Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/10/2024

Thượng đỉnh Pháp thoại : Macron kêu gọi hợp tác bảo vệ chủ quyền

RFI tổng hợp

Tổng thống Macron kêu gọi tăng cường hợp tác bảo vệ "chủ quyền quốc gia"

Trọng Thành, RFI, 05/10/2024

Trong diễn văn khai mạc thượng đỉnh Tổ chức Quốc tế Pháp thoại (Organisation internationale de la Francophonie - OIF), chiều hôm 04/10/2024, tại cung điện Villers-Cotterêts, đông bắc thủ đô Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi cộng đồng Pháp thoại đoàn kết để hóa giải "các thách thức của thế kỷ", trước hết là các đe dọa đối với "chủ quyền quốc gia" tại nhiều nơi trên thế giới. 

phapthoai1

Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại lễ khai mạc thượng đỉnh Khối Pháp thoại tại Villers-Cotterêts, ngoại ô Paris, ngày 04/10/2024. AP - Ludovic Marin

Theo AFP, trước đại diện của khoảng 160 phái đoàn quốc tế, trong đó có 29 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, tổng thống Macron khẳng định cộng đồng Pháp thoại là "nơi mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy một nền ngoại giao vì chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ khắp nơi trên hành tinh", từ Ukraina, quốc gia đang bị Nga xâm lược, đến Cận Đông, nơi xung đột có nguy cơ lan rộng, mà trước hết là tại Lebanon, quốc gia thành viên của cộng đồng Pháp thoại.

Nguyên thủ Pháp nhấn mạnh cộng đồng Pháp thoại cần bảo vệ "một lập trường chung, đó là không có chỗ cho các tiêu chuẩn kép" trong vấn đề chủ quyền quốc gia, và "mạng sống của con người cần phải được bảo vệ bất kể là trong xung đột nào". Phát biểu được coi là để gián tiếp đáp lại các chỉ trích nhắm vào phương Tây, bị coi là nhất bên trọng, nhất bên khinh về các xung đột trên thế giới.

Tổng thống Macron cũng kêu gọi nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "hòa dịu", "nơi không có một thế lực nào có thể thách thức nền hòa bình với các đòi hỏi lãnh thổ hay nối lại các vụ thử vũ khí", ngụ ý chỉ trích Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Tunisia, Kamel Madouri, quốc gia chủ trì Thượng đỉnh Pháp thoại lần trước, cũng bày tỏ hy vọng là cộng đồng Pháp thoại có thể "đóng một vai trò trong việc tìm kiếm các giải pháp cho khủng hoảng". Trả lời AFP, tổng thư ký Tổ chức Quốc tế Pháp thoại, Louise Mushikiwabo, cho biết cộng đồng Pháp thoại đang chuyển dần thành một "khối" chính trị, và ảnh hưởng tuy vẫn còn "khiêm tốn" nhưng có chiều hướng gia tăng. Theo tổng thư ký OIF hôm qua, Tổ chức Quốc tế Pháp thoại sẽ kết nạp thêm 2 quốc gia (Chilê và Angola) và ba vùng lãnh thổ. Hiện tại có 4 nước cũng đang đệ đơn gia nhập khối (Ghana, Kosovo, Chyprus và Serbia).

Hôm qua, 88 thành viên của OIF đã thông qua "Lời kêu gọi Villers-Cotterêts" hướng đến các tác nhân trong lĩnh vực kỹ thuật số, nhằm xây dựng một không gian đa dạng hơn, và an toàn hơn trên mạng internet, và "chống lại mọi phát biểu thù hận".

Buổi chiều hôm nay, nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên cộng đồng Pháp thoại có phiên họp kín tại Grand Palais, Paris, với trọng tâm là "vì một cơ chế hợp tác đa phương đổi mới". Đây là dịp để lãnh đạo các nước thảo luận về các chủ đề nóng bỏng như khủng hoảng tại Cận Đông và các xung đột vũ trang tại Châu Phi.

Trọng Thành

******************************

Xung đột Lebanon : Chủ đề bao trùm Hội nghị quốc tế Pháp thoại

Chi Phương, RFI, 05/10/2024

Trong ngày đầu tiên diễn ra thượng đỉnh của Khối Pháp thoại tại Villers-Cotterêts, ngoại ô Paris, cuộc xung đột ở Lebanon và tình hình căng thẳng tại Trung Đông là một trong những chủ đề được nhiều lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Tunisia đã kêu gọi khối 321 triệu dân đưa ra một lập trường chung, góp phần tạo ra nền hòa bình "lâu dài" cho khu vực.

phapthoai2

Tổng thống Pháp Macron cùng đệ nhất phu nhân chụp ảnh chung với các nhà lãnh đạo đến dự thượng đỉnh Khối Pháp thoại tại Villers-Cotterêts, ngoại ô Paris, ngày 04/10/2024. © Pierre René-Worms / RFI

Có mặt tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Pháp thoại quốc tế mà Lebanon là thành viên từ năm 1973, Ziad Makary, bộ trưởng Thông Tin của Lebanon khẳng định rằng "vẫn hy vọng vào con đường ngoại giao" và kỳ vọng vào sự trợ giúp cùa Pháp và các nước khác để tìm ra giải pháp giải quyết xung đột.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị tại Villers-Cotterêts, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định rằng "vùng Trung Cận Đông không thể hòa bình nếu không có giải pháp hai nhà nước (…) Tất cả chúng tôi đều đứng về phía dân tộc Lebanon, mà chủ quyền và hòa bình của họ đang bị lung lay", kêu gọi khối Pháp thoại loan tải "giá trị nhân văn, hòa bình và phát triển bền vững".

Tổng thư ký của Khối pháp ngữ, bà Louise Mushikiwabo, cũng nhấn mạnh rằng "trái tim của chúng tôi dõi theo Lebanon". Về phần mình, thủ tướng Tunisia, quốc gia giữ chức chủ tịch hội nghị thượng đỉnh của khối cách nay 2 năm, đã nêu rõ lập trường về Lebanon trong bài phát biểu chuyển quyền chủ trị hội nghị cho Pháp :

"Chúng tôi chỉ có thể bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về cuộc leo thang nguy hiểm mà đất nước anh em Lebanon đang phải trải qua gần đây. Chúng tôi không thể thờ ơ trước sự ngoan cố của kẻ chiếm đóng (ám chỉ Israel), trong việc duy trì "sự điên cuồng chết chóc", có nguy cơ khiến toàn bộ khu vực sa lầy vào một cuộc tàn sát không tên vào bất cứ lúc nào.

Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia yêu chuộng hòa bình và chung sống trong hòa bình, có hành động trước nguy cơ xung đột lan rộng, với những hậu quả khó lường. Chúng tôi hy vọng rằng, Tổ chức Quốc tế Pháp ngư (OIF), cũng như các tổ chức quốc tế và khu vực khác, có thể đưa ra lập trường về việc cấp thiết, cần thực hiện lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Trung Đông, cũng như việc xây dựng một nền hòa bình lâu dài trong toàn bộ khu vực".

Ngày đầu tiên của hội nghị kết thúc bằng bài hát Li Beyrouth, do ca sĩ Hiba Twaji thể hiện, để bày tỏ ủng hộ cho Lebanon, với phần phụ họa của các vệ binh Cộng hòa Pháp.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Chi Phương
Read 100 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)