Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/11/2024

Điểm báo Pháp - Cử tri gốc Ả rập phẫn nộ với Kamala Harris

Phan Minh

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 : Cử tri gốc Ả rập phẫn nộ với Kamala Harris

Nhân ngày Lễ Các Thánh, hôm nay 01/11/2024, chỉ có các báo Le Monde Le Figaro ra số mới, cùng với Libération ra số kép từ hôm qua.

arap1

Biểu tình ủng hộ Palestine ở Dearborn, bang Michigan, Hoa Kỳ, ngày 19/05/2024. Reuters - Rebecca Cook

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất "Cử tri gốc Ả rập phẫn nộ với Kamala Harris". Chưa đầy một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 2024 ngày 05/11, bầu không khí ở thành phố Dearborn, bang Michigan rất căng thẳng, với nhiều người Mỹ gốc Ả rập lên án chính quyền Joe Biden ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở dải Gaza và tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ. Trong đó có Sam Baydoun, một trong những quan chức thuộc đảng Dân Chủ, đã khẳng định "sẽ bỏ phiếu theo lương tâm, vì nhân quyền và chống lại nạn diệt chủng ở Gaza".

Một cử tri trẻ tuổi khác, không tiết lộ danh tính, nhấn mạnh : "Harris và Trump kinh khủng như nhau. Sự tàn phá ở Gaza được trả bằng tiền thuế của tôi, thật đáng hổ thẹn. Làm sao chúng ta có thể quyết định bỏ phiếu cho Harris nhân danh nữ quyền, khi phụ nữ ở Gaza thậm chí không thể sinh con trong điều kiện nhân phẩm được tôn trọng ?"

Osama Siblani, tổng biên tập của tuần báo The Arab American News, có trụ sở tại Dearborn, còn tỏ ra gay gắt hơn : "Joe Biden có thể ngăn chặn nạn diệt chủng ở Gaza trong vòng 24 phút, chứ đừng nói là 24 giờ. Nói rằng không thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn Netanyahu là nói nhảm nhí. Với tất cả những gì ông ấy cung cấp cho thủ tướng Israel, từ vũ khí, thông tin tình báo hay những khoản hỗ trợ tài chính… Joe Biden là một tên tội phạm". Đối với ông Siblani, việc Joe Biden quyết định rút lui khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và tiến cử Kamala Harris thay thế hồi tháng 7 không thay đổi được gì : "Bà Harris càng phát biểu nhiều, chúng ta càng thấy giọng điệu của bà ấy không khác gì Biden".

Các cử tri gốc Ả rập, vốn ủng hộ đảng Dân Chủ, giờ đây không còn tìm được tiếng nói chung. Hồi tháng 02/2024, rất nhiều người đã gửi lời cảnh báo tới đảng cánh tả trong cuộc bầu cử sơ bộ, với việc từ chối bỏ phiếu ủng hộ Joe Biden. Nhân dịp này, họ nhắc lại đã ủng hộ ông một cách ồ ạt trong cuộc bầu cử hồi năm 2020 và giúp ông đánh bại Donald Trump.

Tại Michigan, một trong những bang dao động then chốt với 15 đại cử tri, ứng viên đảng Dân Chủ đã giành được nhiều hơn đối thủ bên đảng Cộng Hòa 150.000 phiếu bầu hồi năm 2020, trong khi Donald Trump chiến thắng trước bà Hillary Clinton bên đảng Dân Chủ 4 năm trước đó với chênh lệch dưới 11.000 phiếu.
Donald Trump : "Dân Mỹ không phải là rác rưởi"

Tờ Le Figaro cũng dành trang nhất quan tâm đến bầu cử tổng thống Mỹ. Sau khi tổng thống Joe Biden gọi những người ủng hộ Donald Trump là "rác rưởi", cựu tổng thống đã không bỏ lỡ cơ hội để phản công. Đến vận động cử tri ở bang Wisconsin hôm 30/10, nhà tỷ phú đã cởi áo khoác và mặc lên người chiếc áo màu cam có viền màu vàng mà những người thu gom rác mặc và lên án luận điệu mang tính xúc phạm của Joe Biden, trong bối cảnh ứng viên Kamala Harris kêu gọi người dân "đoàn kết".

