Pháp : Trục trặc đầu tiên của tân chính phủ và ảnh hưởng lớn của phe cựu hữu
Tân chính phủ Pháp vừa ra mắt được ít ngày đã đối mặt với những trục trặc đầu tiên sau các tuyên bố gây tranh cãi của hai bộ trưởng Kinh tế và bộ trưởng Nội vụ. Dự kiến của chính phủ cắt giảm ưu đãi thuế đối với đầu tư cho Nghiên cứu và Phát triển gây nhiều bất đồng trong giới doanh nghiệp. Các vấn đề trong nước là chủ đề chính trang nhất của nhiều nhật báo Pháp hôm 26/09/2024, ít ngày trước dịp tân chính phủ công bố chương trình hành động trước Quốc hội.
Tân bộ trưởng Kinh tế Pháp Antoine Armand đến phủ thủ tướng dự cuộc họp đầu tiên của chính phủ Michel Barnier, Paris, Pháp, ngày 23/09/2024. © Ian Landsdon / AFP
Báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Những trục trặc đầu tiên của nội các Barnier" nhấn mạnh trước hết : Trong lúc thủ tướng Michel Barnier kêu gọi chính phủ "đoàn kết" và "duy trì tình hữu ái", các mâu thuẫn nội bộ cho thấy rõ ảnh hưởng sâu sắc của đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc (RN) đối với tân chính phủ.
Ngay sau tuyên bố khẳng định rõ chỉ cộng tác với các đảng phái thuộc "Mặt trận Cộng hòa" (tức liên minh các đảng phái khẳng định trung thành với các giá trị của nền Cộng hòa chống lại ứng viên cực hữu trong cuộc tranh cử Hạ Viện cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024), và cự tuyệt hợp tác với đảng cực hữu, bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand - thành viên đầu tiên của tân chính phủ phát biểu trước báo giới - đã bị lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đả kích kịch liệt.
Cực hữu hoan hỉ
Ngay lập tức, thủ tướng Barnier đã gọi điện cho bộ trưởng Kinh tế để nhắc nhở phải "tôn trọng cử tri" và "các dân biểu đại diện cho cử tri tại Hạ Viện và Thượng Viện". Thủ tướng Barnier cũng trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo cực hữu để trấn an. Trên BFM-TV, một dân biểu cực hữu hoan hỉ : " Chúng ta (tức đảng cực hữu RN) có đủ uy quyền để chấn chỉnh một viên bộ trưởng ăn nói hàm hồ". Bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand sau đó đã buộc phải ra một thông cáo cải chính với tuyên bố sẽ tiếp đón đại diện tất cả các đảng phái tại Quốc hội.
Trục trặc thứ hai được Le Monde nêu bật là tuyên bố của tân bộ trưởng Nội vụ Bruno Retailleau, nguyên lãnh đạo khối nghị sĩ cánh hữu LR tại Thượng Viện. Lập trường được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với cực hữu của chính trị gia này đã rõ, tuy nhiên tuyên bố của tân bộ trưởng Retailleau sẽ có các chính sách cứng rắn chống dân nhập cư không có giấy tờ hợp lệ (như coi người không có giấy tờ hợp lệ là tội phạm, tội danh vốn bị xóa dưới thời tổng thống cánh tả Hollande), đòi hỏi xóa bỏ hỗ trợ y tế nhà nước (AME) đối với người nước ngoài… gây phản ứng dữ dội ngay trong phe của tổng thống Macron, thành phần chính của liên minh cầm quyền.
Cánh tả trong phe tổng thống giữ khoảng cách với cực hữu
Bộ trưởng phụ trách chuyển đổi Sinh thái Agnès Pannier-Runacher, thuộc cánh tả trong phe tổng thống, hôm thứ Ba, nhấn mạnh là việc xóa bỏ trợ giúp y tế nhà nước cho người nước ngoài sống tại Pháp là "không thể chấp nhận được", vì các trợ giúp theo cơ chế này hoàn toàn không phải là "các chăm sóc y tế xa xỉ" như quan điểm sai lầm trong xã hội về chuyện này. Các phát biểu của bộ trưởng Nội vụ cũng bị bộ trưởng Tư pháp Didier Migaud, thành viên cánh tả duy nhất trong chính phủ Barnier, chỉ trích.
Chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng của tổng thống, bà Yael Braun-Pivet, cũng cảnh báo mọi mưu toan của tân bộ trưởng Nội vụ ban hành các thông tư cấp bộ để điều chỉnh luật về chăm sóc y tế đối với người nước ngoài không giấy tờ (AME), mà không thông qua Quốc hội.
Trước các mâu thuẫn lộ rõ của tân chính phủ, phát ngôn viên Maud Bregeon đã tìm cách giảm nhẹ căng thẳng với tuyên bố : các thành viên chính phủ không phải là người máy, việc mỗi người nghĩ một khác là điều bình thường.
