Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/09/2024

Quyết tâm của Zelensky tại Hoa Kỳ mang lại kết quả

RFI tiếng Việt

Lãnh đạo Ukraine nhận được sự ủng hộ của tổng thống và phó tổng thống Mỹ trước khi gặp ông Trump

Thanh Phương, RFI, 27/09/2024

Tại Washington hôm qua, 26/07/2024, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận được sự ủng hộ của tổng thống Mỹ Joe Biden và của phó tổng thống Kamala Harris, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ. Hôm nay, ông Zelensky gặp ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump tại New York.

zelensky1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, ngày 26/09/2024. AP - Susan Walsh

Ông Zelensky đã đến Washington để trình bày với chính quyền Biden "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine. Theo lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, được tờ Le Monde trích dẫn, tổng thống Ukraine chỉ trình bày với tổng thống Biden, "những nét tổng quát của kế hoạch giành chiến thắng". Chữ "tổng quát" có vẻ như cho thấy Nhà Trắng không mấy thỏa mãn với kế hoạch đó.

Theo hãng tin AFP, từ Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng, tổng thống Biden tuyên bố: "Nga sẽ không chiến thắng được". Trước đó, ông Biden đã thông báo gia tăng hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine, bao gồm khoản viện trợ quân sự mới trị giá 8 tỷ đô la. Về phần phó tổng thống Harris, bà tuyên bố khi tiếp riêng tổng thống Zelensky: " Sự ủng hộ của tôi đối với nhân dân Ukraine là không gì có thể lay chuyển".

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình:

"Tại Nhà Trắng, tổng thống Joe Biden tiếp các vị khách trong Phòng Bầu Dục, nhưng đối với Volodymyr Zelensky, chính bà Kamala Harris ra tuyên bố chính thức với báo chí, để bảo đảm tổng thống Ukraine về sự ủng hộ của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh là đối thủ Cộng Hòa có quan điểm hoàn toàn khác: 

"Một số người trong nước tôi muốn ép buộc Ukraine từ bỏ phần lớn lãnh thổ của mình, đòi Ukraine phải chấp nhận nguyên tắc trung lập và yêu cầu nước này cắt đứt các quan hệ về an ninh với các nước khác. Những đề nghị đó cũng chính là đề nghị của Putin".

Đến đây để trình bày "kế hoạch giành thắng lợi" Volodymyr Zelensky có vẻ hài lòng về sự ủng hộ nhằm chống lại điều mà ông gọi là "cái ác Nga":

"Chúng ta phải duy trì áp lực với nước Nga để chấm dứt cuộc chiến, kiến tạo một nền hòa bình thật sự, lâu dài và công bằng. Đó là ưu tiên hàng đầu đối với chúng tôi và đối với mọi quốc gia yêu chuộng tự do, để đạt được một nền hòa bình thật sự cho chúng tôi, chứ không phải duy trì nguyên trạng".

Thế nhưng vì biết rằng tình hình chính trị nước Mỹ không có gì là chắc chắn trong giai đoạn tranh cử này, tổng thống Zelensky cũng sẽ gặp ứng cử viên tổng thống Donald Trump tại nhà ông ở New York hôm nay. Cựu tổng thống Mỹ vẫn có tham vọng đạt được một thỏa thuận giữa Volodymyr Zelensky và Vladimir Putin."

Cuộc gặp giữa tổng thống Zelensky với ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump rất tế nhị, bởi lẽ cựu tổng thống Hoa Kỳ đã liên tục chỉ trích viện trợ hào phóng của Mỹ cho Ukraine. Ông Trump cũng đã nhiều lần tuyên bố là nếu tái đắc cử tổng thống, ông sẽ giải quyết cuộc chiến Ukraine " trong vòng 24 tiếng đồng hồ", nhưng không nói rõ là bằng cách nào.

Thanh Phương

**************************

Tổng thống Ukraine đến Nhà Trắng trình bày "kế hoạch chiến thắng" với chính quyền Biden

Thanh Hà, RFI, 26/09/2024

Sau phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, hôm nay 26/09/2024, tổng thống Ukraine đến Nhà Trắng để trình bày với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden "kế hoạch chiến thắng". Volodymyr Zelensky sẽ gặp riêng ứng viên tổng thống Hoa Kỳ của đảng Dân Chủ Kamala Harris trong bối cảnh viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine là một chủ đề gây tranh cãi trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Ứng cử viên của đảng Cộng Hòa Donald Trump không dự trù gặp lãnh đạo Ukraine.

zelensky1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, Hoa Kỳ, ngày 25/09/2024. AFP – Timothy A. Clary

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :

"Thông thường các vấn đề đối ngoại không phải là một ưu tiên trong các chương trình vận động tranh cử ở Mỹ. Hơn nữa, kinh tế và chính sách nhập cư là hai trong số các hồ sơ mà cử tri quan tâm nhất. 

