Cuba cúp điện toàn quốc, chính quyền dọa dân và kiên định "chủ nghĩa xã hội"
Vừa qua 10 triệu dân Cuba đã phải sống không có điện trong suốt ba ngày ba đêm. Libération ngày 23/10/2024 cho biết "Cuba bắt đầu có điện lại nhưng vẫn khó khăn", Le Monde nhận xét "Đối mặt với vụ mất điện toàn quốc, chính quyền cao giọng trước những chỉ trích". Chủ tịch mặc quân phục lên ti vi đe dọa người biểu tình, bộ trưởng kinh tế khẳng định "Lối thoát duy nhất là chủ nghĩa xã hội và cách mạng !"
Người dân La Havana phong tỏa một con đường để phản đối nạn cúp điện trên toàn quốc Cuba, ngày 19/10/2024. Reuters - Norlys Perez
Việt Nam trong số những động cơ tăng trưởng quốc tế
Liên quan đến Châu Á, Le Figaro nhận xét "Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ... những nhà vô địch thúc đẩy tăng trưởng thế giới". Các nước này được lợi nhờ kinh tế Trung Quốc xuống dốc và nhờ việc tổ chức lại chuỗi giá trị quốc tế. Trong khi các nước phát triển mơ về một tỉ lệ tăng trưởng khoảng 2%, một số quốc gia mới nổi Châu Á có tốc độ đáng nể từ 3% đến 7%.
Trước một Trung Quốc sa sút, nước Mỹ chậm lại và Châu Âu dậm chân tại chỗ, sự năng động của thế giới năm nay được thúc đẩy bằng các động cơ mới, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 22/10/2024. Không kể Trung Quốc, phần đóng góp của các quốc gia này trong GDP toàn cầu lên đến 40%, cao nhất kể từ 10 năm qua. Nhìn chung cả nhóm này tăng trưởng 5,3%, cao hơn mức trung bình của thế giới là 3,2%.
Ấn Độ dẫn đầu với tăng trưởng 7% trong năm 2024. Đất nước 1,4 tỉ dân có nhu cầu nội địa cao sau thời kỳ đại dịch, và chính sách tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân cũng như ngoại quốc. Đặc biệt trong sản xuất và công nghệ, lãnh vực tăng trưởng mạnh nhờ khuynh hướng đa dạng hóa nguồn cung ngoài Hoa lục.
Việt Nam cũng được IMF dự báo tăng trưởng năm nay lên đến 6,1%, còn chính phủ của thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng từ 6,8% đến 7%. Quốc gia Đông Nam Á đạt được thành tích tốt đẹp nhất từ hai năm qua nhờ xuất khẩu, sản xuất công nghiệp và đầu tư nước ngoài gia tăng. Philippines chuyên về dịch vụ đặc biệt là outsourcing, Malaysia thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn, Cam Bốt cũng có GDP tăng 5,5%. Tuy các nước Nam Mỹ có tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người cao hơn, nhưng các nước mới nổi sẽ đuổi kịp nhờ kỹ nghệ hóa nhanh chóng và môi trường kinh doanh cởi mở hơn.
Nga Trung tranh quyền lãnh đạo BRICS
Về hội nghị thượng đỉnh BRICS đang diễn ra, Le Figaro nhận định Vladimir Putin và Tập Cận Bình tranh giành quyền lãnh đạo các nước phương Nam. Những màn hữu hảo giữa đôi bên không che giấu được sự cạnh tranh để nắm nhóm BRICS. Bắc Kinh dùng trọng lượng kinh tế, còn Moskva là ý đồ liên kết tất cả các chế độ "phi tự do".
Không có hiệp ước nào nối kết các thành viên, một số còn xung đột với nhau. Thậm chí BRICS cũng không phải là một nhóm có cùng lợi ích : nếu Moskva muốn "phi đô la hóa", đa số nước khác muốn đa dạng hóa hệ thống chứ không phải thay thế bằng hệ thống khác. Phương Tây không nên để cho "cái cây" Nga che khuất "khu rừng" của một thế giới mới. Một thế giới có những khát vọng cần đáp ứng, nhất là cải cách các định chế quốc tế. BRICS muốn tái cân bằng lực lượng, chứ không phải cắt cầu, trừ phi chiều theo ý Putin.
Trong khi đó Le Monde nhận thấy Trung Quốc muốn mở rộng khối BRICS để gia tăng ảnh hưởng của mình, dù biết rằng nhiều nước duy trì quan hệ tốt với phương Tây. Để những đề nghị đưa ra được số đông chấp nhận, Bắc Kinh khôn khéo không đòi hỏi những cam kết mang tính ràng buộc. Nhờ cách này Trung Quốc vận động được cho lợi ích của mình, dù đối tác đã có những mối quan hệ bạn bè và liên kết trước đó.
