Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/11/2024

Điểm báo Pháp - Thế giới lo lắng trước thời kỳ "Trump đệ nhị"

RFI tiếng Việt

Người Mỹ đã chọn, thế giới lo lắng trước thời kỳ "Trump đệ nhị"

Hình ảnh cựu tổng thống Mỹ Donald Trump nay là tân tổng thống chiếm trang nhất tất cả các báo Pháp ngày 07/11/2024. Chiến thắng áp đảo, Trump đã làm nên kỳ tích, quay lại Nhà Trắng với quyền lực chưa từng thấy. Cả thế giới hồi hộp chờ đợi nhiệm kỳ 2 của nhân vật đã và sẽ làm đảo lộn chính trường Hoa Kỳ cũng như thế giới.

lolang1

Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump và phu nhân Melania trong cuộc mít-tinh tại Florida, Hoa Kỳ ngày 06/11/2024. Reuters - Brian Snyder

Le Monde nhìn nhận "Hoa Kỳ đã chọn Donald Trump", La Croix đăng ảnh Donald Trump tươi cười với dòng tít "Sự trả thù". Les Echos nói về "Sự come-back khó tin" : Trump, người chưa bao giờ thú nhận thất bại đã chiến thắng áp đảo, chiếm luôn Thượng Viện. Le Figaro nhấn mạnh "Sự quay lại ồn ào" với kỳ tích chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ kể từ năm 1892, tổng thống thứ 45 Hoa Kỳ cũng là tổng thống thứ 47. Libération chọn tít "Kẻ tái phạm" : Đạt tỉ lệ cao nơi thành trì của mình và đột phá vào lãnh địa của Dân Chủ… Donald Trump bước vào Nhà Trắng lần thứ hai với quyền lực chưa từng thấy.

Sự phục thù của Donald Trump

Nhật báo công giáo La Croix nhận định chiến thắng là áp đảo. Đối với Donald Trump, đây là một sự phục thù. Vốn chưa hề nhìn nhận thất bại trước Joe Biden năm 2020, từ bốn năm qua cựu tổng thống tập trung cho chiến lược tái chinh phục Nhà Trắng. Đa số cử tri Mỹ như vậy đã chấp nhận chủ trương và tính cách của nhà lãnh đạo này dù có thể nguy hiểm cho nền dân chủ. Donald Trump đưa di dân ra làm dê tế thần, hứa hẹn giấc mơ "một kỷ nguyên vàng của nước Mỹ", khẳng định giải quyết được mọi vấn đề.

Trump thu hút được lá phiếu không chỉ của người da trắng mà cả da đen và Mỹ la-tinh ; tuyên truyền của ông hết sức hiệu quả khi nói về "sức mua" với người Mỹ bình thường. Donald Trump sẽ nỗ lực để Hoa Kỳ tiếp tục là đại cường số một thế giới, nhất là trước Trung Quốc, bằng cách gia tăng chính sách bảo hộ, việc này sẽ ảnh hưởng mạnh đến Châu Âu. Sự chọn lựa đối sách của tân tổng thống về Trung Quốc, Nga, Ukraine, Israel sẽ tác động lên thăng bằng địa chính trị và cấu trúc an ninh Châu lục. Pháp và Đức đã loan báo "phối hợp chặt chẽ" trước thay đổi này.

Trump đã hồi sinh, nhưng liệu sẽ tạo dấu ấn lịch sử ?

Le Figaro thiên hữu nhận xét, tươi cười nhưng không quá phấn khích, có vẻ như Donald Trump coi chiến thắng của ông là chuyện đương nhiên. Nhưng thực ra cựu tổng thống trong suốt bốn năm qua đã tổ chức sự phục sinh này, và đã hoàn toàn thắng lợi. Tổng thống tân cử thứ 47 đã làm được điều mà không ứng cử viên Cộng Hòa nào trước ông thực hiện được, giành cả số phiếu phổ thông đã thoát khỏi tay của đảng ông từ hai chục năm qua.