Trước làn sóng chỉ trích dữ dội, chủ nhân Nhà Trắng đã cải chính và nói rằng đó là một sự hiểu lầm, song lời giải thích của Joe Biden dường như không đủ sức thuyết phục trong mắt cử tri. Phát biểu trước báo giới trên một chiếc xe chở rác mang tên ông và cắm lá cờ Mỹ, Donald Trump đã khẳng định "một người không thể lãnh đạo Hoa Kỳ nếu người đó ghét người Mỹ" và nhắc lại phát biểu của Hillary Clinton hai tháng trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Lúc đó, bà ví những người ủng hộ Trump là "một lũ đáng thương hại". Sau này, cựu ngoại trưởng đã thừa nhận phát biểu này đã góp phần khiến bà thất bại.

Nhật báo thiên hữu nhắc lại phát biểu gần đây nhất của Joe Biden nối tiếp hàng loạt những chỉ trích mà hai bên không ngừng đưa ra để lăng mạ nhau trong thời gian qua. Donald Trump thường xuyên gọi Kamala Harris là "kẻ nói dối", "điên rồ" hoặc "theo chủ nghĩa cộng sản", và mô tả những người ủng hộ bà là "kẻ thù từ bên trong". Vào tuần trước, phe Dân Chủ đã đả kích gay gắt Donald Trump khi ám chỉ cựu tổng thống là "một tên phát xít".

Mỹ : Số vụ hành quyết tử tù gia tăng

Vẫn tại Hoa Kỳ, Le Monde có bài viết nói về xu hướng hành quyết tử tù gia tăng. Từ nay đến cuối năm, sẽ có bảy người bị xử tử ở bảy bang khác nhau, đều do đảng Cộng Hòa lãnh đạo. Chủ đề này không hề được đề cập trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ lần này.

Hôm nay, 01/11, nếu không được ân xá vào phút chót, tử tù Richard Moore sẽ bị hành quyết ở bang Nam Carolina, nâng tổng số những vụ hành quyết ở Hoa Kỳ lên 21 vụ kể từ đầu năm nay. Trước đó, hôm 17/10, tư pháp bang Alabama đã xử tử Derrick Dearman, sát hại 5 người vào năm 2016.

Kể từ khi án tử hình được khôi phục vào năm 1976, đã có 1.602 người bị xử tử ở Hoa Kỳ. Kể từ năm 2000, số vụ hành quyết đã giảm mạnh (từ 98 vụ vào năm 1999 xuống còn 11 vụ vào năm 2021). Tuy nhiên, xu hướng này đang tăng trở lại với ít nhất 20 vụ hành quyết nội trong năm nay.

Theo các chuyên gia, có nhiều yếu tố giải thích cho sự trỗi dậy trở lại của án tử hình ở Hoa Kỳ. Đầu tiên phải kể đến những thành viên của Tối Cao Pháp Viện. Đa số những thẩm phán này theo phe bảo thủ và không ủng hộ việc ân xá vào phút chót. Ngoài ra, môi trường chính trị cũng là điều cần phải đề cập đến. Vào thời điểm đất nước đang muốn tỏ ra cứng rắn về các vấn đề an ninh, các thống đốc và tổng chưởng lý bên đảng Cộng Hòa thường sẽ không giảm án hay quan tâm đến sự khác biệt về chủng tộc giữa bồi thẩm đoàn và bị cáo. Ở Nam Carolina, những luật sư bào chữa cho Richard Moore đã lập luận rằng anh bị một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng xét xử và tội sát hại một nhân viên cửa hàng mà anh phạm lẽ ra không phải nhận mức án tử hình nếu anh không phải là người da đen.

Một nguyên nhân khác khiến những vụ hành quyết gia tăng là sự đa dạng hóa của phương pháp tử hình. Cách đây 10 năm, các phòng thí nghiệm dược phẩm, chủ yếu ở Châu Âu, đã ngừng cấp phép cho Mỹ sử dụng thuốc của họ để tiêm cho tử tù. Tuy nhiên, những bang vẫn áp dụng án tử hình đã tìm ra những hợp chất mới để tiếp tục hành quyết tù nhân. Một số bang hiện đang xem xét sử dụng fentanyl và ketamine. Vào tháng 07/2022, Alabama đã hành quyết một tử tù bằng cách cho người này hít khí nitơ, phương pháp bị Liên Hiệp Quốc lên án.