Đặc biệt Bắc Kinh lợi dụng việc Nga bị phương Tây trừng phạt để đẩy mạnh việc sử dụng đồng nhân dân tệ, nhất là nhân hội nghị thượng đỉnh BRICS. Giới kinh tế và trí thức Hoa lục coi những thay đổi địa chính trị mang lại cơ hội để nhân dân tệ đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế. Trên thực tế, hạn chế đầu tiên là về chính trị, vì chế độ Bắc Kinh kiểm soát nghiêm ngặt luồng vốn. Nhà nghiên cứu George Magnus, đại học Oxford, giải thích : "Đó là thế lưỡng nan của Trung Quốc : Muốn làm giảm vai trò của Hoa Kỳ trong trật tự quốc tế, nhưng không sẵn sàng để cho tư bản tự do lưu thông".
Israel và Iran truy lùng gián điệp của nhau
Ở Trung Đông, Les Echos quan tâm đến "Israel-Iran, cuộc truy lùng gián điệp". Israël đã bắt giữ bảy công dân được Iran tuyển mộ, vào lúc cuộc chiến tình báo giữa đôi bên đang gay gắt nhất. Yaron Benyamin, viên chức cảnh sát cao cấp của Israel, nhìn nhận "Đó là vụ gián điệp tệ hại nhất mà chúng tôi biết được".
Bảy người Israel gốc Azerbaijan bị cáo buộc từ hai năm qua đã thực hiện 600 nhiệm vụ, cung cấp hình ảnh và video về các địa điểm quân sự "nhạy cảm" cho tình báo Iran, chẳng hạn căn cứ không quân Nevatim bị hỏa tiễn đạn đạo bắn sang vào đầu tháng này. Tất cả đều hành động vì tiền, nhận được mấy chục ngàn đô la bằng tiền mặt hoặc tiền ảo. Một số nghi can nếu bị buộc tội phản quốc trong thời chiến có nguy cơ lãnh án tử hình hay chung thân.
Cảnh sát và cơ quan phản gián Shin Bet làm việc căng thẳng từ khi chiến tranh nổ ra ở Dải Gaza và Lebanon với Hamas và Hezbollah, hai phe dân quân thân Iran. Nước Cộng hòa Hồi giáo cố gắng thu thập tối đa thông tin về Israel để trả đũa những cú đòn của Mossad trên đất Iran. Tình báo nước này có được ảnh và video của một nhà máy điện quan trọng, các địa điểm đặt giàn phóng hỏa tiễn thuộc loại "Vòm Sắt", dữ liệu về tác động của hỏa tiễn từ Iran, nhờ đó có thể điều chỉnh những vụ tấn công về sau.
Những tuần gần đây, phát hiện thêm ba vụ khác liên can đến bốn công dân Israel, bị nghi ngờ cung cấp tin tức về việc đi lại của các chính khách và cơ quan an ninh, được cho là mục tiêu ám sát. Iran thỉnh thoảng lại thông báo phá vỡ những mạng lưới tình báo Israel. Thực tế Mossad chứng tỏ có những gián điệp hiệu quả ở Iran, như vụ tiêu diệt Ismail Haniyeh, thủ lãnh chính trị Hamas, ngày 31/07 ngay tại một khu nhà của Vệ binh Cách mạng. Hay vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh, bộ óc của chương trình nguyên tử Iran, tháng 11/2020.
Cả nước bị cúp điện, chính quyền Cuba đổ cho cấm vận và phản cách mạng
Tại Châu Mỹ la-tinh, Libération cho biết "Cuba bắt đầu có điện lại nhưng vẫn khó khăn", Le Monde nhận xét "Đối mặt với vụ mất điện toàn quốc, chính quyền cao giọng trước những chỉ trích". Mười triệu dân đảo quốc đã sống không có điện trong suốt ba ngày ba đêm. Mạng điện cổ lỗ sĩ đã hoạt động trở lại từ sáng qua tại thủ đô La Havana, nhưng chỉ 38% phần còn lại của đất nước có điện. Tình hình rất thê thảm ở cực đông, vùng đất tối Chủ nhật bị trận bão Oscar tàn phá làm ít nhất 6 người chết và gây thiệt hại nặng nề, tuy sau đó đã biến thành áp thấp nhiệt đới và đã ra khỏi Cuba.
Tối Chủ nhật, khi một phần thủ đô 2 triệu dân dần dần có điện trở lại, chủ tịch xuất hiện trên truyền hình. Dấu hiệu xấu cho dân : lần đầu tiên từ khi nhậm chức năm 2019, Miguel Diaz-Canel mặc bộ quân phục, trang phục quen thuộc của những người tiền nhiệm – hai anh em Fidel và Raúl Castro. Ông ta nhìn nhận tình hình "phức tạp", tố cáo cấm vận của Mỹ, đồng thời cảnh cáo sẽ không dung thứ việc phá rối trật tự xã hội, ai vi phạm sẽ bị trừng trị thẳng tay. Theo nhà lãnh đạo cộng sản, những người biểu tình "đa số say xỉn", "làm theo lệnh của những kẻ phản cách mạng từ nước ngoài".