Thủ tướng lo Le Pen nổi giận
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành mục Mỗi ngày một sự kiện chính trị cho chủ đề ảnh hưởng sâu sắc của phe cực hữu đối với tân chính phủ, và trước hết là đối với tân thủ tướng. Phát biểu của bộ trưởng Kinh tế chống lại đảng cực hữu và các diễn biến tiếp theo càng cho thấy rõ đảng của Marine Le Pen đang đứng ở trung tâm bàn cờ chính trị Pháp. Theo Les Echos, Marine Le Pen đòi hỏi "được tôn trọng" nhưng bà đã gặt hái được nhiều hơn thế. Đối với cánh tả và một bộ phận phe của tổng thống, lãnh đạo đảng cực hữu đã trở thành "một đồng thủ tướng" ("premier ministre bis").
Les Echos nhấn mạnh là tân thủ tướng Barnier rõ ràng là đã "hết sức cố gắng để làm sao cho bà Le Pen không nổi giận". Nỗi ám ảnh lớn của ông Barnier cũng như tân chính phủ là lúc nào thì lãnh đạo cực hữu sẽ "ấn nút", tức quyết định lật đổ chính phủ. Tương lai bất định của tân chính phủ, được thành lập hơn hai tháng sau cuộc bầu cử, rõ ràng là vấn đề số một của chính trường nước Pháp tháng 9 này. Ám ảnh này về mặt lôgíc là rất gần với thực tế, bởi nếu cộng gộp, phe cựu hữu và liên minh cánh tả thừa đủ số dân biểu để bỏ phiếu bất tín nhiệm tân chính phủ.
Phóng đại vai trò của cực hữu : mắc bẫy của Le Pen
Tuy nhiên, Les Echos nhấn mạnh việc đề cao khả năng lật đổ chính phủ của lãnh đạo cực hữu "đã được phóng đại", bởi cánh tả chắc chắn sẽ không ủng hộ các kiến nghị bất tín nhiệm do đảng của bà Le Pen đề xuất. Thổi phồng vị thế của đảng cực hữu lúc này rất có thể là rơi vào chiếc bẫy của đảng cực hữu. Marine Le Pen, với hàng loạt thủ đoạn "vừa đấm, vừa xoa" hiện nay, đang muốn để mọi người coi bà ta như "người chủ cuộc chơi". Les Echos cảnh báo hãy tỉnh táo bởi tình thế đầy bất trắc hiện nay là bối cảnh gây tâm lý bất an hơn nữa.
Về các trục trặc đầu tiên của tân chính phủ, nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý nhiều hơn đến việc cánh tả trong đảng của tổng thống và dân biểu đảng cánh trung MoDem (thuộc phe tổng thống) bày tỏ sự ủng hộ đối với bộ trưởng Kinh tế, để thể hiện "giữ khoảng cách giữa liên minh cầm quyền với phe cực hữu".
Tân bộ trưởng Kinh tế quan hệ "rất tốt" với cực hữu
Về phát biểu có vẻ như chống cực hữu của tân bộ trưởng Kinh tế Antoine Armand, Le Figaro đưa ra một cách lý giải rất khác. Theo nhiều thành viên đảng cực hữu, viên bộ trưởng này "có quan hệ tốt, thậm chí là rất tốt" với cánh cực hữu. Nhiều người trong đảng RN vốn coi chính trị gia này như là "một cầu nối" giữa phe cực hữu và phe của tổng thống.
Nhìn chung, Le Figaro đưa ra một hình ảnh bi quan về phe của tổng thống Macron, chiếm số đông trong chính phủ mới nhưng đang trong tình trạng "khủng hoảng sinh tồn". Le Figaro nhấn mạnh : cương lĩnh hành động của tân chính phủ mà thủ tướng cánh hữu Barnier sẽ trình trước Hạ Viện ngày 01/10 tới sẽ ngả nhiều hơn về hữu. Chính phủ liên minh cánh hữu LR và phe tổng thống "đã bất ổn ngay từ khi thành lập" trong trạng thái "nghi kỵ nhau sâu sắc". Đảng cánh hữu LR không giấu ý đồ phủ nhận các kết quả 7 năm cầm quyền của phe Macron.
Xung đột Cận Đông và sự bất lực của Liên Hiệp Quốc
Về thời sự quốc tế, nguy cơ xung đột leo thang tại Lebanon đặt Liên Hiệp Quốc trong tình trạng căng thẳng là một hồ sơ trang nhất của Le Monde. Cuộc phản công của Israel chống lại phe Hezbollah gây chia rẽ Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, đang trong họp thường niên.
