Tội ác mới của Nga : Bắn hỏa tiễn vào bệnh viện nhi ở Kiev
Chính trường nước Pháp sau bầu cử Quốc hội, hội nghị thượng đỉnh nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập NATO là các chủ đề chính của báo chí hôm nay 09/07/2024. Tại Ukraine, sự kiện gây xúc động lớn là một bệnh viện nhi ở Kiev bị hỏa tiễn hành trình của Nga tấn công làm nhiều người thiệt mạng trong đó có các trẻ em. Libération nhấn mạnh "Tại Ukraine, một trận mưa hỏa tiễn trước thượng đỉnh NATO".
Những người cứu hộ tại bệnh viện nhi Ohmatdyt ở Kiev bị hỏa tiễn Nga tàn phá ngày 08/07/2024. Reuters - Gleb Garanich
Oanh kích bệnh viện nhi Kiev : Không thể là tình cờ
Theo Libération, đó là đợt tấn công quy mô nhất kể từ nhiều tháng qua. Ba mươi tám hỏa tiễn đủ loại, từ đạn đạo, hành trình đến loại địa-không Kinjal đã đánh vào nhiều thành phố Ukraine sáng hôm qua, gây thiệt hại nhân mạng nặng nề. Thủ đô Kiev bị thiệt hại nhiều nhất, với ít nhất 32 người thiệt mạng theo AFP do nhiều hỏa tiễn tấn công, trong đó có bệnh viện nhi lớn nhất nước với 720 giường, thực hiện 10.000 cuộc phẫu thuật một năm.
Phá hủy khoa chạy thận và truyền máu cho trẻ em lúc các bác sĩ và y tá đang chăm sóc bệnh nhi, đó là thành tích của quân đội Vladimir Putin. Bệnh viện Ohkmatdyt nổi tiếng xưa nay, nhất là khoa ung thư, có quy mô tương đương với bệnh viện Necker của Paris. Các y tá vẫn tiếp tục truyền dịch cho các em, không chạy xuống hầm tránh những đợt tấn công khác. Dmytro, bác sĩ nội trú nói với Libération, rõ ràng quân Nga nhắm vào bệnh viện, không thể là vô tình vì Ohkmatdyt được biết tiếng trên toàn Liên Xô cũ. Có nhiều tòa nhà xung quanh, nhưng khu đất của bệnh viện đủ rộng trên bản đồ để một hỏa tiễn đạn đạo không thể lầm lẫn mục tiêu.
Giải Nobel hòa bình Oleksandra Matviichuk bất bình viết trên mạng X : "Một vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào bệnh viện cho trẻ em ở Kiev là đáng buồn, nhưng bình thường. Ngược lại, cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây đánh vào các phi trường quân sự Nga, nơi các chiến đấu cơ Nga cất cánh để bắn hỏa tiễn vào các bệnh viện nhi, lại bị coi là leo thang". Logic của các nhà quản trị phương Tây quả là khó hiểu !
Nga dùng hỏa tiễn hành trình tấn công trẻ em ?
Thông tín viên La Croix mô tả, thủ đô Kiev trên lý thuyết được bảo vệ nhiều nhất, từ nhiều tuần qua cư dân đã làm quen với việc cúp điện thường xuyên vì Nga đánh vào cơ sở hạ tầng. Nay họ phải trở lại với tình trạng còi báo động rền vang, tiếng nổ của những hỏa tiễn bị phòng không bắn rơi từ trời, những phát súng nhắm vào drone địch… và hồi hộp chờ đợi trong các trạm métro được biến thành hầm trú ẩn. Moskva chối không nhắm vào thường dân nhưng đến chiều, Bộ Quốc phòng Nga thay đổi giọng điệu, nói rằng thiệt hại ở bệnh viện nhi là do "một hỏa tiễn phòng không của Ukraine bị rơi". Tuy nhiên nhiều video cho thấy rõ một hỏa tiễn bay đến tấn công bệnh viện Okhmadyt. Đại diện Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, Danielle Bell cho rằng Nga đã bắn trực tiếp vào bệnh viện bằng hỏa tiễn loại Kh-101.
Khi phóng viên đến nơi, những hàng dài người dân đã giúp đào bới từ đống gạch vụn, cứu được khoảng 40 trẻ em còn sống. Bệnh viện nay không còn nước uống, điện, oxy dự trữ nên phải sơ tán toàn bộ. Ngay chiều hôm qua, tổng thống Volodymyr Zelensky lên án vụ tàn sát, đòi hỏi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn. AFP dẫn lời một viên chức cao cấp Liên Hiệp Quốc gọi đây là "tội ác chiến tranh". Les Echos ghi nhận hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington khai mạc từ hôm nay đề ra mục tiêu tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.
