Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/08/2017

Trung Quốc quá mạnh hay vì quốc tế quá hèn ?

RFI tiếng Việt

Giới xuất bản quốc tế chịu tự kiểm duyệt để vào được Trung Quốc (RFI, 24/08/2017)

Vấn đề Trung Quốc kiểm duyệt ấn phẩm đã nổi cộm trong dòng thời sự quốc tế với vụ nhà xuất bản khoa học nổi tiếng thế giới là Cambridge University Press, dưới áp lực của Bắc Kinh, đã kiểm duyệt các công trình học thuật giới thiệu cho công chúng Trung Quốc, nhưng sau đó đã phải lùi bước khi bị cộng đồng các nhà nghiên cứu thế giới cực lực phản đối. Tuy nhiên, đối với giới xuất bản đến từ khoảng 90 nước có mặt tại Chợ Sách Quốc Tế Bắc Kinh mở ra từ ngày 23/08/2017, viêc họ tự kiểm duyệt để có thể vào được thị trường Trung Quốc là điều không phải là hiếm hoi.

hen1

Nhà xuất bản Cambridge University Press tại Hội chợ Sách Quốc tế ở Bắc Kinh, ngày 23/08/2017. REUTERS/Thomas Peter

Trả lời hãng tin Pháp AFP, Terry Phillips, giám đốc phát triển kinh doanh của nhà xuất bản Anh Innova Press, không ngần ngại thừa nhận rằng cơ sở của ông đã thường xuyên "tự kiểm duyệt" để "thích ứng với các thị trường khác nhau", vì mỗi nước đều có những yêu cầu khác nhau về những gì thích hợp hay không thích hợp cho nước họ.

Tuy nhiên, nhân vật này cũng đồng ý rằng giới xuất bản "cũng có trách nhiệm giáo dục tinh thần công dân và nhân quyền thông qua các ấn phẩm".

Ông John Lowe, giám đốc điều hành của nhà xuất bản giáo dục Mosaic8, trụ sở tại Tokyo, giải thích thêm là khó khăn chính của các nhà xuất bản quốc tế là làm sao có được phép xuất bản ở Trung Quốc, do đó các nhà xuất bản ngắm nghía thị trường Trung Quốc đã tránh công bố các nội dung có thể làm phật lòng chính quyền Bắc Kinh.

Vụ nhà xuất bản Cambridge University Press toan tính tự kiểm duyệt là một ví dụ cụ thể cho thấy những gì mà Bắc Kinh muốn kiểm duyệt : từ các vấn đề Thiên An Môn, Tây Tạng, cho đến các phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc hay hồ sơ Đài Loan.

Vấn đề đặt ra là dù chấp nhận tự kiểm duyệt, nhưng giới xuất bản nước ngoài không thể đoán trước được là chế độ Bắc Kinh sẽ đòi kiểm duyệt những gì khác nữa.

Một đại diện cho nhà xuất bản Wiley chuyên về các nội dung giáo dục, có trụ sở tại Hoa Kỳ, thú nhận : "Hiện tại, chúng tôi không bị vấn đề gì. Nhưng tương lai ra sao thì chúng tôi không biết".

Một đại diện cho một nhà xuất bản lớn của Mỹ, xin giấu tên, thừa nhận là bà rất lo ngại trước khả năng "các cơ quan Trung Quốc gia tăng các đòi hỏi kiểm duyệt".

Đối với một số nhà xuất bản, nhân tố kinh tế quan trọng hơn cả. Đại diện của một nhà xuất bản hàng đầu tại Hoa Kỳ, cũng xin giấu tên, đã cho rằng "tội gì mà phải xuất bản những quyển sách có khả năng bị cấm ở Trung Quốc".

Đối với ông, "quả là phiền phức khi bỏ công dịch một cuốn sách từ tiếng Anh ra tiếng Hoa để rồi sau đó lại không thể xuất bản".

Trọng Nghĩa

**************************

Trung Quốc : Các công ty Châu Âu lo ngại về sự can thiệp của Đảng (RFI, 24/08/2017)

Theo hãng tin Reuters ngày 24/08/2017, các công ty lớn của Châu Âu tại Trung Quốc đang lo ngại về vai trò ngày càng lớn của đảng cộng sản trong các hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài tại nước này. Vào cuối tháng Bẩy, lãnh đạo của khoảng một chục công ty này đã nêu lên mối quan ngại đó nhân một cuộc họp do Phòng Thương mại Liên Hiệp Châu Âu tổ chức ở Bắc Kinh.

hen2

Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/11/2012. Ảnh minh họa. REUTERS/Carlos Barria

Các doanh nghiệp ở Trung Quốc, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, trên nguyên tắc phải lập một chi bộ đảng trong xí nghiệp. Trong một thời gian dài, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn nghĩ rằng quy định có từ lâu này chỉ mang tính hình thức.

Thế nhưng, một lãnh đạo doanh nghiệp Châu Âu nói với hãng tin Reuters rằng một số công ty đã bị áp lực buộc phải sửa đổi nội dung thỏa thuận liên doanh với các đối tác Trung Quốc có vốn là của Nhà nước. Mục đích là để cho đảng có tiếng nói trong các dự án phát triển của công ty.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp nói trên, các công ty ngoại quốc được yêu cầu bổ nhiệm các đại diện của đảng vào các cơ cấu lãnh đạo công ty, thậm chí để cho bí thư chi bộ kiêm luôn chức chủ tịch hội đồng quản trị, đồng thời tính vào ngân sách của công ty những chi phí hoạt động của chi bộ đảng.

Trong số 13 lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài được Reuters hỏi, có 8 người bày tỏ mối quan ngại về vai trò ngày càng lớn của các chi bộ đảng, nhưng tất cả đều xin giấu tên và yêu cầu không nêu tên công ty của họ, do đây là vấn đề nhạy cảm.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố gởi cho hãng tin Reuters, SCIO, phòng Thông tin của Quốc vụ viện, cơ quan hành pháp cao nhất của Trung Quốc, khẳng định là không hề có chuyện các chi bộ đảng can thiệp vào hoạt động của các công ty liên doanh hoặc công ty có vốn nước ngoài.

Cũng theo Reuters, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài khác khẳng định vai trò các chi bộ trong công ty của họ là không đáng kể, không ảnh hưởng đến hoạt động công ty.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 797 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)