Quan hệ Việt-Mỹ, di sản của "người đốt lò" Nguyễn Phú Trọng ?
Le Monde ngày 22/07/2024 cho rằng tuy "Ông Nguyễn Phú Trọng, biểu tượng cho chế độ độc tài Việt Nam đã qua đời" ở tuổi 80 hôm thứ Sáu tuần trước, nhưng chính sách kiếm soát xã hội vẫn không thay đổi. Les Echos ghi nhận "Chế độ Việt Nam có nhân vật quyền lực mới" : Ông Tô Lâm.
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và tổng thống Mỹ Joe Biden trong lễ đón tiếp ở Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, ngày 10/09/2023. Nhân dịp này hai nước đã nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện. AP - Luong Thai Linh
Sự kiện chấn động sau một loạt xáo trộn ở thượng tầng
Dù biết rằng ông Trọng bệnh nặng, nhưng sự ra đi của ông là sự kiện mới gây chấn động trong một loạt tình tiết bất ngờ ở thượng tầng quyền lực Việt Nam. Tin đồn về cái chết của ông đã được lan ra một ngày trước đó, khiến một số chuyên gia nghĩ rằng người đứng đầu chế độ có thể đã qua đời từ thứ Năm. Toàn thể các thành viên Bộ Chính trị đã đến bệnh viện thăm ông hôm đó và đã trao tặng ông huân chương Sao Vàng cao quý nhất. Theo Le Monde, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa Mác-Lê không còn nữa, nhưng chính sách an ninh và kiểm soát xã hội do ông thiết lập từ khi lên làm tổng bí thư ngày 19/01/2011 vẫn không thay đổi.
Một ngày trước khi tin ông Nguyễn Phú Trọng qua đời được loan báo, chủ tịch nước Tô Lâm, 67 tuổi, nguyên là bộ trưởng công an đã tạm thay thế. Ban lãnh đạo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng xáo trộn trong thời gian gần đây. Hôm 21/03, chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đột ngột bị buộc phải từ chức chỉ sau một năm và người tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc trước đó cũng phải ra đi sau hai năm tại chức, đều do cáo buộc dính líu đến tham nhũng.
Tờ báo nhắc lại, tại Việt Nam, quyền lực cao nhất nằm trong tay tổng bí thư, chủ tịch nước chỉ là nhân vật số ba sau thủ tướng, và đến tháng 4 thì nhân vật số bốn là chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cũng bị buộc phải từ chức. Bộ Chính trị nay chỉ còn 12 thành viên thay vì 18. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam lại náo động đến thế.
Được cho là thân Trung Quốc, nhưng chính ông Trọng nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ
Sinh ngày 14/04/1944 tại ngoại ô Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng suốt cả đời phục vụ cho Đảng cộng sản. Sau khi có được bằng tiến sĩ sử học ở Viện hàn lâm khoa học Moskva năm 1983, ông đã trở thành chuyên gia hàng đầu về lý thuyết chính trị của đảng. Năm 2021, dù đã quá 65 tuổi, trong đại hội đảng thứ 13, ông là tổng bí thư duy nhất được bầu lại đến nhiệm kỳ thứ ba. Nhà kỹ trị này vừa trấn áp các nhà ly khai và những người chỉ trích chế độ, vừa tiến hành chiến dịch "đốt lò" khiến 4.400 quan chức bị lãnh án trong 1.700 vụ việc. Trước đó vào năm 2016 trong đại hội đảng 12, ông Trọng đã loại được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người âm mưu thay ông lên làm tổng bí thư.
Về đối ngoại, ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành chính sách "ngoại giao cây tre". Ông duy trì đối thoại với kẻ thù lịch sử Trung Quốc đồng thời xích gần lại với Hoa Kỳ - ông Trọng là tổng bí thư Việt Nam đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng năm 2015. Bên cạnh đó ông vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với Nga, nước cung cấp vũ khí, tiếp Vladimir Putin tại Hà Nội ngày 20/06. Trên lãnh vực kinh tế, Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chính sách tự do hậu cộng sản, tức "Đổi Mới" khởi đầu từ 1986.
Ít can thiệp vào cải cách kinh tế, ông Trọng vẫn không đặt ý thức hệ lên trên quan hệ với các cường quốc. Les Echos trích nhận xét của hai chuyên gia Lê Hồng Hiệp và Nguyễn Khắc Giang ở Singapore ghi nhận : "Mối lo ban đầu là ông Trọng, một lý thuyết gia được đào tạo ở Liên Xô cũ hướng Việt Nam về phía Trung Quốc và Nga, làm hại cho quan hệ với các nước phương Tây. Nhưng ngược lại, nhà lãnh đạo lại quan tâm đào sâu những cam kết của Hà Nội với các đối tác. Việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện năm 2023 và chuyến thăm Nhà Trắng lịch sử năm 2015 là bằng chứng hiển nhiên nhất".
