Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/10/2024

Điểm báo Pháp - Ukraine sẽ ra sao nếu Donald Trump đắc cử ?

RFI tiếng Việt

Cuộc chiến Ukraine sẽ ra sao nếu Donald Trump đắc cử ?

Số phận Ukraine liên quan chặt chẽ với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trả lời Libération ngày 31/10/2024, nhà nghiên cứu Mỹ Michael Stricof nhận định chính phủ Volodymyr Zelensky có thể bị ép phải đàm phán ở thế yếu. Donald Trump không thích thú gì khi phải chi nhiều tiền bạc để Donbass vẫn là của Ukraine.

ukraine1

Cựu tổng thống Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng Hòa gặp gỡ tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Trump Tower ở New York City, Hoa Kỳ ngày 27/09/2024. Reuters - Shannon Stapleton

Tàu chở dầu lậu cho Nga làm rối loạn hàng hải quốc tế

Le Monde chạy tít trang nhất "Dầu lửa : Làm thế nào Nga tránh né được cấm vận". Tờ báo kể ra hàng loạt hoạt động quy mô : Lập các công ty bình phong, nhà buôn giấu mặt, tàu dầu tắt định vị, sang mạn ngoài khơi... Trong đó những đoàn tàu ma, là ưu thế chiến lược của Nga để tiêu thụ dầu lửa bị cấm vận.

Hàng trăm tàu chở dầu lậu xuôi ngược trên biển với sự đồng lõa của chủ tàu ẩn danh, giúp Moskva tiếp tục rủng rỉnh tiền dù đang chiến tranh với Ukraine. Số tàu bất hợp pháp này là bao nhiêu ? Khoảng 300, 400, 600... hay nhiều hơn nữa ? Số lượng đáng lo đến nỗi Anh quốc ngày 17/10 đã phải trừng phạt đến lần thứ tư, cấm thêm 18 tàu dầu không được cập cảng cũng không chấp nhận bảo hiểm. Ban đầu chỉ có những tàu dầu cũ do Nga trực tiếp thuê mới bị chú ý, thường là tàu của công ty quốc doanh Nga Sovcomflot. Công ty này nhanh chóng bị trừng phạt, rồi đến Sun Ship Management của Dubai.

Nhưng nay những đoàn tàu ma mới tiếp tục xuất hiện, làm rối loạn radar theo dõi của các công ty giám sát đại dương. Theo ước tính của Kyiv School of Economics vào đầu tháng 10, Nga đầu tư gần 10 tỉ đô la cho khoảng 600 tàu dầu lậu, vận chuyển 70 đến 90% dầu thô xuất khẩu, số lượng tăng gấp bốn kể từ tháng 4/2022. Một phần thị trường hàng hải lọt vào tay những công ty nhỏ đầy nghi vấn có liên hệ chặt chẽ với Moskva, đặt trụ sở tại Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Châu Á - theo tiết lộ tháng 11/2023 của Public Eye, một tổ chức Thụy Sĩ chuyên điều tra về trách nhiệm xã hội của các công ty đa quốc gia.

Tàu ma, những quả bom nổ chậm cho môi trường

Những chiếc tàu ma thường xuyên thay đổi màu cờ và cổ đông sở hữu, chuyển dữ liệu giả để tránh phát hiện hành trình, chuyển dầu sang tàu khác ở ngoài khơi Hy Lạp, Malta, Gibraltar để giấu nguồn gốc Nga ; tắt định vị GPS trong 48 giờ hoặc hơn nữa để "thay hình đổi dạng". Kẻ gian còn nhiều mánh khóe khác, như dùng các tàu cùng loại, cùng kích thước để hoán đổi danh tính khi cần, hoặc dùng tên một tàu đã bị tháo dỡ. Khi kiểm tra và phát hiện, chiếc tàu "hải tặc" đã âm thầm đổ xong hàng. Tài liệu của Le Monde cho thấy tập đoàn Coral Energy của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đóng vai trò quan trọng trong hệ thống.

