Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/09/2024

Chiến tranh Ukraine : Zelensky muốn thắng, Putin muốn hòa ?

RFI tổng hợp

Vladimir Putin thực sự muốn ngưng chiến ?

Minh Anh, RFI, 12/09/2024

Ngày 05/09/2024, tổng thống Nga cho biết ông sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Ba ngày sau, ngày 08/09, thủ tướng Đức Olaf Scholz, trong cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình ZDF, kêu gọi gia tăng các nỗ lực ngoại giao để sớm chấm dứt xung đột. Phải chăng thời điểm cho đàm phán hòa bình đã đến ?

uk1

Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp với các quan chức an ninh và thống đốc vùng, thảo luận về tình hình ở miền nam nước Nga sau cuộc tấn công của quân đội Ukraine, ngày 12/08/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov

Thất bại thỏa thuận Istanbul : Lỗi ở phương Tây ?

Tại một diễn đàn kinh tế với sự hiện diện của hai quan chức cao cấp Malaysia và Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố để ngõ cánh cửa đàm phán với Ukraine "dựa trên các tài liệu đã được nhất trí và thực sự được ký tắt tại Istanbul", Thổ Nhĩ Kỳ, hồi mùa xuân 2022, vài tháng sau khi Nga phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" xâm lược Ukraine.

Vào thời điểm đó, Kiev và Moskva được cho là đã gần đạt được một thỏa thuận, theo đó, Ukraine đồng ý cắt giảm quy mô quân đội, từ bỏ ý định tham gia Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO nhưng được tự do theo đuổi tư cách ứng viên gia nhập Liên Hiệp Châu Âu.

Cuộc đàm phán này cuối cùng đã thất bại mà theo cáo buộc của nguyên thủ Nga tại diễn đàn kinh tế, là do phương Tây thúc ép Ukraine bác bỏ thỏa thuận. Tổng thống Putin nêu đích danh thủ tướng Anh lúc đó là Boris Johnson, "đã đến Kiev và đưa ra chỉ thị cho Ukraine phải chiến đấu đến người lính cuối cùng. Và đó là những gì đang diễn ra với mục tiêu là có được thất bại chiến lược của Nga". Những cáo buộc cho đến giờ Ukraine vẫn phủ nhận.

Ngoài ra, tổng thống Nga còn gợi ý rằng ba nước Brazil, Ấn Độ, và Trung Quốc có thể làm trung gian cho các cuộc đàm phán mới để chấm dứt chiến tranh. Tuyên bố này của chủ nhân điện Kremlin làm dấy lên nhiều nghi vấn trong giới quan sát : Liệu mong muốn của ông Putin đàm phán chấm dứt chiến tranh có chân thành hay không ?

Điều kiện ngặt nghèo

Đây không phải là lần đầu tiên ông Vladimir Putin đề cập đến việc đàm phán với Ukraine. Vào cuối tháng 5/2024, trong chuyến thăm Belarus, tổng thống Nga để ngỏ khả năng đàm phán, nhưng phải dựa trên "tình hình thực tế" và trên cơ sở những điểm đã thống nhất trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến, "chứ không phải trên cơ sở những gì một bên muốn", hàm ý nhắc đến bản kế hoạch hòa bình 10 điểm do tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất.

Sau đó, vào ngày 14/06/2024, phát biểu tại bộ ngoại giao Nga, tổng thống Vladimir Putin một lần nữa nhắc lại, Moskva sẵn sàng đàm phán một lệnh ngưng bắn nhưng với các điều kiện : Kiev phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và rút hết quân ra khỏi bốn vùng đã bị sáp nhập vào Nga là Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporijia.

Đó là những điều kiện mà bà Christine Dugoin-Clément, chuyên gia phân tích địa chính trị, nhà nghiên cứu Viện Rủi ro, đại học Paris-Sorbonne, trên đài RFI Pháp ngữ (09/09/2024) đánh giá là hoàn toàn bất lợi cho Ukraine.

"Những gì mà người ta thường nghe, thường được đề cập đến là một công thức kiểu Istanbul mà ở đó, Nga có thể dễ dàng nói rằng họ luôn mở rộng cửa cho các cuộc đàm phán, giống như một sự đầu hàng với những điều khoản được cho là dễ chấp nhận. Trong khi những gì Ukraine đề nghị thì bị xem là không hợp lý và do vậy không thể là đối tượng cho cuộc thương lượng hay một cuộc họp từ phía Nga như ông Dmitri Peskov (phát ngôn viên điện Kremlin) đã nhiều lần nói đến".

