Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/08/2024

Chiến tranh Ukraine leo thang về tiền thưởng và khí tài hiện đại

Tổng hợp

Putin tăng gấp đôi tiền thưởng cho ai tình nguyện chiến đấu ở Ukraine

Reuters, VOA, 01/08/2024

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine, một động thái nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển quân nhưng có khả năng tạo ra sự mất cân bằng trong nền kinh tế mà sản xuất không đáp ứng với nhu cầu.

uk1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/7/2024 tăng gấp đôi khoản chi trả trước cho những người tình nguyện chiến đấu ở Ukraine.

Tất cả người Nga ký hợp đồng với quân đội hiện sẽ nhận được khoản thanh toán trả trước là 400.000 rúp (4.651 đô la). Sắc lệnh cũng khuyến nghị rằng các chính quyền khu vực phải đối ứng khoản thanh toán này từ ngân sách của họ với ít nhất cùng một số tiền.

Với mức thanh toán tối thiểu hàng tháng cho một binh nhì tham gia vào cái mà Nga gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" được ấn định ở mức 204.000 rúp, sắc lệnh mới này sẽ tăng mức lương tối thiểu thường niên trong năm đầu tiên phục vụ lên 3,25 triệu rúp (37.791 đô la).

Mức lương hàng tháng cho các sĩ quan cao hơn và phụ thuộc vào cấp bậc của họ. Tất cả tân binh cũng nhận được thêm tiền khi tham gia các cuộc tấn công hoặc phá hủy xe tăng và máy móc khác của địch.

Đầu tháng này, thị trưởng Moscow đã ấn định khoản thanh toán trả trước cho cư dân thành phố đăng ký chiến đấu ở Ukraine là 1,9 triệu rúp (21.777 đô la) từ ngân sách thành phố, nâng mức lương hàng năm của họ trong năm đầu tiên phục vụ lên 5,2 triệu rúp.

Mức tăng mới nhất có nghĩa là mức lương tối thiểu hàng năm cho những người lính hợp đồng của Nga chiến đấu ở Ukraine sẽ vượt quá mức lương trung bình ở Nga hơn gấp ba lần.

Các khoản thanh toán như vậy đã giúp Nga tránh được một cuộc động viên toàn quốc mới sau một chiến dịch gặp khó khăn vào năm 2022 dẫn đến tình trạng di cư hàng loạt của người dân sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng các khoản thanh toán này đang tạo ra một vòng xoáy tiền lương trong nền kinh tế.

Việc tăng lương cũng được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp khác, chẳng hạn như miễn trừ các khoản thanh toán lãi suất hàng tháng đối với các khoản vay tiêu dùng dành cho tình nguyện viên và bảo lãnh của nhà nước đối với các khoản vay như vậy trong trường hợp tử vong.

Các biện pháp này đã khuyến khích những người tình nguyện tham gia vay vốn tiêu dùng và góp phần vào sự tăng trưởng liên tục trong hoạt động cho vay tiêu dùng, mặc dù ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất chủ chốt để hạ nhiệt nền kinh tế.

Các quan chức Nga cho biết tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 190.000 người tình nguyện tham gia chiến đấu ở Ukraine, so với 490.000 hợp đồng được ký kết vào năm 2023.

Reuters

*************************

Kiev lần đầu nhận chiến đấu cơ F-16 : Hy vọng và thách thức trên chiến trường Ukraine

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Chỉ ít giờ sau khi báo Mỹ The Wall Street Journal hôm 30/07/2024 loan báo Washington chấp nhận trang bị các loại vũ khí tối tân, trong đó có tên lửa do Mỹ chế tạo và nhiều loại vũ khí hiện đại khác, cho các chiến đấu cơ F-16 mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, các hãng tin quốc tế uy tín như AP, Reuters, AFP, báo Mỹ Bloomberg… hôm 31/07 - 01/08 đều đưa tin là Ukraine đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

uk01

Các chiến đấu cơ F-16 của Hà Lan bay trên một căn cứ không quân ở Volkel, Hà Lan, ngày 09/06/2023. Reuters - Piroschka Van De Wouw

