Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/09/2024

Điểm báo Pháp - Phương Tây chưa muốn Ukraine thắng Nga

RFI tiếng Việt

Phương Tây chưa dứt khoát hỗ trợ Ukraine chiến thắng Nga

Trong bài phân tích "Ukraine : Nga rõ ràng, phương Tây nhập nhằng", Les Echos ngày 09/09/2024 nhận định trước sự tàn bạo của Vladimir Putin và việc Nga oanh tạc ồ ạt vào các thành phố Ukraine, các đồng minh của Kiev cần hết sức đoàn kết và chứng tỏ tình tương trợ.

uknga1

Các pháo thủ của lữ đoàn tác chiến số 15 Kara-Dag thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine bắn pháo M101A1 về phía quân Nga ở tiền tuyến gần Pokrovsk, Donetsk ngày 05/09/2024. Reuters - Serhii Nuzhnenko

Mỹ và Châu Âu chỉ giúp Kiev cầm cự thay vì giành chiến thắng 

Lviv, thành phố lớn miền tây Ukraine, nơi lại là mục tiêu tấn công của Nga, chỉ cách biên giới Ba Lan 70 kilomet. Cuộc chiến đang tiến lại gần Liên Hiệp Châu Âu (EU) và tất nhiên là NATO. Những trận bom đánh vào Poltava (trên 50 người thiệt mạng), Lviv... là sự trả đũa của Moskva sau khi bị Kiev lăng nhục ở Kursk. Trước sự leo thang này, các đồng minh của Ukraine cần phải tỏ thái độ rõ ràng.

Tránh cho Kiev khỏi thất bại và ngăn không cho Moskva thắng, khác hẳn với việc bảo đảm chiến thắng cho Ukraine. Nhìn từ Châu Âu, đôi khi người ta có cảm giác như mục đích chính của Hoa Kỳ là chuẩn bị cho một cuộc đàm phán tương lai giúp hưu chiến, theo mô hình năm 1953 ở Bàn Môn Điếm, Triều Tiên ; nhằm tránh đối đầu trực diện với Nga. Nước Mỹ, dù kết quả cuộc bầu cử ngày 05/11 ra sao, còn nhiều ưu tiên khác, cả đối nội lẫn đối ngoại. Phải chăng nếu Kamala Harris, một người thực dụng đắc cử, cần đoàn kết quốc gia trước thách thức Trung Quốc ? Hoặc áp dụng chính sách hỗn loạn và ích kỷ nếu Donald Trump thắng ? Trong cả hai trường hợp, Nga chỉ là thứ yếu.

Phản ứng phía Châu Âu khác hẳn, vì các lý do địa lý, lịch sử cũng như kinh tế và văn hóa. Sẽ quá đơn giản nếu nói rằng một nước càng nằm gần Nga thì càng ủng hộ Ukraine mạnh hơn. Rõ ràng đó là trường hợp của Ba Lan, các quốc gia Baltic, chưa kể các nước Bắc Âu. Nhưng làm thế nào giải thích việc Anh quốc ngay từ đầu cuộc xâm lăng đã tỏ ra cứng rắn, minh bạch hơn là Đức ? Thế đang lên mới đây của cực hữu và cực tả ở hai bang Thüringen và Sachsen càng gây thêm lo ngại. Phải chăng miền Đông Đức giữ khoảng cách với cuộc chiến ở Ukraine, một kiểu cố tình "trung lập" như "các nước phương Nam" ? Tại Trung Âu và Đông Âu, quan điểm cũng khác hẳn nhau.

Vũ khí tầm xa cần thiết để diệt tận gốc

Gần ba năm sau cuộc xâm lăng, vấn đề chủ yếu vẫn y nguyên : Có thể đi xa tới đâu trong việc hỗ trợ Ukraine để bằng mọi giá tránh Moskva chiến thắng, và không phải trực tiếp liên quan đến cuộc xung đột ?

Putin không hề ngần ngại đánh vào các thành phố Ukraine gần Liên Hiệp Châu Âu, và phổ biến hơn nữa là vào các mục tiêu dân sự, năng lượng trên toàn quốc Ukraine. Đó là nhằm buộc nhân dân Ukraine phải quy phục - quá kiệt quệ, họ đành phải chấp nhận hòa bình với điều kiện của Moskva. Để làm thất bại chiến lược Nga, cần cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công các căn cứ là nơi xuất phát những vụ oanh kích đẫm máu. Tất nhiên là có những rủi ro, nhưng thay vào đó, hạn chế năng lực tự vệ của Kiev về lâu về dài phải chăng còn nguy hiểm hơn vì có thể dẫn đến sự sụp đổ của Ukraine.

