Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/10/2024

Thuật toán mạng xã hội thay đổi cách chúng ta tương tác như thế nào ?

BBC tiếng Việt

Các thuật toán truyền thông xã hội như chúng ta thường biết đến đã bước sang tuổi 15

Những thuật toán đó ra đời cùng với việc Facebook giới thiệu tính năng tin dành cho bạn (News Feed) được xếp hạng, cá nhân hóa vào năm 2009. Điều này đã thay đổi cách chúng ta tương tác trực tuyến.

truyenthong1

Giống như nhiều thiếu niên, các thuật toán đặt ra thách thức cho những người trưởng thành đang muốn hạn chế sự quá mức của chúng.

Không hẳn là vì thiếu sự nỗ lực. Chỉ trong năm nay, các chính phủ trên khắp thế giới đã cố gắng hạn chế tác động của nội dung độc hại và thông tin sai lệch trên mạng xã hội - những tác động mà các thuật toán đó khuếch đại thêm.

Tại Brazil, chính quyền đã cấm X, trước đây là Twitter, trong thời gian ngắn cho đến khi công ty này đồng ý chỉ định một đại diện pháp lý tại Brazil và chặn danh sách các tài khoản mà chính quyền cáo buộc là đã nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử gần đây nhất ở quốc gia này.

Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã giới thiệu các quy tắc mới, đe dọa sẽ phạt các công ty công nghệ 6% doanh thu và đình chỉ nếu họ không ngăn chặn sự can thiệp bầu cử trên các nền tảng.

Vương quốc Anh đã ban hành một đạo luật an toàn trực tuyến mới nhằm buộc các trang mạng xã hội phải siết chặt kiểm duyệt nội dung.

Tại Mỹ, một dự luật được đề xuất có thể cấm TikTok nếu công ty mẹ ở Trung Quốc không bán đi nền tảng này.

Các chính phủ phải đối mặt với cáo buộc rằng họ đang hạn chế tự do ngôn luận và can thiệp vào các nguyên tắc của internet vốn đã được đặt ra trong những ngày đầu.

Trong một bài luận năm 1996 được 500 trang web đăng lại – một sự lan truyền mạnh mẽ vào thời điểm đó – nhà thơ và chủ trang trại chăn nuôi gia súc người Mỹ John Perry Barlow viết :

"Các chính phủ của Thế giới Công nghiệp, những gã khổng lồ mệt mỏi làm bằng thép và thịt, tôi đến từ Không gian mạng, ngôi nhà mới của Tâm trí. Thay mặt cho tương lai, tôi yêu cầu các người - những người của quá khứ - hãy để chúng tôi yên. Các người không được chào đón ở đây. Các người không có chủ quyền ở nơi chúng tôi tập trung".

Adam Candeub là một giáo sư luật và cựu cố vấn của Tổng thống Donald Trump. Ông mô tả mình là một người tuyệt đối ủng hộ tự do ngôn luận.

Ông Candeub nói với BBC rằng mạng xã hội "đang phân cực, đang gây tranh cãi, thô lỗ, không mang tính xây dựng và là môi trường thảo luận tồi tệ".

"Nhưng giải pháp thay thế, mà tôi nghĩ nhiều chính phủ đang thúc đẩy, là biến nó thành một công cụ kiểm soát xã hội, chính trị và tôi cũng thấy điều đó thật kinh khủng".

Giáo sư Candeub tin rằng, trừ khi "có mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu" do nội dung số gây ra, thì "cách tiếp cận tốt nhất là tạo ra một thị trường ý tưởng và sự cởi mở với các quan điểm khác nhau".

Giới hạn của quảng trường kỹ thuật số

Ý tưởng về một "thị trường ý tưởng" này thúc đẩy quan điểm rằng truyền thông xã hội cung cấp một sân chơi công bằng, cho phép tất cả mọi người đều được nghe thấy.

Khi tiếp quản Twitter (nay được đổi tên thành X) vào năm 2022, Elon Musk nói rằng ông coi nền tảng này như một "quảng trường kỹ thuật số".

Nhưng ý tưởng này có bỏ qua vai trò của thuật toán không ?

Theo Asha Rangappa, mộ luật sư Mỹ và giảng viên về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, ông Musk đã "bỏ qua một số điểm khác biệt quan trọng giữa quảng trường truyền thống và quảng trường trực tuyến : việc xóa bỏ mọi hạn chế về nội dung mà không tính đến những khác biệt này sẽ gây hại cho cuộc tranh luận mang tính dân chủ, chứ không phải giúp ích".

truyenthong2

Tỷ phú Elon Musk so sánh X với một "quảng trường kỹ thuật số" nhưng một số người cho rằng các thuật toán đã bóp méo "quảng trường" đó

Được giới thiệu trong một vụ kiện của Tòa án Tối cao Mỹ vào đầu thế kỷ 20, khái niệm "thị trường ý tưởng", theo lập luận của Rangappa, "dựa trên tiền đề rằng các ý tưởng nên cạnh tranh với nhau mà không bị chính phủ can thiệp". Tuy nhiên, bà khẳng định "vấn đề là các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter không giống như một quảng trường công cộng thực sự".