Tô Lâm, nhân vật quyền lực mới gây lo ngại
Les Echos nhận định "Chế độ Việt Nam có nhân vật quyền lực mới" : ông Tô Lâm. Cựu bộ trưởng công an nhân danh chiến dịch chống tham nhũng đã loại được nhiều đối thủ tiềm tàng trong cuộc chạy đua kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, trong đại hội đảng 14 sẽ khai mạc vào đầu 2026. Theo các chuyên gia, Tô Lâm tiếp tục ưu tiên cho sự tồn tại của chế độ toàn trị, củng cố vai trò của Đảng cộng sản đồng thời mở cửa cho đầu tư nước ngoài. Cũng như Tập Cận Bình, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn lưu tâm để việc phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến quyền lực của đảng.
Le Monde cho rằng sắp tới bộ máy an ninh sẽ ảnh hưởng lớn trong chế độ : phân nửa số ủy viên Bộ Chính trị xuất thân từ lực lượng này. Chuyên gia Benoît de Tréglodé dự báo : "Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiếp tục độc đoán về tự do ngôn luận". Tuy nhiên ông cảnh báo cần phải coi trọng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế : "Duy trì ổn định chính trị là ưu tiên của Tô Lâm. Đặc biệt không nên gây lo sợ cho các nhà đầu tư ngoại quốc, vốn thiết yếu cho tương lai đất nước... và cho việc làm giàu của giới cầm quyền".
Bye Biden, Hi Harris !
Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui và tiến cử bà Kamala Harris, sự cố máy tính gây rối loạn trên toàn cầu, cánh trung Pháp mất các vị trí quan trọng trong Quốc Hội vào tay cánh tả một cách vô lý, chiến tranh ở Ukraine và Trung Đông là những chủ đề được bàn đến nhiều nhất hôm nay. Trừ những tờ xuất bản sớm, sự kiện tổng thống Joe Biden vào tối Chủ nhật tuyên bố từ bỏ nỗ lực tranh cử khiến hình ảnh ông chiếm trang nhất các nhật báo Le Figaro, Les Echos và Libération. Riêng nhật báo thiên tả đưa thêm ảnh phó tổng thống Kamala Harris bên cạnh, với dòng tít tiếng Anh "Bye Biden, Hi Harris".
Trang web The Economist nhận định sau vụ ám sát hụt, Donald Trump có cơ may rất lớn trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ nhưng nay nhờ Joe Biden từ bỏ cuộc đua, Trump vẫn có thể bị đánh bại. Đại hội đảng Dân chủ sẽ bắt đầu ngày 19/08. Để tăng tối đa cơ hội, đảng này cần hành động nhanh, duy trì đoàn kết và tìm ra ứng cử viên tốt nhất. Một số tên tuổi của đảng chừng như ưu tiên cho chỉ tiêu đầu qua việc ủng hộ phó tổng thống Kamala Harris.
Nhưng theo The Economist, việc này không có lợi cho đảng Dân chủ lẫn bà Harris. Bà vẫn chưa chứng tỏ mình là một ứng cử viên vững vàng, nếu áp đặt sẽ khó giành thắng lợi. Ông Biden có nhiều thành tựu trong nhiệm kỳ với chính sách bảo vệ khí hậu, kinh tế hùng mạnh và hỗ trợ cho Ukraine. Nay đã chứng tỏ sự thức thời dù muộn, Biden còn nhiệm vụ cuối cùng là giúp đảng mình tìm ra một người thay thế nhiều hy vọng chiến thắng.
Joe Biden trao cho đảng Dân chủ cơ hội thứ hai
Bà Harris có kinh nghiệm ở Nhà Trắng, là phụ nữ đầu tiên làm phó tổng thống và lại là người gốc Á-Phi. Nhưng 4.700 đại biểu có thể tự do bỏ phiếu theo niềm tin của mình, và không thiếu những khuôn mặt có thể được đề cử, như các thống đốc Gretchen Whitmer (Michigan), Jared Polis (Colorado), Andy Beshear (Kentucky), Josh Shapiro (Pennsylvania), hay trong đội ngũ ông Biden có Gina Raimondo và Pete Buttigieg. Ở Thượng Viện, có cựu phi hành gia Mark Kelly và mục sư Raphael Warnock - tạo thành một sự tương phản hẳn với Trump.
Vấn đề không phải là thiếu người tài, mà làm sao chọn lựa được trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại. Tình hình đang rất gấp. Ông Biden đã trao cho Dân chủ một cơ hội thứ hai để thắng một cuộc chiến dường như đang ngoài tầm tay với, và đảng này không nên lãng phí.
Vì sao Biden bất ngờ rút lui trong khi trước đó ông vẫn khăng khăng theo đuổi bất chấp mọi sức ép ? Theo Le Figaro, chiều thứ Bảy Biden đã mời hai cố vấn thân cận là Steve Ricchetti và Mike Donilon đến Delaware để tham khảo, họ khuyên ông nên từ bỏ cuộc đua. Kết quả thăm dò nội bộ tuần rồi cho thấy Joe Biden hoàn toàn không có cơ hội thắng cử, kể cả tại các bang có truyền thống bầu cho Dân chủ. Hơn nữa, trong vài ngày tới một số nhân vật tên tuổi trong đảng sẽ công khai kêu gọi Biden bỏ cuộc.