Không bảo vệ được đồng minh là chứng tỏ nước Nga của Putin đã đúng khi lâu nay vẫn tuyên truyền rằng phương Tây đang suy tàn. Putin đã nhiều lần nói rằng trong 30 năm Nga sẽ là trung tâm một thế giới "đa cực và công bằng", trong đó phương Tây không còn có thể áp đặt. Ông ta được trải thảm đỏ đón tiếp ở Mông Cổ, một quốc gia thành viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thay vì bị bắt theo lệnh truy nã. Moskva trông cậy vào sự khoan dung của một thế giới mà vũ lực đứng trên luật pháp. Ý đồ rõ ràng của Putin cần thúc đẩy các đồng minh của Ukraine đồng tâm đoàn kết để đối phó nhưng Les Echos lấy làm tiếc là hiện nay không phải như vậy.

Càng chủ quan, Putin càng có nguy cơ bị bắt

Về khả năng bắt giữ tổng thống Nga, giáo sư công pháp quốc tế Mathilde Philip-Gay trên La Croix khẳng định "Vladimir Putin càng tự tin thì càng có nguy cơ bị bắt". Việc Putin đến một quốc gia đã ký quy chế Roma, công nhận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nhằm cố ý chứng tỏ sự yếu đuối của định chế.

Tại Mông Cổ cũng như Nam Phi, không phải tổng thống mà các thẩm phán mới quyết định bắt giữ. Tư pháp Mông Cổ không độc lập, nhưng về lý thuyết Putin không được an toàn. Slobodan Milosevic, Khieu Samphan rốt cuộc đều đã bị đưa ra tòa. Nếu Putin bị yếu đi ở Nga, ông ta cũng có thể gặp nguy. Vì vậy mà khắp nơi trên thế giới đang có những "tay súng bắn tỉa" âm thầm chuẩn bị hồ sơ, đợi thời điểm để tiến hành.

Sở dĩ ICC ra lệnh truy nã về việc bắt trẻ em Ukraine sang Nga chứ không phải về tội xâm lăng, là vì tội danh này mới được đưa vào từ 2017 và đang được từng nước trong số 125 quốc gia thành viên lần lượt phê chuẩn. Thế nên mới có ý kiến thành lập tòa án đặc biệt để xét xử Vladimir Putin, còn nếu đưa ra trước ICC thì phải đợi đến khi chiến tranh kết thúc mới có thể tập hợp được các bằng chứng.

"Chỉ có thể nói chuyện với Nga trên tư thế kẻ mạnh"

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, Oleksandr Lytvynenko, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, nhấn mạnh "Chỉ có thể nói chuyện với người Nga trên tư thế của kẻ mạnh". Đó là văn hóa xưa nay của Nga, khác hẳn với phương Tây. Ông Lytvynenko nhận định chiến dịch Kursk là một thành công ý nghĩa, tuy không thay đổi được ván cờ. Để buộc Putin ngồi vào bàn đàm phán, phương Tây cần vũ trang thêm cho Kiev, nếu không chiến tranh sẽ tiếp diễn trên những phần đất khác.

Bên cạnh đó là đấu tranh chống tin giả. Nga có rất nhiều kinh nghiệm về tuyên truyền từ thời Liên Xô, có những công cụ quan trọng để phá hoại phương Tây, từ các phong trào hòa bình cho đến các đảng cộng sản, nhằm gây bất ổn và bôi xấu hình ảnh các quốc gia dân chủ. Moskva tiếp tục có những chương trình rất tốn kém và phức tạp thừa hưởng từ thời Liên Xô, với nhiều điệp viên nằm vùng được cài cắm trong thời gian dài. Chẳng hạn vụ trao trả gần đây với cặp vợ chồng dùng danh tính giả, con cái không biết một tiếng Nga nào là một ví dụ.

Xã hội dân sự Georgia chống lại "luật Nga"

Tại nước láng giềng Georgia (Gruzia), Le Figaro ghi nhận nỗ lực kháng cự của xã hội dân sự trước sự trấn áp của chính quyền độc tài thân Nga. Từ đầu tháng 9, luật về "nhân tố nước ngoài", còn được gọi là "luật Nga" bắt đầu có hiệu lực.

Trên 25.000 tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông có một tháng để đăng ký là "tổ chức hoạt động vì lợi ích của một thế lực ngoại quốc" nếu 20% ngân sách là từ nước ngoài. Đến ngày 02/09 chỉ mới có khoảng 500 tổ chức đăng ký. Eka Gigauri, giám đốc chi nhánh Georgia của Transparency International khẳng định : "Đại đa số các tổ chức xã hội dân sự chỉ có mục đích là phục vụ đất nước, xây dựng một nền dân chủ thực sự. Đó là vấn đề phẩm giá, chúng tôi yêu nước nhiều hơn là cái chính phủ phục tùng Nga này".

