Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/10/2024

Điểm báo Pháp - Trump hay Harris, ai cũng khó cho Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Trump hay Harris, lựa chọn khó khăn với Trung Quốc

Bước leo thang mới trong cuộc chiến tranh Ukraine với sự can dự trực tiếp của quân đội Bắc Triều Tiênhiến với Ukraine : Chưa đầy 2 tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên dữ dội và quyết liệt hơn… Đó là những chủ đề thời sự được các báo Pháp quan tâm đặc biệt.

my1

Ảnh ghép của AP : ứng viên Kamala Harris trong một cuộc thảo luận ngày 07/10/2020, tại Salt Lake City, Utah và Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Atlanta, Georgia, ngày 27/06/2024. AP

Về cuộc chiến tranh Ukraine, Le Monde có bài : "Ukraine : Bình Nhưỡng can dự rõ rệt". Tờ báo cho cho biết, sau những đồn đoán, phát giác của Seoul và Kiev, cuối cùng NATO cùng Hoa Kỳ hôm 23/10 lần đầu tiên cùng lên tiếng xác nhận quân đội Bắc Triều Tiên đã được triển khai tại Nga, đồng thời tỏ lo ngại về bước "leo thang" chưa từng có trong cuộc chiến tranh tại Ukraine.

Đích thân bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Mỹ có bằng chúng các đơn vị quân Bắc Triều Tiên đã đến Nga, nhưng ông cho biết là còn phải xác định đội quân này đến Nga làm gì. Và ông nhận định : "Nếu họ là đồng tham chiến, nếu họ có ý định tham gia vào cuộc chiến tranh này nhân danh nước Nga, đó là vấn đề rất, rất nghiêm trọng".

Về phần NATO, theo Le Monde, phát ngôn viên của tổ chức cho rằng "nếu các đội quân này đến để tham chiến tại Ukraine, thì điều đó đó đánh dấu một bước leo thang lớn trong hỗ trợ của Bắc Triều Tiên cho cuộc chiến tranh bất hợp pháp của Nga".

Le Monde nhận định : Người nước ngoài chiến đấu cho Nga với tư cách là lính đánh thuê thì đã có. Nhưng việc một chính phủ nước ngoài gửi quân chính quy tới cuộc chiến ở Ukraine thì là lần đầu tiên.

Bài xã luận : "Bước leo thang của Bắc Triều Tiên" nhận định : "Đây là một diễn tiến lớn trong cuộc chiến ở trung tâm Châu Âu. Trước hết, đây là tín hiệu đầu tiên về việc quốc tế hóa cuộc xung đột một cách cụ thể". Nếu hai bên tham chiến đều được trợ giúp từ các đồng minh của họ - phương Tây với Ukraine ; Iran, Bắc Triều Tiên và gián tiếp là Trung Quốc dành cho Nga - thì sự hỗ trợ đó cho đến nay chỉ giới hạn ở trang thiết bị quân sự.

Sự can thiệp của quân đội nước ngoài là ranh giới mà chưa quốc gia nào dám vượt qua : việc tổng thống Emmanuel Macron đề cập vào tháng 2 về khả năng cử chuyên gia huấn luyện quân sự đến Ukraine đã gây ra tranh cãi gay gắt ở Châu Âu và không được hưởng ứng.

Mối lo ngại khác của phương Tây và chắc hẳn cũng là của Bắc Kinh là không biết Bắc Triều Tiên nhận được gì từ Moskva, để đổi lại việc điều quân đội và vũ khí của mình tới Nga ?

Le Monde kết luận : "Có thể là sự hỗ trợ này của Bắc Triều Tiên là để chi trả cho việc chuyển giao công nghệ hạt nhân của Nga : Đó sẽ là tin xấu cho tất cả mọi người".

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Chặng cuối dữ dội

Về sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ 2024, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa đến ngày bỏ phiếu chính thức. Báo chí quốc tế đều hướng về nước Mỹ. Đây là chủ đề chính của nhật báo Libération. Tờ báo tập trung chú ý đến chặng nước rút của ứng viên Cộng Hòa với nhận xét là càng đến gần ngày bầu cử, Donald Trump càng gia tăng những phát ngôn dữ dội thô bạo để tấn công đối thủ.