Ngoài việc tránh né cấm vận, sự phát triển những đoàn tàu ma, thường là già nua và không được bảo hiểm đầy đủ, là rủi ro lớn cho môi trường. Điều tra của Follow the Money công bố ngày 23/10 nhấn mạnh đến "nguy cơ va chạm, cháy nổ và các tai nạn khác rất cao. Các tàu dầu này ít được bảo hiểm hoặc không có bảo hiểm, khiến các nước Châu Âu phải chi trả nếu xảy ra sự cố". Những chiếc tàu ma do Nga thuê, chạy dọc bờ biển Châu Âu hướng về Châu Á là những quả bom nổ chậm, đe dọa an ninh hàng hải quốc tế. Tập đoàn bảo hiểm Allianz báo động, không chỉ Nga mà Iran và Venezuela cũng dùng cách này, ước tính hiện có từ 600 đến 1.400 tàu ma, chiếm 1/5 tổng số tàu dầu trên thế giới.

Nga không để yên cho Đông Âu hướng về phương Tây

Về địa chính trị, xã luận của La Croix nhận định "Châu Âu và Nga, cuộc chiến ở phía đông". Ba cuộc bầu cử tại các nước từng là thành viên của Liên bang Xô viết đã quá cố, là những hồi còi báo động.

Tại Georgia (Gruzia), các đảng thân Châu Âu thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội đầy những dấu hiệu gian lận. Tại Moldova, tổng thống mãn nhiệm Maia Sandu gặp khó khăn trong vòng hai, Chủ nhật 03/11. Cuộc trưng cầu dân ý về việc xích gần lại với Liên Hiệp Châu Âu được tổ chức đồng thời với vòng một bầu cử tổng thống, chỉ thắng được trong đường tơ kẽ tóc. Niềm hy vọng trước viễn cảnh Châu Âu dễ dàng vấp phải thực tế cuộc sống khó khăn, và sự lũng đoạn thông tin của Moskva, trong khi chiến tranh ở Ukraine vẫn kéo dài.

Châu Âu vẫn ủng hộ Kiev, nhưng chưa đủ để giành chiến thắng. Hai năm sau làn sóng tương trợ từ đông sang tây, tâm trạng hoài nghi và chán nản lan tràn kể cả những nước hăng hái nhất như Ba Lan. La Croix cho rằng tương lai của các nền dân chủ tiếp tục được đặt cược tại phần đất đang phải đối đầu với chủ nghĩa đế quốc Nga, cần cứng rắn và kiên nhẫn trong công cuộc kháng chiến.

Putin nhập khẩu cuộc chiến Triều Tiên vào Ukraine

Tiếp tục để cập đến việc Bắc Triều Tiên đưa quân sang giúp Nga, Le Figaro cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã bị quốc tế hóa. Cho đến nay, sự hỗ trợ cho Nga từ các đồng minh Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, và cho Ukraine từ phương Tây, chỉ là thiết bị quân sự và phương tiện nhằm tránh né cấm vận. Đây là lần đầu tiên một nước gởi quân sang tham gia trực tiếp. Một số người coi đây là dấu hiệu yếu kém của Nga, buộc lòng phải cầu viện đến một quốc gia cộng sản nghèo khổ không nuôi nổi dân của mình. Số khác cho là diễn biến đáng lo lắng cho khu vực. Dù sao với sự kiện này, khó thể tiếp tục cấm Ukraine dùng tên lửa tầm xa đánh vào đất Nga.

Xung đột còn có nguy cơ mở rộng sang Ấn Độ-Thái Bình Dương. Putin đã nhập khẩu sang Ukraine cuộc chiến tranh Triều Tiên, vốn chưa bao giờ kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình. Năm 2023, Kim Jong-un đã chấm dứt chính sách hòa giải với phương Nam, chôn vùi mục tiêu thống nhất bán đảo ; phát triển kho vũ khí hạt nhân, coi Hàn Quốc là "kẻ thù chính". Thế nên Seoul theo dõi chặt chẽ mặt trận Nga, dự định tăng viện trợ cho Ukraine. Chính quyền Hàn Quốc sợ rằng để đối lấy việc Bình Nhưỡng đưa quân sang giúp, Nga sẽ chuyển giao công nghệ nguyên tử cho Bắc Triều Tiên.

