Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/09/2024

Chiến tranh Ukraine : Cả Mỹ lẫn Nga rút ra bài học nào ?

RFI tổng hợp

Bài học nào cho chính sách quốc phòng của Mỹ ?

Thanh Hà, RFI, 27/09/2024

Chiến tranh Ukraine là "phòng thí nghiệm" để Mỹ "chuẩn bị kỹ hơn cho một cuộc đối đầu gián tiếp mai sau với Moskva và nhất là với Bắc Kinh". Giúp đỡ Ukraine là cơ hội để Washington rà soát lại và cập nhật học thuyết quốc phòng, điều chỉnh khả năng tác chiến, thẩm định lại sức mạnh quân sự, kiểm tra khả năng của ngành công nghiệp sản xuất vũ khí. 

uk1

Trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ- Lầu Năm Góc- Washington. Reuters – Joshua Roberts

Tấn công Ukraine, Nga vừa thách thức, vừa tạo cơ hội tạo cơ hội cho Hoa Kỳ tăng cường khả năng "kềm tỏa những tham vọng bá chủ (…) của đối thủ chiến lược duy nhất xứng tầm là Trung Quốc".

Trên đây là ý chính trong bài phân tích được đăng trên tạp chí chuyên về công nghiệp và quốc phòng, DEFENSE & Industries số ra tháng 6/2024 "Những bài học chính từ xung đột ở Ukraine đối với chính sách quốc phòng của Mỹ". Tác giả là nhà nghiên cứu Didier Gros, cộng tác viên với Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược –FRS. Ông chuyên nghiên cứu về chính sách quốc phòng của Mỹ, về quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và nhất là về chính sách đối phó với những mối đe dọa mới.

Trung Quốc, nỗi ám ảnh của Hoa Kỳ

Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định xung đột Ukraine được đặt trong "tầm nhìn về địa chính trị rộng lớn hơn, mà ở đó sự đối đầu về mặt chiến lược với Trung Quốc là ưu tiên tuyệt đối". Do vậy viện trợ cho Ukraine theo đuổi hai mục tiêu : vừa đáp ứng những nhu cầu cấp bách của chính quyền Kiev vừa chuẩn bị khả năng sau này Mỹ phải "gián tiếp đương đầu với Moskva nhất là với Bắc Kinh".

Dấu hiệu nào cho thấy, giúp Ukraine đương đầu với Nga nhưng thực ra Trung Quốc mới là nỗi ám ảnh của Hoa Kỳ ?

Nhà nghiên cứu Didier Gros cho rằng, "theo quan điểm của Lầu Năm Góc, kết luật đầu tiên rút ra từ việc Moskva xâm chiếm Ukraine không chỉ tập trung vào chiến lược của Mỹ đối với nước Nga (…) bởi xét cho cùng từ trước đến nay Washington luôn xem Nga là một ‘vấn đề’" Cuộc chiến này càng củng cố thêm quan điểm của Mỹ : Washington cần đẩy mạnh nỗ lực kềm tỏa những tham vọng bá chủ, ở cấp vùng, thậm chí là cấp toàn cầu, của một đối thủ chiến lược duy nhất xứng tầm, là Trung Quốc.

Điều này, trong mắt các chuyên gia về quân sự và chiến lược của Mỹ càng trở nên cấp bách khi mà "Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau".

Tác giả bài nghiên cứu nhắc lại rằng, chiến tranh Ukraine vừa khai mào, "cộng đồng chiến lược ở Mỹ đã vội vàng mở ra hồ sơ Đài Loan". So sánh giữa việc Ukraine bị Nga xâm lấn với khả năng Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan, Washington coi hồ sơ Đài Loan là "thách thức ở quy mô lớn với những hệ quả nghiêm trọng hơn nhiều đối với trật tự thế giới trong tương lai".

Giúp Ukraine Mỹ được lợi gì ?

Bài học thứ nhất là chính sách răn đe "không hiệu quả". Nga xâm lăng Ukraine là điều bất ngờ, thách thức trật tự quốc tế được dưới trướng Hoa Kỳ. Dù vậy báo cáo về chính sách phòng thủ quốc gia được công bố tháng 10/2022, Lầu Năm Góc nhấn mạnh "CIA biết trước trước kịch bản này". Hành động của Moskva củng cố thêm "tầm nhìn của tổng thống Biden về một cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa các chế độ chuyên chế và các nền dân chủ"

Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố "mục tiêu thực thụ của Hoa Kỳ là nhằm làm suy yếu nước Nga không chỉ nhân cuộc xung đột Ukraine mà còn hơn thế nữa". Có điều như nhà nghiên cứu Pháp ghi nhận Hoa Kỳ luôn đặt quyền lợi của chính mình lên trên hết, nên Nhà Trắng đã thiên về giải pháp : Giúp đỡ Ukraine ở quy mô lớn nhưng đồng thời tránh gây thêm căng thẳng với một cường quốc hạt nhân hàng đầu.