Thay vào đó, bà Rangappa lập luận rằng "các tính năng của các nền tảng mạng xã hội không cho phép cạnh tranh tự do và công bằng giữa các ý tưởng ngay từ đầu... 'giá trị' của một ý tưởng trên mạng xã hội không phản ánh về mức độ tốt của nó, mà là sản phẩm của thuật toán trên nền tảng đó".

Sự tiến hóa của thuật toán

Thuật toán có thể theo dõi hành vi của chúng ta và xác định hàng triệu người trong chúng ta nhìn thấy gì khi đăng nhập – và đối với một số người, chính thuật toán đã phá vỡ sự trao đổi ý tưởng tự do có thể có trên internet khi nó mới được tạo ra.

"Trong những ngày đầu, truyền thông xã hội hoạt động như một không gian công cộng kỹ thuật số, với phát ngôn được truyền tải tự do", Kai Riemer và Sandra Peter, hai giáo sư tại Trường Kinh doanh Đại học Sydney, nói với BBC.

Tuy nhiên, "thuật toán trên các nền tảng truyền thông xã hội đã định hình lại bản chất của tự do ngôn luận, không cần phải dùng cách hạn chế những gì có thể nói mà bằng cách xác định ai được xem nội dung gì", hai giáo sư lập luận.

Nghiên cứu của họ xem xét tại sao chúng ta cần suy nghĩ lại về tự do ngôn luận trên truyền thông xã hội.

"Thay vì các ý tưởng cạnh tranh tự do dựa trên giá trị của chúng, thuật toán khuếch đại hoặc hạn chế phạm vi tiếp cận của các thông điệp... qua đó tạo nên một hình thức can thiệp chưa từng có trong việc trao đổi tự do ý tưởng. Điều này thường bị phớt lờ".

Facebook là một trong những nhà tiên phong về thuật toán đề xuất của mạng xã hội và với khoảng ba tỷ người dùng, tính năng tin dành cho bạn (Feed) của công ty này có thể được xem là một trong những Feed lớn nhất.

Khi nền tảng này triển khai thuật toán xếp hạng dựa trên dữ liệu của người dùng cách đây 15 năm, thay vì xem các bài đăng theo thứ tự thời gian, người dùng thấy những gì Facebook muốn họ thấy.

Thuật toán ưu tiên các bài đăng thu hút được nhiều sự tương tác nên các bài đăng về các chủ đề gây tranh cãi thường được ưu tiên hiển thị cho người dùng.

Định hình phát ngôn của chúng ta

Bởi vì các bài đăng gây tranh cãi có thể được thuật toán ưu tiên, nên có khả năng các quan điểm chính trị cực đoan được lan tỏa quá mức trên mạng xã hội.

Thay vì các diễn đàn công cộng tự do và mở, các nhà phê bình lập luận rằng truyền thông xã hội lại cung cấp một tấm gương bị bóp méo và cường điệu về dư luận, phóng đại sự bất hòa và làm giảm tiếng nói của đa số.

Trong khi các nền tảng truyền thông xã hội cáo buộc các chính phủ đe dọa tự do ngôn luận, liệu có phải chính thuật toán của họ cũng có thể vô tình gây ra mối đe dọa tương tự ?

"Các công cụ đề xuất không chặn nội dung, mà thay vào đó, các nguyên tắc cộng đồng hạn chế quyền tự do ngôn luận theo ý của các nền tảng", ông Theo Bertram, cựu phó chủ tịch về chính sách công tại TikTok, nói với BBC.

"Các công cụ đề xuất có tạo ra sự khác biệt lớn đối với những gì chúng ta thấy không ? Có, chắc chắn rồi. Nhưng việc thành công hay thất bại trên thị trường thu hút sự chú ý không giống với việc có quyền tự do ngôn luận hay không".

Tuy nhiên, "tự do ngôn luận" chỉ đơn thuần là quyền được nói hay cũng là quyền được lắng nghe ?