Đạo luật đã bị tổng thống Salome Zourabichvili cùng với 121 NGO và nhà báo kiện lên Tòa Bảo hiến. Nhưng Jaba Devdariani, biên tập viên trang Civil.ge cho biết không chờ đợi gì ở Tòa, vì đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền đã bố trí các thẩm phán trung thành.

Cuộc bầu cử Quốc hội ngày 26/10 tới được coi là sự kiện quan trọng nhất kể từ khi Georgia được độc lập cách đây 33 năm. Đảng của nhà tài phiệt làm giàu nhờ Nga, Bidzina Ivanichvili muốn quay lại quỹ đạo của Moskva, trong khi 80% mong muốn Georgia trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO.

Số phận Ukraine đè nặng lên các nước thuộc Liên Xô cũ

Một nhà đối lập nhận xét, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến chế độ Georgia cứng rắn hơn. Chuyên gia Fredrick Löjdquist ở Stockholm cảnh báo : "Cũng như Kremlin, chính quyền Georgia coi dân chủ là mối đe dọa tiềm tàng. Dân Georgia thì sợ chiến tranh. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine chỉ là một biểu hiện của vấn đề. Không phải việc ngưng bắn hay một thỏa thuận không hoàn hảo giữa Kiev và Moskva có thể chấm dứt ý đồ của Nga nhằm làm yếu đi các nền dân chủ". 

Đám mây chiến tranh Ukraine không chỉ vần vũ trên bầu trời Georgia. Tại Kyrgyzstan, chính quyền dưới áp lực của Nga đã thông qua đạo luật "nhân tố nước ngoài" tương tự, Kazakhstan thì đã lập hẳn một danh sách. Belarus đã khẳng định tính cách nước chư hầu của Nga. Một số nước cố gắng kháng cự như Moldova nhỏ bé, Armenia. Sự chọn lựa của cử tri Georgia tháng tới sẽ ảnh hưởng đến các nước khác trong khu vực còn đang do dự về con đường phải theo, sự thay đổi chính phủ ở Mỹ cũng vậy.

Cựu dân biểu Mỹ Tom Malinovski giải thích, Donald Trump luôn nghĩ rằng thương lượng được với Vladimir Putin, còn Kamala Harris có thể đi theo xu hướng của Barack Obama, "reset" quan hệ với Nga. Nhưng cuối cùng số phận của Ukraine mới đè nặng lên tất cả các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Cựu ngoại trưởng Ba Lan Anna Fotyga cảnh báo, nếu Vladimir Putin không thất bại nặng nề, chế độ Nga sẽ không dừng lại.

Paralympics thành công, tân thủ tướng Pháp trước thách thức 

Thế vận hội người khuyết tật thành công rực rỡ là đề tài được tất cả các báo ra hôm nay đề cập đến. La Croix chạy tít trang nhất "Paralympiques thần tiên", Le Figaro nhận xét "Paris 2024, một mùa hè thế vận kết thúc với kết quả tuyệt vời". Niềm vui lan tỏa trên đường phố Paris trong tháng 8 đã kéo dài sang tháng 9 mặc cho chính trường xáo động. Riêng Pháp với 75 huy chương trong đó có 19 huy chương vàng, đã vượt qua thành tích của Thế vận hội Tokyo và đạt được mục tiêu đã đặt ra là có mặt trong 8 hạng đầu. Libération cho rằng Paralympics Paris thành công cả về mặt thể thao lẫn công chúng, thực sự là một sự hội nhập người khuyết tật vào xã hội.

Về chính trị, báo chí phân tích những thử thách của tân thủ tướng Pháp. Le Monde nêu ra : cải cách chế độ hưu bổng, trợ cấp thất nghiệp, ngân sách - chính khách cánh hữu khẳng định không có "lằn ranh đỏ" nào. Riêng về ngân sách 2025, Le Figaro cho rằng ông Michel Barnier "đang ở chân tường". Ông phải xúc tiến luật tài chánh trong lúc thâm hụt của Pháp đang tăng cao, sau đó phải đưa ra bỏ phiếu ở Quốc hội trong khi không có được đa số. Tờ báo so sánh với việc "leo lên đỉnh Everest" - đỉnh cao mà tất cả những người leo núi đều mơ đến. Trước mắt chính phủ của ông đành phải bám vào cái phao là đề nghị Bruxelles dành cho một thời hạn dài hơn.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 134 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)