Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/07/2024

Điểm báo Pháp - Cuba vẫn điêu linh

RFI tiếng Việt

Ba năm sau nổi dậy, Cuba vẫn điêu linh

Le Figaro ngày 11/07/2024 nhận xét đúng ba năm sau cuộc nổi dậy ngày 11/7, đảo quốc Cuba tiếp tục tàn tạ, người dân vẫn đói khổ.

cuba1

Một hàng thịt ở phố cổ La Havana, Cuba. Ảnh tư liệu chụp ngày 31/01/2017. © AP

Bãi biển không người, khách sạn hoang vắng

Những bãi cát mịn ở Santa Maria del Mar, phía đông La Havana, chưa bao giờ buồn thảm như thế vào đầu mùa hè. Ngay cả trước cách mạng 1958 hay cách đây vài năm, vẫn còn đông đảo người đến nghỉ mát. Đàn ông uống rượu Rhum, phụ nữ chuộng loại bia nội địa Cristal hay soda Refrescos, trong tiếng nhạc salsa hoặc reggeaton cho tuổi thiếu niên.

Điệu salsa đã tắt từ lâu, bãi biển không bóng người, năm khách sạn chỉ còn có hai hoạt động, trong đó khách sạn có vốn đầu tư trong nước đang trong tình trạng thảm hại. Không còn ai nhắc đến Cách mạng, mà chỉ nhớ vụ đàn áp biểu tình ngày 11/07/2021, được gọi là 11J, gây chấn thương trầm trọng cho nhân dân Cuba.

Ngày hôm đó, bắt đầu từ San Antonio de Los Baños, một thành phố nhỏ gần La Havana, cuộc nổi dậy đòi tự do nhanh chóng lan ra khắp đảo quốc. Sợ hãi trước tầm vóc sự kiện, tổng thống Diaz-Canel ra tay đàn áp. Nhiều ngàn người đã bị bỏ tù, và đến nay ít nhất 700 người vẫn đang bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt. Cả nước đang đói kém, người tù càng đói hơn, đau ốm không có thuốc chữa.

Đấu tranh ôn hòa vẫn bị đàn áp, người dân tìm cách ly hương

Những ai chỉ trích tình trạng kinh tế xã hội và cách quản lý của chế độ cũng trở thành mục tiêu. Le Figaro dẫn báo cáo của Tổ chức quan sát nhân quyền Cuba (OCDH) có trụ sở ở Madrid cho biết chỉ trong tháng 5 đã có ít nhất 360 vụ trấn áp. Tuy không còn có được tầm cỡ của 11J, nhưng biểu tình vẫn diễn ra hàng tháng vì đói, vì cúp điện, vì mất tự do.

Những nhà ly khai bị chế độ cho là nguy hiểm nhất đã bị buộc lưu vong tại Hoa Kỳ hay Tây Ban Nha ngay sau vụ 11J. Đối lập chia rẽ, cả lớp trẻ cũng không hy vọng có tác động gì. Một trong những nhà lãnh đạo Phụ nữ Áo trắng hồi tháng 4 đã nói với Los Angeles Times, Cuba không có được phong trào đối lập vì các tổ chức rời rạc, bị an ninh thâm nhập sâu. Ngược lại, xã hội dân sự vẫn bất mãn, với những cuộc xuống đường ôn hòa, nhưng thường nhất là gõ nồi chảo để phản đối. Đó là những vụ phản kháng không người lãnh đạo, từ tâm trạng tuyệt vọng.

Tháng 3 vừa qua hàng ngàn người đã biểu tình ôn hòa tại các thành phố lớn miền đông, để kêu đòi cơm áo, chấm dứt cúp điện. Như thường lệ, chế độ cắt internet để tránh biểu tình lan rộng, điều lực lượng Boinas Negras (mũ đen) và Boinas Rojos (mũ đỏ) đến đàn áp. Thay vì tìm cách thay đổi về chính trị, cư dân nay chỉ muốn ra đi.

Đầu tháng 7, chính quyền cho biết ba triệu người Cuba đã ra nước ngoài, nhưng người ta cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Có những con đường ở thủ đô đang vắng hẳn dân cư. Chế độ muốn giữ quyền lực bằng mọi giá, tuy theo một người ở La Havana, dân Cuba chẳng cần gì nhiều. "Hãy cho dân chúng một ít gạo, thịt và rượu Rhum, thì không ai biểu tình nữa. Đó là tất cả những gì người Cuba cần".

Pháp : Cánh tả về đầu, thủ tướng cánh hữu ?

Trong lá thư gởi đến dân Pháp, tổng thống Emmanuel Macron cổ vũ cho việc xây dựng một liên minh không có lực lượng cực hữu và cực tả. Theo Les Echos, nỗi sợ cực tả đã đánh thức cánh hữu, nghĩ đến việc hợp tác. Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội được diễn dịch khác nhau. Mặt trận Bình dân Mới cho rằng cử tri "muốn chương trình của chúng tôi", bên cánh hữu phản bác là người đi bầu chỉ "muốn chống lại cực hữu", còn cánh trung muốn hiểu rằng phải hợp tác với nhau.