Trump vào Nhà Trắng nhờ một làn sóng từ "vành đai phía nam" cho đến "bức tường xanh" trung tây. Ông kiếm thêm được phiếu của cử tri da đen và Mỹ la-tinh, thuyết phục được về nhập cư, an ninh và kinh tế, chiếm Thượng Viện và có thể nắm trọn quyền lực nếu Hạ Viện tiếp tục thuộc Cộng Hòa. Vấn đề là "Trump 2" sẽ làm gì. Với giọng ôn hòa, người đắc cử kêu gọi "vượt qua chia rẽ", dùng "kỷ nguyên vàng cho nước Mỹ" để thu phục những con chiên lạc. Để xem Trump có thể sáng tạo nhằm để lại dấu ấn trong lịch sử, hay ý hướng phục thù của ông mạnh hơn.

Cũng với câu hỏi này mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đã có trận mưa chúc tụng tân tổng thống, kèm theo những hứa hẹn đẹp đẽ về hợp tác. Trên thực tế mỗi người đều băn khoăn không biết mình sẽ ra sao, ngoại trừ vài đồng lõa về ý tưởng như Viktor Orban. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nước đôi, vừa nhắc nhở Trump thời kỳ hòa thuận trước đây qua một tweet bằng tiếng Anh, vừa cùng với thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Châu Âu ý thức về bối cảnh mới.

Quay về với thời đại các đế quốc

Nhật báo kinh tế Les Echos cho rằng nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump không phải là sự lặp lại nhiệm kỳ thứ nhất. Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ có ý định thay đổi luật chơi quốc tế về kinh tế, ngoại giao và sinh thái. Lại quay về thời đại của các đế quốc trong lịch sử với logic các khối, các vùng ảnh hưởng, với các xung đột đôi khi về quân sự. Một thời kỳ mà mỗi bên đều bị buộc phải chọn phe, nhất là giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga - nơi liên hệ chặt chẽ với vận mệnh Châu Âu.

Một số đã chọn xong, nghĩ rằng phải bám vào Hoa Kỳ về kinh tế và công nghệ, đứng về phía Mỹ trong ngoại giao và giảm bớt tham vọng về chuyển đổi sinh thái, để bảo đảm thịnh vượng và được bảo vệ an ninh. Thị trường tài chánh vui mừng trước chiến thắng của phe Cộng Hòa, hoan nghênh việc giảm mạnh mức thuế.

Tuy vậy nếu cho rằng tỏ ra thần phục sẽ tránh được chiến tranh thương mại với Mỹ là sai lầm. Để đối thoại và giao thương với Donald Trump, cần phải có thế mạnh. Châu Âu với 450 triệu người tiêu thụ không thể tặng không, cần giữ nguyên chủ trương về khí hậu, và đạt được sự độc lập về chiến lược và quân sự. Donald Trump không phải là kẻ thù, vì nước Mỹ luôn là đồng minh. Nhưng trong thời đại của các đế quốc, để hy vọng có được một chỗ trên bàn tiệc của người chiến thắng, phải giữ nguyên các giá trị của mình.

Hồi kết của một thế giới Mỹ

Xã luận của Le Monde nói về "Hồi kết của một thế giới Mỹ". Việc Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và thành công của đảng Cộng Hòa là một bước ngoặt quan trọng của Hoa Kỳ. Lần này người Mỹ đã chọn lựa thực sự. Hồi năm 2016, khi trao chiếc chìa khóa Nhà Trắng lần đầu, họ chỉ thử thời vận, chưa biết chính quyền Donald Trump sẽ ra sao. Năm nay cử tri biết rõ tính cách ông Trump, còn cực đoan hơn so với 8 năm trước, nhưng họ vẫn bầu cho ông. Cần mở to mắt để nhìn nhận điều này.

Nhiệm kỳ thứ hai của một Donald Trump thắng áp đảo và chiếm được Thượng Viện, sẽ đưa đất nước ông đi xa khỏi con đường mà Hoa Kỳ đã vạch ra từ khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc. Đó là hồi kết của một chu kỳ Mỹ, một siêu cường cởi mở và cam kết với thế giới, muốn dựng nên mô hình dân chủ. Mô hình đã bị chao đảo trong hai thập niên qua và sự quay lại của Donald Trump đóng thêm một cây đinh vào quan tài.