Trong những chiến dịch tranh cử năm 2016 và 2020, chủ trương của đảng Dân Chủ là "tiếp tục ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình". Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, chính ứng viên Joe Biden đã cam kết sẽ đấu tranh chống lại án tử hình, nhưng không mang lại kết quả cụ thể. Phó tổng thống Kamala Harris cũng chưa bày tỏ quan điểm về chủ đề này trong trường hợp đắc cử tổng thống.

Lụt lội kinh hoàng ở Tây Ban Nha

Nhìn sang Châu Âu, trang nhất của nhật báo thiên tả Libération chú ý đến hiện tượng mưa xối xả gây lũ tràn vào Valencia, bên bờ biển Địa Trung Hải, khiến ít nhất 158 người thiệt mạng và rất nhiều người mất tích. Chính quyền khu vực bị cáo buộc đã không lường trước được thảm kịch.

Đêm 29 rạng sáng 30/10, người dân của thành phố lớn thứ ba Tây Ban Nha (800.000 dân) đã trải qua một đêm kinh hoàng, sau những trận mưa xối xả khiến thành phố ngập trong nước. Ngày 30/10, các tuyến đường giữa Valencia với phần còn lại của Tây Ban Nha, như đường cao tốc, đường sắt hay đường hàng không, đều bị tê liệt. Lúc đi làm về, nhiều tài xế bị mắc kẹt trên đường.

Miguel, một tài xế xe tải, nói trên đài phát thanh khu vực : "Tôi bị kẹt trên đường cao tốc phía nam Valencia. Tất cả tài xế xe tải đều bất động, xe của họ bị lật. Tôi đã giải cứu nhiều đồng nghiệp, sau đó, cùng với những người khác, chúng tôi đi tìm trẻ em phải trèo lên những mái nhà ven đường".

Vừa trở về sau chuyến thăm chính thức Ấn Độ, thủ tướng Pedro Sánchez cảnh báo tình hình "thảm khốc" này có thể chưa kết thúc. Ông nói "sẽ không bỏ rơi người dân" và kêu gọi mọi người tiếp tục cảnh giác. Trước đó, vua Felipe VI đã bày tỏ "sự choáng ngợp trước những tin tức mới nhất" và gửi lời chia buồn tới gia đình của các nạn nhân.

Người Pháp tiếp tục hoài nghi về hiện tượng biến đổi khí hậu

Vẫn về biến đổi khí hậu, tờ Le Monde trích dẫn một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ Parlons Climat, cho biết những hoài nghi của người Pháp về nguồn gốc của hiện tượng hâm nóng toàn cầu không xuất phát từ sự thiếu hiểu biết hay mất lòng tin vào các nhà khoa học, mà đơn giản là họ không muốn thay đổi lối sống.

Điều này giống như một nghịch lý kỳ lạ, vào thời điểm các thảm họa khí hậu gia tăng, điển hình là trận lũ lụt tàn phá vùng đông nam Tây Ban Nha, số lượng những người hoài nghi về biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục gia tăng. Tại Pháp, bất chấp việc phải đối mặt với lũ lụt, tình trạng nắng nóng liên tục gây ra hỏa hoạn, những thông điệp gieo rắc sự hoài nghi về nguồn gốc hoặc sự tồn tại của hiện tượng hâm nóng toàn cầu vẫn tràn lan ở khắp mọi nơi, từ mạng xã hội cho đến những hiệu sách.

Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Marion Maréchal, hôm 25/10, nhấn mạnh trên kênh BFMTV rằng "câu hỏi duy nhất cần được đặt ra là trách nhiệm của con người là gì" đối với hiện tượng trái đất bị nóng lên. Sau đó một hôm, trên kênh CNews, tổng biên tập của tạp chí Capital Social, Joseph Thouvenel, cũng đã khẳng định thế giới "luôn phải đối mặt với biến đổi khí hậu, kể cả từ thời Trung Cổ".

Tờ báo kết luận sự hoài nghi về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn xã hội. Tuy nhiên, nó mạnh hơn ở những người trên 65 tuổi, trong tầng lớp lao động, những người có trình độ học vấn thấp và có tư tưởng bảo thủ.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 63 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)