Châu Âu là một chú lùn về quân sự

Bài học thứ nhì là cuộc chiến ở Ukraine đặt ra vấn đề về an ninh của Châu Âu. Cuộc chiến này cho phép khẳng định lại vai trò đầu tầu của Mỹ ; tạo thêm sức mạnh cho NATO, một liên minh quân sự đặt dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ và đã để lộ rõ chính sách phòng thủ của Châu Âu chỉ "đóng vai trò thứ yếu".

Bài học thứ ba là trước một cuộc xung đột vũ trang xảy ra ngay tại Châu Âu và sát cạnh cửa ngõ của Liên Âu, "Hoa Kỳ và cả hai bên đang tham chiến (Nga và Ukraine) cùng nhân thấy rằng Liên Hiệp Châu Âu chỉ là những nhà quan sát đứng ngoài cuộc. Châu Âu là một cường quốc quân sự còn chưa trưởng thành, và chỉ chiếm một vị trí không đáng kể cho dù đã có một vài tiến bộ".   

Mỹ cập nhật học thuyết và tiềm năng quân sự

Nhưng cũng nhờ Nga xâm lược Ukraine mà Hoa Kỳ đã có cơ hội để rà soát lại chiến lược và khả năng quân sự của chính mình. Chuyên gia Pháp nghiên cứu về quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và chính sách quốc phòng của Mỹ, Didier Gros giải thích : Mỹ nhận thấy một số những "giới hạn" về ảnh hưởng của mình đối với phần còn lại của thế giới, nên đã buộc phải tìm thế cân bằng giữa "những tham vọng và nghĩa vụ" của mình. Cụ thể là "vào lúc mà Kiev và Châu Âu lệ thuộc vào những quyết định quân sự của Mỹ thì Washington phân biệt rõ ràng hai vấn đề là an ninh của Châu Âu và số phận Ukraine. Không hẳn vì muốn bỏ rơi Ukraine, nhưng Hoa Kỳ có tầm nhìn xa hơn".

Việc bỏ rơi hay không Ukraine tùy thuộc vào bốn yếu tố : vào toàn cảnh chính trị của nội bộ Hoa Kỳ, vào môi trường quốc tế, vào các diễn tiến tình hình quân sự ở Ukraine nhưng quan trọng hơn cả là giúp Kiev, có nằm trong danh sách các quyền lợi chiến lược của Mỹ hay không ?

Về điểm cuối cùng này, câu trả lời hiển nhiên là có.

Nhờ viện trợ quân sự cho Ukraine mà Hoa Kỳ "tự nhận thấy những thiếu sót của mình trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng", trong việc huy động quân cho các cuộc chiến tương lai. Hơn thế nữa bản chất "các cuộc chiến trong tương lai" cũng đang có nhiều thay đổi. Theo tác giả bài nghiên cứu đăng trên tạp chí DEFENSE & Industries, từ kinh nghiệm giúp đỡ Ukraine, Mỹ nhận thấy là cần tăng cường khả năng phối hợp với các lực lượng quân sự đồng minh, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo và tập huấn chung, cần phát triển khái niệm Multi Domain Operations mở rộng khả năng can thiệp trên nhiều lĩnh vực và trong những môi trường rất khác nhau ; và trong cuộc chiến tương lai thì "công nghệ cao sẽ đóng một vai trò then chốt", nhất là trong trường hợp phải đối đầu với Trung Quốc. Chiến tranh Ukraine cũng là "một phòng thí nghiệm" đối với các nhà chiến lược không riêng gì của Mỹ mà toàn thế giới, trong lĩnh vực "cyber" và lại càng thúc đẩy Lầu Năm Góc hợp tác chặt chẽ hơn các công ty dân sự.

Didier Gros, cộng tác viên của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cho rằng, ở thời điểm hiện tại Washington tiếp tục học hỏi và rút kinh nghiệm từ "mô hình Ukraine" để chuẩn bị chính cho tương lại, đặc biệt là trong lĩnh vực "phát triển và phối hợp hành động với các đối tác trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương".  