Hai khối gồm bốn cường quốc hạt nhân đang hình thành trong khu vực. Đó là Nga-Trung Quốc-Bắc Triều Tiên, và Hàn Quốc-Nhật Bản-Hoa Kỳ. Còn lại hai câu hỏi. Trung Quốc sẽ có thái độ thế nào ? Bắc Kinh cũng muốn thay đổi trật tự quốc tế như Moskva, Bình Nhưỡng, nhưng không muốn rối loạn. Iran, đang cung cấp drone và hỏa tiễn cho Nga, có theo chân Bắc Triều Tiên ? Chiến tranh ở Ukraine càng kéo dài, càng có nguy cơ vượt ra ngoài biên giới. Theo Le Figaro, Nga và các đồng minh chỉ mạnh nhờ các nền dân chủ phương Tây tỏ ra yếu đuối.

Làm thế nào "chấm dứt chiến tranh Ukraine trong 24 giờ" ?

Số phận Ukraine liên quan chặt chẽ với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trả lời Libération, nhà nghiên cứu Mỹ Michael Stricof nhận định chính phủ Volodymyr Zelensky có thể bị ép phải đàm phán ở thế yếu. Ông Donald Trump tuyên bố có thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong 24 giờ, nhưng bằng cách nào ?

Trước hết, không phải ông Trump mà việc kết thúc chiến tranh do Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky quyết định, điều này không thể thực hiện trong 24 giờ. Tiếp đến, Donald Trump vẫn chưa trình bày kế hoạch rõ ràng, có thể ông vẫn chưa có và chỉ nhằm tranh cử. Hiện thời theo như James David Vance nói với báo chí, Donald Trump có thể sử dụng việc Ukraine lệ thuộc vào viện trợ quân sự Mỹ để dọa dẫm tổng thống Zelensky, thuyết phục ông chấp nhận một thỏa thuận bất lợi - nhìn nhận nguyên trạng về quân sự, thậm chí có thể mất thêm đất, và cam kết không bao giờ gia nhập NATO.

Một kế hoạch như vậy liệu có thể được chấp nhận hay không ? Trong hội nghị BRICS tuần rồi, Putin nói về đề nghị của ông Trump một cách tích cực. Ngược lại, phản ứng của Ukraine còn tùy theo nhiều yếu tố. Kiev có tin rằng đe dọa của Washington là thật ? Có thể thương lượng với Vladimir Putin ? Có được các đồng minh Châu Âu viện trợ quân sự và tài chánh ? Nếu cảm thấy liên minh quốc tế rạn nứt và không có viễn cảnh sáng sủa hơn trong tương lai gần, có thể Ukraine chấp nhận đàm phán.

Giữ lại Donbass cho Ukraine ? Trump không quan tâm !

Tại sao Donald Trump thiên về Moskva thay vì Kiev ? Trump vốn thích các nhà độc tài, nhưng theo ông Michael Stricof, quan trọng nhất là cựu tổng thống luôn muốn cắt giảm chi phí của Mỹ ở nước ngoài. Trump chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế ngắn hạn của Hoa Kỳ, đó là ý nghĩa của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Donald Trump cho rằng việc ủng hộ Ukraine gây tốn kém mấy chục tỉ đô la, không mang lại lợi ích vật chất cụ thể. Ông không thích thú gì khi phải chi tiền để Donbass vẫn là của Ukraine. Joe Biden và Kamala Harris nhận định xúc tiến một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp nằm trong lợi ích của Hoa Kỳ, nhưng Donald Trump thì không.

Hậu quả lập tức trên tiền tuyến nếu Donald Trump chiến thắng ra sao ? Mặt trận không thay đổi nhiều trong mùa đông, khi mặt đất đóng băng. Hệ quả chỉ có thể cảm nhận nhiều tháng sau khi Trump quay lại Nhà Trắng. Trong trường hợp viện trợ Mỹ bị cắt giảm, hoặc là Ukraine coi như đã mất những vùng bị Nga chiếm đóng và chấp nhận ngưng bắn, hoặc từ chối mọi thỏa thuận. Cuộc chiến sẽ thay đổi, không còn là hai phe đối đầu trên một chiến tuyến cụ thể, mà là cuộc chiến tranh du kích của Ukraine với phương tiện hạn chế.