Như vậy là sau một năm chờ đợi và nhiều lần hối thúc đồng minh, cuối cùng Kiev cũng đã được trang bị những chiếc chiến đấu cơ tối tân do Mỹ chế tạo để có thể cải thiện năng lực phòng không, đối phó với các tên lửa, drone và phi cơ của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hy vọng những chiếc F-16 sẽ có vai trò then chốt giúp quân đội Ukraine đẩy lùi sự thống trị trên không của Nga và "giải tỏa không phận" Ukraine. Như vậy cũng có nghĩa là trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của quân đội Ukraine chưa phải là triển khai phi đội F-16 để oanh tạc các lực lượng trên mặt đất của đối phương hay các nguồn lực quân sự khác của Nga gần mặt trận.

Trước đây, giới lãnh đạo Ukraine cũng như phương Tây từng kỳ vọng là chiến đấu cơ F-16 tối tân do Mỹ chế tạo có thể giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến tranh, nhưng nay dựa trên tình hình thực tế, các nhà quan sát nhận định là các tác động trên chiến trường sẽ khó được trông thấy ngay, do số chiến đấu cơ F-16 giao cho Ukraine đợt này không nhiều. Số lượng cụ thể hiện vẫn chưa được công bố chính thức.

Le Monde ngày 29/07 cho biết thêm là cũng mới chỉ có 6 phi công Ukraine đang được huấn luyện lái  F-16. Các nhà quan sát vẫn đang đặt câu hỏi về khả năng các phi công Ukraine điều khiển loại chiến đấu cơ tối tân này trên thực địa.

Chưa nói đến việc triển khai phi đội F-16 là một thách thức lớn, có thể xem là quan trọng nhất đối với Ukraine hiện nay : Làm sao bảo vệ được những chiến đấu cơ có giá trị này, trong khi Nga đã đề phòng, chuẩn bị đối đầu từ nhiều tháng qua. Cuộc chơi "trốn - tìm" giữa phe bảo vệ và phe tìm diệt F-16 chắc chắn không thể tránh khỏi. 

Ngày càng có nhiều người lo ngại là những chiếc F-16 đó sẽ bị Nga tấn công và triệt hạ ngay từ khi mới được Ukraine tiếp nhận. Quả thực, mối lo này không phải là không có cơ sở. Những tháng gần đây, quân Nga đã đánh vào một số sân bay quân sự của Ukraine. Chỉ riêng trong tháng 7 này, có ít nhất 3 sân bay của Ukraine đã bị đối phương tấn công : sân bay Myrhorod và Kryvyi Rih ở miền trung và một sân bay ở vùng Odessa, miền nam Ukraine. Phía Moskva khẳng định đã phá hủy ít nhất 6 chiến đấu cơ của Ukraine. Kiev không phủ nhận nhưng cố tìm cách giảm thiểu thiệt hại. Không quân Ukraine nhấn mạnh trên mạng xã hội là những máy bay và hệ thống phòng không bị Nga phá hủy thực chất chỉ là mồi nhử khiến Moskva phải tốn nhiều tên lửa Iskander đắt tiền.

Giáo sư Justin Bronk, chuyên gia chính về sức mạnh hàng không và công nghệ, thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (Royal United Services Institute - RUSI), lưu ý là cho đến nay, không quân Ukraine chủ yếu dựa vào "các hoạt động phân tán", thường xuyên di chuyển các máy bay và thiết bị bên trong hoặc giữa các căn cứ, để bảo đảm chiến đấu cơ không bị bắn trúng khi đang đậu ở mặt đất. Thế nhưng, đối với phi cơ F-16, Ukraine không thể áp dụng mãi chiến thuật này, bởi cần có đường băng hoàn toàn bằng phẳng, không có những mảnh đá hoặc các mảnh vụn nhỏ khác, nếu không thì có nguy cơ động cơ F-16 bị hư hại.