Thế nhưng, Ukraine cũng được quan tâm, bởi Hoa Kỳ tài trợ rất nhiều để giúp quốc gia này chống Nga. Ukraine thu hút sự chú ý cũng là do các ứng cử viên đã đề cập đến chủ đề này trong cuộc tranh luận tay đôi. Đối với ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, Mỹ nên tiếp tục yểm trợ Ukraine. Bà chỉ trích đối thủ Donald Trump từ chối chấp nhận điều đó. Trái lại, ứng cử viên Cộng Hòa từng khẳng định ông có thể giải quyết vấn đề Ukraine trong 24 giờ đồng hồ, đồng thời chỉ trích Volodymyr Zelensky không chịu đàm phán với Vladimir Putin. Donald Trump thậm chí còn tuyên bố để mặc cho Nga muốn làm gì thì làm đối với các nước thành viên NATO không chịu đầu tư vào quốc phòng để tự vệ.

Đáp lại lập luận này của ông Trump, bà Harris thách thức đối thủ hãy giải thích lập trường của ông với 800.000 công dân Mỹ gốc Ba Lan đang sống ở bang Pennsylvania. Tại bang mà cả hai ứng cử viên đều đang nỗ lực tranh giành ảnh hưởng, đại diện của cộng đồng người Ba Lan đã chính thức thông báo ủng hộ đảng Dân Chủ. Các cuộc thăm dò ở cấp địa phương cũng đang chứng mình điều đó. Nhưng ở cấp quốc gia thì về các hồ sơ quốc tế, đa số người Mỹ có vẻ vẫn tin tưởng vào cựu tổng thống Trump hơn".

Theo lịch làm việc của tổng thống Ukraine hôm nay tại thủ đô Washington, ngoài hai buổi làm việc với tổng thống Mỹ Joe Biden và phó tổng thống Kamala Harris, ông Zelensky sẽ thảo luận với nhiều lãnh đạo cao cấp ở Quốc Hội lưỡng viện, nhưng dường như sẽ không gặp chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson.

Hôm qua, ngoại trưởng Antony Blinken thông báo một khoản viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 375 triệu đô la, bao gồm nhiều loại vũ khí tối tân như hệ thống pháo phản lực HIMARS, các loại tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng.

Ukraine báo động Nga có kế hoạch gây thảm họa hạt nhân

Hôm qua, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, tổng thống Volodymyr Zelensky tố cáo Nga có kế hoạch tấn công các nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine để gây nên một "thảm họa hạt nhân". Vào lúc cộng đồng quốc tế bị xung đột ở Trung Cận Đông chi phối, ông Zelensky tiếp tục vận động quốc tế yểm trợ Ukraine đang bị Nga xâm lược. Ông cho biết trong hai năm rưỡi chiến tranh, "80% hệ thống điện lực của Ukraine bị Nga phá hủy" và "quân Nga nhắm vào các nhà máy nhiệt và thủy điện của Ukraine hàng ngày". Liên quan đến các cơ sở hạt nhân của Ukraine, ông Zelensky tuyên bố "chỉ cần một sự cố nghiêm trọng" là cũng đủ để dẫn đến một "thảm họa hạt nhân", "Moskva cần hiểu rằng cộng đồng quốc tế quyết tâm" để kịch bản đó "không bao giờ xảy ra".

Thanh Hà

*****************************

Thuyết phục Mỹ về "kế hoạch giành thắng lợi", nhiệm vụ khó hoàn thành của tổng thống Ukraine

Thanh Hà, RFI, 26/09/2024

Ukraine là một đề tài gây bất đồng sâu rộng giữa hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ Kamala Harris và Cộng Hòa Donald Trump. Sự mệt mỏi của một phần công luận Hoa Kỳ khiến Washington là chặng quan trọng nhất trong chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Volodymyr Zelensky. Làm thế nào để Kiev thuyết phục được đồng minh quân sự quan trọng nhất của mình về một kế hoạch giúp Ukraine "giành thắng lợi" sau hơn 2 năm rưỡi bị Nga xâm lược ?

zelensky2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky họp báo tại Kiev, Ukraine, ngày 20/09/2024. AP - Christoph Soeder

Trong ngày hôm nay, 26/09/2024, tổng thống Zelensky chỉ có vài giờ để thuyết phục tổng thống Joe Biden và Quốc Hội lưỡng viện Mỹ hậu thuẫn kế hoạch giúp Ukraine giành chiến thắng, chấm dứt cuộc xâm lược của Nga. Kế hoạch mà Volodymyr Zelensky mang đến Washington gồm 3 điểm chính : Kiev muốn được Hoa Kỳ tăng viện trợ quân sự để có thể đàm phán với Nga trong thế mạnh, muốn được cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới bảo đảm sẽ tiếp tục sát cánh cùng Ukraine trong giai doạn tái thiết đất nước một khi im tiếng súng. Để không bị láng giềng quá lớn đe dọa trong tương lai, Ukraine cần có tiếng nói của Washington để "chính thức mời" Ukraine gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trên cả ba mục tiêu này, tổng thống Zelensky ít có khả năng được toại nguyện. Từ khi những người lính Nga đầu tiên tràn sang Ukraine, Hoa Kỳ đã cấp trên dưới 175 tỷ đô la cho Kiev dưới hình thức viện trợ quân sự và kinh tế. Ukraine là một trong những đề tài gây chia rẽ sâu rộng cử tri Mỹ, chưa đầy 50 ngày trước khi bầu chọn người thay thế ông Joe Biden. Ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris, đương kim phó tổng thống Hoa Kỳ, tất nhiên ủng hộ quan điểm là Mỹ có trách nhiệm "kề vai sát cánh" với một quốc gia có chủ quyền bị xâm lược, và giúp Ukraine cũng chính là nhằm bảo đảm an ninh cho nước Mỹ. Nhưng lập trường này khó thuyết phục ngay cả hàng ngũ cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ.