Như Arvind Narayanan, giáo sư ngành khoa học máy tính tại Đại học Princeton, từng nói :

"Khi chúng ta nói trực tuyến - khi chúng ta chia sẻ một suy nghĩ, viết một bài luận, đăng một bức ảnh hoặc video - ai sẽ nghe chúng ta ? Phần lớn do thuật toán quyết định".

truyenthong3

Một "thị trường ý tưởng" nơi mọi người đều được lắng nghe như nhau là điều không thể khi hàng tỷ người sử dụng mạng xã hội.

Bằng cách xác định đối tượng cho từng nội dung được đăng, các nền tảng đã "cắt đứt mối quan hệ trực tiếp giữa người nói và khán giả của họ", hai giáo sư Riemer và Peter nhận định.

"Thuật toán mới là bên quyết định xem những ai được xem nội dung nào, chứ không phải tác giả và khán giả nữa".

Đó là điều mà họ cho rằng không được thừa nhận trong các cuộc tranh luận hiện tại về tự do ngôn luận - vốn tập trung vào "phía phát ngôn". Các giáo sư lập luận rằng điều này "can thiệp vào tự do ngôn luận theo những cách chưa từng có".

Xã hội thuật toán

Thời đại của chúng ta đã được gắn nhãn là "xã hội thuật toán" - một xã hội mà có thể được hiểu rằng các nền tảng truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm điều khiển lời nói theo cách tương tự như các quốc gia từng làm.

Theo Giáo sư Jack Balkin từ Đại học Yale, điều này có nghĩa là các đảm bảo rõ ràng về quyền tự do ngôn luận trong hiến pháp Mỹ chỉ có thể đưa bạn đến một mức độ nào đó :

"Tu chính án Thứ nhất, theo cách hiểu thông thường, đơn giản là không đủ để bảo vệ khả năng nói trên thực tế".

Hai giáo sư Riemer và Peter đồng ý rằng luật pháp cần phải bắt kịp thực tế này.

"Các nền tảng đóng một vai trò chủ động hơn nhiều trong việc định hình lời nói so với những gì luật pháp hiện tại công nhận".

Các giáo sư khẳng định rằng cách thức giám sát các bài đăng có hại cũng cần phải thay đổi.

"Chúng ta cần mở rộng cách nghĩ về quy định tự do ngôn luận. Các cuộc tranh luận hiện tại tập trung vào kiểm duyệt nội dung mà bỏ qua vấn đề sâu hơn là cách các mô hình kinh doanh của nền tảng khuyến khích người dùng định hình ngôn luận theo thuật toán".

Dù Giáo sư Candeub là một "người tuyệt đối ủng hộ tự do ngôn luận", ông cũng cảnh giác với quyền lực tập trung trong tay các nền tảng, vốn đóng vai trò là những người gác cổng của ngôn luận thông qua lập trình máy tính.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta nên công khai những thuật toán này vì nếu không chúng ta chỉ đang bị thao túng mà thôi".

Tuy nhiên, thuật toán sẽ không biến mất. Như ông Bertram nói, "sự khác biệt giữa quảng trường kỹ thuật số và truyền thông xã hội là có hàng tỷ người trên truyền thông xã hội. Có quyền tự do ngôn luận trực tuyến nhưng không có quyền cho mọi người được nghe thấy như nhau : sẽ mất nhiều hơn một đời người để xem mọi video TikTok hoặc đọc mọi tweet".

Vậy, giải pháp là gì ? Liệu những điều chỉnh khiêm tốn đối với các thuật toán có thể tạo ra những cuộc trò chuyện dung nạp hơn, giống với những cuộc trò chuyện mà chúng ta có ngoài đời thực hơn không ?

Các nền tảng blog nhỏ mới như Bluesky đang cố gắng cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát thuật toán hiển thị nội dung – và khôi phục lại các mốc thời gian theo trình tự thời gian như cũ, với niềm tin rằng điều đó sẽ mang lại trải nghiệm ít bị can thiệp hơn.

Trong lời chứng trước Thượng viện vào năm 2021, người tố giác Facebook Frances Haugen nói :

"Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ việc xếp hạng theo thứ tự thời gian, sắp xếp theo thời gian… vì chúng ta không muốn máy tính quyết định chúng ta tập trung vào điều gì, chúng ta nên có phần mềm phù hợp vớ con người, hoặc con người trò chuyện với nhau, chứ không phải máy tính quyết định chúng ta nói chuyện với ai".

Tuy nhiên, như Giáo sư Narayanan đã chỉ ra :

"Feed hiển thị theo thứ tự thời gian thực ra là không... trung lập : Chúng cũng tuân theo các hiệu ứng 'người giàu càng giàu hơn', định kiến ​​dân số và sự không thể đoán trước của sự lan truyền. Thật không may, không có cách nào trung lập để thiết kế truyền thông xã hội".