Sau bầu cử, vất vả tìm kiếm một đa số trong Quốc hội Pháp
Chính trường nước Pháp sau bầu cử Quốc hội là chủ đề chính của báo chí hôm nay. Le Monde ra từ chiều hôm trước tóm tắt tình hình : "Cánh tả về đầu nhưng không đạt đa số, mặt trận cộng hòa khiến RN thất bại". Le Figarođưa tít "Macron : Liên minh không tìm thấy", La Croixnói về "Một liên minh cần phải sáng tác ra",trong khi Libération thiên tả đưa tít trang nhất đầy khiêu khích "Allo, Macron", với ảnh những nhân vật cánh tả đang chờ nắm quyền. Nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến "Nỗi sợ bất ổn" của doanh nghiệp : Mối đe dọa cực hữu đã được gác sang một bên, giới chủ nay sợ chính sách kinh tế nghiêng sang tả.
Xây dựng chính phủ liên minh : Thiếu kiến trúc sư
Le Figaro ví việc lập chính phủ liên minh với "tái thiết nhưng không có kiến trúc sư". Việc giải tán Quốc hội đã tạo ra một phương trình với hai ẩn số. Trước hết là sự thiếu vắng đa số tuyệt đối trong Quốc hội mới với ba khối tách biệt, và thiếu những tên tuổi có thể áp đặt phương pháp hay lịch trình ra khỏi khủng hoảng.
Trên lý thuyết, tổng thống Emmanuel Macron có quyền quyết định. Hiến pháp dành cho ông, và chỉ mình ông quyền chỉ định thủ tướng. Nhưng cánh tả không hề muốn thương lượng, chỉ muốn áp đặt, và những nhân vật trong đảng của Macron nay cũng không muốn ông toàn quyền ấn định nội các. Đây cũng không phải là vấn đề cá nhân mà là một sự chuyển đổi về định chế : mọi người tin rằng Quốc hội mới sẽ đưa ra giải pháp và tổng thống phải chấp nhận.
Cánh tả từ tối Chủ nhật đã xênh xang ca khúc khải hoàn, sau khi bất ngờ về đầu mà chính phe này cũng ngạc nhiên. Về đầu, chứ không phải là chiến thắng. Chỉ cần nhớ lại những gì mà các lãnh đạo cánh tả đã nói cách đây hai năm : với "chỉ" 259 dân biểu, đảng của Macron là thiểu số cầm quyền. Còn nay với 180 dân biểu, phe tả lại đòi toàn bộ quyền lực không tranh cãi ! Hơn nữa ngay trong Mặt trận Bình dân Mới cũng chia rẽ, không có được một lãnh tụ như Jospin năm 1997 mà tất cả đều quy phục. Về phía những người đứng đầu phe đa số mãn nhiệm, người muốn làm việc với cánh hữu, người muốn tạo dựng một cụm dân chủ-xã hội. Nhưng quá nhiều ứng viên cho vai kiến trúc sư trưởng không bảo đảm được sự vững chắc của công trình.
Chia rẽ trong từng khối
Le Monde cho rằng thay vì làm rõ tình hình như Macron mong muốn, cuộc bầu cử làm đất nước chìm trong sương mù. Chỉ duy nhất một điểm rõ ràng : người Pháp cho thấy không muốn đảng Tập Hợp Dân Tộc lên cầm quyền, mặt trận chống cực hữu dù lập nên vội vã đã chiến thắng.
Quốc hội mới khó thể điều khiển, ngoại trừ có được thỏa thuận giữa Mặt trận Bình dân Mới và Ensemble - dù nhiều năm qua kịch liệt đối đầu - đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) và Tập Hợp Dân Tộc (RN) đều đã tuyên bố không liên minh với đảng Macron. Trong nội bộ cả hai khối cũng chia rẽ về ý tưởng lẫn chiến lược. Ở cánh tả, Jean-Luc Mélenchon ngày càng bị chống đối, khối cánh trung bị thiệt mất gần trăm dân biểu cũng bất đồng giữa những người khuynh tả và khuynh hữu.
Điều mỉa mai của lịch sử là việc giải tán Quốc hội đã mở đường cho dân chủ nghị viện, với sự quay lại của nhiều tên tuổi cũ (François Hollande, Laurent Wauquiez, Elisabeth Borne, Gabriel Attal…). Tổng thống đành phải chấp nhận trung tâm quyền lực chuyển sang Quốc hội, và sống chung với một thủ tướng khác. Nhưng dù sao Emmanuel Macron tránh được kịch bản tệ hại nhất : nếu cực hữu chiến thắng, Marine Le Pen và Jean-Luc Mélenchon chắc chắn đòi ông từ chức.