Tờ báo ghi nhận "Donald Trump lăng mạ, chửi thề và dường như coi những lời tục tĩu là đặc điểm trong cách giao tiếp của mình kể từ khi bước vào chính trường". Jérôme Viala-Gaudefroy, tiến sĩ về nền văn minh Mỹ và là tác giả cuốn sách Words of Trump (2024), lưu ý : "Donald Trump đã từng có những phát biểu như vậy trong quá khứ, chẳng hạn như khoe khoang về việc có thể sờ soạng phụ nữ. Nhưng chiến dịch này thậm chí còn thô tục hơn hai chiến dịch trước".

Bên cạnh bài viết về ứng viên Cộng Hòa, Libération có bài "Elon Musk", cho thấy tỷ phú giàu nhất thế giới, đang lăn xả, chơi tất tay ủng hộ cuộc tranh cử của Donald Trump như thế nào. Tờ báo ghi nhận : "Từ nhiều tháng nay, ông chủ khối tài sản lớn nhất thế giới đã lao đầu vào một chiến dịch điên cuồng ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa, đổ vào cuộc đua của Donald Trump hàng chục triệu đô la".

Cùng chủ đề, Le Figaro có bài : "Musk, người giàu nhất thế giới phục vụ ứng viên tỷ phú". Theo bài báo, hồi mùa hè vừa qua sau khi tuyên bố ủng hộ cựu tổng thống Mỹ, nhà tài phiệt trong lĩnh vực công nghệ này giờ đích thân nhảy vào cuộc vận động tranh cử cho Donald Trump, không tiếc tiền bạc cũng như sức lực cho cuộc đua của cựu tổng thống.

Trung Quốc : Trump - Harris không có sự lựa chọn tối ưu

Cũng là liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, Le Figaro chú ý đến mối quan tâm của Trung Quốc với bài viết : "Trung Quốc trước sự lựa chọn lưỡng nan thực sự".

Bài báo cho thấy, "không hề ảo tưởng, Bắc Kinh đang soi rất kỹ chặng cuối cùng chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng, cố gắng che đậy bằng thái độ trung lập ngoại giao nhưng mang nặng tính toán để chuẩn bị cho một chương mới trong quan hệ với chính quyền tiếp theo của Mỹ, hứa hẹn sẽ còn căng thẳng, dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa".

Theo Le Figaro, các chiến lược gia cộng sản ở Trung Nam Hải cảm nhận có sự lựa chọn lưỡng nan, do giữa một Kamala Harris "vô danh", báo trước sự tiếp tục của chiến lược "bao vây" của Joe Biden, và một Donald Trump khó lường, bốc đồng, nhưng là người sẵn sàng thương lượng. Chế độ cộng sản Trung Quốc biết rõ hơn về kẻ phá bĩnh của Cộng Hòa, từng bất ngờ phát động "cuộc chiến thương mại" trong nhiệm kỳ của ông ta. Harris chưa bao giờ đặt chân đến Trung Quốc, trong khi Trump đã gặp Tập Cận Bình vài lần.

Le Figaro nhận định, khả năng trở lại nắm quyền của vị tỷ phú khó nắm bắt làm dấy lên sự lo lắng trong một chế độ vốn không ưa bị bất ngờ. Nhưng, người chủ xướng "Nước Mỹ trên hết" cũng mang lại cơ hội cho chính sách ngoại giao thực dụng của Trung Quốc, bằng cách làm rạn nứt khối phương Tây, gây rắc rối cho các đồng minh của nước này. Còn theo giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh, được tờ báo trích dẫn, thì "nếu Harris thắng, sẽ có thêm xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ. Harris quyết tâm trong việc duy trì ưu thế của Mỹ hơn Trump".