Drone hải chiến Ukraine khiến hạm đội Nga tháo chạy khỏi Crimea
Le Monde có bài phân tích chi tiết nói về sự tháo chạy của hạm đội Hắc Hải Nga trước các drone hải chiến quá lợi hại của Ukraine. John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Hoa Kỳ, hôm 08/07 khẳng định Ukraine "đã đánh chìm chiến hạm cuối cùng có trang bị hỏa tiễn hành trình ở cảng Sevastopol". Phó đô đốc Oleksi Neijpapa, tư lệnh hải quân Ukraine, hôm 15/07 tuyên bố "Hạm đội Hắc Hải Nga đã buộc lòng phải di chuyển hầu hết các chiến hạm sang các địa điểm khác".
Theo thông tin của Le Monde dựa theo ảnh vệ tinh, vẫn còn vài chiến hạm Nga ở cảng Sevastopol. Lần đầu tiên một tàu kéo Nga xuất hiện tại cảng Ochamchire ở Abkhazia – vùng ly khai của Gruzia bên bờ Hắc Hải. Tổ chức phi chính phủ Black Sea Institute cho biết từ đầu cuộc xâm lăng, khoảng 20 chiến hạm Nga đã bị drone hải chiến Ukraine làm hư hại, tương đương 1/3 hạm đội ở Hắc Hải. Loại mới nhất là Magura V5, vừa được trưng bày tại hội chợ vũ khí Eurosatory ở Paris, có tầm hoạt động 700-800 kilomet. Dù có GPS, drone này vẫn có thể bị gây nhiễu, và Kiev có được sự hỗ trợ âm thầm từ các phi cơ thám sát đồng minh.
Giáng trả Houthi ở Yemen, Israel dằn mặt Iran
Tại Trung Đông, Le Figaro nhận định "Sự đối đầu giữa Israel và quân nổi dậy ở Yemen diễn biến xấu đi". Theo Les Echos, "Israel và Houthi rơi vào chu trình bạo lực", Libération cho đây là "Một giai đoạn mới đáng ngại dẫn đến chiến tranh", La Croix lo ngại dẫn đến "một cuộc xung đột khu vực".
Cho tới hôm qua, Chủ nhật 21/07, ngọn lửa vẫn bao trùm. Những hình ảnh thành phố cảng Hodeida ở miền tây Yemen chìm trong biển lửa khổng lồ lan tràn trên các mạng xã hội. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói : "Đám cháy có thể nhìn thấy ở khắp nơi tại Trung Đông", khi bình luận về vụ tấn công chưa từng thấy của Nhà nước Do Thái vào quốc gia ở cách Israel đến gần 1.800 kilomet. Một nhà máy điện và khoảng hai chục kho trữ nhiên liệu đã bị thiêu hủy, sáu người chết, ba mất tích và 83 người bị thương.
Đến tận thứ Bảy, Israel vẫn còn kềm chế không phản ứng trước 220 vụ tấn công bằng hỏa tiễn và drone của phe Houthi, tính từ sau vụ thảm sát thường dân Israel của Hamas hôm 07/10/2023. Nhưng vụ Houthi dùng drone đánh thẳng vào thủ đô Tel-Aviv đã làm đảo lộn ván cờ. Thông điệp vừa rồi của Israel không chỉ hướng đến Iran - nước đã vũ trang và tài trợ không chỉ cho phe Houthi mà cả phe Hezbollah. Trang web Walla nhấn mạnh, nếu phi cơ Israel có thể đánh vào Yemen ở xa 1.800 kilomet "thì có thể tấn công Tehran ở cách 1.500 kilomet".
Benyamin Netanyahou tuyên bố vụ tấn công Yemen "cho các kẻ thù thấy rõ là không có nơi nào thoát được cánh tay dài của Israel. Tất cả những kẻ tấn công chúng tôi sẽ phải trả giá đắt". Khoảng 20 chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, phi cơ tiếp liệu trên không đã được huy động cùng với các chiến hạm. Được biết Saudi Arabia đã được báo trước rằng các phi cơ Israel sẽ bay qua không phận. Cảng Hodeida, nằm trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát, là địa điểm chiến lược để Iran chuyển giao vũ khí cho phe Houthi.
Phe này trả đũa bằng cách bắn hỏa tiễn vào Eilat, nhưng đã bị hệ thống Arrow 3 chặn lại trước khi vào được lãnh thổ Israel. Thành công trên đây của Israel bù lại cho vụ một drone của Houthi bay vào tận Tel-Aviv, được cho là do "sai sót của con người". Hiện chưa thể biết sẽ còn leo thang tới đâu, nhưng điều chắc chắn là tất cả các đơn vị phòng không, phi công, tình báo Israel đang trong tình trạng báo động, cũng như hệ thống bảo vệ các cảng, phi trường và hệ thống hỏa xa.
Thụy My