Nhưng theo giáo sư Bronk, bất cứ nỗ lực nào của Ukraine để cải thiện cơ sở hạ tầng các căn cứ không quân cũng sẽ bị máy bay trinh sát hay các vệ tinh của Nga phát hiện. Hiện nay quân Nga đã được trang bị nhiều drone trinh sát tinh vi như Zala, Supercam và Orlans, có khả năng truyền hình ảnh trực tiếp theo thời gian thực từ bên trong lãnh thổ Ukraine, có khả năng bay lâu mà không bị các hệ thống điện tử của Ukraine phát hiện và gây nhiễu.

Thêm vào đó, từ tháng 5 đến nay, Nga đã không ngừng cải tiến các phi cơ. Chẳng hạn chiến đấu cơ Su-30 đã có khả năng mang tên lửa tầm xa R-37, thậm chí phiên bản tân tiến hơn là R-37M. Trước Su-30, chỉ có máy bay tiêm kích Su-57, Su-35, Mig-35 và Mig-31 có khả năng mang loại tên lửa tầm xa này.

Loại bom bay đời mới của Nga FAB – UMPK, với thiết bị dẫn đường, cũng là một mối nguy khó lường cho phi đội F-16 của Ukraine. Chính thiết bị dẫn đường UMPK giúp bom FAB khó bị phát hiện và đánh chặn. Sức công phá của bom bay FAB - UMPK là rất lớn, chẳng hạn bom FAB-1500 có thể chứa đến 675kg chất nổ TNT, bom FAB-3000 có khả năng mang tới 1,4 tấn thuốc nổ. Hồi tháng 03/2024, bộ trưởng Quốc Phòng Nga thông báo sản xuất hàng loạt bom FAB-3000. Thực hư như thế nào thì chưa rõ, nhưng những bước chuẩn bị của Nga trong thời gian qua cho thấy có lẽ việc bảo vệ những chiếc F-16 của Ukraine sẽ không hề dễ dàng.

Thùy Dương

***************************

Sau một năm chờ đợi, Kiev nhận những chiếc F-16 đầu tiên

Thùy Dương, RFI, 01/08/2024

Sau một năm chờ đợi và hối thúc các nước đồng minh phương Tây đẩy nhanh tiến độ chuyển giao để cải thiện năng lực phòng không, lần đầu tiên Ukraine nhận được từ một số nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO những chiến đấu cơ tối tân F-16 do Mỹ chế tạo.

uk1

Chiến đấu cơ F-16 của lực lượng Không Quân Na Uy tập luyện trong vùng biển Baltic ngày 20/05/2015. Reuters - Ints Kalnins

F-16 là loại chiến đấu cơ tối tân, mang tính biểu tượng, được khối NATO và nhiều lực lượng không quân trên khắp thế giới lựa chọn trong 50 năm qua để đưa lên tuyến đầu.

Theo Reuters sáng nay, 01/08/2024, một quan chức Mỹ xin ẩn danh nói là đợt giao chiến đấu cơ F-16 lần này cho Ukraine đã hoàn tất. Theo báo Pháp La Dépêche ngày 31/07, hạn chót đợt giao chiến đấu cơ F-16 đầu tiên cho Ukraine được ấn định là cuối tháng 07/2024, có nghĩa là các nước đồng minh của Kiev đã giao theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, phải chờ thêm một thời gian thì các phi công Ukraine được huấn luyện từ vài tháng nay mới có thể lái những chiếc phi cơ tối tân này để bảo vệ không phận quốc gia.

Không quân Ukraine hiện vẫn chưa hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuters. Chính phủ Mỹ cũng chưa khẳng định chính thức. Nhưng trên mạng X, ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis hôm qua viết : "Chiến đấu cơ F-16 tại Ukraine. Thêm một điều tưởng như bất khả đã hoàn toàn trở thành có thể".

Xin nhắc lại, tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 08/2023 đã bật đèn xanh để viện trợ chiến đấu cơ F-16 cũ cho Ukraine, nhưng Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ máy bay nào. Tổng cộng 80 chiến đấu cơ F-16 đã được các nước Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan và Na Uy hứa viện trợ cho Kiev, nhưng Ukraine sẽ còn phải chờ thêm nhiều thời gian mới nhận đủ số máy bay này.