Đối với đối thủ Cộng Hòa Donald Trump, Ukraine là một cái "thùng không đáy", chi bao nhiêu tiền cũng không đủ. Cựu tổng thống Trump không ngớt lời chỉ trích chính quyền Biden lấy tiền của dân Mỹ đi giúp Ukraine, một quốc gia "xa xôi", còn Volodymyr Zelensky trong mắt ông Trump thì không hơn không kém là một "nhà đại diện thương mại khá tài giỏi, cứ mỗi lần sang Mỹ là lại thu được 60 tỷ đô la", tiền của dân Mỹ. Cũng Trump từng tuyên bố chỉ cần 24 giờ ở Nhà Trắng là giải quyết xong hồ sơ Ukraine. Ông trách tổng thống Zelensky đã bỏ lỡ cơ hội đàm phán với Putin để vãn hồi hòa bình.

Trước ngày Zelensky đến Mỹ, có tin là ông sẽ gặp riêng cả hai ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng được biết là ông Trump dường như đã hủy kế hoạch tiếp tổng thống Ukraine. Điều nguy hiểm hơn nữa đối với Kiev, đối với "kế hoạch giành chiến thắng" cho Ukraine, theo giới quan sát là lập trường của ông Trump có sức thuyết phục cao đối với cử tri Mỹ và bản thân cựu tổng thống Hoa Kỳ cũng là một "con buôn" có đầu óc thực dụng, ông cũng biết kiếm phiếu của cử tri Hoa Kỳ bằng cách khai thác tâm lý mệt mỏi của dân Mỹ phải cưu mang Ukraine.

Từ khi Ukraine bị Nga xâm lược, chưa bao giờ quan hệ cá nhân giữa tổng thống Zelensky với chủ nhân Nhà Trắng lại căng thẳng như hiện nay : Vài tháng trước khi hết nhiệm kỳ, ông Biden đương nhiên không muốn mang tiếng bỏ rơi Ukraine như đã từng bỏ rơi Afghanistan, nhưng tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng muốn tránh đẩy Washington vào thế đối đầu trực tiếp với Moskva. Do vậy, trước mắt Joe Biden dứt khoát từ chối cho phép Kiev sử dụng vũ khí "tầm xa" do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga, dù chỉ là những mục tiêu quân sự. Hơn nữa, vào lúc mà Hoa Kỳ và Lầu Năm Góc còn cân nhắc được thua, tổng thống Nga hôm 25/09/2024 đã "đánh phủ đầu" bằng đòn hù dọa. Tổng thống Vladimir Putin "trịnh trọng" thông báo trên truyền hình là ông đang "xem xét lại chiến lược hạt nhân". Theo học thuyết hạt nhân mới, Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tự vệ kể cả trong trường hợp "một cường quốc nguyên tử yểm trợ một quốc gia không có vũ khí hạt nhân" đe dọa đến an ninh của nước Nga. Đây không hơn không kém là một lời nhắn nhủ mà Vladimir Putin trực tiếp gửi đến Joe Biden trước khi tổng thống Mỹ tiếp đồng cấp Ukraine.

Cuối cùng, có một thực tế mà tổng thống Volodymyr Zelensky không thể chối cãi, đó là bất luận chính quyền Mỹ sau bầu cử tháng 11/2024 thuộc về ai, thì đảng Dân Chủ cũng như Cộng Hòa đều không muốn gây thêm thù oán với Liên bang Nga. Các đời chủ nhân Nhà Trắng đều có đầu óc thực dụng và lịch sử đã cho thấy Washington có thể dễ phủi tay ngay cả với các đồng minh một khi đấy không phải là lợi ích của Hoa Kỳ.

Điểm tương đồng duy nhất tổng thống Volodymyr Zelensky có thể dễ nhận thấy trong chuyến công du Hoa Kỳ lần này đó là cả ông và Nhà Trắng đều muốn chấm dứt chiến tranh Ukraine. Nhưng chấm dứt cuộc xung đột đó như thế nào và hệ quả ra sao, chắc chắn đấy không phải là những ưu tiên của Washington ở thời điểm này.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà
Read 152 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)