Bầu cử Mỹ : Donald Trump đắc cử hay thất cử đều đáng lo

Libération nhấn mạnh "Bầu cử Mỹ : Nguy cơ trước mắt" với trang nhất có bóng dáng cựu tổng thống Donald Trump trên nền đen. Còn năm ngày nữa đến kỳ bỏ phiếu, Kamala Harris và Donald Trump đều có tỉ lệ suýt soát nhau, trong số 913 cuộc thăm dò do 143 định chế và chuyên gia thống kê công bố. Chỉ có bà Harris nói rằng sẽ chấp nhận sự chọn lựa của cử tri dù bất lợi cho mình.

Nhật báo thiên tả nhắc lại, cuộc bạo loạn ở Capitol ngày 06/01/2021 đã làm hai người thiệt mạng, 150 người của lực lượng an ninh bị thương ; và đến nay ông Trump vẫn nhắc đi nhắc lại rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Nếu Donald Trump thất cử vào ngày 05/11, chuyện gì sẽ xảy ra ? Sau cuộc bầu cử năm 2020, các luật sư của ông Trump đã nộp 60 đơn kiện phản đối kết quả. Năm nay, trên 100 thủ tục tố tụng đã được tiến hành ngay cả trước cuộc bỏ phiếu. Chuyên gia Emily Rodriguez nhận xét, các vụ kiện này không dựa trên luật lệ mà theo thuyết âm mưu, "nhưng nếu đi kiện, bạn đem lại tính chính danh cho sự dối trá của mình".

Vì sao cử tri ôn hòa có trình độ lại bầu cho Trump ?

Le Figaro tìm cách lý giải, vì sao những cử tri Cộng Hòa có nhiều thông tin và chừng mực lại bầu cho Donald Trump. Mặc dù không thích những trò quá lố của ứng cử viên Cộng Hòa, nhiều người cánh hữu ôn hòa sẵn sàng bầu cho nhà tỉ phú, vì lý do kinh tế và vì không thích Kamala Harris. Chẳng hạn tại "bang nghiêng ngả" Pennsylvania, chỉ có 20% người Cộng Hòa "không MAGA" muốn bầu cho Kamala Harris.

Paul Hodey, một luật gia nhận xét : "Ông ấy hơi khùng, không chịu nghe ai, nói năng linh tinh. Nhưng không thể nói rằng các chính sách của ông từ 2017 đến 2021 là tệ hại". Đó là lý do khiến những người bảo thủ, chủ trương tự do, người có học, chủ doanh nghiệp… sẵn sàng bầu cho một nhân vật như Donald Trump.

Donald Trump phiên bản 2024 không còn gây lo sợ cho đa số cánh hữu. Trong nhiệm kỳ trước, Donald Trump đã giảm thuế, bổ nhiệm các nhân vật bảo thủ vào Tối cao Pháp viện, duy trì tăng trưởng và việc làm mà không gây lạm phát, thị trường chứng khoán tăng tiến, hạn chế nhập cư, chính sách bảo hộ mậu dịch tiếp tục được Joe Biden áp dụng. Giả thiết nhiệm kỳ thứ hai sẽ phá hoại nền dân chủ bởi một Donald Trump với những trợ thủ cực đoan và bất tài, không thuyết phục được cử tri ôn hòa. Họ cho rằng có rất nhiều đối trọng tại Hoa Kỳ. Nhiều người bảo thủ thích bà Nikki Haley hơn, nhưng bà đã thua trong bầu cử sơ bộ.

Trong khi đó thái độ mới tỏ ra trung dung lúc sau này của bà Kamala Harris, xuất thân từ một bang cánh tả không gây tin tưởng cho họ. Nữ phó tổng thống luôn hãnh diện là người "cấp tiến" và "woke". Lo lắng trước tỉ lệ lạm phát cao hơn nhiều so với Châu Âu, cử tri bảo thủ không muốn trao cơ hội cho bộ máy Dân Chủ thường thoải mái dùng công quỹ cho vấn đề khí hậu và chính sách kỹ nghệ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 67 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)