Nga cũng không phải là bên duy nhất đề cập đến việc nối lại các cuộc thương lượng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trả lời giới truyền thông trong nước hồi trung tuần tháng 7 từng tuyên bố rằng "phái đoàn Nga có thể tham gia hội nghị hòa bình lần hai".

Ông Zelensky còn đề xuất dự án vì một "nền hòa bình công bằng", khi giữ lại ba điểm trong thông cáo cuối cùng của hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ : Trả tự do cho các tù nhân, tự do lưu thông ở Hắc Hải và an ninh năng lượng. Mong muốn này của ông một lần nữa được khẳng định trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho truyền thông Pháp vào đầu tháng Tám.

Xin nhắc lại là, trong hội nghị hòa bình thứ nhất do Ukraine tổ chức ở Thụy Sĩ vào trung tuần tháng Sáu, Nga không được mời dự, và Trung Quốc đã vắng mặt.

Sự mệt mỏi

Tuy nhiên, những động thái này của nguyên thủ Nga, của tổng thống Ukraine và gần đây nhất là của thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như phần nào phản ảnh tình hình khó khăn trên chiến trường của quân đội Ukraine.

Đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch Viện Themiis, trả lời nhà báo Vincent Roux, trong chuyên mục Quan Điểm của báo Le Figaro, ghi nhận tình trạng mệt mỏi chung từ nhiều tháng qua giữa các bên tham chiến.

"Tôi nghĩ rằng không chỉ Nga, Ukraine mệt mỏi mà cả phía Châu Âu nữa, bởi vì nước Đức, ngoài việc thúc đẩy Ukraine đàm phán với Nga, trong tuần rồi họ còn thông báo sẽ giảm một nửa nguồn đóng góp tài chính cho Ukraine. Rõ ràng có nhiều thông tin được đưa ra buộc các bên chủ chốt, đặc biệt là tổng thống Zelensky, phải nhận thấy thực tế là cần phải bắt đầu thảo luận. Do vậy, sự mệt mỏi của Châu Âu, Nga, và Ukraine thực sự là một yếu tố tiềm năng cho đàm phán".

Nhưng phải chăng Ukraine đang lặp sai lầm từ cuộc phản công mùa xuân tháng 6/2023, khiến nhiều lữ đoàn đã bị tiêu diệt, khi tấn công vào vùng Kursk trên lãnh thổ Nga từ hôm 06/08/2024 ? Trang Responsible Statecraft, thuộc Viện Quincy, một cơ quan tư vấn độc lập tại Mỹ, nhận định chiến dịch này của Ukraine đã thất bại :

"Ukraine không chiếm được một trung tâm dân cư hay nút giao thông quan trọng nào của Nga. Sự việc có thể làm ông Putin bối rối nhưng không làm lay chuyển được quyền lực của ông. Chúng có thể nâng cao tinh thần người dân Ukraine nói chung, nhưng theo tường thuật của phương Tây từ vùng miền đông, chiến dịch này không làm cho tinh thần quân đội Ukraine ở đó thêm hào hứng".

…và chiếc bẫy "Kursk"

Mục tiêu chuyển hướng lực lượng địch, chủ yếu từ Pokrovks và Kurakhove, đã bất thành. Để thực hiện cuộc tấn công, Ukraine đã điều động từ ba đến bốn lữ đoàn – những đơn vị tinh nhuệ nhất – lên phía bắc, để lại ở chiến trường miền đông là những binh sĩ mới nhập ngũ, thiếu kinh nghiệm và thiếu cả động lực.

Cũng trên chương trình Point de Vue của báo Le Figaro, đại tá Peer De Jong nói đến chiếc bẫy cho quân Ukraine :.

"Nếu như họ không ở lại Nga, chỉ cần ở lại 10 ngày, điều mà người ta gọi là đánh nhanh, rút gọn, họ phá hủy mục tiêu và họ lui quân, thì đây là một chiến dịch tốt. Ở đây, họ tái hiện mô hình trận Bakhmuth, họ đào hào và tự chôn mình. Trên thực tế, đây là một chiến dịch trên bộ, nhưng vấn đề ở đây là Nga đang thúc đánh ở miền trung, 4 hay 5 lữ đoàn Ukraine hiện đang ở phía bắc trong khi miền trung thì thiếu quân.