Các nền tảng cung cấp một số giải pháp thay thế cho thuật toán, với người dùng trên X có thể chọn Feed từ những người họ theo dõi. Và bằng cách lọc một lượng lớn nội dung, "động cơ khuyến nghị cung cấp sự đa dạng và khám phá lớn hơn so với việc chỉ theo dõi những người chúng ta đã biết", theo lập luận của ông Bertram.

"Điều đó cho cảm giác giống như ngược lại với việc hạn chế tự do ngôn luận - đó là một cơ chế để khám phá", ông nói thêm.

Một cách thứ ba

Theo nhà khoa học chính trị Mỹ Francis Fukuyama, "cả việc tự điều chỉnh nền tảng lẫn các hình thức điều chỉnh của nhà nước" đều không thể giải quyết được "vấn đề tự do ngôn luận trực tuyến". Thay vào đó, ông đã đề xuất một cách thứ ba.

"Phần mềm trung gian" có thể đem tới cho người dùng phương tiện truyền thông xã hội nhiều quyền kiểm soát hơn đối với những gì họ thấy, với các dịch vụ độc lập cung cấp một hình thức quản lý riêng biệt với hình thức được tích hợp sẵn trên các nền tảng.

Thay vì được cung cấp nội dung theo các thuật toán nội bộ của nền tảng, "một hệ sinh thái cạnh tranh của các nhà cung cấp phần mềm trung gian... có thể lọc nội dung nền tảng theo sở thích cá nhân của người dùng", theo ông Fukuyama.

"Phần mềm trung gian sẽ khôi phục quyền tự do lựa chọn đó cho từng người dùng, những người có quyền tự quyết sẽ đưa internet trở lại loại hệ thống đa nền tảng, đa dạng mà internet mong muốn trở thành vào những năm 1990".

Nếu không có điều đó thì hiện tại có thể có những cách chúng ta có thể cải thiện việc tự quyết của mình khi tương tác với các thuật toán.

Ông Bertram cho rằng "những người dùng TikTok thường xuyên thường rất thận trọng về thuật toán. Họ có thể đưa ra các tín hiệu để khuyến khích hoặc ngăn cản thuật toán đề xuất nội dung theo hướng mà họ mong muốn, giúp họ khám phá nội dung mới và kiểm soát trải nghiệm của mình trên nền tảng".

"Họ tự coi mình là người quản lý thuật toán. Tôi nghĩ đây là cách hữu ích để suy nghĩ về thách thức – không phải là liệu chúng ta có cần tắt thuật toán hay không mà là làm thế nào để đảm bảo người dùng có quyền chủ động, quyền kiểm soát và quyền lựa chọn để thuật toán hoạt động vì họ".

Mặc dù tất nhiên, luôn có nguy cơ là ngay cả khi tự quản lý thuật toán của mình, chúng ta vẫn có thể rơi vào bẫy khiến chúng ta chỉ đọc những gì chúng ta muốn tin. Và các thuật toán có thể không làm những gì chúng ta yêu cầu.

Một cuộc điều tra của BBC đã phát hiện ra rằng, khi một thanh niên cố gắng sử dụng các công cụ trên Instagram và TikTok để nói rằng anh ta không quan tâm đến nội dung bạo lực hoặc kỳ thị phụ nữ, anh ta vẫn tiếp tục được đề xuất các nội dung đó.

Tuy thế, có những dấu hiệu cho thấy khi các thuật toán truyền thông xã hội phát triển hơn, tương lai của chúng có thể không nằm trong tay các công ty công nghệ lớn hay các chính trị gia, mà nằm trong tay người dân.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của công ty nghiên cứu thị trường Gartner, chỉ có 28% người Mỹ nói rằng họ thích ghi lại cuộc sống của mình công khai trực tuyến, giảm từ 40% vào năm 2020.

Thay vào đó, mọi người đang trở nên thoải mái hơn trong các nhóm trò chuyện kín với bạn bè thân tín và người thân ; trong môi trường lành mạnh hơn, không bị đề xuất với các tin gây sốc.

Meta nói rằng số lượng ảnh được gửi trong tin nhắn trực tiếp hiện nay đã vượt quá số lượng ảnh được chia sẻ cho tất cả mọi người thấy.

Giống như Barlow trong bài luận năm 1996 của mình đã nói với các chính phủ rằng họ không được chào đón trong Cyberspace, một số người dùng trực tuyến có thể có một thông điệp tương tự để gửi cho thuật toán truyền thông xã hội.

Hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều về việc phải làm gì với những thiếu niên lệch lạc trên internet.

Nicholas Barrett

Nguồn : BBC, 20/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 117 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)