Ngoài RN bị thất bại, khối trung dung vui mừng vì kết quả không tệ như dự báo, cánh tả qua chiến thắng bất ngờ đòi chức thủ tướng và phải áp dụng chương trình của mình. Ngay cả LR đang sa sút cũng đã khởi sắc hơn. Nhưng dường như tất cả đều quên rằng cử tri trước hết muốn chặn đường cực hữu chứ không phải trao cho họ thượng phương bảo kiếm. Ngoài ra, đảng của Jordan Bardella từ 8 dân biểu năm 2017 và 89 năm 2022 nay đã vọt lên 143, là nhóm lớn nhất ở Hạ Viện. Cử tri của đảng này giận dữ vì chiến thắng ngỡ đã trong tầm tay, sẽ huy động trong kỳ bầu cử tổng thống 2027.
Những "con chiên lạc" góp phần vào thất bại của cực hữu
Về thất bại của đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN), La Croix dẫn lời các chuyên gia nhận định đảng này luôn gây sợ hãi. Nỗi sợ một chính phủ cực hữu đã khiến cử tri đi bỏ phiếu đông đảo, với tỉ lệ 66,7 %, cao nhất kể từ 1997. Thủ lãnh đảng này, Jordan Bardella đả kích "liên minh đáng xấu hổ". Nhưng thực ra chiến lược rút các ứng cử viên của các đảng để lại người có thể đương đầu với RN, tuy hiệu quả nhưng không phải là yếu tố chính. Chiến dịch tranh cử chớp nhoáng đã bộc lộ những khiếm khuyết của RN.
Trước hết là cương lĩnh : Đảng này nhiều lần gây thất vọng cho cử tri mình vì mập mờ về cải cách hưu trí, đổi chiều về một số biện pháp chủ yếu trước đó như hủy bỏ thuế VAT cho 100 mặt hàng thiết yếu. Nhưng gây bất bình nhiều nhất là phân biệt đối xử với người song tịch, Bardella không ngờ gây tranh cãi nhiều như vậy.
Vấn đề lớn khác là một số ứng cử viên cực hữu có những tuyên bố phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, bài Do Thái. RN tỏ ra bất lực trong việc tìm những ứng viên bình thường. Theo chuyên gia Jean-Yves Camus, Jordan Bardella nói về "bốn, năm con chiên lạc" nhưng thực ra số chiên lạc lên đến khoảng năm chục ! Những ứng cử viên này làm vòng hào quang bình thường hóa của RN bị tổn thương.
Từ 2022, Marine Le Pen áp đặt "chiến lược cà vạt » cho các dân biểu phe mình, phải có bề ngoài đứng đắn. Nhưng tủ kính đẹp đẽ này đã bị phá vỡ bởi các ứng cử viên bất tài, thiếu chuẩn bị, cực đoan, bạo lực, thậm chí không biết đến đơn vị bầu cử được giao. Bên cạnh đó là thiếu nỗ lực vận động : Jordan Bardella chỉ rời Paris có một lần trong suốt chiến dịch để đến Loiret. Hình của ứng cử viên nhiều khi còn không thể thấy trong áp-phích tranh cử, chỉ có ảnh thật lớn của cặp Le Pen-Bardella.
Hiến Pháp đã trang bị sẵn "vũ khí" cho chính thể
Les Echos phân tích "Những vũ khí nguyên tử của Hiến Pháp". Đó là những điều khoản cho đến nay chưa được áp dụng, nhưng sắp tới có thể được vận dụng trong vấn đề hóc búa là ngân sách chẳng hạn.
Trước hết là Điều 8 : "Tổng thống bổ nhiệm thủ tướng", và hoàn toàn không có ràng buộc gì khác. Trong bối cảnh phải sống chung, tổng thống François Mitterrand và Jacques Chirac đã chỉ định thủ tướng thuộc đảng đối lập. Nhưng lần này Mặt trận Bình dân Mới không có được đa số lẫn thủ lãnh, nên bất lợi hơn. Trong điều kiện này, Emmanuel Macron khó thể giao phó chìa khóa cho một người đã tuyên bố tăng cao lương tối thiểu và lương công chức ngay khi bước vào điện Matignon.
Hoặc với Điều 47, nếu bị Quốc hội chặn ngân sách, chính phủ vẫn có thể tiếp tục chi tiền bằng các nghị định, và tiếp tục thu ngân sách với điều kiện "khẩn cấp đòi Quốc hội cho phép thu thuế". Điều 16 cho phép tổng thống tung ra "vũ khí nguyên tử" nắm trọn quyền lực nhưng chỉ khi nào nước Pháp "bị đe dọa trầm trọng ngay lập tức", và Hội đồng Bảo hiến giám sát các phương pháp được áp dụng, họp toàn thể Quốc hội. Còn nếu tổng thống lạm dụng Điều 16, Quốc hội có vũ khí nguyên tử khác là Điều 68 : truất phế tổng thống nếu đạt được tỉ lệ 2/3.
Thụy My