Tổng thống Emmanuel Macron khẳng định "không có ai chiến thắng". Số 182 ghế mà Mặt trận Bình dân Mới giành được không cao hơn "Ensemble" bao nhiêu, và còn rất xa so với đa số tuyệt đối 289 ghế, nhưng cánh tả nhất quyết đòi nắm quyền. Phía cánh hữu tuy từ chối liên minh với đảng của Macron nhưng đề nghị một "thỏa ước lập pháp", có thể bỏ phiếu cho một số văn bản. Vài nhân vật bên phía Macron nói rằng không phản đối một thủ tướng cánh hữu, còn Emmanuel Macron hiện chưa quyết định, ông chỉ kêu gọi một đa số "vững chắc và đa phương".

Thăm hai quốc gia thù địch với EU, Viktor gây phẫn nộ

Tại Châu Âu, chuyến thăm Nga và Trung Quốc của thủ tướng Hungary gây phẫn nộ cho các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU). Le Monde nhận định, ông Viktor Orban gây ngạc nhiên cho tất cả mọi người khi vừa giữ chức chủ tịch luân phiên đã thực hiện "sứ mệnh hòa bình" - đến Kiev rồi Moskva và Bắc Kinh, có ghé qua Azerbaijan. Một cuộc hòa giải vì thấu hiểu các nhà độc tài chăng ? Rất tiếc là hoàn toàn không phải như vậy.

Các video "Peace Mission 3.0" theo kiểu phim hành động mà Viktor Orban đăng lên mạng xã hội sau mỗi giai đoạn, đã thành trò cười sau khi hỏa tiễn Nga rơi xuống bệnh viện nhi lớn nhất Ukraine ở Kiev, và biến Orban thành "kẻ ngốc hữu dụng". Thủ tướng Hungary vừa ra khỏi Kremlin, Vladimir Putin đã trút một trận bão hỏa tiễn xuống các thành phố Ukraine, trong đó có bệnh viện nhi và bệnh viện phụ sản ở thủ đô Kiev làm 27 người thiệt mạng trong đó có nhiều trẻ em.

Bruxelles chỉ phản ứng chừng mực, nhấn mạnh rằng ông Orban không hề được EU giao phó sứ mệnh. Nhưng đối với Ba Lan thì không thể im lặng được nữa. Warszawa công khai hối tiếc đã không ngăn cản việc Hungary làm chủ tịch luân phiên, và mời họp 27 đại sứ ở EU để nêu ra trường hợp này. Nhưng Viktor Orban với đảng Fidesz của ông ta đã có đủ thời gian để lập ra nhóm mang tên Ái quốc tại Nghị viện Châu Âu với sự tham gia của cực hữu Pháp. Nhóm cực hữu này trở thành nhóm lớn thứ ba tại Nghị Viện Strasbourg, đẩy nhóm trung dung Renew Europe xuống thứ năm, sau một nhóm cực hữu khác của thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

Như vậy dù thoát khỏi nguy cơ Tập Hợp Dân Tộc (RN) nắm quyền ở Pháp, cực hữu đang phá hoại từ bên trong Châu Âu. Đó là do thiếu các nhà lãnh đạo nhiệt tình : thủ tướng Đức Olaf Scholz bận rộn với những chuyện nội bộ, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang phải cố đối đầu với trận bão do chính ông gây ra. Người hài lòng nhất là Vladimir Putin.

Châu Âu chuẩn bị trả đũa

Les Echos cho biết Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị trả đũa những khiêu khích của Viktor Orban, sau một loạt chuyến thăm những nước thù địch chỉ muốn phá hoại Châu lục. Chủ tịch nhóm Nhân dân Châu Âu (PPE), lớn nhất trong Nghị viện Châu Âu tuyên bố "Viktor Orban không phải là người kiến tạo hòa bình mà ngược lại chỉ làm cho chiến tranh kéo dài mãi, và ông ta cần ngưng các chuyến đi".

Ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu ; Josep Borrell, đại diện ngoại giao, và lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đều lên tiếng phản đối Orban. Chủ tịch luân phiên có nhiệm vụ điều phối hoạt động, không được phép nhân danh EU trên trường quốc tế. Tại Bruxelles, những biện pháp trả đũa bắt đầu được đại sứ các nước đề ra, chẳng hạn tẩy chạy các cuộc họp trong những tháng tới. Ở Nghị viện Châu Âu, các nghị sĩ bàn bạc về việc rút lại chức chủ tịch để trao cho Ba Lan, quốc gia sẽ lên thay vào đầu năm tới. Nhưng rất khó thực hiện vì phải mất nhiều tháng chuẩn bị cho chức trách này, và cũng không muốn tạo ra tiền lệ.