Điều này củng cố ý tưởng về một cuộc đàm phán bởi vì trên thực tế, điều chúng ta sẽ thấy là Nga làm ra vẻ đang đẩy mạnh tiến quân vào khu vực trung tâm Donetsk, họ đang tiến về phía tây nhưng thực tế không hẳn là vậy. Họ không thực hiện một nỗ lực lớn nào cả, rồi họ lặng lẽ rút đi, họ chỉ tiến hành một dạng hoạt động phòng thủ, họ để cho Ukraine đóng quân ở đó, có nghĩa là hiện nay, chiến dịch Kursk đã khiến hai, ba đến bốn tiểu đoàn bị kẹt lại ở phía bắc

(…) Nga rất tinh khôn, điều này mang đến cho ông Zelensky cơ hội để đàm phán một số điểm để đổi lấy vùng Donbass, vùng này sẽ bị bỏ rơi và ông Zelensky sẽ bỏ rơi Donbass. Ông Zelensky sẽ nói rằng, nghe đây, hãy để tôi rút đi, tôi sẽ để lại cho quý vị phần đất này. Một hình thức trao đổi lãnh thổ".

Đàm phán : Bài học "Chiến tranh Việt Nam"

Nhìn từ bản đồ, những vùng lãnh thổ mà Nga chiếm đóng giờ chạy dọc theo sườn đông của Ukraine kéo dài đến tận Biển Đen cùng với bán đảo Crimée. Moskva cũng đã thành công phần nào trong việc tạo được một sự liên tục giữa lãnh thổ Nga và các vùng chiếm đóng.

Vậy phải chăng Nga đã đạt được mục tiêu chiến tranh ? Hiện tại việc ngăn chặn mọi cơ hội Ukraine gia nhập NATO vẫn chưa đạt được. Nhưng với sự trợ giúp quân sự từ các đồng minh thân thiết là Iran, Bắc Triều Tiên và nhất là Trung Quốc, quân đội Nga có thể gia tăng các chiến dịch oanh kích vào các mục tiêu dân sự, "khủng bố" tinh thần người dân và gây thêm nhiều bất lợi cho phía Ukraine vào lúc nguồn viện trợ từ phương Tây cũng bắt đầu suy giảm do những khó khăn về kinh tế, chính trị tại nhiều nước đồng minh của Kiev.

Chiến tranh cũng có nguy cơ lan rộng vào lúc Mỹ và một số nước đồng minh xem xét cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do họ cung cấp để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Nhưng khi cho rằng các bên có thể "bắt đầu nghĩ đến đàm phán", thì đàm phán có thể nhiều năm nữa mới bắt đầu và kéo dài nhiều năm, mà bài học chiến tranh Việt Nam là một ví dụ điển hình. Đại tá Peer De Jong nhắc lại, Hoa Kỳ đã mất gần như 7-8 năm trước khi thoát được khỏi "tổ ong vò vẽ" Việt Nam, bởi vì, "đàm phán kéo dài có lợi cho bên này và bên kia, và trong trường hợp này là có lợi cho Trung Quốc và Bắc Việt".

Chiến tranh khi nào kết thúc ? Câu hỏi này hiện khó thể trả lời. Một điều chắc chắn, như tựa đề một bài viết trên Foreign Affairs, đó là "Putin sẽ không bao giờ từ bỏ Ukraine" chừng nào cảm giác bất an cho an ninh của ông và chế độ Nga hiện nay chưa được xóa tan. Do vậy, phương Tây cũng không thể thay đổi được nước cờ của ông Putin, và họ chỉ có thể trông chờ ông ấy ra đi mà thôi !