Về phản ứng của Nga, theo AFP, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, hôm nay 01/08 tuyên bố những chiếc F-16 mà phương Tây giao cho Ukraine sẽ bị "bắn rơi" và việc phương Tây giao chiến đấu cơ này cho Kiev sẽ không có tác động đáng kể đến tình hình chiến sự. Ông Peskov còn cho rằng sẽ không có "phương thuốc thần kỳ" nào giúp Kiev đối phó được với Nga.

Thùy Dương

****************************

Nga bắt đầu giai đoạn 3 tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu giáp Ukraine

Trọng Thành, RFI, 31/07/2024

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay, 31/07/2024, thông báo quân đội nước này đã bắt đầu giai đoạn ba cuộc tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật. Tập trận diễn ra tại hai quân khu, quân khu trung tâm và quân khu miền nam, giáp với Ukraine.

uk2

Ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 21/05/2024 : Một tên lửa Iskander được triển khai tại một địa điểm bí mật của Nga trong một cuộc tập dượt sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật của quân đội Nga. AP

AFP dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trong giai đoạn 3 của cuộc tập trận có sự tham gia của các hệ thống tên lửa địa đối địa Iskander-M, có tầm bắn từ 50 đến 200 km. Các quân nhân được huấn luyện để tiếp nhận và sử dụng những loại đạn "đặc biệt" cho các hệ thống tên lửa và phi cơ chiến đấu.

Quân khu miền nam Nga, nơi diễn ra cuộc tập trận này, bao gồm nhiều nước Cộng hòa tự trị thuộc Nga trong vùng Kavkaz, bán đảo Crimea của Ukraine bị Nga chiếm từ năm 2014, và bốn tỉnh miền đông và miền đông nam của Ukraine, mà Nga sáp nhập từ tháng 9/2022. Sở chỉ huy chiến dịch tấn công Ukraine, nằm tại thành phố Rostov trên sông Don, cũng thuộc quân khu nói trên.

Đây là lần đầu tiên Nga tập trận với vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giai đoạn một và hai diễn ra hồi tháng 5 và tháng 6/2024. Theo điện Kremlin, quyết định tập trận hạt nhân chiến thuật được đưa ra hồi đầu tháng 5 để trả đũa việc một số nước phương Tây, trước hết là Pháp, tuyên bố có thể "đưa quân" hỗ trợ Ukraine, và việc chính quyền Anh cho phép Kiev sử dụng tên lửa do Luân Đôn cung cấp để tấn công sang đất Nga. Song song với cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật tại quân khu miền Nam, Nga cũng tiến hành một số đợt tập trận hạt nhân chiến thuật với quân đội Belarus trên lãnh thổ Belarus.

Theo chuyên gia quân sự Olivier Lepick, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược FRS, Nga có khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên tổng số gần 6.000 đầu đạn hạt nhân nói chung, so với khoảng 200 đầu đạn hạt chiến thuật của Mỹ. AP cho hay, hiện không có bất cứ cơ chế kiểm soát nào đối với loại vũ khí hạt nhân này. Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức công phá từ dưới một kiloton (kt) đến 50 kt. Một kt có sức công phá tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Trái bom nguyên tử phá hủy Hiroshima có sức công phá khoảng 15 kt.

Moskva hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật

Theo giới quan sát, cho đến nay vũ khí hạt nhân chiến thuật chưa từng được sử dụng trên thực địa. Kể từ đầu chiến tranh xâm lược Ukraine, Nga liên tục đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để gây áp lực răn đe phương Tây, nhằm hạn chế các hậu thuẫn quân sự của đồng minh cho Kiev. Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để "tự vệ" trong trường hợp Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước "đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga".

Tuy nhiên, gần đây Nga đã hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo Reuters, trong giai đoạn 1 của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật đầu tiên cuối tháng 5/2024, Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích của tập trận là để sẵn sàng "sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược nhằm ứng phó và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA, Thùy Dương, Trọng Thành
Read 304 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)