Thế giới, theo Trump là một thế giới được nhìn qua một lăng kính duy nhất là lợi ích Mỹ. Một thế giới của tương quan lực lượng và chiến tranh thương mại, không coi trọng đa phương. Một thế giới mà quan hệ cá nhân thay cho liên minh dựa trên các giá trị. Một thế giới mà tổng thống Hoa Kỳ dành những từ ngữ nặng nề cho đồng minh nhưng các nhà độc tài được coi là đối tác thay vì đối thủ.

Người Mỹ đã chọn, thế giới sẽ phải chịu đựng

Châu Âu có những kỷ niệm tệ hại về nhiệm kỳ thứ nhất của Trump. Nhiệm kỳ thứ hai sẽ còn tệ hơn, trong bối cảnh chiến tranh hoành hành trên Châu lục, khởi động bởi Putin ngày càng hung hăng bất chấp mọi nghĩa vụ quốc tế. Nếu như đã đe dọa, Donald Trump ngưng viện trợ quân sự cho Ukraine và thương lượng với Vladimir Putin một hòa bình có lợi cho kẻ xâm lăng, hậu quả sẽ vượt lên khỏi số phận của Ukraine mà ảnh hưởng đến an ninh của toàn Châu Âu. Nguy cơ chia rẽ thậm chí rạn vỡ là rõ ràng, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu cần chuẩn bị đối phó, không đợi đến lúc Donald Trump nhậm chức.

Theo Le Monde, chiến thắng của ông Trump là điềm xấu cho giới nữ, người nhập cư và dân chủ nói chung. Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ tiếp tục một hệ thống mà ông đã thiết lập khi còn là tổng thống thứ 45, trong đó các đối trọng bị yếu đi và ông nắm được Tối cao Pháp viện. Cử tri của Donald Trump đã chọn ông với tất cả trách nhiệm, tương tự với các ông chủ trong giới kinh doanh và công nghệ đã đứng về phía ông như Elon Musk. Phần còn lại của thế giới sẽ phải chịu đựng.

Hai lần cử tri Mỹ loại ứng cử viên nữ để bầu cho Trump

Xã luận của nhật báo thiên tả Libération gay gắt nhất, ví việc Donald Trump tái đắc cử là "sự tái phạm", đánh dấu sự đột phá của chủ nghĩa dân túy - đã vượt khỏi biên giới nước Mỹ. Tờ báo nhấn mạnh không nên coi nhẹ hậu quả, vì Trump sẽ làm đúng những gì mà ông đã nói, bắt đầu bằng việc dùng phương tiện khổng lồ nay trong tay mình để trả đũa các "kẻ thù" - thẩm phán quá nhiệt tình, chính khách Cộng Hòa quá lương thiện, nhân chứng quá phiền hà, các nạn nhân đã dám kiện ông.

Đây là lần thứ hai dân Mỹ có dịp bầu một phụ nữ vào chức vụ cao nhất và quyền lực nhất nước, nếu không nói là nhất thế giới ; và cả hai lần họ đều chọn Donald Trump. Sẽ mù quáng nếu làm đậm những khuyết điểm của Kamala Harris, như đã giải thích thất bại của Hillary Clinton. Và sẽ thiếu ý thức nếu cho rằng đây chỉ là hồi hai của một thời kỳ đã sống qua, khi tân tổng thống vẫn còn "amateur". Thực tế trầm trọng hơn nhiều. Dân túy của Trump đã thuyết phục được 90% các hạt của nước Mỹ, tăng tiến trong mọi tầng lớp xã hội.

Cột trụ vẫn là cử tri da trắng có học vấn thấp, nhưng đã có thêm nhiều người da đen và Mỹ la-tinh bỏ phiếu cho Trump. Tỉ lệ bầu cho ứng cử viên Cộng Hòa cũng tăng lên nơi thanh niên, người về hưu, người có bằng cấp, cư dân các thành phố lớn hay nông thôn, chỉ giảm nơi phụ nữ da trắng có học thức sống ở đô thị. Tại sao ? Đơn giản vì họ thấy phù hợp với các ưu tiên được Trump đề ra (bảo hộ kinh tế mạnh mẽ, cô lập về địa chính trị, trục xuất ồ ạt di dân), chứ không phải phía Dân Chủ (công lý, khí hậu, nữ quyền, kinh tế thị trường). Hoặc là cử tri của Trump không coi những cáo buộc về một chính khách dối trá và bị kết án là nghiêm túc, hoặc là họ ý thức được nhưng bất chấp.