Le Figaro dành nhiều bài viết cho chủ đề này. Bài về Israel đe dọa tấn công trên bộ vào Lebanon nhấn mạnh đến việc hiện tại hai bên đều không chịu nhân nhượng. Lần đầu tiên một rốc-két của Hezbollah nhắm vào Tel-Aviv, "như để chứng tỏ" các cuộc tấn công dữ dội của nhà nước Do Thái không làm suy suyển tiềm lực của lực lượng này. Theo Hezbollah, mục tiêu của cuộc tấn công là trụ sở của Mossad, cơ quan tình báo hải ngoại của Israel. Đây là lần đầu tiên Hezbollah bắn sâu như vậy vào lãnh thổ Israel.
Bài "Liên Hiệp Quốc đối diện với sự bất lực của chính mình" của Le Figaro nhấn mạnh đến các cuộc chiến tranh tại Ukraine và Gaza đang "trở thành tác nhân thúc đẩy thái độ phản kháng gia tăng của các nước phương Nam chống lại trật tự quốc tế do phương Tây thống trị". Hiếm có Đại hội đồng nào của Liên Hiệp Quốc như lần này cho thấy "sự chia rẽ và bất lực sâu sắc" của định chế quốc tế, không còn khả năng đối phó với các thách thức thế giới.
Theo Le Figaro, bài phát biểu của tổng thống Joe Biden "đã ghi nhận sự tan rã trật tự quốc tế, ra đời sau Thế Chiến Thứ Hai" cùng lúc với việc thừa nhận vị thế suy yếu của nước Mỹ, với tư cách lãnh đạo trật tự thế giới". Theo tổng thống Hoa Kỳ, "đa số các nước phương Nam không ủng hộ quan điểm của Mỹ về Trung Đông và không ủng hộ Israel… Và Trung Quốc cùng Nga đang rình rập trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu".
Vụ sát hại nữ sinh viên ven Paris : Bất đồng tả hữu
Vụ sát hại một nữ sinh viên 19 tuổi trong khu rừng Boulogne, ngoại ô thủ đô Paris cũng là một chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. Nghi phạm 22 tuổi - đã bị bắt giữ - từng bị kết án vì tội cưỡng dâm. Chính quyền Pháp đã có lệnh trục xuất nghi phạm quốc tịch Morocco này, nhưng quyết định chưa được thi hành. Báo Le Figaro cánh hữu coi vụ sát hại nữ sinh viên Philippine là một bằng chứng cho thấy "sự bất lực của nhà nước". Đây cũng là chủ đề trang nhất của Le Figaro hôm nay. Xã luận Le Figaro nhan đề "Thất bại đáng sợ" nói đến nỗi giận dữ không thể dập tắt. Theo Le Figaro, không thể coi đây là một định mệnh. Coi vụ giết người này như một nỗi bất hạnh cá nhân, một sự rủi ro chỉ là một cách để biện minh cho tình trạng yếu kém của nhà nước pháp quyền.
Ngược lại, nhật báo cánh tả L’Humanité chỉ trích việc cánh cực hữu sử dụng vụ sát hại nữ sinh viên Philippine để cổ vũ cho không khí thù hận người nước ngoài. L’Humanité có bài phỏng vấn ông Julien Mouchette, báo cáo viên của Ủy ban tư vấn quốc gia về nhân quyền Cimade, giảng viên về luật nhà nước, lên án đạo luật nhập cư, được ban hành đầu năm nay, đánh đồng giới tội phạm với người nước ngoài. Cũng nhật báo cánh tả tố cáo phe cực hữu đã thổi phồng vấn đề trục xuất thay cho việc tăng cường các biện pháp đề phòng, bảo vệ phụ nữ, đồng thời lên án đảng cực hữu đã quá sốt sắng trong vụ án này trong lúc lại im lặng rất lâu trước một vụ án cưỡng hiếp kinh hoàng khác (vụ Mazan).
Giáo hoàng công du Châu Âu "thế tục hóa"
Nhật báo Công Giáo hôm nay dành chủ đề chính cho chuyến tông du Châu Âu của giáo hoàng Phanxicô với tựa đề "Giáo hoàng trong lòng một Châu Âu thế tục hóa". Mục tiêu của chuyến tông du này là gì ? Theo La Croix, thế tục hóa là một vấn đề chính. Bỉ là một trong các điểm đến. Giáo hoàng sẽ có bài phát biểu tại một trong các xã hội Châu Âu mà số người theo Công giáo đang giảm đến mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Tăng thuế thừa kế tài sản lớn nhất giúp tăng cường đoàn kết
Xã luận La Croix bàn về khả năng chính phủ tăng thuế thừa kế tài sản, điều vốn không được lòng dân tại Pháp. Theo nhật báo công giáo, dù sao trong bối cảnh hiện nay, kế hoạch của chính phủ Barnier tăng thuế thừa kế đối với các tài sản lớn nhất cũng là một tín hiệu giảm bất công, tăng cường "đoàn kết xã hội".
Trọng Thành