Minh Anh

*******************************

Mỹ, Anh viện trợ 1,5 tỉ đô la cho Kiev nhưng chưa quyết định về việc sử dụng tên lửa tầm xa

Thu Hằng, RFI, 12/09/2024

Ukraine đã không nhận được câu trả lời của Mỹ về việc sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp để tấn công sâu trong lãnh thổ Nga. Ngày 11/09/2024, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết vấn đề này sẽ được đề cập trong cuộc gặp giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraine tại Washington ngày 13/09.

uk2

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái), ngoại trưởng Anh David Lammy (phải) và người đồng cấp Ukraine Andriiy Sybiha họp báo tại Kiev, Ukraine, ngày 11/09/2024. AP - Mark Schiefelbein

Khi tiếp hai ngoại trưởng Mỹ và Anh tại Kiev, tổng thống Zelensky đã bày tỏ lòng biết ơn đối với "hai nước đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine". Anh và Mỹ thông báo mỗi nước viện trợ thêm cho Ukraine hơn 700 triệu đô la.

Chính quyền Kiev liên tục kêu gọi các đồng minh "nới lỏng các hạn chế trong việc dùng vũ khí phương Tây cung cấp", vì có "sử dụng một số hệ thống thiết bị của Mỹ", để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga. Anh và một số nước khác ủng hộ, nhưng Mỹ vẫn chưa quyết định. Theo Bloomberg, trích dẫn nhiều nguồn tin ẩn danh từ chính quyền Mỹ, dường như Nhà Trắng muốn tổng thống Zelensky trình bày một chiến lược chi tiết trước khi cho phép.

Thông tín viên RFI Alexander Query tại Kiev tường trình :

Chính quyền Kiev thất vọng vì ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vẫn không thông báo dỡ bỏ hạn chế về tầm bắn của các tên lửa của Mỹ được gửi cho Ukraine trong khi Kiev vẫn gây áp lực đòi các đồng minh dỡ bỏ những biện pháp này để có thể tấn công vào các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.

Trong cuộc họp báo tại Kiev, ông Blinken nhắc lại rằng thủ tướng Anh Keir Starmer sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington vào thứ Sáu (13/09) để đề cập đến vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ tránh trả lời những câu hỏi liên quan đến tên lửa tầm xa mà chỉ nói : "Hai nhà lãnh đạo của chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận về chủ đề này khi gặp nhau vào thứ Sáu".

Anh Quốc không thay đổi lập trường về tên lửa Storm Shadows của họ, nhưng tầm bắn của những tên lửa này vẫn bị hạn chế. Ngược lại, ngoại trưởng Anh David Lammy thông báo khoản viện trợ quân sự mới 600 triệu bảng Anh cho Ukraine, tương đương hơn 700 triệu euro. Về phần ngoại trưởng Mỹ, ông thông báo khoản viện trợ 700 triệu đô la sắp tới.

Cả hai nhà ngoại giao đều nhắc đến mối nguy hiểm từ việc Nga mới nhận tên lửa đạn đạo của Iran, trong khi Moskva dường như đã nhận 5 triệu quả đạn pháo từ Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Anh bày tỏ "quan ngại" về sự kiện mà ông đánh giá là một sự "leo thang". Ông phát biểu : "Chúng tôi rất quan ngại về hành động leo thang mà chúng ta có thể thấy, đặc biệt là từ Iran".

Cùng ngày trước đó, bên lề hội nghị ngoại giao cấp cao Platform Crimea, tổng thống Zelensky thừa nhận ông không ảo tưởng nhiều về việc dỡ bỏ các hạn chế nói trên. Hội nghị về việc chấm dứt tình trạng sáp nhập bán đảo Crimée, được tổ chức ở Kiev, quy tụ hơn 60 nhà lãnh đạo và quan chức ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ bàn về hỗ trợ Ukraine với lãnh đạo Ba Lan

Ngày 12/09, ngoại trưởng Mỹ trở lại Warzsawa, lần lượt hội đàm với thủ tướng và tổng thống Ba Lan để bàn về hỗ trợ cho Kiev. Dù bị chia rẽ sâu sắc về đối nội, Ba Lan vẫn đoàn kết trong việc giúp đỡ Ukraine và tiếp tục là cửa ngõ trung chuyển quan trọng viện trợ của phương Tây cho Ukraine.

Về tình hình chiến sự, các công trình hạ tầng năng lượng tại vùng Sumy, giáp biên giới với Nga, tiếp tục bị oanh kích. Khoảng 13 người bị thương ở thành phố Konotop trong loạt oanh kích vào sáng sớm 12/09, theo thông báo của chính quyền vùng trên mạng Telegram.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh, Thu Hằng
Read 213 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)