Hôm qua bộ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu của Hungary Janos Boka đã biện minh bằng cách trình ra lá thư, trong đó Viktor Orban nói rằng Vladimir Putin sẵn sàng cho "mọi đề nghị ngưng bắn nếu không phục vụ cho việc tái tổ chức quân đội Ukraine". Một nhân vật có ảnh hưởng ở Nghị Viện cho rằng không nên để Viktor Orban đóng vai trò trung tâm, ấn định lịch trình thảo luận trong EU.

NATO hỗ trợ Ukraine về phòng không

Xã luận của La Croix kêu gọi "Chiến đấu cơ cho Kiev", Les Echos ghi nhận "Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, đồng minh tăng cường phòng không cho Ukraine", và khẳng định con đường gia nhập của Kiev là không thể đảo ngược.

Tất cả những từ ngữ đều được cân nhắc và thương thảo từ nhiều tuần qua, các nhà ngoại giao làm việc cật lực để ra được thông cáo chung của 32 quốc gia thành viên. Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố ông tin tưởng NATO sẽ tái cam kết về việc Ukraine sẽ trở nên thành viên. Nước chủ nhà Hoa Kỳ ban đầu thận trọng nói về "chiếc cầu" dẫn đến việc kết nạp, nhưng chịu áp lực để tỏ ra có tiến bộ so với hội nghị Vilnius ở Litva cách đây một năm.

Trước mắt, tất cả thành viên đều muốn bảo đảm cung cấp thêm phương tiện cho Volodymyr Zelensky, hiện diện tại hội nghị. Hôm qua ngoại trưởng Antony Blinken loan báo việc chuyển giao F-16 từ Đan Mạch và Hà Lan "đang diễn ra", và trước đó tổng thống Joe Biden xác nhận việc gởi bốn hệ thống phòng không Patriot và một giàn SAMP/T - thật ra chỉ có thêm một vì bốn hệ thống đã được hứa trước đó. Sức khỏe của ông chủ Nhà Trắng được quan sát kỹ lưỡng, nhưng mọi việc diễn ra ổn thỏa.

Nga ồ ạt tái vũ trang

Trong khi đó Le Monde giải thích "Vì sao quy mô tái vũ trang của Nga gây lo ngại". Hỏa tiễn, xe tăng, drone tiếp tục được xuất xưởng, và Putin hợp đồng với Bắc Triều Tiên, Iran, Trung Quốc để tránh né cấm vận của phương Tây. Hồi tháng 4, tướng Christopher Cavoli, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Châu Âu đã cảnh báo, Nga có thể đưa ra chiến trường trên 1.200 chiến xa mỗi năm, và sản xuất ít nhất 3 triệu quả đạn pháo, rốc-kết một năm, gấp ba lần so với ước tính vào đầu cuộc xâm lăng, và nhiều hơn cả 32 quốc gia thành viên NATO cộng lại.

Từ nhiều tháng qua, kỹ nghệ quốc phòng Nga đã chuyển sang làm ba ca với số dây chuyền sản xuất tăng lên, mở thêm nhà máy… cùng với việc bổ nhiệm nhà kinh tế Andrei Belusov làm bộ trưởng quốc phòng. Kể từ đầu năm nay, số dự trữ hỏa tiễn hành trình vốn có sức tàn phá nhiều nhất đã tăng lên 200 quả, số xe tăng xuất xưởng cũng tăng. Kể từ năm ngoái, Nga đã có các chuỗi lắp ráp loại drone tự sát, ban đầu do Iran cung cấp có dạng như hỏa tiễn. Theo CSIS, gần 3.000 drone loại này đã được sử dung từ tháng 1 tới tháng 4. Về đạn pháo, chỉ riêng năm 2023 đã có 2,5 triệu quả được Bắc Triều Tiên giao qua cảng Vostochny gần Vladivostok.

Trung Quốc thì bán cho Nga các thiết bị lưỡng dụng, như sợi aramide chống nhiệt dùng cho áo giáp và thiết bị đào hào, hay các drone FPV (First Person View) trang bị camera hoàn toàn dùng linh kiện Trung Quốc. Bên cạnh đó là hệ thống tự động cho máy công cụ để sản xuất thiết bị cho xe thiết giáp, phụ tùng phi cơ. Theo hình ảnh vệ tinh được Radio Free Europe công bố, một chi nhánh của tập đoàn Kalashnikov đã mua lại một trung tâm thương mại để cải tạo thành nhà máy drone tự sát Italmas. Tại Irkutsk ở Siberia, địa điểm sản xuất phụ tùng cho Su-30 đã có thêm hai tòa nhà mới.

Trước tình hình này, Hoa Kỳ đã mở rộng cấm vận Moskva và trừng phạt thứ cấp trên 300 công ty ở các nước đã hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Đặc biệt từ 12/09 cấm cung cấp mọi tư vấn và giải pháp tin học, dù chỉ đơn giản là phần mềm quản lý hay hệ thống lưu trữ dữ liệu.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 216 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)