Số phận Ukraine đi về đâu ?

Số phận Ukraine sẽ ra sao ? Đó là câu hỏi được các báo đặt ra. Le Figaro La Croix cho biết từ Kiev đến mặt trận miền đông, ai nấy đều lo lắng, Libération cho rằng Ukraine đang trong vòng nguy hiểm. Từ đầu cuộc xâm lăng, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Kiev đến 59,5 tỉ đô la. Trump có ngưng lại, hay đặt điều kiện Ukraine phải nhượng bộ nhiều hơn, nhất là lãnh thổ - điều mà Kiev không thể chấp nhận ?

Một sĩ quan ở Pokrov cho rằng trong chiến tranh phải có chiến lược cụ thể, với một đồng minh thất thường như Trump thì điều này là bất khả. Chính phủ Ukraine đã cố gắng đứng ra xa cuộc bầu cử Mỹ, rút kinh nghiệm trước đây - thời tổng thống Poroshenko đã ủng hộ bà Clinton và sau đó bị Donald Trump trả đũa. Tổng thống Zelensky là một trong những người đầu tiên chúc mừng ông Trump ngay trước khi có kết quả chính thức, đồng thời hoan nghênh ý định "hướng đến hòa bình bằng sức mạnh".

Tại Quốc hội, các đảng cố hy vọng tiếp tục làm việc được với Trump. Một nhà báo nói, Trump thích chiến thắng, nên phải cố thuyết phục rằng Ukraine sẽ là một trong những chiến thắng của ông. Ba năm chiến đấu, người Ukraine mệt mỏi trước thái độ quá thận trọng của chính quyền Biden vốn luôn sợ Nga sụp đổ. Kiev biết rằng cần phải nỗ lực gấp đôi để thuyết phục Châu Âu lấp chỗ trống của viện trợ Mỹ. La Croix dẫn lời một sĩ quan dự bị than phiền Châu Âu có ba năm để tái vũ trang và gia tăng sản xuất đạn dược trong khi Ukraine chiến đấu ngoài mặt trận, nhưng đã chẳng làm gì nhiều, chỉ trông cậy vào chiến thắng của Joe Biden. Putin sẽ tranh thủ để tạo ra trật tự an ninh mới tại châu lục.

Trung Quốc tái ngộ kẻ thù xưa

Về phía Trung Quốc đã chuẩn bị so găng với Donald Trump trong những trận đấu mới. Khi tranh cử, Donald Trump đã dọa áp thuế tối thiểu 60% lên tất cả hàng hóa made in China. Nhà nghiên cứu Lâm Hòa Lập (Willy Lam) của Jamestown Foundation nhận xét trên Le Figaro, Trump là tổng thống đầu tiên đã phá vỡ chính sách từ thời Nixon, nhưng Biden đã củng cố rất hiệu quả quan hệ với các đồng minh Châu Á. Tình hình Mỹ-Trung sẽ tiếp tục xấu đi. Dù Tập Cận Bình làm ra vẻ không quan tâm, nhưng tin Trump chiến thắng được đến 400 triệu lượt đọc chỉ trong vài giờ trên mạng Vi Bác (Weibo).

Bắc Kinh lo ngại một cuộc thương chiến lại diễn ra, và những trừng phạt mới đánh vào lãnh vực công nghệ, trong khi không thể chấp nhận mất đi dù chỉ một điểm tăng trưởng trong lúc kinh tế sa sút, không đạt nổi chỉ tiêu tăng 5% GDP trong năm nay. Les Echos nêu ra dấu hiệu lo lắng đầu tiên : thị trường chứng khoán Thượng Hải, Hồng Kông đều sụt giảm ngay sau khi Donald Trump đắc cử.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 31 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)