Thanh Hà

***********************

Học thuyết hạt nhân mới của Putin : Thùng rỗng kêu to

Thanh Phương, RFI, 27/09/2024

Ngày 25/09/2024, tổng thống Vladimir Putin cảnh báo là nước Nga có thể sử dụng tới vũ khí hạt nhân để đáp trả mọi cuộc tấn công từ một quốc gia không có vũ khí nguyên tử nhưng được sự yểm trợ của một cường quốc nguyên tử. Tuy không nêu cụ thể tên của nước nào, nhưng ai cũng hiểu là chủ nhân điện Kremlin muốn nói đến Ukraine và các đồng minh. 

uk0

Tổng thống Putin thông báo ý định xem xét lại học thuyết hạt nhân của Nga. Ảnh ngày 25/09/2024. © Aleksei Nikolsky / AP

Hôm qua, điện Kremlin mới nói thẳng : Thay đổi trong học thuyết về sử dụng vũ khí hạt nhân như thông báo của tổng thống Putin phải được xem là "một tín hiệu" gởi đến các nước phương Tây.

Nhưng nếu như có thể xem đây là học thuyết mới của Nga về vũ khí hạt nhân thì trên thực tế không có gì thay đổi lớn về chiến lược của Moskva, theo nhận định chung của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn.

Học thuyết của Nga năm 2020 nêu rõ 4 trường hợp mà Nga có thể sử dụng vũ khí nguyên tử : thứ nhất, Nga hoặc một nước đồng minh bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo ; thứ hai, một đối thủ của Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ; thứ ba, một cơ sở đặt vũ khí hạt nhân của Nga bị tấn công và thứ tư, một cuộc tấn công đe dọa đến sự tồn tại của quốc gia.

Theo AFP, việc áp dụng học thuyết đó vẫn gây tranh cãi. Một số chuyên gia và giới chức quân sự, nhất là tại Washington, cho rằng Moskva đã từ bỏ nguyên tắc không sử dụng vũ khí trước tiên, mà nay dùng đến lá bài "leo thang để làm xuống thang", tức là sử dụng vũ khí nguyên tử với tỷ lệ hạn chế để buộc khối NATO phải lùi bước.

Hôm 25/09, tổng thống Putin đã đề nghị "xem cuộc tấn công vào nước Nga bởi một quốc gia phi hạt nhân, nhưng với sự tham gia hoặc yểm trợ của một cường quốc hạt nhân là một cuộc tấn công chung chống lại Nga". 

Trả lời hãng tin AFP, chuyên gia Hans Kristensen, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), cho rằng quan điểm nói trên "rõ ràng là nhằm ngăn cản Mỹ và Anh cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine". Ông nói : "Vấn đề với Putin là liệu ông ấy có sẵn sàng đi đi đến cùng hay không ". 

Tổng thống Nga cũng cảnh báo sẽ cân nhắc sử dụng bom nguyên tử trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công trên không quy mô lớn (bằng máy bay, tên lửa hoặc drone) và một cuộc tấn công vào Belarus, một đồng minh trung thành của Nga. 

Héloïse Fayet, chuyên gia hạt nhân tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), nhận định ông Putin chỉ " làm rõ và mở rộng" học thuyết, nhưng không thật sự "hạ thấp ngưỡng" sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Kể từ tháng 2/2022, tức là kể từ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, đã không biết bao nhiêu lần tổng thống Putin đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Nhận thấy Kiev sẽ không thất thủ nhanh như mong đợi, chủ nhân điện Kremlin đã từng ra lệnh "đặt lực lượng răn đe của quân đội Nga trong tình trạng báo động chiến đấu đặc biệt". Nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng trên thực tế, một phần kho vũ khí của Nga - giống như của phương Tây - vẫn luôn sẵn sàng được sử dụng. Vào mùa hè năm 2023, Nga cũng tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus. Quân đội nước này đã tiến hành các cuộc diễn tập gần Ukraine vào tháng 5 năm ngoái để gọi là đáp lại "những lời đe dọa từ một số quan chức phương Tây". 

Đối với chuyên gia Phillips O'Brien, thuộc Đại học Saint Andrews của Scotland, bất cứ ai tin vào những thông báo nói trên của Moskva đều "đang bị thao túng". Ông khẳng định: "Không một nhà lãnh đạo nào sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân vì học thuyết nói như vậy. Họ sẽ làm điều đó nếu họ muốn. Không có gì thay đổi".

Theo chuyên gia Héloïse Fayet, " không có đáng lo ngại. Đây là một phần của cuộc đối thoại mang tính răn đe mà Nga duy trì với phương Tây và chắc chắn rằng vị trí của vũ khí hạt nhân trong tương quan lượng này sẽ tăng lên". 

Trước mắt, những lời đe dọa từ Nga đã không ngăn cản các đồng minh của Kiev dần dần vượt qua mọi lằn ranh đỏ qua việc cung cấp tên lửa tầm xa, xe tăng, máy bay chiến đấu, v.v… cho Ukraine.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Thanh Phương
Read 155 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)