Trước đó vào thứ Bảy và Chủ nhật nhiều người dân đã xuống đường bất chấp bóng tối bao trùm, đòi hỏi phải có được ánh sáng. Khi đường điện phục hồi, internet vẫn bị cắt để những hình ảnh biểu tình không được phố biến. Được biết tại Cuba có 8 nhà máy nhiệt điện thường xuyên bị trục trặc. Nhiều người dân không còn dùng tủ đông lạnh từ nhiều tháng qua vì điện khi có khi không khiến thực phẩm bị hư phải vứt bỏ. Chính quyền thuê của các công ty Thổ Nhĩ Kỳ nhiều trạm phát điện nổi trên vịnh La Havana, nhưng lại thiếu tiền mua xăng – ngoại tệ từ du khách đã giảm gần phân nửa.
Hôm thứ Hai, bộ ngoại giao Cuba đã cảm ơn Mexico, Venezuela, Nga, Colombia đã trợ giúp nhưng không cho biết thêm chi tiết. Mexico, nước cuối cùng còn gởi dầu lửa cho Cuba, không muốn bình luận cụ thể. Nhà kinh tế học Omar Pérez Villanueva hết sức bi quan sau đợt cúp điện toàn quốc này : "Nhà nước đã ngưng hoạt động vì không có khả năng bảo đảm những nhu cầu tối thiểu của người dân : nước, điện, thực phẩm, giao thông. Không có nước thì không thể giữ vệ sinh, nguy cơ sốt xuất huyết ngày càng đáng lo".
Cuộc sống quá bế tắc, từ 2022 đến nay hai triệu người Cuba đã di tản, trong đó 850.000 đến được đất Mỹ. Tuy vậy bộ trưởng kinh tế Alejandro Gil Fernández, vẫn lên ti vi khẳng định : "Lối thoát duy nhất là chủ nghĩa xã hội và cách mạng !"
Elon Musk thượng đài giúp Donald Trump : Điều đáng lo
Về bầu cử Mỹ, xã luận của Le Monde nói về sự hỗ trợ đáng chú ý của Elon Musk cho Donald Trump. Tỉ phú chủ nhân của mạng xã hội X không chỉ đóng góp tài chánh mà còn là một bánh răng trong guồng máy vận động, với khả năng gây ảnh hưởng chưa từng thấy. Một cái ngưỡng đang được vượt qua trong quan hệ của chính giới Mỹ và giới kinh doanh. Cho đến nay, người giàu nhất thế giới vẫn nghi ngờ về năng lực lãnh đạo của ứng cử viên Cộng Hòa. Nhưng từ vài tháng qua, Musk đã trở thành một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất. Việc các tỉ phú ủng hộ tiền bạc cho các ứng cử viên là bình thường, nhưng Elon Musk không chỉ là nhà tài trợ.
Trước hết là về phương pháp. Sau khi cùng xuất hiện với Donald Trump trong cuộc mít-tinh ở Pennsylvania, một trong những bang có thể làm xoay chuyển cuộc bầu cử ngày 05/11, Elon Musk vừa tổ chức một cuộc xổ số hàng ngày với tiền thưởng 1 triệu đô la để kích thích đăng ký danh sách cử tri. Về mặt pháp lý, việc này gây tranh cãi vì có thể bị coi là mua phiếu. Tiếp đến, với cớ bảo vệ tự do ngôn luận, mạng xã hội X cho đăng những thông tin dối trá, kể cả vu khống, gây bất lợi cho Dân Chủ, đồng thời đăng những ý kiến cực đoan có lợi cho Trump. Sau hai trận bão Helene và Milton, X được sử dụng cho hàng loạt thông tin bóp méo về việc đối phó thiên tai của chính phủ. Dần dà mạng xã hội này trở thành cơ quan không chính thức phục vụ cho ứng cử viên Cộng Hòa.
Ảnh hưởng của Musk càng mang tính quyết định về chính trị, chẳng hạn chống nhập cư. Quản lý hiệu quả luồng di dân là một chuyện, nói rằng cho vào nước Mỹ để sau này họ bầu cho đảng Dân Chủ lại là chuyện thuyết âm mưu. Đáng ngạc nhiên khi Musk, sinh ở Nam Phi, là biểu hiện cho giấc mơ Mỹ của người nước ngoài, lại kịch liệt muốn đóng cửa biên giới. Theo Le Monde, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng tất cả chỉ vì niềm tin. Sự ủng hộ của Musk liên quan đến lợi ích của chính nhà tỉ phú.
Các công ty của ông được giao các hợp đồng của liên bang, với NASA hay Lầu Năm Góc, có được những món tài trợ khác nhau, chưa kể vai trò của hệ thống vệ tinh viễn thông Starlink, vốn mang tính quyết định trên chiến trường như ở Ukraine. Vào lúc tương lai của trí thông minh nhân tạo và việc thương mại hóa vũ trụ sẽ được định đoạt, Musk có thể vô hình trung biến sự giàu có khủng khiếp của ông thành quyền lực chính trị. Vai trò của Elon Musk ẩn chứa nhiều rủi ro trong nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump.
Thụy My