suy nghĩ của một số người đến nước Pháp với mục đích ở lại, ngoài ra đúng là có một số người nước ngoài không được ở lại hoặc không được thỏa mãn một số thứ thì họ đã phá rối nước Pháp, rõ ràng những người như thế là những người sẽ lo lắng. Còn những người bình thường, tôi nghĩ rằng sẽ không quá ảnh hưởng, mặc dù tất nhiên phải chờ xem nếu cực hữu lên được, họ làm như thế nào nhưng hiện tại tôi, hoặc trong các cuộc trao đổi với đồng nghiệp, thì họ cũng nói là không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không ai dám nói chắc chuyện gì sẽ xảy ra !"

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng
Read 521 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)