Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/09/2024

Chiến tranh Ukraine : Nga chạy vạy khắp nơi tìm mua vũ khí

RFI tổng hợp

"Có bằng chứng hiển nhiên" về việc vũ khí Trung Quốc được bí mật cấp cho Nga

Trọng Thành, RFI, 29/09/2024

Truyền thông Anh Quốc dường như đang gia tăng áp lực lên Bắc Kinh liên quan đến các cáo buộc doanh nghiệp Trung Quốc bí mật trợ giúp Nga về vũ khí trong cuộc xâm lược Ukraine. Theo báo Anh The Times, ngày 27/09/2024, nhiều giới chức cao cấp phương Tây đã có trong tay các bằng chứng đáng tin cậy về việc này.

ukraine01

Drone G3 có tầm hoạt động 2.000 km và có thể chuyên chở đến 50 kg.

Cụ thể là IEMZ Kupol, một chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí Nga Almaz-Antey, do Nhà nước sở hữu, đã phát triển một loại drone quân sự mới, có tên gọi Garpiya-3 (G3) tại Trung Quốc với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước này. Drone G3 có tầm hoạt động 2.000 km và có thể chuyên chở đến 50 kg.

The Times có trong tay một báo cáo của chi nhánh IEMZ của công ty Nhà nước Nga gửi đến bộ Quốc Phòng về dự án sản xuất drone G3 trên quy mô lớn tại Trung Quốc, và các sản phẩm sẽ được sử dụng trong "chiến dịch quân sự đặc biệt", tên gọi chính thức mà Matxcơva dùng để chỉ cuộc xâm lăng Ukraine.

Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc tại Anh bảo đảm "không biết chi tiết về các cáo buộc này", nhưng riêng về drone, nhà ngoại giao này cam đoan Trung Quốc "luôn duy trì chế độ kiểm tra chặt chẽ đối với việc xuất khẩu drone, luôn kiểm tra chặt các drone quân sự hay các hàng hóa lưỡng dụng".

Theo The Times, các giới chức NATO đã "bày tỏ quan ngại sâu sắc" sau khi nhận được hai báo cáo về chủ đề này, trong đó có báo cáo về chi nhánh của công ty sản xuất vũ khí của Nhà nước Nga, và cho biết các đồng minh NATO hiện đang tìm hiểu kỹ hơn. Theo Fabian Hinz, thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trung tâm tư vấn về quốc phòng có trụ sở tại Luân Đôn, nếu chính quyền Trung Quốc biết thì điều này cho thấy Bắc Kinh "đã nâng mức độ ủng hộ đối với nỗ lực chiến tranh của Nga".

Trọng Thành

**************************

Trung Quốc, Brazil và một số nước khác kêu gọi "không đe dọa hạt nhân"

Phan Minh, RFI, 28/09/2024

Trung Quốc, Brazil và nhiều quốc gia phương Nam khác kêu gọi "không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân". Đây là nội dung tuyên bố chung của một cuộc họp cấp bộ trưởng về Ukraine, do Trung Quốc và Brazil chủ trì, diễn ra bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 27/09/2024.

ukraine02

Ảnh minh họa một tên lửa Iskander của Nga trong cuộc tập trận huấn luyện quân đội sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại một địa điểm không được tiết lộ ở Nga, ngày 21/05/2024. AP

Theo AFP, Algeria, Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Zambia "kêu gọi kiềm chế sử dụng và đe dọa (sử dụng) vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học". 12 quốc gia "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ xung đột "leo thang" ở Ukraine.

Các nước nói trên cũng nhấn mạnh "cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm các cơ sở điện hạt nhân cùng với những cơ sở năng lượng khác, không nên trở thành mục tiêu của các hoạt động quân sự". Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm 25/09, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga muốn tấn công các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine để gây ra "thảm họa".

Tuyên bố của 12 nước được đưa ra trong bối cảnh tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả, trong trường hợp điện Kremlin phải đối mặt với "cuộc tấn công quy mô lớn trên không" hay bất kỳ cuộc tấn công nào được hậu thuẫn bởi một cường quốc hạt nhân.

Theo trang mạng thông tin độc lập về các hoạt động của Liên Hiệp Quốc Security Council Report, cuộc họp cấp bộ trưởng bên lề Liên Hợp Quốc hôm qua, có mục tiêu chính là thảo luận về sáng kiến Sáu điểm của Brazil và Trung Quốc nhằm chấm dứt chiến tranh Nga - Ukraine. Ukraine và nhiều đồng minh của Kiev chỉ trích sáng kiến của Trung Quốc và Brazil. Tổng thống Ukraine coi đây là hành động "phá hoại" và bày tỏ thất vọng về việc Kiev không được tham gia vào tiến trình này.

Ngoại trưởng Trung Quốc gặp đồng nhiệm Ukraine

Trước đó, hôm 26/09, ngoại trưởng Ukraine, Andriy Sybiga và chánh văn phòng của tổng thống Volodymyr Zelensky, Andriy Yermak, đã có cuộc trao đổi với ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, "về những quan điểm đối với các nguyên tắc nhằm thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine trên cơ sở Hiến Chương Liên Hiệp Quốc".

Trong cùng ngày, ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, và ông Vương khẳng định ngoại giao là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Phan Minh
Read 131 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)