Những lời đe dọa của Trump về việc "bỏ rơi" Kiev và đòi các đồng minh tăng đóng góp tài chính khiến Bắc Kinh chú ý. Trung Quốc vốn đang nỗ lực phá hoại trật tự quốc tế do các nền dân chủ thiết lập. "Trung Quốc thích Trump hơn. Họ đang dựa vào con tốt này để đạt được ván cược chiến lược của mình : lãnh đạo toàn cầu tay ba cùng với Nga", một nhà nghiên cứu chính trị độc lập ở Bắc Kinh đánh giá.

Nhưng Trump là người luôn dùng con bài thương mại để gây sức ép với Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, có thể buộc Đảng cộng sản Trung Quốc phải thận trọng cam chịu một nhiệm kỳ của Dân Chủ, một sự đảm bảo cho tính liên tục. Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc nhận xét : "Người Trung Quốc muốn có Harris vì bà là người dễ đoán hơn. Và trên hết, Trump hứa hẹn các mức thuế bổ sung". Trong trường hợp Kamala Harris thắng cử, giới chuyên gia dự đoán sẽ có sự tiếp tục chiến lược Biden, tập trung vào trừng phạt công nghệ, vào các mối liên minh quân sự ở Châu Á với Hàn Quốc và với Philippines.

Theo Le Figaro, dù Trump hay Harris thắng, trận đấu thế kỷ giữa hai cường quốc sẽ càng gay gắt hơn vào năm 2025, với thách thức là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, lá phổi của kinh tế thế giới và nhất là có "cái gai" chính Đài Loan.

Thượng đỉnh BRICS, Putin bớt cô lập

Một thời sự khác được các báo Pháp quan tâm nhiều là hội nghị thượng đỉnh Brics tại Kazan, Nga hôm qua 24/10 vừa khép lại ba ngày họp.

Le Figaro cho hay tại kỳ họp thượng đỉnh quy tụ hai chục nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chứng tỏ mình là lãnh đạo của các nước Nam bán cầu. Theo Kremlin, đây là cuộc gặp thương đỉnh lớn nhất được tổ chức tại Nga, trong bối cảnh đất nước này đang bị quốc tế cô lập vì cuộc chiến xâm lược Ukraine.

Brics, tập hợp các nền kinh tế được gọi là mới nổi lên, không phải là một nhóm nước có chức năng hay thiên hướng về an ninh, và họ cũng không ràng buộc các thành viên của mình với bất kỳ nghĩa vụ nào về mặt quốc phòng hoặc ngoại giao. Tuy nhiên, sự "chính trị hóa" của diễn đàn này đã thể hiện rõ ở Kazan. Hai cuộc xung đột chính đang diễn ra ở Đông Âu và Trung Đông đã được liên tục đề cập đến trong các bài phát biểu. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cũng được mời tham dự hội nghị và đã có cuộc gặp Vladimir Putin, lần đầu tiên kể từ tháng 4 năm 2022.

Về sự kiện này, nhật báo kinh tế Les Echos nhận định, nguyên thủ Nga, trong ba ngày hội nghị Kazan đã chứng minh ông đã làm thất bại các biện pháp của phương Tây nhằm cô lập nước Nga. Tuy nhiên, tuyên bố chung của thượng đỉnh vẫn không có được quyết định nào cụ thể, đặc biệt là về việc hình thành một hệ thống tài chính quốc tế thay thế hệ thống hiện hành.

Georgia trước sự lựa chọn Moskva hay Bruxelles

Vẫn liên quan đến Châu Âu, La Croix chú ý đến nước Cộng Hòa Georgia (Gruzia) với bài : "Bầu cử lập pháp tại Georgia, cuộc bầu cử mang âm hưởng trưng cầu dân ý về Châu Âu".

Cử tri Georgia nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ chỉ có 3,7 triệu dân, thứ Bảy này (26/10) sẽ đi bầu Quốc hội mới trong bối chế độ ngày càng trở nên chuyên chế và đảng cầm quyền bị cáo buộc xích lại gần Nga hơn. Cuộc bỏ phiếu sẽ có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của tiến trình gia nhập Liên Hiệp Châu Âu của nước này. Nói một cách khác, không hề dễ dàng, họ sẽ phải lựa chọn giữa sự ảnh hưởng của Moskva và Bruxlles.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 118 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)